Công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đô thị hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/3/2024 | 4:49:55 PM

QLMT - Để đáp ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, đảm bảo phát triển bền vững, cần từng bước đổi mới phương cách quản lý, lựa chọn công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số đô thị dẫn đến phát sinh nhiều chất thải, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Điều này đòi hỏi cần phải có biện pháp quản lý, giải pháp công nghệ xử lý, tái chế đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ngày nay, thế giới đề cập nhiều hơn giải pháp công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo thực hiện các yêu cầu của kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu đánh giá công nghệ xử lý, tái chế CTRSH nhằm đưa ra được các giải pháp công nghệ, kỹ thuật xử lý, tái chế phù hợp và hiệu quả hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. 

Vì khuôn khổ của bài báo có hạn nên bài viết này mới chỉ đề cập tới mối quan hệ giữa các loại hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị hiện có với các yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh..


Dây chuyền xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải Quang Trung. Ảnh: ITN

II. KHÁI QUÁT VỀ THỰC TRẠNG CÔNG NGHỆ XỬ LÝ VÀ TÁI CHẾ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT ĐÔ THỊ

2.1. Thực trạng về khối lượng chất thải rắn phát sinh trong các đô thị

Trên phạm vi toàn quốc, CTRSH phát sinh ngày càng tăng với tốc độ khoảng 10% - 15% mỗi năm. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả Việt Nam là: 64 081 tấn/ngày - trong đó khu vực đô thị là 35 642 tấn/ngày. Cũng theo báo cáo trên thì khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của một số đô thị như sau: TP Hồ Chí Minh (9.400 tấn/ngày), Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hoá (2.175 tấn/ngày), Hải Phòng (1.982 tấn/ngày), Bình Dương (2.661 tấn/ngày), Đồng Nai (1.885 tấn/ngày), Quảng Ninh (1.539 tấn/ngày), Đà Nẵng (1.080 tấn/ ngày) Bình Thuận (1.486 tấn/ngày) ... Khối lượng phát sinh CTRSH có thể tóm tắt bằng sơ đồ sau đây (hình 1):
        Sơ đồ tóm tắt về khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn
Hình 1: Sơ đồ tóm tắt về khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn

2.2.Thành phần và tính chất của chất thải rắn sinh hoạt

Nghiên cứu về thành phần, tính chất của CTRSH cho thấy có sự khác biệt giữa từng đô thị của Việt Nam cũng như của thế giới. Sau đây là bảng thống kê thành phần chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình được thống kê cho một số đô thị của Việt Nam (bảng1):

Bảng 1: Bảng thống kê về thành phần chất thải rắn sinh hoạt của một số đô thị Việt Nam
Bảng thống kê về thành phần chất thải rắn sinh hoạt của một số đô thị Việt Nam 
Để lựa chọn được công nghệ xử lý, tái chế phù hợp cần phải biết chính xác thành phần cũng như tính chất (hóa học, lý học và sinh học) của chất thải rắn sinh hoạt và điều kiện cụ thể (điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - kỹ thuật) của từng đô thị, của từng địa phương. 

Về tính chất lý học ta có trọng lượng riêng của rác thải sinh hoạt trong khoảng 0,5 – 0,6 tấn/m3, độ ẩm trung bình khoảng 55 - 70%, Nhiệt trị trong trung bình khoảng 10 467kJ/kg (phụ thuộc vào độ ẩm, thành phần cháy được trong rác sinh hoạt ...).

Tổng hợp lại ta có sơ đồ tổng quát về thành phần cơ bản của chất thải rắn sinh hoạt như sau đây (hình 2):
            
Hình 2: Sơ đô tổng quát về thành phần cơ bản của chất thải rắn sinh hoạt

2.2 Thực trạng về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019, chuyên đề Chất thải rắn sinh hoạt thì trong cả nước có 1322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó có: 381 lò đốt; 37 dây chuyền chế biến phân compost và 904 bãi chôn lấp, trong đó có khoảng 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Công nghệ xử lý CTRSH hiện nay đang áp dụng gồm công nghệ chôn lấp, công nghệ tái chế CTRSH làm phân hữu cơ (compost), công nghệ đốt CTRSH thu hồi năng lượng, công nghệ đốt CTRSH để tiêu hủy mà không thu hồi năng lượng,... Trong các cơ sở xử lý CTRSH, có 78 cơ sở xử lý CTRSH cấp tỉnh, còn lại là các cơ sở xử lý cấp huyện, cấp xã, liên xã.

Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ xử lý, tái chế CTRSH cơ bản mới đáp ứng được yêu cầu vệ sinh môi trường, chỉ có rất ít công nghệ tại các đô thị lớn đáp ứng yêu cầu tuần hoàn đối với CTRSH như: Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB - Cần Thơ; Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn của Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý - Hà Nội.

2.3. Một số nhận xét, đánh giá loại hình công nghệ xử lý, chất thải rắn sinh hoạt đô thị

a. Công nghệ chôn lấp

Về công nghệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có các nhận xét sau đây:

- Bãi chôn lấp là giải pháp xử lý, tiêu hủy rác phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Khoảng 60% -70% CTRSH đưa đến các bãi chôn lấp được thiết kế và vận hành không đúng quy trình làm phát tán mùi, ô nhiễm đất, nguồn nước.

- Bãi chôn lấp đặt tại các vị trí gần với khu dân cư hiện nay là một mối nguy hại thực sự đối với con người và môi trường. Tuy nhiên, bãi chôn lấp vẫn sẽ là phương pháp xử lý chất thải chính trong ít nhất một thập kỷ tới.

- Do thực tế bãi chôn lấp là phương án xử lý rẻ nhất và vì việc lập kế hoạch và thực hiện các công nghệ xử lý phù hợp hơn sẽ mất thời gian, cụ thể đối với việc thu hồi chi phí và tính bền vững về tài chính của các công nghệ tiên tiến và đắt tiền hơn. 

- Ngay cả sau khi đã thực hiện các công nghệ xử lý chất thải khác làm giảm lượng chất thải, vẫn cần tiếp tục vận hành các bãi chôn lấp hiện có và xây dựng thêm và vận hành các bãi chôn lấp mới.

- Sự phân hủy kỵ khí của chất thải trong các bãi chôn lấp tạo ra mêtan (CH4), khí nhà kính mạnh gấp 21 lần so với khí carbon dioxide (CO2).

- Một số cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay cần thay đổi.

b. Công nghệ đốt chất thải rắn sinh hoạt

Về công nghệ đốt chât thải rắn sinh hoạt chúng ta có một số nhận xét sau đây:

- Phương pháp thiêu đốt phát điện có chi phí rất cao, trung bình từ 20 - 30 USD/tấn rác thải. Một nhà máy đốt rác có hiệu quả thông thường phải có công suất lớn hơn 200 tấn rác/ ngày. Ngoài ra, công nghệ đốt còn có loại hình đốt rác thu hồi nhiệt và đốt chỉ đơn giản là để tiêu hủy rác không thu hồi năng lượng.

- Ưu điểm của phương pháp này là thời gian xử lý ngắn, xử lý triệt để và chiếm ít diện tích xây dựng (bằng 1/6 diện tích xây dựng nhà máy chế biến phân bón hữu cơ cùng công suất). 

- Tại các nước đang phát triển, phương pháp thiêu đốt chỉ được sử dụng ở quy mô nhỏ để xử lý các chất thải y tế và chất thải công nghiệp nguy hại. 

- Nhược điểm chính của phương pháp thiêu đốt phát điện là chi phí đầu tư và vận hành cao, công nghệ phức tạp và khí thải sinh ra từ quá trình thiêu đốt có thể gây ô nhiễm  MT (ô nhiễm thứ cấp).

- Từ tháng 5.2016, Việt Nam đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên để kiểm soát được một công nghệ đốt rác có đảm bảo quy chuẩn môi trường không thì lại rất khó và gần như… bất khả thi.

- Nếu ở các nước phát triển, việc giám sát phát thải ra môi trường được quy định nghiêm ngặt, yêu cầu trang bị hệ thống giám sát độc lập có nối mạng và lưu giữ số liệu, có thể truy xuất bất cứ lúc nào, thậm chí một số nhà máy phải hiển thị bảng quan trắc khí thải ra bên ngoài để người dân có thể giám sát.

- Nhiều chuyên gia môi trường cho biết, việc đo giám sát tổng dioxin/furan có thể phát sinh từ lò đốt rác ở Việt Nam hiện nay rất khó khăn do thiếu trang thiết bị và đắt đỏ (khoảng 23 triệu đồng/mẫu khí thải với điều kiện quan trắc nhiều mẫu cùng lúc và thường xuyên); đa số nơi chỉ định kỳ đo 1 năm/lần.

- Ngoài ra QCVN 05: 2013/ BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; QCVN 61-MT:2016/BTNMT Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt… có một số nội dung cần được xem xét sửa đổi.

c. Công nghệ xử lý bằng dây chuyền sản xuất phân compost từ các thành phần hữu cơ trong rác thải sinh hoạt

Theo số liệu thống kê ở phần đầu của bài viết này thì số lượng dây chuyền công nghệ chế biến phân vi sinh (compost) có khoảng 381, không kể các loại hầm ủ thủ công khác và chúng ta có chung nhận xét sau đây:

- Trong ít nhất 20 năm qua, sản xuất phân hữu cơ từ CTRSH là công nghệ xử lý tương đối phổ biến ở Việt Nam. 

- Nhiều cơ sở sản xuất phân hữu cơ đã được thành lập với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế về vốn cũng như về công nghệ. 

- Mục đích chính của việc sản xuất phân hữu cơ là thu hồi thành phần hữu cơ chiếm tỉ lệ lớn trong rác thải sinh hoạt và biến nó thành phân hữu cơ có thể dùng làm phân bón trong nông nghiệp và cải thiện cấu trúc đất. 

- Tuy nhiên, việc sản xuất phân compost từ rác hỗn hợp chưa được phân loại, dẫn đến sản phẩm phân hữu cơ kém chất lượng, với hàm lượng tạp chất cao như thủy tinh vụn, nhựa và các chất gây ô nhiễm khác,(đặc biệt là kim loại nặng như asen…) không đủ điều kiện để làm phân bón,  khiến cho việc tiêu thụ phân hữu cơ trở nên khó khăn.

- Một số công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài (công nghệ Hàn Quốc tại Tràng Cát, Hải Phòng; công nghệ Tây Ban Nha tại nhà máy Cầu Diễn, Hà Nội; công nghệ Pháp tại Nam Định;…) cũng cần có những thay đổi để phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, đặc biệt là phù hợp với thành phần và tính chất của CTRSH Việt Nam.

Tuy nhiên, việc sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt cũng cần được nhân rộng áp dụng một số mô hình sản xuất có hiệu quả như của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại nhà máy Thủy Phương (Huế), của Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương và một số mô hình sản xuất nhỏ lẻ khác trong cả nước.

- Việc tận dụng các thành phần hữu cơ trong rác thải sinh hoạt để tái chế sản xuất phân bón hữu cơ là hướng đi cần được khuyến khích, khi mà việc phân loại rác được thực hiện một cách bắt buộc trong cả nước, theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ...

2.4. Một số loại hình tái chế chất thải

Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 / 01/ 2022 của Chính phủ thì: "Tái chế chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị từ chất thải”. 

Như vậy, các loại hình công nghệ xử lý như công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, có thể coi là công nghệ tái chế chất thải thành năng lượng, công nghệ xử lý chất thải rắn bằng ủ sinh học, chế biến phân vi sinh thực chất cũng là công nghệ tái chế các thành phần hữu cơ có trong chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh sử dụng trong nông nghiệp. Các nội dung này đã được đề cập ở phần công nghệ xử lý, nên sau đây chỉ đề cập một số loại hình tái chế khác như:

a. Tái chế nilon, nhựa, cao su

Nilon, nhựa và cao su phế liệu tái chế được có thể có 2 phương án tái chế sau:

- Phương pháp tạo ra bán thành phẩm nhựa hoặc cao su: phương pháp này hiện không được xã hội tán thành, ủng hộ, vì sản phẩm tái chế, dễ dàng sản xuất ra các sản phẩm đựng thực phẩm hoặc các đồ dùng sinh hoạt khác.

- Phương pháp nhiệt phân thiếu khí nhựa, cao su thành dầu đốt dạng FO, khí cháy (CH4, C2H6,…) và than hoạt tính - đây là 1 hướng giải thoát lớn cho bài toán năng lượng bù thêm cho quá trình đốt rác thải trong lò đốt.

Theo báo cáo "Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa" do IFC vừa công bố, mỗi năm, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế (CFR). Do vậy, có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm. Nếu tất cả được thu gom và tái chế thành các sản phẩm có giá trị nhất, về lý thuyết tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm. 3 lợi ích về việc tái chế rác thải nhựa.

- Tái chế rác thải nhựa giúp tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với sản xuất vật liệu nhựa mới nhờ giảm bớt được các hoạt động như khai thác, chế biến, vận chuyển.

- Tái chế rác thải nhựa giúp giảm thiểu số lượng rác thải sẽ phần nào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

- Sử dụng tái chế rác thải nhựa là phương pháp thân thiện với môi trường, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế lớn.

 b. Thu gom kim loại để tái chế

Theo thống kê lượng kim loại có trong rác thải sinh hoạt từ 0,03 ÷ 0,2%; có nơi nhiều hơn, thu gom kim loại có 2 phương pháp:

-  Từ tính với kim loại sắt, thép vụn.
- Nhặt thủ công với các lon, vỏ đồ hộp bằng nhôm.

c. Hóa rắn các chất thải rắn trở thành gạch không nung

Các nhà máy gạch không nung từ các phế thải xây dựng (tro, xỉ, phế thải xây dựng và xi măng,...) đang được khuyến khích để thay thế cho các lò nung gạch thủ công ngày một tạo sự ô nhiễm và bất cập về năng lượng.

Một số nhận xét về công nghệ tái chế chất thải sinh hoạt hiện nay

Hầu hết các thành phần trong chất thải sinh hoạt có thể được tái chế. Chỉ còn lại một tỷ lệ chất thải rất nhỏ phải đem chôn lấp. Điều này sẽ tiết kiệm chi phí xử lý rất nhiều so với việc đem chôn lấp, hoặc đốt hoàn toàn để phân hủy mà không thu hồi năng lượng. 

Tái chế chất thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Chúng làm giảm sự phụ thuộc của con người vào việc khai thác. Sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt.

Tái chế rác thải là một trong những cách giúp hạn chế việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tái chế có thể ở dạng tái sinh hoặc tái tạo lại giá trị hoặc tiếp tục tận dụng giá trị.
 
III. GIẢI PHÁP TRONG QUẢN LÝ, XỬ LÝ, TÁI CHẾ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT ĐÔ THỊ THƯC HIỆN THEO MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN, KINH TẾ XANH

3.1. Khái quát về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh

a. Khái niệm

Các mô hình phát triển kinh tế truyền thống - kinh tế tuyến tính (Linear Economy), dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường. Có thể tóm tắt chu trình này như sau: Khai thác - Sản xuất - Tiêu dùng - Thải bỏ với các mô hình này dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Khái niệm Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner vào năm 1990. Nó được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản "mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.

Theo điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì:

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Khái niệm KTTH luôn đi cùng với khái niệm kinh tế xanh, bởi nội hàm của hai khái niệm cùng hướng tới việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thải ra môi trường. 

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm tổng quát về kinh tế xanh "là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”. Ngoài ra, khái niệm này còn được phát biểu như sau:” kinh tế xanh là nền kinh tế sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, có mức phát thải thấp và giảm thiểu những rủi ro về môi trường và cải thiện công bằng xã hội”.

b. Các tiêu chí về kinh tế tuần hoàn

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ, tại điêu 138: Quy định chung về Kinh tế tuần hoàn, tại khoản 1 Tiêu chí chung về kinh tế tuần hoàn ghi rõ: 

- Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng;

- Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện;

- Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh”.

3.2. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt

Kinh tế tuần hoàn không chỉ tái chế, tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

Điều này nếu áp dụng trong lĩnh vực công nghệ xử lý chất thải rắn thì Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác. Hoặc chu trình tuần hoàn này được thực hiện trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Điều 140, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn, tại khoản 3 nêu rõ: "Nhà nước khuyến khích các hoạt động phát triển kinh tế tuần hoàn sau:

a) Nghiên cứu, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật;

b) Phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh tái chế, các mô hình liên kết vùng, liên kết đô thị với nông thôn và các mô hình khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn;

c) Áp dụng các biện pháp cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;

d) Phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải;”

Thực tế mô hình kinh tế tuần hoàn đã được ứng dụng nhiều trong xử lý, tái chế chất thải rắn. Điển hình là mô hình quản lý chất thải rắn 3R (Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng và Recycle - Tái chế). Mô hình này có thể được thể hiện bằng sơ đồ sau đây (hình 3):
                 
Sơ đồ mô hình 3R trong quản lý chất thải rắn
Hình 3: Sơ đồ mô hình 3R trong quản lý chất thải rắn

3.3. Các giải pháp trong quản lý, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh

a. Giải pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Việc phân loại rác tại nguồn là tìm kiếm giải pháp xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Việc phân loại rác tại nguồn là điều kiện tiên quyết và cấp bách hiện nay. Bởi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật đã quy định thời hạn áp dụng phân loại chất thải rắn tại nguồn trên phạm vi toàn quốc chậm nhất là ngày 31/12/ 2024.

Nếu coi rác là tài nguyên thì việc phân loại rác tại nguồn là nền tảng cho mọi loại hình tái chế hay xử lý chất thải, là "tối ưu hóa” nguồn tài nguyên này hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Phân loại CTRSH tại nguồn sẽ nâng cao tỷ lệ tái chế và chất lượng sản phẩm tái chế; làm giảm khối lượng CTRSH cần xử lý, chôn lấp. Từ đó tiết kiệm được các chi phí xử lý, giảm quỹ đất để dành cho các bãi chôn lấp, giảm khối lượng chất thải rắn cần xử lý. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện việc thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng.

Để thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn theo quy định của pháp luật các đô thị cần xây dựng lộ trình phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải đồng bộ với quá trình thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH đã phân loại. 

Rõ ràng, để thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có hiệu quả (không như thời gian trước đây việc phân loại rác tại nguồn như "bắt cóc bỏ đĩa” cuối cùng lại trở về phương thức cũ), điều trước tiên phải đầu tư xây dựng các cơ sở tái chế, cơ sở xử lý chất thải rắn sau phân loại, sau đó mới tiến hành phân loại, thu gom, lưu giữ và vận chuyển tới nơi xử lý, tái chế. Quy trình này có thể dẫn đến yêu cầu tái cấu trúc các doanh nghiệp dịch vụ công ích, dịch vụ môi trường. Đó là thay đổi, bố trí lại các điểm thu gom, tập kết, các trạm trung chuyển, thay đổi các thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển, phương thức thug om, vận chuyển. Cùng với đó là bố trí lại nhân sự trong bộ máy tổ chức quản lý của doanh nghiệp…

Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm túc các chế tài xử phạt những hộ gia đình và cá nhân không thực hiện phân loại rác tại nguồn theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tại điều 26, khoản 1 của Nghị định này ghi rõ:

"Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”.

b. Giải pháp về công nghệ

Trên cơ sở tiêu chí về công nghệ xử lý CTRSH, các địa phương xây dựng, ban hành quy định về định hướng công nghệ xử lý CTRSH theo hướng giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt cần đảm bảo các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật và các tiêu chí về kinh tế tuần hoàn được quy định tại điều 139, Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

c. Phát triển nguồn tài chính cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt

Ngoài nguồn vốn sự nghiệp môi trường, các địa phương cần tăng tính chủ động về nguồn vốn để ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ CTRSH. Thực hiện triệt để việc chuyển đổi từ thu phí vệ sinh môi trường sang giá dịch vụ vệ sinh môi trường theo khối lượng hoặc theo thể tích (muộn nhất là từ ngày 31/12/2024). Cung cấp dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt chuyển dần sang cơ chế thị trường.

Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt:

d. Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và hoàn thiện doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt

Thực hiện đầu tư xây dựng, phát triển CSHT theo kế hoạch, quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được phê duyệt. Đồng thời rà soát điều chỉnh lại quy hoạch khi thấy cần thiết do những khó khăn về khách quan và chủ quan (tính khả thi của đồ án như vị trí xây dựng, nguồn vốn...).

Do đã thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nên sẽ phát sinh thêm diện tích các điểm tập kết thiết bị thu gom, lưu chứa, phương tiện vận chuyển. Cần thiết bổ sung quỹ đất trong quy hoạch quản lý chất thải rắn để xây dựng điểm lưu giữ phương tiện, thiết bị thu gom CTRSH và điểm tập kết, trung chuyển CTRSH.

Thực hiện các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt cần có cơ  chế đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH đối với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Xây dựng và ban hành quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án tái chế, xử lý CTRSH theo hướng: 

- Rút gọn thủ tục đầu tư. 

- Ưu tiên, khuyến khích các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

- Thực hiện đấu thầu, cải tiến phương thức đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Có chính sách ưu đãi cụ thể về nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH.

Tăng cường tham vấn cộng đồng tạo sự đồng thuận từ cộng đồng dân cư để phát triển cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Các địa phương hoàn thiện và phát triển mạng lưới doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn.

Đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ CTRSH trên địa bàn; khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; định hướng phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH trong những năm tới.

Lồng ghép các nội dung của kế hoạch phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển, mở rộng quy mô doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH.

Đảm bảo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu từ hoạt động cung ứng dịch vụ CTRSH. Với yêu cầu này, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH cần thực hiện đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động, công cụ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế CTRSH theo đúng quy định; đảm bảo 100% người lao động tại các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội.

Một vấn đề khác mà các đô thị cũng cần xem xét là tăng thời gian gói thầu cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH có thể là 5 hoặc lâu hơn để đảm bảo đủ thời gian khấu hao thiết bị, máy móc; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH có kế hoạch trong dài hạn đầu tư, đổi mới các thiết bị cơ giới hiện đại.

IV. THAY CHO LỜI KẾT

Để đáp ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, đảm bảo phát triển bền vững, cần từng bước đổi mới phương cách quản lý, lựa chọn công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Trong đó, cần thiết phải xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi phương thức quản lý, công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Cần thiết ban hành các cơ chế chính sách cụ thể trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, thị trường sử dụng các sản phẩm tái chế từ chất thải. Huy động các nguồn lực của xã hội để thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và quản lý, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạ nói riêng. Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh thoạt đô thị.

PGS. TS. NGUYỄN LÂM QUẢNG
Viện Môi trường Đô thi và Công nghiệp Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường. (2019). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019: chuyên đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt. NXB Dân Trí 2020, Hà Nội
2. Chính phủ (2022), Nghị định 08/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, Hà Nội
3. Nguyễn Thế Chinh và nnk (2020), Các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam: Cơ hội phát triển
4. Nguyễn Quang. (2018). Quản lý chất thải rắn: Vấn đề nóng của đô thị Việt Nam. Tạp chí Nhịp cầu và Đầu tư
5. Nguyễn Công Thành (2020), Thảo luận về Khung cơ sở cho việc đo lường đánh giá tiến bộ hướng tới nền kinh tế tuần hoàn,Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 4/2020, Hà Nội
6. Thông tin, tài liệu mạng Internet


Tags công nghệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý tái chế kinh tế tuần hoàn kinh tế xanh

Các tin khác

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc quản lý chất thải nói chung và tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTR CNTT) nói riêng trong KCN đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hoạt động tái sử dụng loại chất thải này của các doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Những mô hình, cách làm xuất phát từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người, của cả cộng đồng chung tay hưởng ứng thì môi trường mới trong lành và sạch đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục