Vai trò của các công trình thủy lợi
Phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL bắt đầu từ thời kỳ phong kiến, khi người Việt di dân vào miền Đông Nam Bộ vào khoảng năm 1620. Với phương cách "đào mương, lên liếp và bờ bao ngạn”, đến cuối thế kỷ XVIII, những vùng đất Tiền Giang, Hậu Giang đã thành miệt vườn trù phú.
Ngay sau miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách chiến lược đúng đắn thúc đẩy sự phát triển để ĐBSCL đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một trong những chiến lược mũi nhọn nhằm khơi dậy tiềm năng của ĐBSCL là việc ưu tiên xây dựng, phát triển các hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Nhìn chung các công trình được đầu tư theo định hướng dài hạn, phục vụ đa mục tiêu, phát triển các vùng nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tiêu biểu như Hệ thống Thủy lợi Bắc Vàm Nao, Nam Vàm Nao, Ô Môn Xà No, Bảo Định, Bắc Bến Tre – giai đoạn 1, Quảng Lộ - Phụng Hiệp, Gò Công, Tứ Giác Long Xuyên; nạo vét mở rộng gần 30 trục kênh chuyển nước từ sông Tiền, sông Hậu đến vùng Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau và hàng trăm công trình có phạm vi phục vụ từ vài trăm hecta đến hàng nghìn hecta.
Cống Xuân Hòa có tác dụng ngăn mặn, gạn nước ngọt đảm bảo an toàn cho các diện tích lúa đông xuân vùng Ngọt hóa Gò Công
Hàng loạt dự án ngọt hóa lớn, như: Gò Công (tưới trên 50.000 ha), Bắc Bến Tre (trên 100.000 ha), Nam Măng Thít (gần 200.000 ha), Quản Lộ-Phụng Hiệp, Tứ giác Long Xuyên, Ô Môn-Xà No, Đông Hà Tiên…đã giúp biến những vùng đất bị nhiễm mặn, lợ, chỉ sản xuất một vụ lúa với năng suất thấp, thành hàng triệu hecta đất gieo trồng hai, ba vụ lúa.
Đối với vùng thường xuyên ngập lũ hàng năm, việc đắp đê bao, bờ chống lũ sớm (lũ tháng 8) bảo vệ lúa Hè Thu dần được nâng cấp để có khả năng chống lũ triệt để (lũ chính vụ) cho sản xuất vụ lúa thứ 3 (lúa Thu Đông), góp phần nâng cao đáng kể sản lượng lúa hàng năm của toàn vùng.
Việc điều tiết nguồn nước bằng các hệ thống kênh trục, kênh ngang, cống, bờ bao góp phần tăng năng suất, tăng diện tích canh tác, đa dạng hoá các loại hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.
Hệ thống kênh được xây dựng bao gồm các kênh trục lớn nối sông Hậu với biển Tây, sông Tiền với sông Vàm Cỏ Tây và sông Tiền với sông Hậu đã đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn nước trực tiếp từ sông chính vào đồng. Hệ thống kênh cấp 2 được mở rộng trên nhiều vùng ở ĐBSCL, đặc biệt là các vùng thâm canh lúa dọc sông Tiền và Hậu, nối các kênh trục với nhau, có nhiệm vụ cấp nước tưới và tiêu nước cho nội đồng. Nhỏ nhất là hệ thống kênh nội đồng (Kênh cấp 3) đóng vai trò trực tiếp dẫn nước tưới và tiêu nước cho từng thửa ruộng. Các cấp kênh đã hợp thành một hệ thống kênh mương khá dày, với mật độ 8-10 m/ha.
Bên cạnh hệ thống kênh, các loại hình công trình thủy lợi khác cũng được xây dựng, như: đê bao, bờ bao chống lũ nội đồng, ngăn triều; cống, bọng lấy nước, điều tiết nước, kiểm soát mặn; trạm bơm tưới tiêu và số ít hồ chứa nước (ở vùng núi thuộc tỉnh An Giang).
Ở các khu vực có ảnh hưởng của xâm nhập mặn, các công trình thủy lợi được xây dựng khép kín, chủ động điều tiết nước cả về lượng và chất lượng nước (ngọt, lợ).
Đê biển Gò Công là một tuyến đê biển quan trọng ở tỉnh Tiền Giang có nhiệm vụ giảm sóng, tạo bãi bồi
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các công trình hiện đảm nhận tưới, tiêu, phòng, chống ngập lụt, úng cho diện tích canh tác nông nghiệp hàng năm khoảng 5,393 triệu ha, bao gồm: 4,189 triệu ha lúa, trái 325.000 ha cây ăn, 789.000 ha mặt nước NTTS và gần 100.000 ha các cây trồng khác.
Bên cạnh cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, các hệ thống thủy lợi đã và đang chuyển dần sang phục vụ phát triển đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản,…), nhất là các hệ thống vùng ven biển đã tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho phần lớn cư dân nông thôn nhất là trong mùa khô thông qua việc trữ nước trong các kênh, rạch khép kín hoặc ao, hồ. Điển hình, hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít đã cung cấp nguồn nước sinh hoạt và vận hành cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải; hệ thống thủy lợi Bảo Định cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhà máy nước BOO Tiền Giang và gần đây nhất là công trình thủy lợi hồ nước ngọt kênh Lấp đã tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt 200.000 dân, 100.000 gia súc, 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, 150 trụ sở, văn phòng, trường học... tại 24 xã, thị trấn của huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre). Đối với các vùng có điều kiện nguồn nước khó khăn, trong các năm xâm nhập mặn lên cao thì các đoạn kênh cụt, ao, hồ được tận dụng để trữ nước, đóng vai trò trong tạo nguồn nước sinh hoạt cho mùa khô. Việc xây dựng các công trình thủy lợi để phục vụ đa mục tiêu, trong đó có nước sinh hoạt sẽ tiếp tục được thực hiện. Điển hình như hồ chứa nước và hệ thống xử lý nước tỉnh Cà Mau” thuộc Dự án: "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL” sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, dự kiến hoàn thành trong tháng sau (5/2024) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực thiếu nước ngọt nhất vùng ĐBSCL.
Đánh giá về hiệu quả các công trình thủy lợi, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các hệ thống thủy lợi thời gian qua đã chứng minh được hiệu quả trong phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn. Khi nhiều cửa sông bị xâm nhập mặn vào sâu hơn 100 km thì toàn bộ hệ thống thủy lợi gần như đã khép kín, việc lấy nước đã được chủ động trong thời gian trước đó. Khi vào cao điểm mặn, hệ thống thủy lợi sẽ vận hành và giữ lại lượng nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
"Tuy nhiên, phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn. Nhờ những dự báo của bộ phận này đã giúp các ngành chức năng có sự ứng phó kịp thời như đẩy thời gian gieo trồng sớm hơn, chủ động lấy nước ngọt dự trữ, cơ cấu lại giống cây trồng,... hạn chế được thiệt hại cho người nông dân. Từ những dự báo của khí tượng thủy văn đã giúp cho việc vận hành các hệ thống thủy lợi được chính xác và đúng thời điểm hơn khi đóng, mở các hệ thống thủy lợi để lấy nước ngọt, bơm vào các hệ thống tích trữ khi triều cường tăng hay rút", GS.TS Vũ Trọng Hồng chia sẻ.
Những thách thức
Hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL được ví như những mạch máu nuôi dưỡng vựa lúa và trái cây lớn của cả nước song những tác động từ phát triển thượng nguồn sông Mê Công, tác động từ Biển và sự phát triển nội tại ở ĐBSCL là những thách thức lớn phải đối diện.
Ở ĐBSCL, mùa mưa trùng với mùa lũ. Đây cũng là mùa có lượng nước dồi dào song những năm gần đây, do ảnh hưởng của việc tích nước của các hồ chứa, số trận lũ lớn (mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu vượt 4,5m) giảm so với trước kia, chủ yếu xuất hiện lũ vừa và lũ nhỏ (chiếm đến khoảng 99%). Quy luật lũ cũng thay đổi, lũ có xu hướng đến muộn hơn so với trước đây, lũ đầu vụ (tháng 7, 8) suy giảm.
Việc thay đổi quy luật lũ dẫn đến việc thiếu nước cho sản xuất ở thời gian đầu, lũ chính vụ đến muộn thường trùng với các kỳ triều cường lớn vào cuối năm (tháng 10, 11) nên lũ thoát chậm hơn và gia tăng tình trạng ngập lũ vùng Ven biển (do triều cường kết hợp lũ thượng nguồn).
Do sự tác động của phía thượng nguồn nên lũ đã bị giảm tính tự nhiên, gây khó khăn cho việc dự báo đồng thời, cũng tiềm ẩn nguy cơ lũ cao bất thường nếu xảy ra sự cố hồ chứa hoặc xả lũ đồng loạt. Nguồn nước về ĐBSCL cũng vì thế mà thay đổi rất lớn về quy luật, dòng chảy đầu mùa khô có xu thế giảm nhưng gia tăng vào thời kỳ giữa và cuối mùa. Theo số liệu thực đo lưu lượng trung bình tháng tại hai trạm đầu nguồn sông Cửu Long là trạm Tân Châu trên sông Tiền và trạm Châu Đốc trên sông Hậu cho thấy, so với giai đoạn trước năm 2012 (hồ chứa thượng nguồn chưa được xây dựng nhiều), dòng chảy đầu mùa khô giảm từ 5-12%, từ giữa đến cuối mùa khô tăng từ 22-50%.
Việc biến động nguồn nước thượng lưu làm cho tình trạng xâm nhập mặn tại các vùng cửa sông, ven biển có thay đổi lớn về quy luật. Cụ thể mặn đã có xu hướng xâm nhập sớm hơn trước đây từ 1-1,5 tháng. Giai đoạn trước năm 2012, mặn thường xâm nhập đáng kể từ tháng 2 đến tháng 4, đỉnh mặn xuất hiện vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4 (là tháng có dòng chảy kiệt nhất). Hiện nay, những năm dòng chảy thượng nguồn về thấp, xâm nhập mặn xuất hiện từ cuối tháng 12 năm trước, đỉnh mặn xuất hiện vào tháng 2; sang tháng 3, dòng chảy kiệt thường tăng, làm cho mặn giảm nhanh. Phạm vi xâm nhập mặn cũng tăng so với trước đây. Ranh mặn 4 g/l trước đây chỉ vào sâu nhất đến 60 km từ cửa sông Cửu Long ở những năm bị xâm nhập cao, còn nay xảy ra thường xuyên hơn.
Cũng do việc xây hồ chứa phía thượng lưu khiến cho lượng phù sa về ĐBSCL ước chỉ còn khoảng 35-40% so với trước đây. Trong tương lai, khi các hồ chứa thượng lưu xây dựng hoàn thành theo quy hoạch, lượng phù sa chỉ bằng 1/10 so với hiện nay. Việc mất phù sa làm suy giảm đáng kể hàm lượng dinh dưỡng cung cấp cho đất và cây trồng, nhất là ở vùng ngập lũ (vùng Thượng).
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng đây là một thách thức khách quan buộc chúng ta phải chấp nhận bởi Việt Nam nằm ở hạ nguồn tức là hạ du nên riêng về vị trí địa lý làm cho chúng ta có một số cái bất lợi.
Thách thức thứ hai phải kể đến là sự tác động từ biển. Các nghiên cứu cho thấy, trong 30 năm qua, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm, đỉnh triều tăng nhiều hơn chân triều, dẫn đến năng lượng dòng triều tăng. Toàn vùng có 17 cửa sông với tổng chiều rộng khoảng 25 km, dẫn đến sự trao đổi nước từ biển vào đã và tiếp tục gia tăng từ 25% đến 65%, làm cho diện tích bị ngập triều và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, việc tiêu thoát nước cũng khó khăn, dẫn đến tăng diện tích ngập do lũ, do triều và kéo dài thời gian ngập. Theo các kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng ven biển ĐBSCL sẽ là 30 cm năm 2050 và 75 cm năm 2100. Sự gia tăng này sẽ ảnh hưởng sâu vào đồng bằng do sự hạ thấp đồng bằng và biên độ triều lớn.
Do tác dộng của BĐKH, các hình thái thời tiết cực đoan như bão lớn, siêu bão xuất hiện nhiều hơn, có thể gây ra những tổn thất khó lường. Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người dân, ổn định đới bờ nhưng đã bị giảm tới 80% diện tích trong 50 năm qua.
"Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan, nước biển dâng, xâm nhập mặn, rừng đầu nguồn bị suy giảm cũng gây ra những tác động không hề nhỏ tới nguồn nước”, PGS.TS Bùi Thị An cho biết.
Mặc dù xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô mang đặc tính của vùng, thường xuyên xảy ra và đã có các giải pháp thích ứng được thực hiện, tuy nhiên, việc thay đổi quy luật xâm nhập mặn trong những năm gần đây đã gây khó khăn lớn cho công tác dự báo, cung cấp thông tin cho quản lý vận hành công trình thủy lợi, điều tiết nguồn nước, dẫn đến bị động trong bố trí cơ cấu sản xuất.
Sự phát triển nội tại ở ĐBSCL cũng là một thách thức không nhỏ. Theo số liệu thống kê từ năm 1995 đến năm 2017, diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL đã tăng từ 3,19 triệu ha lên 4,19 triệu ha, Diện tích nuôi truông thuỷ sản (NTTS) tăng từ 0,29 triệu ha lên 0,8 triệu ha, cây ăn quả tăng từ 0,18 triệu ha lên 0,33 triệu ha làm gia tăng nhu cầu cần cấp nước. Việc gia tăng nhu cầu dùng nước dẫn đến áp lực yêu cầu phục vụ của các công trình thủy lợi, khi công trình thủy lợi không đáp ứng đủ dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức và hệ lụy là tình trạng hạ thấp mực nước ngập và lún sụt đất nền.
Sự gia tăng dân số toàn vùng tạo ra sức ép về công ăn việc làm, cơ sở hạ tầng đô thị cùng với tác động của BĐKH làm vấn đề ngập lụt đô thị và môi trường ngày càng gia tăng
Theo các kết quả nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu Quốc tế và trong nước, mức hạ thấp mực nước ngầm ở các đô thị và ĐBSCL khoảng 0,7 m/năm, được đánh giá là rất nghiêm trọng, kéo theo tình trạng lún đất ở ĐBSCL. Kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tỷ lệ lún sụt trên đồng bằng hiện nay từ 0,5-3 cm/năm. Vùng ven biển, nhất là khu vực bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu), tỷ lệ lún phổ biến 1,5-2cm/năm. Lún sụt đất nền là nguyên nhân dẫn đến gia tăng mức độ ngập lũ và xâm nhập mặn.
Sự gia tăng dân số toàn vùng, đặc biệt là ở các đô thị sẽ tạo ra sức ép về công ăn việc làm, cơ sở hạ tầng đô thị, các vấn đề xã hội và môi trường đô thị sẽ phát sinh, cùng với tác động của BĐKH vấn đề ngập lụt đô thị và môi trường ngày càng gia tăng.
Ngoài những thách thức từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng và việc gia tăng các hồ chứa từ phía thượng nguồn thì chúng ta cũng phải nhìn thấy một thực tế là hạ tầng hệ thống công trình thuỷ lợi ở ĐBSCL mặc dù được quan tâm đầu tư, có hiệu quả tốt song mới ở mức đáp ứng yêu cầu của tiểu vùng trước đây, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện tại, nhất là trong tình hình quy luật của lũ, xâm nhập mặn thay đổi như hiện nay. Ngoài ra, việc chuyển đổi mô hình sản xuất trong thời gian qua theo định hướng, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đang hình thành các vùng chuyên canh, luân canh theo hướng hàng hóa làm một số tuyến đê bao, bờ bao yếu ở vùng Thượng không đủ cao trình, không bảo đảm chống lũ, nhất là lũ đầu mùa về sớm. Nhiều diện tích trong ô bao không có trạm bơm tiêu nên không chủ động phòng, chống ngập lụt, úng trong trường hợp có mưa lớn và mực nước sông ngoài lên cao.
Tại vùng Giữa, do hệ thống kênh chuyển nước ngọt chưa đủ, gây tình trạng hạn hán, thiếu nước ở những năm bị xâm nhập mặn sâu và có nguy cơ sự cố tràn, thẩm lậu, vỡ khi có lũ, mưa lớn và triều cường.
Trong khi đó, tại vùng ven biển, do thiếu hệ thống cấp nước ngọt để pha loãng, làm giảm độ mặn cho nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) dẫn đến tình trạng gia tăng khai thác nước ngầm, nhất là ở các khu vực thuộc các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh. Một số cống ven biển được xây dựng để tiêu nước, trồng lúa nhưng hiện không phù hợp để phục vụ chuyển đổi sang NTTS do phải chuyển chức năng từ tiêu nước sang lấy nước mặn, khi vận hành không bảo đảm an toàn, gây xói lở phía đồng do không có công trình tiêu năng.
Việc xử lý nước thải, xử lý chất thải ở khu nuôi trồng thủy, hải sản chưa được coi trọng, chưa đủ công trình tiêu thoát nước riêng biệt dẫn đến tình trạng lây bệnh trên diện rộng và kênh mương bị bồi lắng.
Theo Lam Trinh/Môi trường & Cuộc sống