Buổi làm việc ngoài đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng-CECR còn có sự tham dự của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường TP. Đà Nẵng, Phòng TNMT các quận huyện, BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cùng một số đợn vị liên quan.
Đề án "Chung tay Hành động bảo vệ nguồn nước” do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng-CECR đề xuất thực hiện với thời gian từ tháng 08/2020- tháng 7/2023. Nguồn kinh phí thực hiện dựa trên nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ-USAID với số tiền là 1.500.000 USD (Một triệu năm trăm nghìn đô la Mỹ). Đề án được thực hiện tại 03 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Ninh Bình và Đà Nẵng với các hoạt động cụ thể dựa trên điều kiện và nhu cầu của địa phương.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại Đà Nẵng, Dự án sẽ tập trung vào hỗ trợ TP cải thiện chất lượng môi trường nước mặt tại địa phương đặc biệt là khu vực Âu thuyền Thọ Quang và khu vực lân cận. Theo đó, CECR đưa ra 5 nhóm hoạt động dự kiến thực hiện tại Đà Nẵng gồm: nhóm hoạt động ngăn ngừa ô nhiễm nước tại Âu thuyền Thọ Quang; Xây dựng mô hình khu dân cư phát triển bền vững; Thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn nước; Các sáng kiến DN sử dụng nước thông minh; Tài liệu hóa và kết nối mạng lưới cộng đồng, các DN, các tổ chức khoa học công nghệ.
Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với việc triển khai dự án, các đại biểu cho rằng đây là dự án rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống của người dân, bảo vệ nguồn nước và phát triển bền vững, tuy nhiên với điều kiện dự án phải triển khai thành công và thu được hiệu quả.
Theo đó, ông Lê Trung Minh Tân – Trưởng phòng TN&MT quận Thanh Khê cho rằng, trong 5 nhóm hoạt động mà dự án đưa ra chưa có phân cấp cụ thể cho từng cấp. Ông đề xuất trong 5 nhóm này cần nói rõ trách nhiệm và nội dung nào thuộc về cấp Trung ương, nội dung nào thuộc về cấp thành phố, nội dung nào thuộc về cấp quận huyện, xã phường. Như vậy khi đi vào chi tiết hoạt động mới áp dụng được vào thực tế ở từng địa phương cụ thể.
Còn ông Đinh Công Anh Tuân – Phó Trưởng phòng TN&MT quận Cẩm Lệ thì cho rằng, dự án nên có cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển. Rác thải từ các nguồn đều đổ ra biển, ở thượng nguồn người dân có nhận thức, thói quen và các hoạt động khác với người dân hạ nguồn. Như ô nhiễm nguồn nước sông Phú Lộc là do nguồn nước ở thượng nguồn các nơi đổ về chứ không phải do người dân quanh khu vực kênh Phú Lộc thải ra, chính vì vậy để ngăn ngừa, giải quyết ô nhiễm nguồn nước cần tiếp cận một cách toàn diện.
PGS. TS. Trần Văn Quang – Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Đà Nẵng rất đồng tình với dự án, trong đó nhóm hoạt động 4 các sáng kiến DN sử dụng nước thông minh, đây là tiêu chí mà ông cho rằng các DN rất sẵn sàng thực hiện. Các DN rất cần sáng kiến, công nghệ để tiết kiệm nước và tái sử dụng nguồn nước. Còn đối với nhóm hoạt động thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn nước ông đề nghị nên xem xét lại địa phương thí điểm mô hình cho phù hợp với thực tế địa phương.
Bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Đà Nẵng) nhận định đây là dự án rất cần thiết để tiến tới xây dựng Thành phố môi trường, thành phố sinh thái. Bà đề nghị các quận huyện cũng như các đơn vị liên quan hợp tác hỗ trợ cho Trung tâm CECR để dự án được triển khai một cách hiệu quả nhất.
Theo Phạm Yến/Báo TNMT