Đà Nẵng cần làm gì để xây dựng thành phố môi trường?

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/10/2020 | 9:29:00 AM

QLMT - Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đà Nẵng lần thứ XXII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, TP sẽ triển khai thực hiện đề án xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2020-2025.

Trong dự thảo báo cáo chính trị trình bày tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII diễn ra vào sáng 21-10, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, TP Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện đề án xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2020-2025. Đây là chính sách đột phá trong xây dựng và phát triển đô thị giai đoạn mới mà Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng được. Vậy, Đà Nẵng cần phải làm gì để thực hiện có hiệu quả đề án? Phóng viên Môi trường và Đô thị Điện tử Việt Nam đã có trao đổi nhanh với các chuyên gia về vấn đề này.

Không thải nước sinh hoạt ra bãi biển

Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường: Để thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng TP môi trường, TP Đà Nẵng cần chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường. Cụ thể là thúc đẩy phát triển kinh tế xanh lam, trọng tâm là du lịch biển. Phát triển kinh tế dựa trên bảo tồn, khai thác bền vững hệ sinh thái biển. Phát triển nhanh công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động gây hại đến môi trường trong từng vùng; đặc biệt chú trọng đến các vùng bảo vệ nghiêm ngặt (Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Bà Nà – Núi Chúa) và vùng hạn chế phát triển. Chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với khu dân cư. Chủ động phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường, đặc biệt là đối với sự cố môi trường biển và hải đảo. Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thúc đẩy tái chế, xử lý đồng bộ sau khi phân loại; xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa chôn láp. Xử lý 100% nước thải, tách nước mưa, nước thải, đảm bảo không thải nước sinh hoạt ra bãi biển Mỹ Khê và Mỹ An; xử lý ô nhiễm nước thải công nghiệp tại Âu thuyền Thọ Quang… Cải tạo, phục hồi các ao, hồ, kênh mương như: Phần Lăng, Đa Kô, Khe Cạn; khôi phục lại các đoạn kênh, sông đã bị ô nhiễm như sông Phú Lộc. Duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Tăng cường liên kết vùng, địa phương trong xử lý chất thải rắn và khai thác tài nguyên nước.


Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường

Ông Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường, cho biết: Đà Nẵng cần bảo vệ môi trường, hướng tới thành phố sinh thái nhằm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Cần kết hợp hài hòa giữa yếu tố môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, người dân có ý thức tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng và hình thành lối sống văn minh. Việc xây dựng TP môi trường phải được tiến hành trên cơ sở hệ thống chính sách, pháp luật thống nhất của nhà nước, có tính kế thừa và được sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của UBND TP Đà Nẵng, UBND các quận, huyện; phải lồng ghép các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Lấy phòng ngừa làm chủ đạo, kết hợp kiểm soát, khắc phục, cải thiện môi trường; hướng đến xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; kiên quyết loại bỏ những dự án gây mô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đồng thời mở rộng đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế nhưng có lựa chọn trọng điểm nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và tiếp thu công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của TP Đà Nẵng.


Ông Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường.

Thực hiện chính sách môi trường quyết liệt và có cách tân

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng: Để thực hiện có hiệu quả đề án này, TP Đà Nẵng nên ưu tiên chọn thực hiện các chương trình, dự án có thể đo lường được kết quả, hiệu quả, tác động. Các chương trình, dự án mang tính hình thức có thể xem xét, giảm bớt. Cần thực hiện các chính sách môi trường quyết liệt và có cách tân. Đơn cử, 2 thành phố San Francisco và California của Mỹ là nơi tiên phong cấm chai nước bằng nhựa. Amsterdam (Hà Lan) là TP của những chiếc xe đạp. Curitiba (Brazil) là thành phố tận dụng sức mạnh tái chế... Cần tích hợp những mái nhà xanh và cơ sở hạ tầng đô thị, có chính sách khuyến khích và bắt buộc đối với một số loại hình công trình đặc biệt. Đề xuất sáng kiến thành phố trồng mới 100.000 cây xanh vào cuối năm 2025, phát triển các công cụ và chiến lược để đánh giá, thực hiện tốt hơn các thực hành xây dựng xanh ở Đà Nẵng.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

ĐINH NGA

Tags Đà Nẵng thành phố môi trường thành phố xanh

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục