Đề xuất lập quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/5/2024 | 2:46:02 PM

Quy hoạch cấp, thoát nước hiện là một nội dung trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Ban soạn thảo đề xuất lập quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước riêng tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương.



Xây dựng 02 phương án thực hiện quy hoạch hạ tầng cấp, thoát nước

Theo ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), trong quá trình nghiên cứu, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã xây dựng 02 phương án: (1) Quy hoạch cấp, thoát nước là một nội dung trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; (2) Lập quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước tỉnh. Bộ KH&ĐT góp ý theo phương án 1 - Quy hoạch cấp, thoát nước là một nội dung trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì phiên họp lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, Thoát nước.

Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước Việt Nam nêu ý kiến, trước năm 2017 có nội dung quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, nên vấn đề quy hoạch hạ tầng cấp, thoát nước thực hiện theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch vùng kinh tế; dự án trong đô thị thì theo quy hoạch chung đô thị; trong đô thị có quy hoạch khung hạ tầng; nhỏ hơn là quy hoạch phân khu và chi tiết…

Đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia cho rằng, quy hoạch cấp nước, thoát nước đã là một nội dung trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên quy hoạch về hạ tầng cấp, thoát nước ở cấp độ quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nên có quy hoạch riêng.

Theo Ban soạn thảo, Báo cáo thẩm tra Đề nghị xây dựng Luật số 2329/BC-UBKHCNMT15 ngày 22/3/2024 của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội nêu ý kiến: "Quy hoạch cấp, thoát nước là một nội dung trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là chưa phù hợp, chưa tương xứng với vai trò, tầm quan trọng của ngành cấp, thoát nước; đề xuất nghiên cứu, xây dựng quy hoạch riêng cho ngành cấp, thoát nước”.

"Đối với những nội dung điều chỉnh trong Luật Cấp, thoát nước thì sau khi trao đổi với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban soạn thảo thống nhất không đề xuất lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng cấp, thoát nước ngoài 5 thành phố trực thuộc Trung ương”- Ông Tạ Quang Vinh cho biết.

Tập hợp thêm ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước

Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết thêm, đến nay Cục Hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thiện Dự thảo lần thứ nhất Luật Cấp, Thoát nước với 08 chương, 68 điều.


Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng báo cáo về dự thảo Luật Cấp, Thoát nước.

Một vấn đề trọng tâm khác của dự thảo Luật được đề cập, đó là vấn đề thoát nước chống ngập đô thị hiện nay. Vấn đề này đang được nhiều địa phương quan tâm, do đó Ban soạn thảo cho rằng việc ưu tiên quỹ đất cho các công trình thoát nước mưa, chống ngập cần đồng bộ với các công trình thủy lợi, sông ngòi của đô thị là cần thiết. Nhất là hồ điều hòa - một công trình, bộ phận quan trọng trong hệ thống thoát nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đề cập đến nguồn lực Nhà nước trong đầu tư xây dựng công trình cấp nước. Về vấn đề này, Bộ KH&ĐT đang đề xuất bổ sung ngành, lĩnh vực cung cấp nước sạch được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực thoát nước, do nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước còn rất hạn chế, dự thảo Luật quy định: "Quốc hội, Chính phủ quyết định sử dụng ngân sách nhà nước, các nguồn thu của ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển thoát nước phù hợp với giai đoạn phát triển”. "Chính phủ quy định cơ chế sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước Trung ương, địa phương và nguồn vốn khác cho các dự án đầu tư phát triển hệ thống thoát nước”.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cập nhật nhiều nội dung để phù hợp với thực tiễn, như vấn đề quản lý vận hành và quản lý tài sản hệ thống thoát nước; quản lý vùng cấp nước và vùng phục vụ cấp nước; quản lý lưu vực thoát nước mưa và vùng thoát nước thải; vấn đề bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải; giá dịch vụ thoát nước và trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong quản lý cấp, thoát nước...


Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) nhằm hồi sinh các dòng sông đang ô nhiễm nghiêm trọng tại Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần sông Nhuệ triển khai thi công từ năm 2019. Ảnh: Báo Lao động

Liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, Thoát nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, dự thảo Luật Cấp, thoát nước lần đầu nên thu thập nhiều ý kiến, có những thay đổi cần thiết và có bước tiến so với Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải.

Đối với các vấn đề được Cục Hạ tầng kỹ thuật nêu trong Báo cáo, Thứ trưởng đề nghị nội dung Luật Cấp, Thoát nước cần gắn với các chính sách đề ra. Các nội dung về kế hoạch, quy hoạch, chiến lược, mục tiêu là cơ sở để lập công cụ, quy hoạch, kế hoạch, lộ trình nguồn vốn thực hiện.

Một số vấn đề khác Thứ trưởng lưu ý Ban soạn thảo, như vấn đề về nguồn nước cho hệ thống cấp nước có thể chồng chéo nội dung với Luật Tài nguyên nước. Các khái niệm trong Luật nên giới hạn phạm vi cần thiết và đầy đủ. Đồng thời thống nhất cách thức tổ chức thực hiện.

Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho Vụ Quy hoạch kiến trúc rà lại các quy hoạch tỉnh xem đã đủ thông tin, dữ liệu để triển khai thêm hay không. Còn đối với các công ty nước địa phương, nghiên cứu các nội dung về ranh giới, phạm vi quy hoạch.

Luật Cấp, thoát nước xuất hiện rất nhiều vấn đề mới, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng cần thêm nhiều ý kiến đóng góp. Riêng về nội dung quản lý vận hành, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo tổ chức thêm chuyên đề để thảo luận sâu hơn.

Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, Thoát nước; được Bộ Tư pháp thẩm định tại văn bản số 215/BCTĐ-BTP ngày 30/10/2023, được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 01/12/2023. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội của Quốc hội đã thẩm tra và đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025 trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ hợp thứ 10.

Luật Cấp, Thoát nước quy định về cơ sở dữ liệu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước mưa chống ngập và thu gom, xử lý nước thải; quản lý, vận hành công trình và cung cấp dịch vụ cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải; bảo đảm an toàn công trình cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động cấp, thoát nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp, thoát nước.

Tuấn Đông/Tạp chí Xây dựng

Tags lập quy hoạch quy hoạch cấp thoát nước quy hoạch tỉnh quy hoạch vùng

Các tin khác

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTÐB) đối với thuốc lá gần đây đã nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận. Một quan ngại chính là liệu việc tăng thuế thuốc lá có làm tăng lượng tiêu thụ thuốc lá lậu và làm thất thu ngân sách? Đâu là phương án tăng thuế hợp lý và hiệu quả vừa đảm bảo cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước ?

Các chuyên gia cho rằng thị trường tín chỉ carbon rừng ngập mặn ven biển tại Việt Nam đầy tiềm năng nhưng thực tế vẫn còn mới. Nhà đầu tư muốn mua tín chỉ carbon chất lượng cao vẫn gặp khó khăn về các chính sách, quản trị và cần hoàn thiện cơ sở pháp lý…

Mục tiêu của thị trường tín chỉ carbon là tạo ra kênh tài chính mới bổ sung cho việc thực hiện cam kết giảm phát thải và giúp doanh nghiệp có lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu.

Để giải quyết bài toán khó về nhập khẩu phế liệu nhựa, cần có những lộ trình và giải pháp bền vững, kết hợp giữa việc kiểm soát chất lượng phế liệu nhập khẩu và đẩy mạnh phân loại, tái chế rác thải nhựa nội địa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự