Ngành chức năng tăng cường các biện pháp giám sát hoạt động khai thác khoáng sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: TRẦN HỮU
Đầu tư trạm xử lý nước thải
Ngoài bố trí nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực BVMT, Quảng Nam còn cụ thể hóa bằng các chương trình hành động. Gần đây nhất là Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 09, ngày 27.12.2016 về quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025.
Nỗi lo lắng dai dẳng của tỉnh trong thời gian dài chính là ô nhiễm ở các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) do "trắng” hệ thống thu gom nước thải tập trung.
Tuy nhiên, báo cáo của Sở Tài nguyên – môi trường cho thấy, đến nay trong số 7 KCN đã đi vào vận hành thì có 6 KCN đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn Việt Nam.
Đó là các KCN Điện Nam – Điện Ngọc, Tam Hiệp, Tam Thăng, Bắc Chu Lai, Đông Quế Sơn, Cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải. Đáng chú ý, TP.Tam Kỳ và TP.Hội An đã đầu tư công trình trạm xử lý nước thải tập trung.
Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Trần Thanh Hà cho biết, không để xảy ra tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng”, hiện nay ngành đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung thuộc vùng đông, khu vực ven biển phía bắc thị xã Điện Bàn, đô thị Chu Lai (Núi Thành). Ngoài ra, xây dựng thêm các trạm xử lý nước thải cục bộ có quy mô công suất 400 – 500m3/ngày đêm để thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị mới, tại các dự án công trình nhà ở tập trung theo quy quy hoạch phát triển đô thị.
Từ việc người dân chặn xe chuyên dụng của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam vào khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 (Núi Thành), các cấp chính quyền đã siết chặt quản lý về quy trình thu gom, tập kết, vận chuyển và xử lý rác thải.
Theo Chi cục BVMT, thời điểm này khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý ước đạt hơn 72%. Điểm sáng là khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực khi triển khai đề án quản lý chất thải rắn.
Đến nay, toàn tỉnh có 180 xã trong tổng số 1.836 xã, thị trấn nằm trong lộ trình kế hoạch thực hiện đề án đã xử lý rác thải, đạt tỷ lệ hơn 98,3%. Chính đề án đã thúc đẩy cho các xã hoàn thành tiêu chí thứ 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại cũng được quan tâm thỏa đáng. Theo đó, hiện nay đã xử lý hơn 4.314 tấn chất thải nguy hại (đạt gần 73%), trong đó xử lý chất thải y tế nguy hại đạt 92%.
Quan trắc, giám sát tự động
Sở Tài nguyên – môi trường xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 là tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình quan trắc môi trường hàng năm; theo dõi giám sát việc xả thải đối với các cơ sở phát sinh nguồn thải lớn thông qua hệ thống quan trắc, giám sát tự động online; xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BVMT.
Từ năm 2020, đối với khu đô thị, khu dân cư đã đi vào hoạt động sẽ được đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải và nước mưa riêng biệt.
"Sở tăng cường thẩm định phê duyệt các hồ sơ về môi trường; kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về BVMT đối với các cơ sở đã được phê duyệt hồ sơ môi trường. Đối với dự án đi vào hoạt động phải kiểm tra nghiêm ngặt, xác nhận hoàn thành các công trình biện pháp BVMT” – ông Hà lưu ý.
Theo Thanh tra Sở Tài nguyên – môi trường, trong 2 năm (2018 – 2019), đơn vị lập thủ tục xử lý và tham mưu UBND tỉnh xử lý đối với 13 doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực BVMT với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng; đồng thời yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức vi phạm chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, lập tức khắc phục hậu quả, hoàn thổ môi trường.
Với các vụ việc gây ô nhiễm dai dẳng, lãnh đạo chính quyền tỉnh, huyện chủ động chủ trì đối thoại trực tiếp, dứt khoát đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm nhiều lần.
Đơn cử, cơ sở sản xuất bột tẩm liệm của Công ty TNHH MTV Tổng hợp, dịch vụ Thiện Nhân tại xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) trước đây gây ô nhiễm nghiêm trọng hiện đã dời đến vị trí mới xa khu dân cư.
Hoặc, sự cố tràn dầu tại nhà máy cồn Ethanol Đại Tân, khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 cũng được giải quyết, tạo sự đồng thuận cao của người dân. Ngoài tập trung quan trắc, giám sát tự động, ngành tài nguyên – môi trường sẽ theo dõi, giám sát quá trình thực hiện công tác BVMT tại các khu xử lý rác thải hiện có và theo quy hoạch.
Theo Trần Hữu/ Báo Quảng Nam