Dự báo chất lượng nước để làm cơ sở khoa học đề xuất giải pháp tổng hợp phục hồi dòng chảy sinh thái sông Tô Lịch

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/7/2024 | 11:39:41 AM

QLMT - Dự báo chất lượng nước theo các kịch bản cải thiện môi trường sinh thái cho sông là cơ sở để đề xuất giải pháp kỹ thuật tổng hợp phục hồi dòng chảy sông Tô Lịch.

FORECASTING WATER QUALITY AS A SCIENTIFIC BASIS FOR PROPOSING INTEGRATED SOLUTIONS TO RESTORE THE ECOLOGICAL FLOW OF TO LICH RIVER

Tóm tắt: Sông Tô Lịch là sông thoát nước lớn nhất trong khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô. Hiện nay sông bị ô nhiễm nặng và khả năng tiêu thoát nước bị hạn chế. Sử dụng phần mềm chất lượng nước QUAL 2K với sự hiệu chỉnh hệ số chuyển hóa chất ô nhiễm hữu cơ K1 phù hợp với điều kiện thực tế của sông Tô Lịch, nghiên cứu của đề tài khoa học công nghệ 01C-09/01-2016-3 đã tính toán dự báo chất lượng nước sông Tô Lịch theo 4 kịch bản các giải pháp cải thiện chất lượng nước khác nhau. Trên cơ sở đó các giải pháp theo kịch bản 4: thu gom và xử lý toàn bộ nước thải trong lưu vực; xử lý ô nhiễm tồn lưu trong sông); 3). kè và cải tạo bờ đảm bảo ổn định cho sông;  bổ cập nước sạch cho sông về mùa khô ; và bố trí các công trình vui chơi giải trí kết hợp cảnh quan với tăng cường tự làm sạch nước sông. Với các giải pháp kỹ thuật tổng hợp này, dòng chảy sinh thái được phục hồi và sông đảm bảo được vai trò hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh cho thành phố Hà Nội.

1. GIỚI THIỆU CHUNG

Sông Tô Lịch là con sông chính trong của thành Thăng Long, kết nối với Hồ Tây và sông Hồng, gắn liền với lịch sử phát triển trên 1000 năm của thành phố Hà Nội.
  
Sông Tô Lịch giai đoạn năm 1428-1527
Hình 1. Sông Tô Lịch giai đoạn năm 1428-1527

Hiện nay sông Tô Lịch với chiều dài 14,6 km, là khung sinh thái đô thị, có ý nghĩa lớn về văn hóa, lịch sử và tâm linh của Thủ đô, có vai trò điều tiết và tiêu thoát nước mưa cho thành phố và là địa điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân Hà Nội và du khách. 

Tuy nhiên, do tiếp nhận nước mưa của lưu vực diện tích 77,5km2 với lưu lượng 30m3/s để vận chuyển và tiêu thoát ra sông Nhuệ và sông Hồng. Toàn tuyến tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải mỗi ngày (chưa kể lượng nước thải sông Lừ và sông Kim Ngưu đổ vào). Tải lượng hữu cơ xả vào sông từ 8,2 đến 15 kg BOD/ha.ngày. Mặc dù sông Tô Lịch và các sông thoát nước nội thành Hà Nội đều đã được nạo vét và cải tạo theo các gói thầu các dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nhưng toàn bộ dòng chảy sông từ cống Bưởi đến cống Thanh Liệt trong trạng thái ô nhiễm nặng polysaprobe và α-mezosaprobe [1].  Nước sông màu đen và bốc mùi nặng về mùa khô, lượng oxy hòa tan hầu như không có. Ngoài ra khả năng điều tiết và vận chuyển nước song cũng bị hạn chế do bùn cặn lắng đọng và chướng ngại vật trên sông. Nguy cơ tái ô nhiễm sông sau mùa mưa và sau mỗi lần nạo vét bùn cũng rất cao do dòng chảy chậm và nước thải trong sông không được xử lý và úng ngập trên lưu vực sông do năng lực thoát nước của các công trình tiêu thoát nước mưa.

Sông Tô Lịch và thực trạng ô nhiễm
Hình 2. Sông Tô Lịch và thực trạng ô nhiễm

Để là khung sinh thái đô thị của trung tâm Thủ đô Hà Nội, sông Tô Lịch cần phải đảm bảo: dòng chảy tự nhiên về mùa khô;  thể tích chứa (điều tiết) nước lớn để tiêu thoát nước mưa; và có khả năng tự làm sạch cao để chất lượng nước đáp ứng quy chuẩn môi trường cũng như tạo điều kiện phát triển các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí trên sông. Sông Tô Lịch và các sông hồ thoát nước nội đô khác sẽ tạo nên hệ thống hạ tầng thoát nước xanh cho thủ đô Hà Nội. Như vậy cần thiết phải dự báo chất lượng nước theo các kịch bản cải thiện môi trường sinh thái để từ đấy đề xuất giải pháp kỹ thuật tổng hợp phục hồi sông Tô Lịch.

2. XÁC ĐỊNH HỆ SỐ TỰ LÀM SẠCH THEO BOD CHO SÔNG TÔ LỊCH

Trong vực nước mặt có dòng chảy, BOD (nhu cầu ô xy sinh hóa), đặc trưng cho các chất hữu cơ dễ oxy hóa sinh hóa, là một trong những thông số chỉ thị môi trường quan trọng vì nó liên quan mật thiết đến hàm lượng oxy hòa tan DO (Disolved Oxygen), yếu tố sinh thái tới hạn của vực nước mặt. Về mùa khô khi thu gom nước thải về các nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung, nguy cơ cạn nước sông hồ đô thị là hiện hữu, vì vậy việc tính toán xác định chất lượng nước sông theo chỉ tiêu BOD và lượng nước sạch cũng như nước thải sau xử lý để bổ cập cho sông Tô Lịch là rất cần thiết [2, 3].

Với lưu lượng và nồng độ chất ô nhiễm trong nước nguồn và  nước thải xả vào đó ổn định thì có thể dùng các mô hình ổn định một chiều để kiểm soát chất lượng nước sông. Ngoài BOD, liên quan đến ô nhiễm do nước thải còn có các thông số: TSS, COD, NH4-N, TP, kim loại nặng, Chlorophyl A, Coliform,… Tuy nhiên đặc trưng để xác định khả năng tự làm sạch dòng chảy sông khi tiếp nhận nước thải sinh hoạt là  thông số BOD và vì vậy BOD thường được dùng làm chỉ tiêu để đánh giá chất lượng nước khi nghiên cứu về sông Tô Lịch. Theo Rodzinler I.D.,1985 [4] và Trần Đức Hạ, 1991[5], nếu C là chất hữu cơ tính theo BOD5 sẽ ký hiệu là L. Phương trình tổng quát là:
     
Trong đó: Lt là nồng độ BOD5 lớn nhất trong dòng hỗn hợp nước sông và nước thải xả vào tương ứng với thời gian dòng chảy t từ điểm  ban đầu đến khoảng cách tính toán x; K1,s và K1,hh là các hệ số chuyển hóa chất ô nhiễm hữu cơ theo BOD (hằng số tốc độ oxy hóa sinh hóa chất hữu cơ) trong nước sông thoát nước và trong dòng hỗn hợp nước sông và nước thải, ngày-1. 

Trường hợp trên sông có nhiều điểm xả nước thải tập trung, trên cơ sở biểu thức (2) có thể xác định được nồng độ BOD lớn nhất tại một điểm bất kỳ nào đó sau cống xả nước thải thứ i như sau:

Trong đó: Ls,i là hàm lượng BOD trong nước sông trước điểm xả nước thải thứ i được lấy bằng hàm lượng BOD trong dòng hỗn hợp nước sông và nước thải Lnt,i-1, ngay trước điểm xả đó.

Hệ số K1 là hằng số tốc độ phản ứng bậc 1 oxy hóa sinh hóa các chất hữu cơ trong  hỗn hợp nước thải và nước sông, đặc trưng cho khả năng tự làm sạch các chất hữu cơ dễ oxy hóa sinh hóa (BOD) trong nước sông. K1 phụ thuộc nhiệt độ, vận tốc dòng chảy và các yếu tố môi trường khác nên là đại lượng thực nghiệm nêu trong biểu thức (2). 

Biểu đồ dao động chất lượng nước sông theo sự thay đổi hệ số K1
Hình 3. Biểu đồ dao động chất lượng nước sông theo sự thay đổi hệ số K1.

Trong trường hợp nghiên cứu coi nước thải xả vào các đoạn sông được xáo trộn hoàn toàn ngay nên biểu thức (3) có thể biểu diễn như sau:
                                               
Trong đó: Li,t – BOD5 của hỗn hợp nước thải và nước sông cuối đoạn (i-1) – (i), mg/L;
               Ls,i - BOD5 của hỗn hợp nước thải và nước sông đầu đoạn (i-1) – (i), mg/L;
               Lb,i- BOD5 bổ sung do các miệng xả phân tán, mg/L.

Trên đoạn sông Tô Lịch từ đường Hoàng Quốc Việt đến đập Thanh Liệt dài 12 km được bố trí 10 điểm lấy mẫu tại các vị trí có cống xả lớn nước thải vào sông như hình 4 với khoảng cách từ hai cống xả chính chiều dài từ 400 đến 2200 m. Tại các điểm này, mẫu nước phân tích BOD được lấy  để phía trước (cách 10 m) và phía dưới (cách 15 m) cống xả nước thải. Phương pháp lấy mẫu theo TCVN 5999:1995 (ISO 5667-10: 1992), Chất lượng nước - Lấy mẫu. Hướng dẫn lấy mẫu nước thải và phân tích theo TCVN 6001-1:2008 (ISO 5815-1:2003), Chất lượng nước – Xác định nhu cầu oxy sinh hóa sau n ngày (BODn).  Lưu lượng nước sông được đo theo phương pháp lưu tốc dòng chảy.
 
Vị trí lấy mẫu nước trên sông Tô Lịch
Hình 4. Vị trí lấy mẫu nước trên sông Tô Lịch

Từ các kết quả phân tích chất lượng nước tại các điểm lấy mẫu, bằng phần mềm Excel,  thiết lập được mối quan hệ giữa nồng độ BOD5 của điểm đầu và điểm cuối các đoạn sông nêu trên hình 5 để từ đó thiết lập được mô hình tính toán chất lượng nước sông Tô Lịch theo thông số BOD.
Biểu đồ quá trình tự làm sạch theo chỉ tiêu BOD5 trên các đoạn sông Tô Lịch
Hình 5. Biểu đồ quá trình tự làm sạch theo chỉ tiêu BOD5 trên các đoạn sông Tô Lịch.

Từ kết quả này thấy rằng giữa Lt và La có quan hệ là:
                      Lt = 0,8236La + 1,4355  với R² = 0.9371                      (5)

Thay vào biểu thức (3) ta có được:
                          10-K1t=0,823 và Lb = 1,4355 mg/L                              (6)

Như vậy trên từng đoạn sông Tô Lịch, với khoảng cách từ hai cống xả chính chiều dài từ 400 đến 2200 m, lượng chất ô nhiễm bổ sung (chất hữu cơ trong nước thải và chất thải sinh hoạt) từ các cống xả  nhỏ phân tán (điểm xả không kiểm soát được) làm cho hàm lượng BOD5 trong nước sông tăng thêm trung bình là 1,4355 mg/L. 

Từ các quan hệ giữa hệ số K1 và thời gian dòng chảy trên các đoạn sông Tô Lịch về mùa khô tiến hành xử lý số liệu bằng phần mềm Excel  thấy được mối quan hệ này theo biểu thức:
            K1 = 18,657e-7.511t,    ngày-1   với    R² = 0,9305                        (7)

4. DỰ BÁO CHẤT LƯỢNG NƯỚC SÔNG TÔ LỊCH 

Theo Quy hoạch thoát nước Hà Nội đã được phê duyệt, nước thải các lưu vực S2 và S3 thuộc sông Tô Lịch sẽ được thu gom về  nhà máy XLNT Yên Xá (công suất 270.000 m3/ngày) và nhà máy XLNT Phú Đô (công suất 84.000 m3/ngày) [2]. Nước thải sau khi xử lý sẽ được xem xét xả vào sông Tô Lịch để bổ cập nước cho sông. Ngoài ra, liên quan đến lưu vực sông Tô Lịch, còn có nhà máy XLNT Hồ Tây, công suất giai đoạn 1 là 15000 m3/ngày,  đi vào vận hành năm 2014 thu gom và xử lý một phần diện tích quận Tây Hồ là 180 ha. Giai đoạn 2 đến năm 2030 công suất của nhà máy sẽ đạt tới 30000 m3/ngày với mức độ xử lý loại A theo QCVN 40:2011/BTNMT. Mặt khác, cũng theo Quy hoạch thoát nước Hà Nội, một trạm bơm nước sông công suất Q=5 m3/s sẽ bơm nước sông Hồng (lấy từ cống Liên Mạc trên sông Nhuệ) về pha loãng nước thải và làm sạch sông Tô Lịch về mùa khô [2].

Như vậy, trên sông Tô Lịch sẽ có các nguồn bổ cập nước sau đây:

- Nguồn 1: Nước sông  Hồng tiếp cho sông Tô Lịch tại vị trí đường Hoàng Quốc Việt, lưu lượng 5 m3/s:

- Nguồn 2: Nước thải sau xử lý  nhà máy XLNT Hồ Tây công suất Q=30.000 m3/ngày, xả vào sông Tô Lịch tại vị trí đường Hoàng Quốc Việt;

- Nguồn 3: Nước thải sau xử lý  nhà máy XLNT Phú Đô dự kiến xả khoảng 40.000 m3/ngày (trên tổng số 84.000 m3/ngày) vào sông Tô Lịch tại vị trí Cầu Giấy;

- Nguồn 3: Nước thải sau xử lý  nhà máy XLNT Yên Xá  lưu lượng trung bình về mùa khô 270.000 m3/ngày xả vào sông Tô Lịch tại vị trí hạ lưu Cầu Lũ.

Các mô hình chất lượng nước là công cụ hỗ trợ mạnh cho việc quản lý nguồn nước và ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Do đó, ứng dụng các mô hình chất lượng nước để kiểm soát ô nhiễm nước sông Tô Lich là phù hợp. Qual 2K là mô hình chất lượng nước dòng chảy sông, đây là một phiên bản mới và công năng cao  của mô hình Qual. Qual 2K đã được áp dụng rộng rãi để đánh giá chất lượng nước mặt và cũng để dự báo các tác động của việc xả nước thải đô thị lên chế độ oxy trong sông nhiệt đới [6, 7]. Trong nghiên cứu này, Mô hình chất lượng nước Qual 2K được áp dụng để tính toán và dự báo chất lượng nước sông Tô Lịch theo các kịch bản thu gom, XLNT trên lưu vực và bổ cập nước sạch pha loãng với nước sông.

Sau khi nhập số liệu và chạy mô hình tính toán cho từng kịch bản (KB), thu được kết quả là các biểu đồ vận tốc dòng chảy và nồng độ chất hữu cơ phân hủy nhanh BODf (tương đương BOD5) theo chiều dài sông.

a. Kịch bản 1: 

Nước thải tất cả các tuyến cống dọc hai bờ sông Tô Lịch không được thu gom và xử lý như hiện nay. Ước tính  hàng ngày có khoảng 300.000 m3 nước thải chưa qua xử lý thải trực tiếp ra sông Tô Lịch, bên cạnh đó còn có khoảng 55.000 m3 từ sông Lừ đoạn Cống Dậu và 60.000 m3 từ sông Kim Ngưu đoạn Cầu Tó bổ cập vào sông. Ngoài ra  nước sông Tô Lịch không được pha loãng từ nguồn nước sông Hồng. 
  
Vận tốc dòng chảy theo chiều dài sông KB1
Hình 6. Vận tốc dòng chảy theo chiều dài sông KB1

BOD5 theo chiều dài sông KB1
Hình 7. BOD5 theo chiều dài sông KB1

Các kết quả tính toán nêu trên các biểu đồ hình 6 và hình 7 cho thấy:

- Vận tốc dòng chảy trên sông thấp trong khoảng 0,2 – 0,35 m/s, phù hợp với sông Tô Lịch, thấp nhất tại điểm cách thượng lưu 4km và cao nhất tại điểm cách thượng lưu 1km. Nguyên nhân là do đoạn thượng lưu sông Tô Lịch có chiều rộng nhỏ (4,5m) và lưu lượng đầu vào khá lớn. Đoạn trung lưu của sông tuy lưu lượng lớn lên do sự bổ cập nước thải từ các tuyến cống đổ ra nhưng chiều rộng sông tăng lên 22m nên vận tốc dòng chảy giảm.

- Nồng độ BOD5 nằm trong khoảng 90 – 110 mg/l và đều vượt quá mức B1 – QCVN 08:2015/BTNMT. BOD5 có xu hướng giảm dần ở cuối dòng do khả năng tự làm sạch của sông tăng lên. Trạng thái chất lượng nước mức α-mezosaprobe ở hầu hết theo chiều dài dòng sông.

b. Kịch bản 2: 

Theo dự án tiếp nước cho sông Tô Lịch, một trạm bơm nước sông công suất Q = 5 m3/s sẽ bơm nước sông Hồng từ Liên Mạc về pha loãng vào làm sạch sông, tuy nhiên tình trạng thu gom và XLNT vẫn theo như KB1. Kết quả tính toán dự báo chất lượng nước sông thể hiện trên các biểu đồ hình 8 và hình 9.  Vận tốc dòng chảy theo chiều dài sông KB2
Hình 8. Vận tốc dòng chảy theo chiều dài sông KB2


Hình 9. BOD5 theo chiều dài sông KB2

Các kết quả tính toán dự báo nêu trên cho thấy:

- Do bổ cập nước sạch với lưu lượng 5m3/s vào đầu sông nên tốc độ của dòng chảy tăng (0,3-0,7) m/s, đảm bảo yêu cầu dòng chảy sinh thái và khả năng làm sạch sông tăng lên rõ rệt.

- Giá trị BOD5 nằm trong khoảng 5 – 45 mg/L. Tuy hàm lượng vượt quá mức B1 – QCVN 08:2015/BTNMT nhưng đã giảm gần 50% so với KB1. 

c. Kịch bản 3 

Theo Quy hoạch thoát nước Hà Nội, các nhà máy XLNT, đặc biệt là hệ thống XLNT Yên Xá, có hệ thống cống gom chạy dọc sông Tô Lịch và sông Lừ, và xử lý đạt mức B theo QCTĐHN 02:2014/BTNMT. Tuy nhiên nước thải phân tán lưu lượng nhỏ dọc sông, ước tính khoảng 10.000 m3/ngày còn chưa được thu gom xử lý. Kết quả tính toán dự báo trạng thái chất lượng nước sông Tô Lịch trong trường hợp này được thể hiện trên các hình 10 và hình 11.
  
Vận tốc dòng chảy theo chiều dài sông KB3
Hình 10. Vận tốc dòng chảy theo chiều dài sông KB3

BOD5 theo chiều dài sông KB3
Hình 11. BOD5 theo chiều dài sông KB3

Các kết quả tính toán dự báo theo KB3 cho thấy:

- Do vẫn được bơm nước từ sông Hồng (5m3/s) nên vận tốc gần như không thay đổi so với KB2 (0,3-0,7 m/s).

- Hàm lượng BOD5 cũng được giảm nhiều ở cuối đoạn sông do được nhà máy Yên Xá  thu gom và xử lý nên giá trị  nằm trong khoảng 5 – 23 mg/L (giảm gần 50% so KB1), tuy nhiên vẫn vượt quá mức B1 – QCVN 08-MT:2015/BTNMT. 

d. Kịch bản 4 (KB4):

Tất cả nước thải trong lưu vực (xả thải tập trung và phân tán ra sông Lừ và sông Tô Lịch) đều được thu gom và xử lý đạt mức B theo QCTĐHN 02:2014/BTNMT [8], trong đó liên quan đến chế độ oxy thì  BOD5 phải ≤20 mg/L. Sông Tô Lịch được bổ cập nước sông Hồng Q=5m3/s vào mùa khô. Kết quả tính toán dự báo trạng thái chất lượng nước sông trong trường hợp này được thể hiện trên các hình 12 và hình 13.
  
Vận tốc dòng chảy theo chiều dài sông KB4
Hình 12. Vận tốc dòng chảy theo chiều dài sông KB4

BOD5 theo chiều dài sông KB4
Hình 13. BOD5 theo chiều dài sông KB4

Các kết quả tính toán dự báo theo KB4 cho thấy:

- Do vẫn được bơm nước từ sông Hồng (5m3/s) nên vận tốc gần như không thay đổi so với KB2 và KB3 (0,3-0,7) m/s.

- Hàm lượng BOD5 nằm trong khoảng 5 – 18 mg/l. Hàm lượng BOD5 đoạn dọc sông đã đạt mức B1 – QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Tuy nhiên cuối đoạn có nước từ sông Kim Ngưu chảy vào nên hàm lượng BOD lại tăng lên vượt mức B1.

5. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP KỸ THUẬT TỔNG HỢP PHỤC HỒI DÒNG CHẢY SINH THÁI SÔNG TÔ LỊCH

Sau khi mô phỏng chất lượng nước sông Tô Lịch về mùa khô theo các kịch bản khác nhau, thấy rằng: 

1. Nước sông Tô Lịch hiện nay ô nhiễm trầm trọng ở mức B2 theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT trạng thái α-mezosaprobe ở hầu hết vị trí theo chiều dài dòng chảy sông.

2. Nếu được bổ cập nước sạch từ sông Hồng Q=5 m3/s về mùa khô, các chất ô nhiễm trong nước sông được pha loãng tuy nhiên chất lượng nước sông Tô Lịch  theo thông số BOD5 vẫn vượt ngưỡng cho phép B1 theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

3. Để đảm bảo về mùa khô chất lượng nước ở trên toàn chiều dài sông ở mức B1 QCVN 08-MT:2015/BTNMT và vận tốc dòng chảy 0,3÷0,7 m/s (yêu cầu dòng chảy sinh thái sông nội đô), tất cả nguồn nước thải tập trung (các điểm xả có D>300mm) và phi tập trung (các điểm xả phân tán có D≤300mm) cần phải được thu gom và xử lý đến mức B theo QCTĐHN 02:2014/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trong đó BOD5 phải ≤20 mg/L và bổ cập lượng nước sạch từ sông Hồng Q=5 m3/s.

Với kết quả tính toán dự báo chất lượng nước sông theo các KB nêu ở mục 4, trong báo cáo đề tài khoa học công nghệ  01C-09/01-2016-3  [3] các giải pháp kỹ thuật được tổng hợp để phục hồi dòng chảy sinh thái sông Tô Lịch được đề xuất trên hình 14.
 
Sơ đồ nguyên tắc quy trình phục hồi dòng chảy sông Tô Lịch
Hình 14. Sơ đồ nguyên tắc quy trình phục hồi dòng chảy sông Tô Lịch

Các bước phục hồi dòng chảy sông Tô Lịch như sau: 1). thu gom và XLNT (kể cả nước thải công trình thoát nước tập trung và phân tán) đảm bảo quy chuẩn môi trường trước khi xả vào sông; 2). xử lý ô nhiễm tồn lưu trong sông (nạo vét và xử lý bùn ô nhiễm); 3). kè và cải tạo bờ đảm bảo ổn định cho sông; 4). bổ cập nước sạch cho sông mùa khô theo yêu cầu dòng chảy môi trường (sinh thái) đồng thời cung cấp nước qua sông Nhuệ cho nông nghiệp khu vực phía Nam thành phố; và 4). bố trí các công trình vui chơi giải trí kết hợp cảnh quan với tăng cường tự làm sạch nước sông.

5. KẾT LUẬN

Sông Tô Lịch gắn liền với lịch sử phát triển trên 1000 năm của thành phố Hà Nội. Sông là khung sinh thái của trung tâm thành phố, đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong hệ thống hạ tầng xanh của thành phố. Tuy nhiên sự phát triển đô thị đã làm cho nước sông bị ô nhiễm nặng, khả năng tiêu thoát nước mưa của sông giảm sút,… Vì vậy cần phải đảm bảo cho sông: dòng chảy tự nhiên về mùa khô;  thể tích chứa (điều tiết) nước lớn để tiêu thoát nước mưa; và có khả năng tự làm sạch cao để chất lượng nước đáp ứng quy chuẩn môi trường cũng như tạo điều kiện phát triển các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí trên sông. 

Dự báo chất lượng nước theo các kịch bản cải thiện môi trường sinh thái cho sông là cơ sở để đề xuất giải pháp kỹ thuật tổng hợp phục hồi dòng chảy sông Tô Lịch. Ứng dụng mô hình Qual 2K với việc hiệu chỉnh hệ số phân hủy chất hữu cơ theo BOD (hệ số K1) thực tế của sông thấy rằng các giải pháp cải thiện chất lượng nước sông theo KB4 có thể phục hồi dòng chảy môi trường cho sông. Sau khi xử lý ô nhiễm, cải tạo dòng sông và bổ cập nước sạch đảm bảo dòng chảy với vận tốc tối thiểu từng đoạn sông dao động 0,3-0,4 m/s thì dựa trên tính toán, đánh giá khả năng tự làm sạch của sông có thể bố trí các công trình sinh thái cảnh quan trên sông cho hợp lý.  

Sông Tô Lịch sau khi được phục hồi dòng chảy, sẽ đảm bảo được chức năng khung sinh thái chính của đô thị, là nơi vui chơi giải trí của nhân dân thủ đô và du khách, đồng thời cung cấp một phần nước tưới cho vùng nông nghiệp phía Nam thành phố.

Trần Đức Hạ(1), Lê Việt Hưng(2), Trần Đức Minh Hải(3)
(1)GS.TS, NGUT, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, 
(2)TS, Công ty CDC, 
(3)ThS, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
 
Tài liệu tham khảo:

1. Trần Đức Hạ, Đinh Viết Cường, Trần Đức Minh Hải (2016). Dự báo chất lượng nước sông Tô Lịch sau khi tiếp nhận nước thải của các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tạp chí”Cấp thoát nước Việt Nam”, Số 6 (110), 38-41

2. Quyết địnhsố 725/2013/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 của Thủ tướng chính phủ Phê duyệt quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3. Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (2019). Báo cáo đề tài NCKH cấp thành phố Hà Nội:Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật tổng hợp để bảo vệ môi trường nước sông nội đô Thành phố Hà Nội (mã số: 01C-09/01-2016-3). 

4. Rodzinler I.D (1985), Dự báo chất lượng nguồn nước sau khi tiếp nhận nước thải, NXB Xây dựng Leningrad (bản tiếng Nga).

5. Trần Đức Hạ. Mô hình hóa quá trình tự làm sạch chuỗi hồ trong điều kiện Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Xây dựng Leningrad, 1991.

6. Trần Đức Hạ, Phạm Tuấn Hùng, Đào Anh Dũng, Nguyễn Hữu Hòa, Lê Việt Hưng (2006). Một số phần mềm tính toán thiết kế công trình cấp thoát nước và bảo vệ nguồn nước, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. 

7. Chapra, S.C. and Pelletier, G.J (2003). QUAL 2K: A modeling framework for simulating river and stream water quality. Documentation and users manual. Civil and Environmental Engineering Dept., Tufts University, Medford, MA.

8. Trần Đức Hạ, Nguyễn Bá Liêm (2015). Xử lý tại chỗ nguồn nước thải không thu gom được vào hệ thống thoát nước tập trung trên lưu vực sông Tô Lịch. Tạp chí "Môi trường”, số 5/2015.

Tags sông Tô Lịch chất lượng nước phục hồi dòng chảy

Các tin khác

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc quản lý chất thải nói chung và tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTR CNTT) nói riêng trong KCN đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hoạt động tái sử dụng loại chất thải này của các doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Những mô hình, cách làm xuất phát từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người, của cả cộng đồng chung tay hưởng ứng thì môi trường mới trong lành và sạch đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục