TS Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.
Việt Nam đã đệ trình bản NDC cập nhật lần hai lên Ban thư ký UNFCCC vào ngày 8/11/2022. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 15,8% lượng phát thải so với kịch bản BAU, tương đương 146,3 triệu tấn CO2.
Với hỗ trợ quốc tế, Việt Nam sẽ giảm phát thải thêm 27,7%, tương đương 257,4 triệu tấn CO2, hoặc giảm tổng cộng 43,5% vào năm 2030 so với kịch bản BAU. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam dự kiến giảm khoảng 5,5%, tương đương 50,9 triệu tấn CO2.
TS Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận xét, trong các lĩnh vực thì nông, lâm nghiệp là nơi có nhiều dư địa nhất để giảm phát thải.
Trong kịch bản đóng góp có điều kiện với quốc tế, Việt Nam tin có thể giảm phát thải 17,31 triệu tấn CO2 từ việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi.
"Đây là những mục tiêu tham vọng", theo ông Nghĩa. Vị chuyên gia này nói thêm, rằng để thực hiện có hiệu quả Nghị định 06 về giảm phát thải khí nhà kính, cũng như các cam kết NDC, Việt Nam cần có công cụ hữu hiệu để định giá carbon.
Khoản phí phát thải hoặc khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất phát thải ít hơn này được xây dựng dựa trên 3 trụ cột. Tuy nhiên, Việt Nam hiện triển khai 2, gồm hệ thống trao đổi hạn ngạch và cơ chế tín chỉ carbon. Với mức độ sơ khai hiện tại, Việt Nam chủ yếu tập trung vào tín chỉ carbon.
Có 2 hình thức thị trường carbon chính, là bắt buộc và tự nguyện. Với cơ chế bắt buộc, mỗi tổ chức, quốc gia mua tín chỉ để phục vụ cho NDC quốc gia, hoặc tuân thủ các nghĩa vụ theo thuế, cơ chế trao đổi hạn ngạch. Ngược lại, thị trường tự nguyện coi mua tín chỉ như một công cụ chính sách công để khuyến khích các hành động giảm nhẹ khí nhà kính, hoặc đáp ứng các mục tiêu, cam kết tự nguyện.
Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon nhưng còn thiếu hướng dẫn và công nghệ áp dụng.
Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số Bộ, ngành liên quan về việc phát triển thị trường carbon của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện lộ trình mới xây dựng đến năm 2028 và chỉ áp dụng cho thị trường trong nước. Còn thị trường giao dịch quốc tế đang còn bỏ ngỏ.
Từ những phân tích này, TS Trần Đại Nghĩa cho rằng, tình hình Việt Nam hiện tại thích hợp nhất là tham gia thị trường carbon tự nguyện. Đây là nguồn dễ tham gia nhất, không đòi hỏi nhiều về hệ thống, công nghệ, cũng không có hạn ngạch như thị trường bắt buộc.
Đánh đổi lại, việc tham gia thị trường tự nguyện yêu cầu Việt Nam phải tham gia những chương trình, dự án quốc tế. Thông qua sự hợp tác này, nước ta mới có thể tiếp cận tài chính dựa trên kết quả REDD+ (cơ chế cung cấp những sự đền đáp về tài chính để tránh mất rừng và suy thoái rừng, dựa trên đóng góp của các quốc gia phát triển).
Một yếu tố nữa, là khi tham gia thị trường tự nguyện, Việt Nam cũng như các quốc gia khác có một thời gian nhất định để bán tín chỉ carbon. Nếu quá hạn, hệ thống sẽ tự động đưa mức tín chỉ carbon tại vùng dự án về 0.
Phân tích sâu về thị trường carbon tự nguyện, ông Nghĩa chỉ ra 5 thành tố chính. Đó là doanh nghiệp, chính quyền, chủ đất tư nhân, các nhà phát triển dự án, và các tổ chức NGO khác. Mỗi thành tố giữ 1 vai trò khác nhau.
Giao dịch tín chỉ carbon qua thị trường tự nguyện có nhiều kênh, nổi bật có sàn giao dịch Verra, Gold Standard... Mỗi sàn sẽ cung cấp các yêu cầu, quy tắc để hướng dẫn các nhà phát triển dự án thiết kế hoạt động giảm nhẹ. Chẳng hạn, Verra tổ chức đánh giá lại đường phát thải cơ sở 10 năm một lần, trong khi Gold Standard là 5 năm.
Năm 2023, Việt Nam tham gia thị trường carbon tự nguyện và đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon tại khu vực Bắc Trung bộ, với đơn giá khoảng 5 USD/tấn. Một số ý kiến cho rằng, con số này quá thấp so với mức giao dịch tại thị trường carbon bắt buộc. Tuy nhiên, ông Nghĩa nêu quan điểm, rằng cần nhận thức đúng vấn đề.
"Việt Nam chưa thể tham gia thị trường bắt buộc (vốn có giá tín chỉ carbon cao hơn nhiều lần) vì thiếu nhiều yếu tố, trong đó có các ký kết song phương. Chúng ta chưa thể bán mỗi tín chỉ carbon với giá vài trăm USD", ông nhấn mạnh.
Thị trường carbon dự kiến có thể giúp Việt Nam thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Để minh chứng, chuyên gia của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nêu 10 nguyên tắc cốt lõi của thị trường carbon tự nguyện.
Ông cũng nói thêm rằng, một số yêu cầu như phải có xác thực, xác minh độc lập từ bên thứ 3, chứng minh được tác động bảo vệ môi trường bền vững, không được phép trùng lặp... là những thách thức không nhỏ với một quốc gia non trẻ, mới chập chững vào thị trường carbon như Việt Nam.
Trên cả nước, Việt Nam đã tích cực phối hợp nhiều tổ chức quốc tế để triển khai các hoạt động giảm phát thải, hướng đến bán tín chỉ carbon.
Ngoài dự án FCPF đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tấn CO2 ở Bắc Trung bộ, còn có dự án LEAF hơn 50 triệu USD tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên; hay dự án do USAID tài trợ giảm phát thải 7,8 triệu tấn CO2 tại 7 tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và Quảng Nam.
TS Trần Đại Nghĩa đưa ra 5 khuyến nghị cần thực hiện thời gian tới. Một là, hoàn thiện khung pháp lý cho vận hành thị trường carbon nội địa và quốc tế. Hai là, xây dựng hệ thống đăng ký tài khoản phát thải và giảm phát thải quốc gia và quốc tế, trong đó ưu tiên thử nghiệm cho lĩnh vực lâm nghiệp.
Ba là, ưu tiên các dự án tạo tín chỉ carbon. Bốn là, xây dựng nhiều dự án giảm phát thải, tránh phát thải và hấp thụ khí nhà kính để tiếp cận các nguồn tài chính dựa trên kết quả (RBCF) như TCAF, SCALE, LEAF, GCF. Đặc biệt, sản phẩm tín chỉ carbon phải có chất lượng cao.
Năm là, cho phép ngành lâm nghiệp thử nghiệm trao đổi tín chỉ carbon. Cuối cùng, ngành lâm nghiệp được phép trao đổi (bán) tín chỉ carbon trên sàn giao dịch tự nguyện có giá cả cạnh tranh từ các dự án đã và đang triển khai (như FCPF).
Vừa qua, một số địa phương như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa... đã đề xuất xây dựng và triển khai đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon. Tuy nhiên, đến nay các tỉnh này đều chưa thực hiện được.
Nguyên nhân được Cục Lâm nghiệp chỉ ra, gồm thiếu quy định, hướng dẫn chi tiết để có thể triển khai, bao gồm quyền sở hữu carbon rừng, quy định về trao đổi, chuyển nhượng carbon rừng, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ tín chỉ carbon.
Ngoài ra, hạn ngạch giảm phát thải đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC và tiềm năng tín chỉ carbon rừng có thể thương mại của từng địa phương cũng chưa được xác định, phân bổ.
Theo Bá Thắng - Quỳnh Chi
Phương Linh - Diệu Linh
(nongnghiep.vn)