Biến nhựa phế thải thành túi sinh học tự phân huỷ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/6/2023 | 9:35:51 AM

QLMT - Các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã sản xuất thành công sản phẩm bao bì từ nhựa phế thải thân thiện với môi trường.

Đó là sản phẩm của dự án "Hoàn thiện quy trình công nghệ và xây dựng dây chuyền sản xuất một số sản phẩm bao bì chất dẻo thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học” do các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện

Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ phân hủy OXO (công nghệ phân hủy thông qua con đường oxi hóa phân rã thành các hạt vi nhựa) để sản xuất bao bì có chất lượng cao mà vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường. Cụ thể bao bì có chất lượng dai, chịu nhiệt tới 100 độ C và chỉ từ 18-24 tháng bao bì sẽ tự phân hủy. 

Để xử lý chất thải nhựa bằng công nghệ phân hủy OXO, các nhà khoa học đã xây dựng được công thức chế tạo masterbatch (chất phụ gia rắn được sử dụng để tạo màu) chứa 10% phụ gia xúc tiến oxy hóa phân hủy là muối stearat của mangan (Mn), sắt (Fe) và carbon (C), với tỷ lệ tương ứng là 18:4:1. Đồng thời, sử dụng phương pháp oxy hóa nhiệt và oxy hóa quang nhiệt ẩm (lão hóa cấp tốc) để phân hủy giảm cấp của màng PE (bao gồm cả nhựa LLDPE và HDPE) chứa phụ gia xúc tiến phân hủy.

Nhờ phương pháp lão hóa cấp tốc, họ đã tìm ra thời gian phân hủy giảm cấp của màng PE với độ dày 30µm chứa 3% masterbatch phụ gia xúc tiến phân hủy là 72 tiếng, tương ứng thời gian tự động phân hủy sau 1,5-2 tháng trong môi trường tự nhiên. Từ thành công bước đầu, nhóm nghiên cứu tiếp tục phân tích quá trình phân hủy giảm cấp của màng PE ở các độ dày khác nhau là 18 và 40 µm bằng phương pháp oxy hóa nhiệt và phương pháp lão hóa tự nhiên. Kết quả cho ra thời gian phân hủy giảm cấp của các màng này từ 14-20 tuần.


Hạt nhựa phụ gia xúc tiến phân huỷ và một số sản phẩm bao bì phân hủy sinh học làm từ nhựa phế thải do nhóm nghiên cứu sản xuất. Ảnh: NNC

Sau 2 năm thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công 4 sản phẩm từ nhựa thải bao gồm: 503,6 kg túi đựng rác tự hủy (thời gian phân hủy 18 tháng), 503,2 kg túi mua hàng phân hủy sinh học (thời gian phân hủy 24 tháng); 503,4 kg túi đựng thực phẩm phân hủy sinh học có độ chịu nhiệt lên tới 100 độ C (thời gian phân hủy 36 tháng) và 307,3 kg hạt nhựa phụ gia xúc tiến phân huỷ. 

Các sản phẩm của đề tài trên đã được đưa vào sử dụng tại Công ty CP Thực phẩm Hà Nội (Chuỗi cửa hàng tiện ích HAPROFOOD) và các siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Các tác giả cũng đang đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "LT GreenBag Thân thiện môi trường” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ.

BẮC LÃM

Tags Viện Hàn lâm Khoa học nhựa phế thải túi sinh học túi tự huỷ

Các tin khác

Nhóm sinh viên từ Đại học Quốc gia TP.HCM đã thành công trong việc chế tạo siêu tụ điện từ vỏ sầu riêng, một phát minh có thể hỗ trợ hiệu quả trong y học cổ truyền.

Để đối phó với nguy cơ lũ và ngập lụt tại các khu vực tập trung đông dân cư ở vùng miền núi Bắc Bộ, TS Lê Viết Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Quy hoạch thủy lợi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”.

Rác thải từ nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước và bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường không khí. Do đó, sản xuất vật liệu xây dựng từ phế thải là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu khu vực miền Nam đã thành công trong việc sử dụng các phụ phẩm công nghiệp như bùn lắng, tro xỉ nhiệt điện than và xỉ lò đốt rác để tạo ra vật liệu san lấp mới có khả năng chịu lực thay thế cát san lấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục