Bộ Xây dựng: Ưu tiên kiểm kê khí nhà kính - chuyển đổi xanh ngành công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/12/2023 | 2:36:34 PM

Ngành Xây dựng phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương (chiếm 13% so với tổng lượng giảm phát thải) đối với quá trình công nghiệp và sử dụng năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng, tòa nhà.

Theo báo cáo Đóng góp do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) năm 2022, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải và các quá trình công nghiệp Việt Nam đã cam kết đến năm 2030, với kịch bản phát thải thông thường (BAU) với đóng góp không điều kiện là nỗ lực giảm phát thải của quốc gia tăng từ 9% (NDC năm 2020) tăng lên 15,8% (khoảng 146,3 triệu tấn CO2 tương đương) và đóng góp có sự hỗ trợ của quốc tế tăng từ 27% (NDC năm 2020) là 43,5% (khoảng 403,7 triệu tấn CO2 tương đương). Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, đến năm 2030, ngành Xây dựng phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương (chiếm 13% so với tổng lượng giảm phát thải) đối với quá trình công nghiệp và sử dụng năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng, tòa nhà. Tuy nhiên, theo NDC 2022 thì lượng đóng góp giảm phát thải khí nhà kính của ngành Xây dựng sẽ tăng cao hơn.



Một trong những mục tiêu tổng quát của Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 về việc phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050” là "Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước”.

Thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP28 về đạt mức phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050. Do vậy, việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng luôn phải thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, từng bước thay thế nguyên vật liệu gây phát thải khí nhà kính; giảm, thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sớm nhất có thể.

Ngành Xây dựng đóng góp vào phát thải khí nhà kính quốc gia từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất là phát thải từ quá trình công nghiệp gọi tắt là IP (phát thải khí nhà kính thông qua các phản ứng hóa học) trong sản xuất vật liệu xây dựng, phần lớn là sản xuất xi măng, khí nhà kính phát thải trong quá trình nung clinker. Nguồn phát thải thứ hai từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hoá thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại gọi là phát thải trực tiếp, thuộc nhóm phát thải năng lượng. Sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng sử dụng năng lượng và lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, đất sét. Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia, thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp. Việc giảm nhu cầu sử dụng điện trong hoạt động sản xuất sẽ đóng góp vào giảm nhu cầu sản xuất năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, ngành Xây dựng còn có các nguồn phát thải khi tính đến chuỗi giá trị hay các bon như sử dụng vật liệu xây dựng trong các toà nhà, công trình, phát thải rò rỉ khi sử dụng máy lạnh, phát thải khi sử dụng dịch vụ vận chuyển,…

Hai nhóm đối tượng phát sinh khí nhà kính lớn nhất trong ngành Xây dựng là sản xuất vật liệu xây dựng (bao gồm phát thải trực tiếp và gián tiếp) và phát thải trong các toà nhà (chủ yếu là phát thải gián tiếp).

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Theo số liệu kiểm kê, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, phát thải lớn nhất là sản xuất xi măng, năm 2014 phát thải 47,64 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 91,93 triệu tấn CO2 tương đương; sản xuất gạch xây nung năm 2014: phát thải 5,73 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 4,22 triệu tấn CO2 tương đương; sản xuất vôi công nghiệp năm 2014: phát thải 4,1 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 2,9 triệu tấn CO2 tương đương.



Trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014. Tỷ trọng này tăng lên khoảng 90% vào năm 2022. Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm sản xuất xi măng là cao nhất. Sản xuất gạch ốp lát, kính xây dựng phát thải khí nhà kính là không lớn nhưng cường độ phát thải của sản xuất kính và vôi là tương đối cao.

Tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong đó có 50 cơ sở sản xuất xi măng đã được ghi nhận là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính và đến năm 2026 bắt đầu xây dựng, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đáp ứng quota trước khi được phép tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Theo rà soát của Bộ TN&MT, năm nay sẽ trình Chính phủ bản cập nhật Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, trong đó đã bổ sung một số cơ sở sản xuất gạch, kính xây dựng vào danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, văn bản dự kiến ban hành đầu năm 2024.

Để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng, ngành công nghiệp nói chung, thì cần có các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xanh hóa ngành công nghiệp xây dựng, góp phần xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam.

Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030 của Bộ Xây dựng đã được ban hành, trong đó có nhiệm vụ ưu tiên về kiểm kê khí nhà kính, thực hiện đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính… cần phải triển khai thực hiện trong thời gian tới, nhằm đảm bảo quy định pháp luật về kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

Với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế và tư vấn trong nước, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng, đồng thời Bộ đang nghiên cứu xây dựng Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Dự kiến, văn bản sẽ ban hành vào năm 2024.

Thông qua hội thảo, Bộ Xây dựng sẽ nâng cao nhận thức, kiến thức về các quy định pháp luật mới về kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính, hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ quan quản lý, DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp xây dựng.v

PGS.TS Vũ Ngọc Anh
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng)
Theo Báo Xây dựng

Tags Bộ Xây dựng kiểm kê khí nhà kính chuyển đổi xanh công nghiệp

Các tin khác

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc quản lý chất thải nói chung và tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTR CNTT) nói riêng trong KCN đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hoạt động tái sử dụng loại chất thải này của các doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Những mô hình, cách làm xuất phát từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người, của cả cộng đồng chung tay hưởng ứng thì môi trường mới trong lành và sạch đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục