Hội thảo có sự hiện diện của TS Đào Trọng Tứ - Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN); PGS.TS Lê Anh Tuấn (Ban Hội đồng VRN); ông Đặng Ngọc Vinh – Giám đốc Trung tâm CEWAREC; Ông Thái Sơn, Phó Chủ tịch LHH Hà Tĩnh; ông Trần Văn Minh – Viện Quy hoạch thủy lợi, đồng tham dự còn có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về lĩnh vực sông ngòi.
Quang cảnh Hội thảo.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ với gần 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 109 sông chính, 126 con sông từ nước ngoài chảy vào, 76 con sông từ trong nước chảy ra nước ngoài và 4 con sông chảy vào sau đó chảy ra khỏi lãnh thổ.
Tuy nhiên tài nguyên nước Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức:
Phụ thuộc rất lớn nguồn nước từ các quốc gia thượng nguồn. Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả.
Tài nguyên nước phân bố không đều trong lãnh thổ đang dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung, cầu và có xu hướng gia tăng làm cho công tác điều phối, phân bổ nguồn nước cho các mục đích phát triển rất khó khăn.
TS Đào Trọng Tứ - Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN); PGS.TS Lê Anh Tuấn (Ban Hội đồng VRN).
Chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm và trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa thời gian qua đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm với mức độ cao, xu hướng ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nước sông để cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.
Ngoài ra, một trong những thách thức mà tài nguyên nước Việt Nam đang phải đối mặt đó là sức ép về dân số và chất lượng cuộc sống tiếp tục gia tăng trong những thập kỷ tới. Sự gia tăng dân số và yêu cầu chất lượng cuộc sống sẽ cần nhiều nước hơn cho phát triển sản xuất và dân sinh. Đây được coi là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia.
Các chuyên gia trao đổi.
Biến đổi khí hậu kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão lũ mưa lớn, hạn hán, xâm nhập mặn, lượng mưa phân bố không đều hàng năm, mùa khô kéo dài và mùa mưa lượng mưa tăng đột ngột, xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét thay đổi lưu lượng dòng chảy gây áp lực lên hệ thống thủy lợi mực nước biển dâng cao hạn chế diện tích canh tác.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Cán bộ điều phối Ban thư ký Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VNR) đã có báo cáo kết quả thực hiện của VNR. Trong đó, trong năm 2020 VNR đã thực hiện được 4 chiến lược chủ chốt, bao gồm: Diễn đàn đa chiều chia sẻ, tiếp nhận thông tin, kiến thức, kinh nghiệm; Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực để thúc đẩy sự tham gia trực tiếp vào việc bảo vệ, quản lý tài nguyên nước và hệ thống sông ngòi; Mở rộng và tăng cường liên kết, hợp tác với các bên liên quan, người quan tâm; Thực hiện vai trò giám sát, phản biện độc lập và vận động chính sách. Đồng thời rút ra được nhiều bài học lớn như: Duy trì đươc các hoạt động mục tiêu chính: Đa dạng hơn các hình thức truyền thông tạo sự thu hút quan tâm – livestream, facebook, lồng ghép vào các chương tình của tổ chức mạng lưới khác (VACI, VUSTA, Cục QL TNNN,…); Các chủ đề thực hiện đã tiếp cận được /phù hợp với các thách thức hiện nay nên nhận được sự quan tâm chung ví dụ như vấn đề an ninh nguồn nước và tăng được sự tham gia của các nhóm cộng đồng qua sự đa dạng các hình thức tiếp cận có sự tham gia: nghiên cứu, đồng quản lý, câu lạc bộ, phát triển sinh kế dựa trên hệ sinh thái, Giám sát sông; Tiếp tục nhận được sự quan tâm dù chưa mạnh mẽ. Đánh giá và nhận được phản hồi của thành viên với Tờ tin, nhận được đăng ký thành viên với hơn 40 người trong 2 năm vừa qua, nhận được cơ hội tham gia với các liên minh khác.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Cán bộ điều phối Ban thư ký Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VNR) đã có báo cáo kết quả thực hiện của VNR.
Nhận thấy được vai trò vô cùng quan trọng cũng như nhũng thách thức của Tài nguyên nước và sông ngòi Việt Nam cho yêu cầu phát triển bền vững kinh tế xã hội đất nước. Tọa đàm với chủ đề: "Tài nguyên nước và sông ngòi trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam” đã thu hút được đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự với nhiều ý kiến trình bày và đóng góp để phát triển hoạt động của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam trong thời gian tới.
PV