Hệ thống do Công ty Cổ phần Công nghệ và phân tích chất lượng cao Hải Dương phối hợp với Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện.
PGS.TS Trịnh Trọng Chưởng, chủ nhiệm đề tài, chia sẻ tại buổi nghiệm thu.
Đây là sản phẩm nghiệm thu vào ngày 28/11/2020, một thành quả từ đề tài "Hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo, tích hợp hệ thống thu thập dữ liệu và giám sát thời gian thực chất lượng nước thải, khí thải ứng dụng cho khu công nghiệp và đô thị” thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm do Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ KH&CN) quản lý.
Câu chuyện bắt đầu từ quan sát của PGS. TS Trịnh Trọng Chưởng (trường Đại học Công nghiệp Hà Nội – lúc đó còn là tiến sĩ) vào năm 2015, khi nhận thấy công tác quan trắc và thu thập dữ liệu ở nước ta phần nhiều vẫn còn thực hiện theo phương thức thủ công, bao gồm: Lấy mẫu nước thải, khí thải tại nguồn phát theo định kỳ hoặc khi có phát sinh sự cố môi trường, sau đó chuyển mẫu về phòng thí nghiệm để phân tích. Do đó, ông đã tiến hành nghiên cứu cơ chế hoạt động của các trạm quan trắc với mong muốn tìm ra một phương thức giúp các cơ quan quản lý môi trường kiểm soát được dữ liệu quan trắc một cách chủ động, đồng thời đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn môi trường theo các quy định hiện hành.
Sau hai năm thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu do TS Trịnh Trọng Chưởng đứng đầu đã chế tạo thành công bộ thu thập, cảnh báo tự động dữ liệu quan trắc chất lượng nước thải, khí thải (phần cứng), phần mềm giám sát dữ liệu môi trường. Bộ thu thập dữ liệu và phần mềm giám sát này đã được lắp đặt và vận hành tại 23 địa điểm - ở các nhà máy xử lý nước thải, các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương và tỉnh Hà Nam.
Một trong những ưu điểm của phần mềm này đó là nó được xây dựng theo đúng quy trình hướng dẫn do Bộ TN&MT ban hành. Theo đó, Trung tâm Kiểm định sản phẩm Công nghệ Thông tin, thuộc Cục Công nghệ Thông tin và dữ liệu Tài nguyên Môi trường (Bộ TN&MT) xác nhận Kiểm thử về chất lượng.
Tại buổi nghiệm thu tại Công ty Cổ phần Công nghệ và phân tích chất lượng cao Hải Dương, các chuyên gia thẩm định đều nhận xét, tuy đây không phải là một sản phẩm mới nhưng ưu điểm lớn nhất của nó là đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua việc Công ty đã thương mại hóa thành công sản phẩm, có rất nhiều đơn vị đã liên hệ để ký hợp đồng. Và điều quan trọng nhất là dự án đã có được giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Màn hình quản lý trạm quan trắc.
PGS.TS Trịnh Trọng Chưởng cho biết, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục nâng cấp, cập nhật nhằm nâng cao tính năng, hiệu quả, tính ổn định, độ chính xác của hệ thống, đồng thời tối ưu hóa quy trình sản xuất, thiết kế và chế tạo để giảm giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. "Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết triệt để hơn nữa ảnh hưởng của nhiễu điện từ, tăng tính bảo mật, mở rộng số lượng kênh đo, thực hiện bài toán tự hiệu chuẩn thiết bị tại hiện trường”, ông cho biết. Ngoài ra, vấn đề tích hợp bàn phím trên datalogger cũng sẽ được giải quyết, nhằm thu gọn hơn nữa kích thước sản phẩm.
Theo Anh Thư/ Khoa Học & Phát Triển