Tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế hộ gia đình tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/8/2024 | 8:57:03 AM

QLMT - Những sự kiện thời tiết khắc nghiệt như bão hay hạn hán có thể làm cho các lựa chọn sinh kế dựa trên nông nghiệp của hộ gia đình trở nên không bền vững.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Discover Sustainability bởi các nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về tác động của biến đổi khí hậu đối với sinh kế của các hộ gia đình ở Việt Nam. 

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Khảo sát Tiếp cận nguồn lực hộ gia đình Việt Nam (VARHS) giai đoạn 2008 – 2018 tại 12 tỉnh, nhằm phân tích khả năng chuyển đổi sinh kế và các yếu tố quan trọng nhất để thực hiện chuyển đổi.


Ảnh minh hoạ: TTXVN

Biến đổi khí hậu tác động mạnh đến sinh kế phi nông nghiệp

Nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu không chỉ tác động trực tiếp mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến các sinh kế cốt lõi của hộ gia đình. Những sự kiện thời tiết khắc nghiệt như bão hay hạn hán có thể làm cho các lựa chọn sinh kế dựa trên nông nghiệp của hộ gia đình trở nên không bền vững. Đặc biệt, nghiên cứu nhấn mạnh rằng tác động của biến đổi khí hậu đến lựa chọn sinh kế phi nông nghiệp là đáng kể, với xác suất các hộ gia đình chuyển sang sinh kế phi nông nghiệp cao gấp 27 lần so với kinh tế dựa vào nông nghiệp.

Điều này cho thấy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các hộ gia đình có xu hướng đa dạng hóa sinh kế của mình như một chiến lược ứng phó với rủi ro. Kết quả này cũng tương đồng với các nghiên cứu trước đây về đa dạng hóa sinh kế trước tác động của biến đổi khí hậu.

Vốn xã hội và vốn con người đóng vai trò quan trọng

Nghiên cứu cũng xem xét mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu, vốn xã hội, và đặc điểm nhân khẩu học của các hộ gia đình. Vốn xã hội – bao gồm mạng lưới xã hội và di cư lao động – được xác định là yếu tố quan trọng giúp các hộ gia đình điều chỉnh và thích ứng với những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra. Sử dụng các mối quan hệ xã hội này, các hộ gia đình có thể tìm kiếm những sinh kế mới, góp phần làm giảm tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Vốn con người của hộ gia đình, bao gồm quy mô, trình độ học vấn và sự thay đổi về trình độ học vấn trong thời gian nghiên cứu, cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định sinh kế. Dữ liệu cho thấy, vốn con người ban đầu càng cao, hộ gia đình càng có xu hướng chọn các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu dựa trên lao động được trả lương hơn là duy trì sinh kế nông nghiệp.

Xu hướng dịch chuyển sinh kế và cải thiện thu nhập

Xu hướng chuyển dịch mô hình sinh kế dựa trên vốn con người không chỉ giúp tăng thu nhập đáng kể mà còn tạo ra sinh kế bền vững hơn khi đối mặt với các tác động bất thường đến sản xuất nông nghiệp. Phát hiện này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây về khả năng dịch chuyển xã hội phụ thuộc vào vốn con người và vốn xã hội.

Một nghiên cứu của Oxfam Việt Nam năm 2018 đã chỉ ra rằng, học vấn là yếu tố quan trọng nhất giúp thúc đẩy dịch chuyển xã hội và giảm bất bình đẳng. Cụ thể, 23% hộ gia đình có chủ hộ tốt nghiệp giáo dục sau THPT đã chuyển từ nhóm 40% thu nhập thấp nhất lên các nhóm thu nhập cao hơn. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 8% đối với các hộ gia đình có chủ hộ tốt nghiệp tiểu học. Ngoài ra, mỗi năm học thêm còn giúp tăng thêm bình quân khoảng 5% tiền lương, tiền công.

Nghiên cứu của Trường Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM không chỉ cung cấp những hiểu biết sâu sắc về tác động của biến đổi khí hậu đối với sinh kế hộ gia đình mà còn khẳng định tầm quan trọng của vốn con người và vốn xã hội trong việc thích ứng với những thay đổi này. Điều này gợi mở những chiến lược quan trọng trong việc hỗ trợ các hộ gia đình vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu và xây dựng sinh kế bền vững.

TÚ ANH

Tags biến đổi khí hậu sinh kế hộ gia đình

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự