Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/12/2020 | 2:37:43 PM

QLMT - Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 84-KH/TU ngày 11/5/2009 về việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về "Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" và Kế hoạch số 91-KH/TU ngày 19/6/2009 về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X.


Tây Ninh đảm bảo các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hướng dẫn các huyện ủy, thành uỷ và các đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ quán triệt và triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động tổ chức thực hiện Chỉ thị 29 về thực hiện Nghị quyết 41 "Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường. Các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường quản lý và thực thi pháp luật về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường gắn với các sự kiện, ngày kỷ niệm, như: Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và vệ sinh Môi trường (29/4 - 6/5), Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn (20/9), Ngày Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Đất ngập nước…

Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường luôn gắn với tuyên truyền các cuộc vận động của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường được thể hiện cụ thể trong bảng điểm xét công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa”, "Ấp (khu phố) văn hóa”. Các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực.

Các cơ quan chức năng đã thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về nước sạch trong trường học, trạm xá và cộng đồng dân cư; hỗ trợ xây dựng hố xí hợp vệ sinh và đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, người làm nông nghiệp được hướng dẫn sử dụng hoá chất hợp lý trên đồng ruộng theo nguyên tắc "4 đúng”; gom và xử lý bao bì của hoá chất đúng quy định; kiểm soát việc sử dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học dùng trong nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản; hạn chế sử dụng các loại phân và thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng hoá chất cao trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế (túi ny lông) thân thiện với môi trường. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xử lý chất thải bằng phương pháp, như: xây hầm biogas, xử lý bằng men sinh học, đệm lót sinh học nhằm tạo điều kiện cho các nông hộ vừa tiếp tục chăn nuôi trong khu dân cư, đảm bảo các chỉ tiêu môi trường; đồng thời, triển khai ký cam kết giữa các hộ dân với chính quyền cơ sở về đảm bảo môi trường.

Ngành văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, qua đó, kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chủ trương, pháp luật, các thông tin về môi trường và phát triển bền vững cho mọi người. Do đó, chất lượng môi trường đã được chú trọng, nhiều dự án đầu tư cho môi trường được ưu tiên triển khai đã giúp cho môi trường trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, môi trường đô thị cũng như môi trường nông thôn có những bước cải thiện nhất định. Phong trào bảo vệ môi trường trong nhân dân phát triển tích cực, nhiều mô hình, cách làm bảo vệ môi trường đã được thực hiện có hiệu quả ở cơ sở.

Cùng với đó, các cấp uỷ, chính quyền thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về môi trường theo quy định của pháp luật. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ - TTg, ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 và kiểm soát môi trường các khu vực tập trung dễ gây ô nhiễm môi trường.

XÃ HỘI HÓA ĐẦU TƯ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Ngân sách chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường được tỉnh Tây Ninh quan tâm phân bổ đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ chuyên môn và các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo trên 1% tổng chi ngân sách tỉnh. Tổng chi ngân sách sự nghiệp môi trường giai đoạn 2012 - 2018 là 432 tỷ đồng; trong đó, cấp tỉnh 225 tỷ đồng, cấp huyện 207 tỷ đồng.

Chú trọng đến công tác xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tỉnh đã huy động các nguồn lực tham gia vào công tác bảo vệ môi trường; kêu gọi đầu tư các dự án về thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Đồng thời, quan tâm thực hiện các cơ chế hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với các hoạt động bảo vệ môi trường; có chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất phải xử lý ô nhiễm môi trường và đã thành lập Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh; triển khai thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án vào công tác quản lý, xử lý chất thải, ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường đạt hiệu quả cao

Các doanh nghiệp, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quần chúng nhân dân nâng cao trách nhiệm trong chung tay bảo vệ môi trường. Trong các khu dân cư đã xác lập được các chuẩn mực, quy ước, cam kết, các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường... Cùng với đó, chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra và tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản, các làng nghề, lưu vực sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông; đầu tư xử lý nước thải, nhất là nước thải chứa kim loại nặng, nước thải y tế, nước thải công nghiệp, nước thải chế biến khoai mì, cao su, chế biến thuỷ sản, nước thải sinh hoạt đô thị đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp kinh tế; ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện. Đối với nước thải công nghiệp, từ năm 2005, tỉnh đã tiến hành thẩm định và ra thông báo thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho hơn 100 cơ sở sản xuất có lượng nước thải lớn, gồm các ngành chế biến mủ cao su, tinh bột mì, mía đường, khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời, triển khai thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn theo quy định tại Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh.

CHÚ TRỌNG CHƯƠNG TRÌNH NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH NÔNG THÔN

Tỉnh đã triển khai thực hiện Quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Quy hoạch tổng thể cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, luôn quan tâm đến vấn đề nước sạch, đưa vào chỉ tiêu phấn đấu trong nghị quyết của Đảng bộ. Bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cùng với ngân sách tỉnh, tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung tại các xã nông thôn, biên giới; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng nước sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Kết quả, 98,69% hộ dân ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt so với Nghị quyết đề ra.

Các cơ quan chức năng đã: 1) Thường xuyên rà soát lại quy hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện ở địa phương. 2) Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các hộ dân phát triển chăn nuôi trang trại đầu tư công nghệ mới, tiên tiến về xử lý chất thải. 3) Quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư; xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, trang trại không đảm bảo các giải pháp xử lý môi trường... và các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cũng được nâng cấp, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ thường xuyên.

Các cấp uỷ, chính quyền đã: 1) Quan tâm chú trọng đầu tư xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo ra môi trường làm việc, sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân. 2) Đầu tư, lắp đặt các dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao tại các công viên để phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân. 3) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hoả táng, không chôn cất người chết gần khu dân cư, tập trung vào các nghĩa trang, nghĩa địa và được người dân thực hiện. Đến nay, đã hạn chế thấp nhất tình trạng chôn cất người chết trong đất thổ cư, gần khu dân cư; việc rải vàng mã theo đường đưa tang đã giảm đáng kể.

Tỉnh đã phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên (IER) - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu thủy lợi và tài nguyên nước Leichtweiss (Leichtweiß-Institute for Hydraulic Engineering and Water Resources  - LWI) - Đại học Kỹ thuật Braunschweig, Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện Dự án nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế "Xử lý nước thải công nghiệp chế biến tinh bột khoai mì và quản lý tổng hợp ô nhiễm nước trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam”; tổ chức Hội thảo "Giới thiệu công nghệ xử lý nước, tái sử dụng nước thải và quan trắc tự động” với sự tham gia của Công ty Cổ phần HR&E thuộc tập đoàn M Group Holding (Thái lan).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Công tác thông tin tuyên truyền về bảo vệ môi trường có lúc, có nơi thiếu thường xuyên, chưa tạo được tính tự giác, thói quen, ý thức chấp hành và giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa cao, còn tình trạng chôn lấp rác thải độc hại, lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tình trạng gây ô nhiễm môi trường cục bộ do sự cố từ một số công trình xử lý nước thải còn xảy ra ở một số nơi.

Việc thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt trong khu dân cư chưa được thực hiện rộng rãi đến các xã; một số huyện chưa xây dựng sơ đồ về tuyến thu gom, vận chuyển rác của các tổ chức, cá nhân; chưa thành lập được tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường để tuyên truyền, vận động nhắc nhở hộ gia đình thực hiện; các phương tiện vận chuyển rác chưa thật sự đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển rác. Việc xử lý chất thải của một số cơ sở y tế chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; quản lý, phân loại và tiêu hủy rác thải y tế chưa triệt để, hiệu quả còn thấp...

Để nâng cao chát lượng công tác bảo vệ mội trường, trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, giải pháp theo Nghị quyết số 41- NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 8/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2020; tăng cường năng lực quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát theo quy định của Luật Đa dạng sinh học và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Hai là, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức thích hợp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường và chú trọng vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bảo vệ môi trường. Các trường học thực hiện nội dung giáo dục môi trường theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, đưa vào chương trình giảng dạy ngay từ bậc học mầm non.

Ba là, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tập trung đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ quản lý môi trường các cấp; tăng cường công tác đào tạo cán bộ trong và ngoài nước, có chính sách thu hút bồi dưỡng nhân tài, nhất là cán bộ có chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy hoạch cảnh quan môi trường đô thị... Tăng cường nhân lực, phương tiện nhằm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm soát; quy định và áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đầu tư máy móc, trang thiết bị để phục vụ cho việc quản lý và giám sát công tác môi trường của tỉnh; xây dựng mô hình - ứng dụng thí điểm các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm khu công nghiệp.

Bốn là, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ vào nghiên cứu các đề tài khoa học và công nghệ để làm luận cứ khoa học chung về công tác bảo vệ môi trường của tỉnh. Thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ mới về bảo vệ môi trường, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học, đưa ra các sáng kiến đem lại hiệu quả kinh tế cao thuộc lĩnh vực xử lý môi trường.

Năm là, quy hoạch môi trường đô thị và công nghiệp gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị, ưu tiên những khu vực đô thị phát triển nhanh, với xây dựng quy chế quản lý môi trường đô thị và khu công nghiệp. Huy động tốt các nguồn lực đầu tư cho công tác nghiên cứu các biện pháp xử lý nước thải, rác thải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đồng thời, công bố rộng rãi các thông tin nghiên cứu, nhân rộng các mô hình tiên tiến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng ở các đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái…

Sáu là, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn. Đồng thời, khai thác tối đa các nguồn đầu tư từ xã hội cho công tác bảo vệ môi trường. Phát hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chú trọng bảo vệ môi trường các làng nghề bằng biện pháp cải tiến công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc quy hoạch các khu làng nghề với hệ thống kết cấu hạ tầng đạt tiêu chuẩn môi trường.

Bảy là, đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường. Đề cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện truyền thông trong bảo vệ môi trường gắn với tăng cường giám sát, đưa bảo vệ môi trường vào nội dung hoạt động của các khu dân cư trong cộng đồng, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng. Áp dụng các chế tài cụ thể, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân thải chất gây ô nhiễm ra môi trường, đặc biệt tại nội thị, khu dân cư. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ môi trường để thu gom xử lý các loại chất thải.

Tám là, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và quản lý các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường của tỉnh theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tranh thủ tối đa các nguồn tài chính của Trung ương thông qua các chương trình, dự án ưu tiên về bảo vệ môi trường thực hiện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, bãi xử lý rác. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường, nhất là với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia, các tổ chức và các diễn đàn quốc tế để bảo vệ nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông. Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh; đồng thời, khai thác có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của quốc tế vào công tác bảo vệ môi trường./.


Theo Trịnh Văn Phước
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh/ Tuyên Giáo

Tags Tây Ninh bảo vệ môi trường công nghiệp hoá hiện đại hoá

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục