Nghề mộc ở xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ) phát sinh nhiều mùn cưa, nhưng hiện đã được doanh nghiệp thu mua, giúp giảm phế thải làng nghề. Ảnh: Mạnh Dũng
Những con số đáng báo động
Theo kết quả phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề (trong tổng số 1.350 làng nghề, làng có nghề của thành phố) giai đoạn 2017-2020 của Sở NN&PTNT Hà Nội, có tới 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 19,9%); tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%...
Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố cho thấy: Về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm; môi trường đất có 6 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định cho biết, chỉ một số ít làng nghề trong cụm công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn các làng nghề sản xuất trong khu dân cư đều xả thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, chất thải rắn tại một số làng nghề chưa được phân loại để tái sử dụng mà được vận chuyển về bãi rác. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng người dân làng nghề đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải, gây ô nhiễm môi trường…
Tạo chuyển biến căn bản
Xác định phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân phải đi đôi với bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, đề án, dự án, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để tạo chuyển biến căn bản về công tác bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn.
Riêng về vấn đề ô nhiễm làng nghề, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU mới đây đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải làng nghề tập trung; kiểm tra, rà soát, nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường cũ không đáp ứng yêu cầu; lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi về chất lượng môi trường tại các cụm công nghiệp; đưa công nghệ mới vào xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề...
"Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU đã giao Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đối với làng nghề để giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn sản xuất. Kết quả triển khai là cơ sở để Hà Nội thực hiện mục tiêu cải thiện ô nhiễm môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025” - ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy cho biết.
Trên thực tế, mỗi làng nghề đều có cách "giải bài toán” ô nhiễm môi trường riêng, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ Lê Anh Chiến thông tin, huyện đã "khâu nối” các doanh nghiệp và hộ sản xuất tại các làng nghề để thu gom rác thải theo hướng "hai bên cùng có lợi”. Cụ thể, doanh nghiệp đã thu mua mùn cưa tại xã có nghề mộc như: Hát Môn, Long Xuyên; thu mua vải vụn tại làng nghề may xã Tam Hiệp... nên hạn chế được tình trạng người dân đốt, đổ trộm phế thải nơi công cộng... Với làng nghề thu mua đồng nát xã Võng Xuyên, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân không mua, bán, vứt phế liệu ra môi trường.
Dưới góc độ một doanh nghiệp có nhà máy hoạt động tại làng nghề, Giám đốc Công ty TNHH Tre Việt, xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai) Nguyễn Văn Cương cho rằng: "Bản thân người dân và doanh nghiệp rất khó tự xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, xuất phát từ đặc thù hoạt động sản xuất tại các làng nghề đa phần là của các doanh nghiệp nhỏ, phân tán trong khu dân cư. Do đó, tôi mong muốn huyện Thanh Oai và thành phố hỗ trợ về mặt bằng sản xuất và công nghệ mới, để bảo đảm vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa góp phần bảo vệ môi trường”.
Với quyết tâm cao của thành phố cùng những giải pháp căn cơ, đặc biệt là định hướng cải thiện ô nhiễm môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương; sự chung sức của người dân, các doanh nghiệp, tin chắc rằng, Hà Nội sẽ tạo được bước chuyển mới trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm làng nghề.
Theo Nguyễn Mai/Báo Hà Nội Mới