Cảnh báo sạt lở đất chính xác hơn nhờ IoT

  • Cập nhật: Thứ bảy, 24/6/2023 | 9:52:58 AM

QLMT - Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghiêm (trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đã phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở đất kết hợp giữa công nghệ IoT và phương pháp dự báo dựa trên vận tốc chuyển vị, giúp dự báo thời gian xảy ra sụt trượt chính xác hơn so với phương pháp truyền thống.


Ảnh minh hoạ. ITN

Hướng tiếp cận của tiến sĩ Nguyễn Đức Nghiêm dựa trên quan trắc chuyển vị mái dốc. Phương pháp dự báo thời gian sạt lở mái dốc này có tên phương pháp vận tốc ngược (inverse velocity). Khi mái dốc ổn định, vận tốc (v) nhỏ, còn vận tốc ngược (v-1) lớn. Khi độ dốc tiệm cận về phía sụp đổ, v sẽ tăng lên rất cao, v-1 lại gần về bằng 0. Như vậy, nếu đo được tốc độ chuyển vị hằng ngày, thông qua sự thay đổi các giá trị này, dựa vào đường hồi quy, chúng ta có thể tính toán được từ thời điểm hiện tại đến khi xảy ra sụt trượt còn bao lâu.

Điều đặc biệt, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghiêm đã ứng dụng Internet vạn vật (IoT) vào hệ thống dự báo. IoT không phải là một thuật ngữ xa lạ trong thời gian gần đây. Điểm nổi bật của công nghệ này là cho phép thu thập, truyền tải dữ liệu và điều khiển tự động theo thời gian thực. Vì sụt trượt thường xảy ra vào lúc có mưa bão lớn, do vậy, việc thu thập dữ liệu quan trắc tại thời điểm này đóng vai trò quan trọng đối với công tác dự báo. 
Bằng cách kết hợp giữa công nghệ IoT và phương pháp dự báo dựa trên vận tốc chuyển vị, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghiêm đã xây dựng thành công mô hình mô phỏng hệ thống dự báo gồm các cảm biến chuyển vị, bộ vi xử lý, máy chủ đám mây, thiết bị cảnh báo (loa, đèn báo động)... 

Nguyên lý của hệ thống khá đơn giản: các cảm biến được lắp đặt trên mái dốc cần quan trắc, gửi giá trị đo chuyển vị về bộ xử lý. Bất cứ khi nào nhận được dữ liệu mới từ cảm biến, bộ xử lý sẽ xử lý dữ liệu chuyển vị và dự đoán thời điểm trượt lở bằng một số phân tích hồi quy và truyền tải lên máy chủ thông qua kết nối internet. Bộ xử lý cũng có thể nhận lệnh từ máy chủ để thực hiện những tác vụ tùy chọn khác và kích hoạt thiết bị báo động.

TS. Nguyễn Đức Nghiêm cho biết: Nhóm nghiên cứu đã tích hợp thêm pin mặt trời vào hệ thống để "có thể đặt ở các vùng sâu vùng xa, tự hoạt động mà không cần nhiều sự chăm sóc của con người”. Họ cũng phát triển một ứng dụng trên điện thoại, cho phép người dùng theo dõi tốc độ chuyển vị theo thời gian thực. Hệ thống sẽ gửi thông báo về điện thoại người dùng nếu tốc độ chuyển vị lớn hơn tốc độ trượt cho phép, quy đổi ra thành các mức cảnh báo khác nhau.

LÂM HÀ

Tags IoT Internet vạn vật Đại học Xây dựng sạt lở đất dự báo sạt lở đất

Các tin khác

Nhóm sinh viên từ Đại học Quốc gia TP.HCM đã thành công trong việc chế tạo siêu tụ điện từ vỏ sầu riêng, một phát minh có thể hỗ trợ hiệu quả trong y học cổ truyền.

Để đối phó với nguy cơ lũ và ngập lụt tại các khu vực tập trung đông dân cư ở vùng miền núi Bắc Bộ, TS Lê Viết Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Quy hoạch thủy lợi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”.

Rác thải từ nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước và bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường không khí. Do đó, sản xuất vật liệu xây dựng từ phế thải là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu khu vực miền Nam đã thành công trong việc sử dụng các phụ phẩm công nghiệp như bùn lắng, tro xỉ nhiệt điện than và xỉ lò đốt rác để tạo ra vật liệu san lấp mới có khả năng chịu lực thay thế cát san lấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục