Thương mại rác thải toàn cầu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/10/2022 | 2:38:33 PM

QLMT - Liệu đối với mỗi quốc gia, vấn đề môi trường hay kinh tế cần được ưu tiên hơn? Đặc biệt là các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Philipin, Thái Lan, vấn đề này thật khó để trả lời một cách rõ ràng. Bài viết này sẽ mô tả ngắn gọn về hiện trạng thương mại rác thải toàn cầu, đặc biệt là vấn đề buôn bán rác thải nhựa.

Thương mại rác thải toàn cầu
Ảnh minh hoạ. ITN

Công nghiệp thương mại rác thải 

Sự hình thành của ngành buôn bán rác thải toàn cầu về cơ bản cũng tương tự như những mặt hàng khác. Rác thải phát sinh hàng ngày và cần được loại bỏ. Một số loại rác có thể được tái chế khi bán lại cho cơ sở khác, do đó ngành công nghiệp tái chế rác thải trở thành một nhu cầu cần thiết. Bên cạnh lý do kinh tế, tái chế còn để giảm thiểu các tác động, ảnh hưởng ô nhiễm môi trường. Vì chi phí tái chế ở các nước đang phát triển có thể rẻ hơn, nên rác tái chế được vận chuyển từ các nước giàu đến các nước nghèo hơn để xử lý, và những nước nghèo sẽ có thêm nguồn thu nhập từ chi phí xử lý cũng như nguồn rác tái chế. Từ đó có thể thấy thương mại rác thải toàn cầu dường như là cách hiệu quả nhất để phân bổ nguồn lực để quản lý rác thải. Tuy nhiên, thực tế câu chuyện về thị trường rác thải toàn cầu không chỉ đơn giản như vậy. 

Buôn lậu chất thải

Vào cuối tháng 5/2019, Philippine đã gửi 69 container rác trở lại Canada. Các container này đã được vận chuyển từ Canada đến Philippine vào năm 2013 và 2014 như trong hiệp ước thương mại rác thải tái chế toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc tranh chấp đã diễn ra giữa Philippines và Canada vì vật liệu không thể tái chế được để lẫn trong các container (1).

Do những vật liệu không thể tái chế này không có giá trị kinh tế và điểm đến cuối cùng là ở các bãi rác, Philippine yêu cầu các container phải được trả lại Canada, và vấn đề này đã phải mất nhiều năm để giải quyết.

Năm 2009, một tình huống tương tự đã xảy ra giữa Brazil và Vương quốc Anh. Nhà chức năng đã phát hiện rác thải trong 89 container được vận chuyển đến Brazil thuộc loại độc hại. Công ước BaSel năm 1992 về kiểm soát sự di chuyển xuyên biên giới của các chất thải nguy hại đã cấm các vật liệu nguy hại được phép nhập khẩu qua các quốc gia (2).

Tuy nhiên, Công ước đã không điều chỉnh việc chuyển giao chất thải nhựa. Do đó, trường hợp của Brazil rõ ràng là bất hợp pháp, còn trường hợp của Philippines và Canada thì không phải như vậy. Đó chính là lý do tại sao 69 container rác phải mất nhiều thời gian mới rời khỏi cảng của Philippine.

Lệnh cấm nhập khẩu chất thải nhựa của Trung Quốc

Trong khi tranh chấp rác giữa Philippine và Canada vẫn đang tiếp diễn, một vấn đề song song khác đã được chú ý, đó là việc Trung Quốc cấm nhập khẩu chất thải nhựa. Vào năm 2017, chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách Thanh Gươm quốc gia (National Sword) để điều chỉnh việc nhập khẩu rác thải công nghiệp, phế liệu điện tử và rác thải nhựa vì lý do kinh tế và môi trường (3).

Chính sách này có hiệu lực vào năm 2018, vì Trung Quốc là nước nhập khẩu chất thải lớn, lệnh cấm đã khiến ngành thương mại chất thải toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Việc hạn chế nhập khẩu dự kiến sẽ dẫn đến 111 triệu tấn chất thải nhựa cần tìm các bãi rác mới vào năm 2030. Do nhập khẩu chất thải nhựa của Trung Quốc giảm 99,1% trong năm 2018 so với năm trước, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đã có mức tăng nhập khẩu đáng chú ý trong năm 2018.

Trong sáu tháng đầu năm 2017, hơn 4.000 tấn rác thải nhựa của Mỹ đã đến Thái Lan (4). Malaysia cũng có mức tăng tương tự tăng 273% (từ 42.171 tấn lên 157.299 tấn). Việt Nam cũng có mức tăng đáng kể, trong sáu tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 71.220 tấn rác thải nhựa (5).

Trên toàn cầu, tính đến năm 2015, khoảng 6.300 triệu tấn chất thải nhựa đã được tạo ra, khoảng 9% trong số đó đã được tái chế, 12% được đốt và 79% tích tụ trong các bãi chôn lấp hoặc môi trường tự nhiên. Nếu xu hướng sản xuất và quản lý chất thải hiện tại tiếp tục, ước tính khoảng 12.000 triệu tấn chất thải nhựa sẽ nằm trong các bãi chôn lấp hoặc môi trường tự nhiên vào năm 2050.

Các hoạt động buôn lậu được biết đến từ lâu ở ngành công nghiệp chất thải toàn cầu khiến khối lượng rác thải nhựa không mong muốn ngày càng tăng ở các quốc gia. Trong một cuộc họp được triệu tập từ ngày 29/4 đến ngày 10/5/2019, các bên ký kết Công ước BaSel đã đồng ý sửa đổi thỏa thuận bằng cách bổ sung quy định nhập khẩu một số loại nhựa bất hợp pháp, giống như nhập khẩu chất thải độc hại.

Tương tự, các chính phủ Đông Nam Á đã phản ứng bằng các biện pháp đối phó nhằm đặc biệt hạn chế nhập khẩu chất thải. Chính phủ Malaysia sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu các vật liệu không thể tái chế bao gồm nhựa. Việt Nam sẽ không cấp giấy phép nhập khẩu chất thải  nữa. Thái Lan ngừng hoàn toàn nhập khẩu chất thải nhựa vào năm 2021. 

Ý thức về môi trường hay cân nhắc chi phí - lợi ích?

Với trị giá hàng tỷ đô la của ngành buôn bán chất thải toàn cầu, người ta có thể tự hỏi liệu đằng sau lệnh cấm đột ngột này đối với việc nhập khẩu chất thải có phải là sự cân đối giữa phát triển kinh tế và tính bền vững của môi trường. Trong trường hợp của Trung Quốc, nước này sẽ làm thế nào để khôi phục khoản thất thu do lệnh cấm gây ra? 

Trước khi phát hiện ra rác thải lậu, Malaysia dường như coi lệnh cấm của Trung Quốc là cơ hội để mở rộng công nghiệp tái chế chất thải. Đó được coi là một con đường tiềm năng cho lợi nhuận và doanh thu từ nhiều lĩnh vực liên quan, bao gồm hậu cần, pháp lý,  bảo hiểm và hải quan. Sau đó việc "mọc lên” ồ ạt của các doanh nghiệp bất hợp pháp không đóng góp gì cho ngân sách nhà nước khiến cho chính phủ cân nhắc về phân tích chi phí - lợi ích. Thay vì giải quyết các vấn đề môi trường, các doanh nghiệp tái chế chất thải không chính thức dường như đem lại gánh nặng không chỉ cho chính phủ mà còn cho các cộng đồng bị ảnh hưởng xung quanh các cơ sở tái chế chất thải.

Mặc dù việc chuyển rác từ các nước giàu hơn sang các nước nghèo hơn là rất phù hợp với logic. Nhưng như vậy không có nghĩa chỉ những nước nghèo mới là những nước nhập khẩu rác thải trên thị trường. Ngược lại, 8 trong số 10 nước nhập khẩu chất thải nhựa hàng đầu là các nước có thu nhập cao. Những nước này bao gồm Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức, Bỉ, Canada và Ý. Điều này cho thấy bản thân các nền kinh tế tiên tiến được hưởng lợi từ thị trường buôn bán chất thải toàn cầu vì họ đang sở hữu các công nghệ tái chế phù hợp với môi trường. Trên thực tế, lệnh cấm nhập khẩu chất thải nhựa của Trung Quốc tạo cơ hội cho các công ty tái chế chất thải ở Hoa Kỳ mở rộng hoạt động kinh doanh. Các nước phát triển tận thu các vật liệu có giá trị tái chế cao cấp hơn trước khi đưa những vật liệu có giá trị tái chế kém hơn đến các nước đang phát triển.

Chi phí liên quan đến việc đổ chất thải ở các nước đang phát triển thường rẻ hơn do các quy định, tiêu chuẩn công nghiệp rất lỏng lẻo. Không giống như ở các nước phát triển, các doanh nghiệp tái chế chất thải ở các nước đang phát triển thường là một phần của khu vực phi chính thức. Họ thu hút các thành phần lao động thu nhập thấp trong xã hội để thu gom các vật liệu có thể tái chế giữa những đống rác mà không chú ý đến các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn cho người lao động. Mặc dù điều này chắc chắn đặt người lao động vào các rủi ro và nguy cơ nghề nghiệp nghiêm trọng, nhưng có thể làm giảm các khoản chi phí cho các doanh nghiệp. Nhóm này thu lợi nhuận mà rất ít hoặc không cần quan tâm đến các tác động môi trường. 

Xem xét tất cả các yếu tố này, thật khó để kết luận liệu xu hướng mới nhất nhằm hạn chế nhập khẩu chất thải có thực sự phản ánh đúng tinh thần của chủ nghĩa môi trường hay không. Quan trọng hơn, vẫn chưa rõ liệu lệnh cấm như vậy có kéo dài và sẽ dẫn đến việc thực thi pháp luật nghiêm ngặt hơn hay không để trấn áp việc buôn lậu bất hợp pháp trong thị trường buôn bán chất thải toàn cầu. Khi chủ nghĩa tiêu dùng vẫn còn và hàng hóa tiếp tục được sản xuất, cả chất thải có thể tái chế và không thể tái chế sẽ luôn được tạo ra. Vì vậy vẫn sẽ phải tìm một điểm đến để thải bỏ, và các giao dịch chất thải có lợi nhuận, cả hợp pháp và bất hợp pháp đều có khả năng xảy ra.

Việc đưa ra các giải pháp sáng tạo trong các tiêu chuẩn và hoạt động quản lý chất thải, các vật liệu phân hủy sinh học tốt hơn, thay đổi thái độ đối với việc sử dụng các vật liệu dùng một lần là điều thực sự cần thiết để thay đổi hiện trạng nhập khẩu rác thải không tái chế, rác thải nguy hại hay rác thải nhựa hiện nay.

TS. NGUYỄN HỒNG ĐĂNG
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Tài liệu tham khảo

(1)https://www.sciencetimes.com/articles/22282/20190601/philippines-sends-69-trash-filled-containers-back-canada.htm
(2) https://wivi.wiki/wiki/Basel_Convention
(3) https://ngaynay.vn/thanh-guom-quoc-gia-va-con-dia-chan-phe-lieu-toan-cau-post71839.html
(4) https://unearthed.greenpeace.org/2018/10/05/plastic-waste-china-ban-united-states-america/
(5) https://thesaigontimes.vn/khung-hoang-rac-lan-rong-toan-cau-sau-lenh-cam-cua-trung-quoc/


Tags thương mại rác thải nhập khẩu rác thải buôn bán rác thải nhựa

Các tin khác

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Từ 8.000 đến 10.000 tấn chất thải rắn xây dựng phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP Hà Nội đang gây áp lực không nhỏ lên công tác quản lý, cũng như tác động tiêu cực đến môi trường.

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTÐB) đối với thuốc lá gần đây đã nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận. Một quan ngại chính là liệu việc tăng thuế thuốc lá có làm tăng lượng tiêu thụ thuốc lá lậu và làm thất thu ngân sách? Đâu là phương án tăng thuế hợp lý và hiệu quả vừa đảm bảo cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước ?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục