Gỡ nút thắt trong xử lý môi trường nông thôn

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/11/2020 | 2:23:32 PM

QLMT - Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, các địa phương trong tỉnh Hải Dương đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải ở khu vực nông thôn.


Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và huyện, xã Quang Phục (Tứ Kỳ) đã xây dựng được 3 bãi rác thải tập trung
 
Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh và cấp huyện trong hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi rác, môi trường khu vực nông thôn ở nhiều nơi trong tỉnh đã được cải thiện đáng kể.

Huy động các nguồn lực đầu tư

Trước thực trạng nhiều xã ở khu vực nông thôn không có bãi chôn lấp rác thải tập trung hoặc chôn lấp, xử lý không đúng kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường cục bộ, năm 2016, UBND tỉnh ban hành Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. 

Với những chính sách, giải pháp cụ thể, đề án đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần giải quyết vấn nạn rác thải nông thôn cho nhiều địa phương. Sau 5 năm thực hiện, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 166xã xây 201 bãi rác, mức hỗ trợ 500 triệu đồng/bãi rác. Theo đánh giá của ngành chức năng, các bãi rác được xây đúng kỹ thuật, diện tích tối thiểu từ 1.000 m2 trở lên, đào sâu từ 2 - 3 m, trải bạt bên dưới, xung quanh đắp bờ và trồng cây xanh, có ống thoát khí, cách khu dân cư tối thiểu 500 m. Trong quá trình sử dụng, các địa phương còn có thêm các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ bãi rác như san gạt, trồng cây xanh lên khu vực đã chứa đầy rác, phun chế phẩm khử mùi, côn trùng...

Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, cấp huyện cũng đã tích cực huy động kinh phí hỗ trợ các xã xây bãi chứa rác. Huyện Gia Lộc hiện có 58 bãi rác thải tập trung. Trong số này, bãi rác ở các xã Đức Xương, Đoàn Thượng, Hoàng Diệu, Yết Kiêu, Thống Nhất, Quang Minh, Đồng Quang, Gia Khánh được UBND huyện hỗ trợ kinh phí. Ông Lê Đình Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lộc cho biết: "Mặc dù còn khó khăn, nhưng huyện tìm mọi nguồn lực hỗ trợ các địa phương xây bãi rác. Nhờ đó, môi trường ở nhiều xã trong huyện đã được cải thiện đáng kể".

Người dân phấn khởi

Trong xử lý rác thải nông thôn, khó khăn nhất là xây bãi chứa rác thải tập trung. Ngoài việc tìm được vị trí xây dựng, diện tích phù hợp còn cần bảo đảm đúng kỹ thuật, có đường vào bãi rác. Ở một số xã, do đất công điền ít nên phải mua lại đất của người dân để bảo đảm diện tích dẫn đến chi phí xây dựng bãi rác lớn. Do đó, nếu để các xã tự xây dựng bãi rác thì nhiều nơi sẽ khó thực hiện được. Việc hỗ trợ của tỉnh và cấp huyện đã thực sự tháo gỡ những khó khăn cho nhiều địa phương trong xây dựng bãi chôn lấp rác thải.

Trước năm 2015, xã Quang Phục (Tứ Kỳ) chưa có bãi rác thải tập trung. Phần lớn người dân tự xử lý rác thải bằng việc chôn lấp trong vườn nhà, nhưng cũng có một bộ phận người dân thiếu ý thức lại đổ rác xuống kênh mương hoặc ra các khu vực công cộng, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng trên, xã Quang Phục đã tập trung đầu tư xây dựng 3 bãi rác, với quy mô từ 1.000 - 4.500 m3/bãi rác. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 2,5 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng xây bãi rác tại thôn An Phòng Giang, UBND huyện hỗ trợ 800 triệu đồng xây bãi rác thôn Bích Đồng. Ông Nguyễn Văn Thước, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Quang Phục chia sẻ: "Những năm qua, xã đã huy động nguồn kinh phí rất lớn xây dựng nông thôn mới nên ngân sách của xã gặp nhiều khó khăn. Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, của huyện thì địa phương vẫn có thể xây được bãi rác, nhưng không rộng và bảo đảm kỹ thuật". 

Từ khi có bãi rác thải tập trung, người dân xã Phương Hưng (trước khi sáp nhập về thị trấn Gia Lộc) rất phấn khởi bởi rác thải được thu gom và chôn lấp đúng quy định. Ông Nguyễn Văn Đức, một người dân ở địa phương cho biết: "Từ khi có bãi rác mới, chúng tôi thấy môi trường sạch sẽ hơn nhiều. Rác thải được thu gom, chôn lấp đúng quy định, không còn bừa bãi như trước". 

Có thể nói, những cơ chế, chính sách trong hỗ trợ xây bãi rác nông thôn của tỉnh và cấp huyện thời gian qua là kịp thời, hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng bãi rác nông thôn không còn phù hợp do nhiều vấn đề liên quan. Về lâu dài, tỉnh nên mở rộng hơn diện đối tượng được hỗ trợ để thu gom rác thải về nhà máy xử lý tập trung hoặc xây dựng lò đốt rác quy mô khu vực... nhằm tiếp tục giải quyết vấn đề rác thải nông thôn.


Theo Thanh Hà/Báo Hải Dương

Tags Hải Dương xử lý môi trường nông thôn xử lý rác thải bãi chôn lấp rác thải

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục