Quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/12/2020 | 10:24:42 AM

QLMT - Cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa và đô thị hóa, nhiều loại chất thải khác nhau có xu hướng gia tăng, nhất là từ các hoạt động sản xuất công nghiệp. Giải quyết vấn đề này, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, qua đó, gắn phát triển kinh tế, xã hội với công tác bảo vệ môi trường.

Nỗ lực trong quản lý, xử lý

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 863,2 tấn/ngày chủ yếu tập trung từ hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó, lượng rác không nguy hại phát sinh khoảng 646 tấn/ngày. Hiện nay, các đơn vị, cơ sở sản xuất thường tự phân loại ngay tại nguồn để phục vụ nhu cầu tái chế, tái sử dụng lại, phần chất thải rắn công nghiệp nguy hại được hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý. Tỷ lệ thu gom rác thải không nguy hại 85-90%, tương đương 549-581 tấn/ngày và xử lý khoảng 382-405 tấn/ngày.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo quản lý chất thải nguy hại của các chủ nguồn thải, các chủ xử lý (cơ sở hành nghề xử lý chất thải nguy hại) báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh trên địa bàn thành phố có tỷ lệ gia tăng trung bình khoảng 20%/năm. Lượng chất thải nguy hại công nghiệp trung bình trong giai đoạn 2015-2018 phát sinh khoảng 217,2 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thống kê được khoảng 99% (tương đương với 215 tấn/ngày), còn lại một số cơ sở do lượng chất thải phát sinh quá ít hiện được lưu giữ tạm thời tại cơ sở. Liên quan đến chất thải rắn y tế, theo số liệu thống kê, mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 27,52 tấn/ngày, trong đó, chất thải rắn nguy hại khoảng 8,448 tấn/ngày và chất thải rắn thông thường khoảng 19,072 tấn/ngày.

Nhìn chung, công tác quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp của thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Kết quả điều tra cho thấy, hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động đều có trạm xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp thứ phát trong khu công nghiệp đều tiến hành xử lý nước thải sơ bộ, sau đó được thu gom vào trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp để xử lý đạt Quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Còn đối với 43 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, đã có 26 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung. Về khí thải, các doanh nghiệp phát sinh khí thải đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Việc huy động các nguồn lực quản lý, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, khai thác khoáng sản và cải thiện, phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm cũng được đẩy mạnh. Hiện nay, các dự án đầu tư các nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm của thành phố đang được đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng như: Nhà máy điện rác tại khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) công suất 4.000 tấn/ngày đêm; khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké (huyện Chương Mỹ) công suất dự kiến 1.500 tấn/ngày đêm; 2 nhà máy xử lý chất thải rắn chuyển thành năng lượng ở khu xử lý rác thải Xuân Sơn, tổng công suất 1.500 tấn/ngày đêm...

Ngăn ngừa ô nhiễm

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết: Để hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, UBND thành phố giao các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành tăng cường kiểm soát công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và y tế nhằm ngăn ngừa ô nhiễm theo đúng quy định. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất thải y tế và chất thải nguy hại, ngày 22/5/2018, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2471/QĐ-UBND phê duyệt dự toán kinh phí điều tra, khảo sát, xây dựng và triển khai Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đáng chú ý, UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND, ngày 20/3/2019, phê duyệt Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng với các đơn vị có liên quan lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Song hành với các nội dung trên, thành phố ban hành cơ chế, chính sách, chỉ đạo nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước về ô nhiễm môi trường công nghiệp. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ thực tế cho thấy, một số cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ trước đây có xảy ra tình trạng chất thải nguy hại không được phân loại, quản lý theo đúng quy định, nhất là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Sau khi cơ quan chức năng chấn chỉnh và được hướng dẫn đã được khắc phục và cải thiện đáng kể. Đáng nói, việc tích cực tổ chức các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường cũng góp phần đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường công nghiệp…

Ông Lê Tuấn Định cho biết, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý lý ô nhiễm môi trường công nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về môi trường, quan trắc đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến mức độ ô nhiễm, từ đó, đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xả thải của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt, công tác quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp sẽ đạt được nhiều kết quả cao, hướng tới phát triển bền vững giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô./.

Quốc Bảo/hanoi.gov.vn

Tags công nghiệp ô nhiễm Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục