Đồng bằng sông Cửu Long trong cơn khát dai dẳng mùa khô: Bên những cánh đồng khô (Bài 2)

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/5/2024 | 4:55:01 PM

Nông dân tại “thủ phủ” chanh 11.000ha ở Long An mùa này như “ngồi trên đống lửa” khi hơn 600ha vườn chết khô, hàng ngàn hécta còn lại cũng đang trong tình trạng “hấp hối”.

Mùa hạn, mặn năm nay đến muộn hơn mọi năm, kết hợp nắng gắt kéo dài khiến kênh, rạch cạn nước, ruộng đồng nứt nẻ, đường sá sụt lún, nhà dân đổ sập, cây trồng chết héo,... Hàng chục ngàn hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long mùa này phải trắng đêm hứng nước hoặc đội nắng mang can đi nhận nước hỗ trợ. Phóng viên Báo Long An đã có chuyến ghi nhận thực tế, khởi hành từ đầu tháng 4, kết thúc đầu tháng 5 tại các địa phương là "điểm nóng”, đã công bố tình trạng khẩn cấp gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Long An và các tỉnh khác như Sóc Trăng, Bến Tre để ghi lại câu chuyện của nông dân giữa mùa khát cháy.

Bài 2: Bên những cánh đồng khô

Nông dân tại "thủ phủ” chanh 11.000ha ở Long An mùa này như "ngồi trên đống lửa” khi hơn 600ha vườn chết khô, hàng ngàn hécta còn lại cũng đang trong tình trạng "hấp hối”. Hơn 100ha lúa gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo tại tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre cũng gần như mất trắng, phải xới bỏ hoặc thu hoạch vớt vát với năng suất chỉ bằng một phần mười vụ trước.


Ruộng chanh tại ấp 1, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Mương chứa nước cạn khô, mặt đất nứt nẻ hồi đầu tháng 5/2024

"Đứt ruột” xới bỏ đồng lúa chết khô

Đầu tháng 4, cánh đồng lúa Đông Xuân muộn hơn 2 tháng tuổi, rộng hơn 100ha tại Hợp tác xã Long Đức (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) thay vì xanh tốt như mọi năm, giờ phần lớn đã chuyển sang màu nâu xám, mặt đất khô cằn, nứt nẻ.

Đây là diện tích lúa gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo do giá lúa tăng cao, hiện 30ha do thiếu nước kéo dài đã chết khô phải xới bỏ. "Số diện tích còn lại sắp trổ cũng èo uột, khô cháy, nông dân vẫn đang cố cầm cự, hy vọng vớt vát được chút đỉnh” - Phó Chủ tịch UBND xã Long Đức - Đỗ Văn Dẫn thông tin.

Nhưng chiến lược "cầm cự” của những nông dân mùa này cũng đồng thời là một "canh bạc”. "Chúng tôi đánh liều bơm nước dưới kênh nội đồng có độ mặn từ 1,3-1,6 phần nghìn vào ruộng” - ông Võ Trần Thanh Sang (54 tuổi) thất thần nói khi đứng bên đồng lúa 6.000m2 đang "hấp hối” trong cơn khát cháy ở ấp Lợi Đức. Cạnh đó, đám ruộng 5.000m2 của gia đình ông sau nhiều ngày "cầm cự”, nay đành bất lực bỏ phế cho lúa chết.

Vụ này năm ngoái, ông Chín Sang trồng lúa đạt năng suất gần 8 tấn/ha, cộng với giá cao hơn 10.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông có lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Năm nay, cơn hạn, mặn dai dẳng đã "vắt kiệt” sức của ông Chín Sang và nhiều nhà nông.

Cạnh bờ sông, chiếc máy bơm đang xả khói đen kịt chạy hết công suất, mỗi giờ thuê bơm nước tốn 60.000 đồng. Sau 3 ngày máy chạy, tốn hơn 1 triệu đồng mà nước trên ruộng của ông Chín Sang vẫn chỉ mới ngập xăm xắp, do phần lớn bị rút hết xuống mặt đất nứt nẻ. Các đám ruộng xung quanh đã bị bỏ phế hoặc xới đất, mảnh ruộng của ông Chín Sang vì vậy cũng vô tình trở thành "ốc đảo”, lâm vào cảnh "họa vô đơn chí”. "Có cầm cự qua đợt hạn, mặn nổi cũng chưa chắc còn lúa ăn với đám chuột bọ, nhưng phải cố mà hy vọng mới sống nổi mấy ngày này” - lão nông Chín Sang nói.


Cách ruộng ông Chín Sang hơn 100km, giữa tháng 4, anh Diệp Trung Nghĩa (40 tuổi, ngụ ấp Phong Phú, xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đang thuê máy thu hoạch đồng lúa 1,7ha.

Tuy nhiên, trái ngược cảnh xe tải, thương lái nhộn nhịp chở lúa như mọi năm, vụ này chủ ruộng tự chạy chiếc xe máy có gắn khung sắt tự chế ra đồng để chở... rơm về cho bò ăn.

Cánh đồng 1,7ha thiếu nước không trổ bông, anh Diệp Trung Nghĩa (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) thuê máy cắt bỏ lấy rơm cho bò ăn

Hơn một tháng trước, hạn, mặn ở địa phương đạt đỉnh điểm, kênh, rạch nội đồng đều cạn nước. Sau nhiều ngày ruộng lúa "khát khô”, anh Nghĩa phải đưa ra quyết định khó khăn là bỏ lúa chết để bớt tốn thêm chi phí. Dù lúa không trổ nhưng gia đình anh vẫn phải thuê máy cắt bỏ để xới đất gieo sạ lại vụ mới, vừa tận dụng rơm cho bò ăn.

"Tốn 3-4 triệu đồng chi phí thuê máy cắt, thêm 3 triệu đồng tiền thuê cuộn rơm, cộng với tiền phân, thuốc, giống hơn 20 triệu đồng, vụ này coi như lỗ nặng” - anh Nghĩa mếu máo nói.

"Thủ phủ” chanh xơ xác trong "cơn bão” khô hạn

Cánh đồng chanh hơn 2.000ha tại xã Thạnh Hòa (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) những ngày qua như vừa trải qua "cơn bão giữa mùa khô”. Sau 2 tháng nắng nóng, các mương nước trong vườn đều đã cạn khô, mặt đất nứt nẻ. Khoảng 30% vườn chanh với tổng diện tích khoảng 600ha đã chết khô được người dân nhổ bỏ, chất đống dọc đường. Những cây chanh còn lại cũng đang trong tình trạng khát khô, lá bắt đầu rộp lại, trái non rụng gần hết, số trái còn lại cũng teo tóp dần.

Để cứu vườn chanh, một số gia đình có chanh non, diện tích nhỏ, từ 100 gốc trở lại phải mua nước ngọt từ xe bồn hút dưới những hầm đất còn sót lại với giá 10.000 đồng/m3 để tưới cầm chừng.


Nhiều cây chanh chết héo tại vườn 1,5ha của gia đình anh Phạm Văn Huệ Nhiều (ấp 1, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) sau 2 tháng thiếu nước

Có ruộng chanh quá rộng, tổng cộng gần 4ha, ông Trần Cảnh Chung (51 tuổi, ngụ ấp 1) bảo rằng việc mua nước tưới cây lúc này là bất khả thi, chỉ tốn kém thêm.

Gia đình ông Chung trước đây trồng mía, hơn 10 năm trước, nhà máy đường ngừng thu mua, ông cùng nhiều nông dân thua lỗ, chuyển sang trồng cây chanh. Bình quân, mỗi 1ha chanh sau khoảng 1,5 năm bắt đầu cho trái, đến khoảng 4 năm tuổi bắt đầu cho năng suất tốt.

Mỗi năm, 1ha chanh đạt năng suất khoảng 15-17 tấn, với giá bình quân khoảng 18.000-20.000 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận từ 50-60 triệu đồng. Sau khoảng 7-8 năm, các gốc chanh già được nhổ bỏ để thay cây mới. Chủ vườn cho hay, kể cả các đợt hạn, mặn lịch sử những năm trước, mương chứa trong ruộng chanh nhà ông cũng chưa bao giờ thiếu nước.

Năm nay, từ đầu vụ, nghe đài dự báo xâm nhập mặn có thể kéo dài, ông Chung tranh thủ bơm nước đầy các mương trữ trong vườn. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng nắng nóng, số nước trữ này cũng cạn dần.

Khoảng 1 tháng trước, vườn chanh 0,5ha đã được 4 năm tuổi của gia đình ông bắt đầu thiếu nước, cây rụng lá rồi lần lượt chết. Xót của, ông Chung nghĩ ra cách cắt bỏ các nhánh, chỉ giữ lại thân chính chờ mưa để cây phục hồi nhưng vẫn không cứu được. Toàn bộ vườn chanh sau đó phải nhổ bỏ làm củi.

"Chi phí phân, thuốc, nhân công cùng hệ thống tưới nhỏ giọt khoảng 500 triệu đồng, chỉ mới lấy vốn 2 mùa được khoảng 200 triệu đồng, còn lại coi như thua lỗ” - ông Chung nói.

Chưa hết buồn, mấy ngày nay, khoảng 100 gốc chanh (tương đương 2.000m2) trong các vườn còn lại của gia đình ông tiếp tục chết héo. "Nghe đài báo cỡ tuần sau sẽ có mưa, mong sao vườn cây sớm được cứu” - vợ ông Chung hy vọng. Nhưng không phải ai cũng lạc quan. "Mưa xuống, chanh cũng sẽ chết tiếp” - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa - Phạm Văn Khanh thông tin.

Ông Khanh lý giải, vụ này, đa số nông dân đã ngưng hái trái, tuy nhiên do giá chanh cao khoảng 20.000 đồng/kg, nhiều nông dân vẫn tiếp tục thu hoạch. Những vườn chanh hơn 4 năm tuổi đang trong tình cảnh "khát nước” kéo dài, vừa bị vắt kiệt sức nuôi trái, khi gặp mưa xuống sẽ bị sốc nước, diện tích thiệt hại sắp tới vì thế chắc chắn sẽ tăng thêm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, mùa hạn, mặn năm nay, tỉnh có hơn 4.600ha cây ăn quả, chủ yếu là chanh, mít bị khô héo, giảm năng suất. Tỉnh đang đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 157 tỉ đồng cải tạo lại hệ thống thủy lợi, chủ động nguồn nước để bảo vệ sản xuất cho các vụ sau.

Trở lại cánh đồng ở Long Đức, Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), đầu tháng 5, một số tỉnh ở miền Tây đã bắt đầu có mưa, tuy nhiên, khu vực này nông dân vẫn đang chịu cảnh nắng... nứt đầu.


Mặt đất khô nứt nẻ trên cánh đồng lúa ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng

"Nhưng giờ có mưa thì cũng mừng vì đỡ nóng nực chứ hết cứu được đám lúa rồi” - ông Chín Sang buồn hiu nói. Hy vọng mong manh vào đám lúa cuối cùng cũng bị cơn hạn, mặn mùa này "lạnh lùng” dập tắt. Gần 70ha lúa còn lại quanh khu vực được nông dân nỗ lực cứu cũng chịu chung số phận. Ruộng lúa sau khi được bơm nước mặn dù trổ bông nhưng không ngậm sữa, cả cánh đồng 6.000m2 của gia đình ông Chín Sang chỉ thu hoạch được 2 bao lúa, tương đương 100kg. Tính hết chi phí phân bón, thuốc lẫn tiền công bơm nước, mùa này, ông Chín Sang bị đứt hết vốn liếng hơn 20 triệu đồng./.


Ông Võ Trần Thanh Sang bên cánh đồng lúa 5.000m2 bị thiếu nước, chết héo, mặt đất nứt nẻ hồi đầu tháng 4/2024

(còn tiếp)

Bài 3: cuộc chạy lở giữa mùa khô hạn

Thanh Nga - Thường Sơn

Tags Đồng bằng sông Cửu Long Long An hạn hán xâm nhập mặn thiếu nước

Các tin khác

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc quản lý chất thải nói chung và tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTR CNTT) nói riêng trong KCN đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hoạt động tái sử dụng loại chất thải này của các doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Những mô hình, cách làm xuất phát từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người, của cả cộng đồng chung tay hưởng ứng thì môi trường mới trong lành và sạch đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục