Tiêu chuẩn hóa: Công cụ cho mục tiêu kép phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ bảy, 17/10/2020 | 10:32:11 AM

QLMT - Trả lời phỏng vấn nhân Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10, TS Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN - cho biết, 750 tiêu chuẩn quốc gia hướng tới tăng trưởng xanh đang tạo cơ sở cho các doanh nghiệp trong nước chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất và kinh doanh.


TS Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN. Ảnh: MH

Phóng viên: Được biết, Ngày Tiêu chuẩn Thế giới ở Việt Nam năm nay có chủ đề "Tiêu chuẩn thúc đẩy tăng trưởng xanh”. Ông có thể giới thiệu về ý nghĩa và mục đích của sự kiện này?

TS Nguyễn Hoàng Linh: Với chủ đề "Tiêu chuẩn thúc đẩy tăng trưởng xanh”, chúng tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa của các tiêu chuẩn trong việc vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Như chúng ta đã biết, khi nền kinh tế quá tập trung vào tăng trưởng sẽ dẫn đến những hệ quả nhất định về môi trường. Với sự ra đời và song hành của các tiêu chuẩn, đặc biệt là những tiêu chuẩn "xanh”, các doanh nghiệp có thể có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên - nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính...

Xây dựng tiêu chuẩn là một công việc hệ trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia nhưng còn ít người còn biết đến nó. Bởi vậy, Ngày Tiêu chuẩn Thế giới là dịp quan trọng để nhìn lại những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam, đồng thời vinh danh và tri ân các chuyên gia, nhà khoa học, ban kỹ thuật quốc gia, doanh nghiệp đã chung tay với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 14/10 hằng năm được ba tổ chức tiêu chuẩn hóa hàng đầu là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chọn là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới.

Những kết quả đạt được trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa trong thời gian vừa qua cụ thể là gì, thưa ông?

TS Nguyễn Hoàng LinhTôi có thể tự hào nói rằng, đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã bao phủ gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội: từ các tiêu chuẩn cho sản phẩm hàng hóa cụ thể; các tiêu chuẩn liên quan đến quá trình sản xuất; các tiêu chuẩn cho quá trình canh tác, trồng trọt; các tiêu chuẩn cho các sản phẩm hữu cơ; đến các nhóm tiêu chuẩn phục vụ cho việc thúc đẩy, xây dựng các đô thị thông minh…

Tính đến thời điểm này, đã có tổng cộng gần 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng. Trong đó, tỉ lệ hài hòa của tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam so với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là gần 60%, theo đúng mục tiêu và tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Đặc biệt, trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn "xanh” có đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất sẽ bị "đội” lên không, thưa ông?

TS Nguyễn Hoàng LinhViệc áp dụng tiêu chuẩn bao giờ cũng đòi hỏi mất thêm chi phí để hiểu tiêu chuẩn đó rồi truyền đạt thông tin và áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, chi phí đó sẽ tạo ra giá trị gì cho doanh nghiệp về lâu dài mới là điều quan trọng.

Ở Việt Nam có thể chúng ta chưa nhìn nhận rõ giá trị này, nhưng ở các nước phát triển, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Bởi vậy, một công ty luôn có ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng các nguyên liệu tái tạo, hoặc giảm thiểu các chất thải tạo ra khí nhà kính,... chắc chắn sẽ có hình ảnh tốt hơn một công ty có sản phẩm chất lượng tương tự nhưng đi đến đâu lại gây ô nhiễm môi trường đến đấy. Đó là những hiệu quả lâu dài của việc áp dụng các tiêu chuẩn "xanh”.

Vậy các doanh nghiệp đã có những phản hồi như thế nào về các tiêu chuẩn "xanh”, thưa ông?

TS Nguyễn Hoàng LinhKhông chỉ doanh nghiệp mà rất nhiều cá nhân và các đơn vị khác nhau đã quan tâm và phản hồi về các tiêu chuẩn xanh bởi nó có thể góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường đang xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước.

Đơn cử như tiêu chuẩn về tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện - một loại chất thải rắn đã tạo ra cuộc khủng hoảng về môi trường ở các khu vực phía Nam và đặt ra cho chúng ta bài toán: làm sao để xử lý loại chất thải ô nhiễm môi trường như vậy. Nhiều người đã nghĩ đến việc tận dụng nó làm nguyên liệu cho các quá trình sản xuất, thi công như làm nền đường, lót đường. Nhưng vấn đề là, để đưa vào sản xuất, thi công thì cần có các tiêu chuẩn để biết nguyên liệu này có đạt chất lượng hay không, nếu không thì không ai dám dùng cả vì bản chất nó vẫn là chất thải. Trước nhu cầu đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cùng Bộ Xây dựng và các ban kỹ thuật khẩn trương nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm để xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia - nền tảng kỹ thuật cho việc biến chất thải tro xỉ thành vật liệu làm đường. Đây là vấn đề không chỉ khiến doanh nghiệp quan tâm mà ngay cả người dân, đại biểu quốc hội cũng rất chú ý, mong muốn làm sao có thêm các tiêu chuẩn giúp chúng ta xử lý các vấn đề khủng hoảng tương tự như vậy.

Gần đây, chúng tôi nhận thấy các phong trào về môi trường phát triển khá mạnh và nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng sử dụng các tiêu chuẩn "xanh”, trong đó có Bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường - bộ tiêu chuẩn khá nổi tiếng trên thế giới và được phát triển rộng rãi ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế, Việt Nam chúng ta đã có gần 1.500 doanh nghiệp triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường này.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng tiêu chuẩn như một công cụ để cạnh tranh: sản phẩm của anh có thể tốt đấy, nhưng sản phẩm của tôi vừa tốt lại còn vừa thân thiện với môi trường và không sử dụng chất độc hại nữa cơ. Giờ đây, chúng ta có thể thấy các sản phẩm trên thị trường như máy giặt hay điều hòa thường gắn các nhãn tiết kiệm năng lượng để người tiêu dùng nhận diện. Việc xây dựng các tiêu chuẩn chính là nền tảng để phát triển các tem, nhãn đó, giúp xác định các sản phẩm có tiết kiệm điện hay không, tiết kiệm ở mức độ nào, nhờ đó người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn các sản phẩm vừa tốt hơn lại vừa thân thiện với môi trường hơn.


Nhiều doanh nghiệp sử dụng tiêu chuẩn "xanh" như một công cụ để cạnh tranh. Ảnh: daikin.com.vn

Về phía Nhà nước, đã có những chính sách nào nhằm hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận những tiêu chuẩn nói chung, trong đó bao gồm cả những tiêu chuẩn "xanh”, thưa ông?

TS Nguyễn Hoàng LinhVừa qua, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg, theo đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp cả về tài chính và kỹ thuật trong việc nắm bắt các công cụ về năng suất, chất lượng và dễ tiếp cận hơn với các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Như trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã liên kết với tất cả các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế cũng như các nước tiên tiến có các tiêu chuẩn về máy thở, các chi tiết của máy thở hay các găng tay, trang thiết bị bảo hộ y tế, và phổ biến miễn phí các tiêu chuẩn này cho các doanh nghiệp của chúng ta để họ kịp thời sản xuất các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Điển hình, Tổng cục đã cử một nhóm chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ cho Tập đoàn Vingroup xác định các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế phù hợp trong quá trình nghiên cứu, chế tạo sản xuất máy thở.

Ông có thể chia sẻ định hướng xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia sắp tới, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập khá nhiều hiệp định thương mại quốc tế?

TS Nguyễn Hoàng LinhTrong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét, rà soát các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và nâng tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế lên thêm một nấc nữa, phấn đấu đạt 70% vào năm 2030. Tuy nhiên, mức độ hài hòa này sẽ được cân đối, tính toán cũng như có một lộ trình phù hợp để làm sao vừa giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản quốc tế, vừa giữ được các lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.

Đồng thời, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các tiêu chuẩn mang tính chất thân thiện với môi trường bởi tiêu chuẩn "xanh” chính là lợi thế giúp cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài, ví dụ như rào cản đối với các sản phẩm có sử dụng chất gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, chúng tôi sẽ ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến các nguyên liệu, nhiên liệu mới thay thế cho nguồn nhiên liệu khoáng; năng lượng tái tạo; hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm thiết bị sử dụng điện; tái sử dụng nước thải; tái chế chất thải; các sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước; các công nghệ thân thiện với môi trường; bao bì phân hủy sinh học… Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng các tiêu chuẩn về ứng phó biến đổi khí hậu như tiêu chuẩn về định lượng và kiểm kê khí nhà kính cho các ngành công nghiệp, điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới thay thế các môi chất lạnh cũ có chứa các chất làm suy giảm tầng ozone…

Tôi cũng muốn nhấn mạnh một xu hướng gần đây, đó là thay vì nhà nước chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn thì chúng ta đang thúc đẩy việc xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chủ động đề xuất và xây dựng các tiêu chuẩn mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính mình.

Trân trọng cảm ơn ông!
------------------------------------
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT!

* Đa số các tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam về môi trường được chấp nhận hoàn toàn theo tiêu chuẩn quốc tế

Số lượng các TCVN từng lĩnh vực và mức độ hài hòa cụ thể như sau:

- Âm học, tiếng ồn: 71 TCVN (mức độ hài hòa đạt 86 %);
- Môi trường không khí: 165 TCVN (mức độ hài hòa đạt 89 %)
- Môi trường nước: 275 TCVN (mức độ hài hòa đạt 86 %)
- Môi trường đất: 158 TCVN (mức độ hài hòa đạt 90 %)
- Chất thải rắn: 46 TCVN (mức độ hài hòa đạt 89 %);
- Quản lý môi trường: 35 TCVN (mức độ hài hòa đạt 100 %)

* Một số tiêu chuẩn quốc gia tiêu biểu đang góp phần thúc đầy tăng trưởng xanh

- Bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý môi trường TCVN ISO 14000. Bộ tiêu chuẩn này gồm 35 TCVN về: hệ thống quản lý môi trường, đánh giá môi trường, nhãn môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm, quản lý khí nhà kính và các hoạt động liên quan. Trong đó, TCVN ISO 14001, Hệ thống quản lý môi trường – Các yêu cầu và hướng dẫn thực hiện được xem như là tiêu chuẩn gốc của bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường, được dùng trong đánh giá, chứng nhận sự tuân thủ hệ thống quản lý môi trường.

Các tiêu chuẩn khác trong bộ tiêu chuẩn này được xây dựng nhằm hỗ trợ tích cực hoặc là công cụ để hướng dẫn, đánh giá mức độ tuân thủ đối với hệ thống quản lý môi trường một cách hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, và đây cũng được xem như là giấy thông hành giúp sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp có thể lưu thông giữa các nước trên thế giới.

- Bộ tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm 27 TCVN áp dụng cho 21 phương tiện, thiết bị.

Các tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định mức tiêu thụ năng lượng, quy định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và các cấp hiệu suất năng lượng nhằm phục vụ và đóng vai trò không thể thiếu trong Chương trình dán nhãn năng lượng của Việt Nam từ những năm 2011 đến nay.

Một số thiết bị được dán nhãn năng lượng theo các TCVN góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải kể đến như: Điều hòa không khí, Tủ lạnh, Quạt điện, Nồi cơm điện, Máy biến áp và Động cơ điện, v.v.

- Bộ tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước, bao gồm: TCVN 12500:2018 Sen vòi; TCVN 12500:2018 Vòi rửa bát; TCVN 12500:2018 Vòi rửa mặt; TCVN 12501:2018 Bệ xí bệt; TCVN 11920:2017 Máy giặt gia dụng.

Bộ tiêu chuẩn này quy định hiệu quả sử dụng nước của sản phẩm, thiết bị sử dụng nước tiết kiệm được chia thành ba cấp để phản ánh mức độ tiết kiệm nước. Hiệu quả sử dụng nước tăng dần theo thứ tự từ cấp 1 đến cấp 3, trong đó cấp 1 là cấp có hiệu quả sử dụng nước thấp nhất tương ứng với khả năng tiết kiệm nước ít nhất, cấp 3 là cấp có hiệu quả sử dụng nước cao nhất tương ứng với khả năng tiết kiệm nước nhiều nhất.

- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13114:2020 Chất dẻo có khả năng tạo compost - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử. Đây là tiêu chuẩn đưa ra các yêu cầu để chất dẻo có khả năng tạo phân compost, giúp giảm thiểu về vấn đề rác thải nhựa hiện nay.

(Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)
Mỹ Hạnh thực hiện

Tags bảo vệ môi trường phát triển kinh tế

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục