Công nhân môi trường đô thị thu dọn vệ sinh trên đường Mỹ Đình. Ảnh: Thanh Hải
Hạn chế chia nhỏ các gói thầu
Theo đại diện Urenco, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải theo hình thức đấu thầu, việc xây dựng các tiêu chí đấu thầu phải đảm bảo với quy định hiện hành. Đơn cử, khối lượng rác theo phạm vi gói thầu phải phù hợp với quy hoạch phân luồng vận chuyển rác về các khu xử lý, phù hợp với công suất xử lý tại các khu xử lý theo quy hoạch số 609/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025. Trong đó, khối lượng vận chuyển rác theo phạm vi thực hiện gói thầu từ 500 – 1.000 tấn/ngày để tạo điều kiện tối đa thực hiện cơ giới hóa 100%.
Cùng với đó, đại diện Urenco đề xuất cơ quan chức năng phân tách các gói thầu trên địa bàn. Trong đó, 1 gói thầu liên quan đến 4 quận lõi gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa; 4 gói thầu liên các quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì; Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ; Long Biên, Gia Lâm; Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; 2 gói thầu liên các huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ; Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì, thị xã Sơn Tây; 1 gói thầu các tuyến đường do Sở Xây dựng quản lý gồm đường Đại lộ Thăng Long, Võ Nguyên Giáp và tuyến đường Vành đai 3 trên cao.
Đồng thời, xây dựng các gói thầu có giá trị từ 120 đến hơn 300 tỷ đồng/năm/gói thầu để thu hút được các nhà thầu lớn, chuyên nghiệp cũng như tạo điều kiện cho nhà thầu có cơ hội tham gia, tăng năng lực cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng thực hiện.
Bổ sung tiêu chí quản lý, phân loại rác tại nguồn
Đề xuất sửa đổi bất cập trong việc thực hiện các gói thầu VSMT, Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Thanh Trì Đào Đức Khánh cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét nâng thời gian thực hiện gói thầu lên 5 năm (hiện là 4 năm) để tạo điều kiện cho đơn vị trúng thầu ổn định trong điều hành, mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng VSMT theo hướng cơ giới hóa. Bởi, nếu nhà thầu đầu tư mới phương tiện, thiết bị sẽ không đủ thời gian thu hồi vốn và khấu hao do thời gian thực hiện thầu ngắn.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố được rất nhiều DN quan tâm đó là cơ chế thanh toán khối lượng phát sinh sau đấu thầu. Theo ông Ngô Bá Quang – Phó Giám đốc Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội cho biết, việc thanh toán kịp thời khối lượng phát sinh có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các DN, đời sống của người lao động. Do đó, để tránh đi vào "vết xe đổ” như công tác đấu thầu xử lý rác trong giai đoạn 2017 – 2020, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần xem xét lại phương pháp lập giá. Cụ thể, khi xác định dự toán gói thầu ngoài khối lượng các hạng mục công việc, đơn giá, cần đưa thêm cả chi phí dự phòng (bao gồm dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng).
Trong khi đó, đại diện Urenco cho rằng, cần phải đưa ra tiêu chí nhằm lựa chọn nhà thầu có năng lực quản lý chất thải rắn, đề xuất phương án sản xuất thúc đẩy phát triển bền vững. Quản lý chặt chất thải rắn phát sinh theo hướng coi rác là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp. Khuyến khích tái sử dụng, tăng cường khả năng tái chế tuân thủ các nghị định hướng dẫn của Chính phủ tại Điều 15, Nghị định 38/NĐ-TTG để đạt mục tiêu năm 2025 tất cả các đô thị loại 1 đều phải có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại rác.
(Còn nữa)
Đại diện Urenco cho rằng cần phải quy định, yêu cầu cụ thể về số lượng thùng rác đầu tư, lắp đặt để thay thế xe gom rác thay vì "cam kết đầu tư thùng rác” như hiện nay. Bên cạnh đó, số lượng thùng rác phải tương ứng với lượng rác phát sinh trên địa bàn.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Đào Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghiệp môi trường 9 cho biết, đơn vị này vừa có đơn gửi Tòa án Nhân dân quận Hà Đông khởi kiện Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân), nay là Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội do đơn vị này đã không thực hiện hợp đồng đã ký kết giữa hai đơn vị, mặc dù Urenco 9 đã nhiều lần có văn bản đốc thúc. "Hiện tại, Urenco 9 đã có đơn khởi kiện Công ty Minh Quân ra Tòa án Nhân dân quận Hà Đông để yêu cầu công ty này thực hiện việc thanh toán số tiền chậm trả theo biên bản xác nhận công nợ 662 triệu đồng và thực hiện thanh toán số tiền lãi của tiền chậm trả hơn 157 triệu đồng. Tổng số tiền Công ty Minh Quân phải trả cho Urenco 9 là hơn 819 triệu đồng” - ông Đào Thanh Tùng cho biết.
Theo Vân Nhi/ Kinh Tế & Đô Thị