Trong thời đại 4.0, số lượng thiết bị điện tử sẽ liên tục tăng cao. Tuy nhiên, tác hại về môi trường, sức khỏe do loại chất thải này mang lại được cảnh báo là cực kỳ nguy hiểm.
Theo số liệu thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2010 nước ta có khoảng hơn 3,77 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải ra với trọng lượng ước tính khoảng 113 nghìn tấn. Hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250 nghìn tấn. Liên hợp quốc dự báo, các quốc gia phát triển thải ra mỗi năm trên toàn cầu khoảng 65,4 triệu tấn các sản phẩm điện tử.
Đáng lo ngại, thống kê cho thấy, lượng chất thải điện tử phát sinh năm 2019 khoảng 257.000 tấn, tỷ lệ chất thải phát sinh trên đầu người 2,7kg/người. Tuy nhiên, chỉ khoảng 17% lượng chất thải này được thu gom và xử lý đúng cách, số còn lại không được quản lý đúng cách đang gây những hệ lụy lớn về môi trường và sức khỏe con người.
Theo Liên hợp quốc, chất thải điện tử là những sản phẩm bị loại đi có pin hoặc có phích cắm kèm theo các chất độc hại ảnh hưởng cho sức khỏe con người và môi trường. Các thiết bị điện tử đều chứa những nguyên tố độc hại cao như chì, thủy ngân, các chất chống cháy.
Các thiết bị công nghệ, điện tử chủ yếu làm từ nhựa, kim loại chì và những nguyên tố khác chiếm tới 70% tổng lượng chất thải động hại của thế giới. Nhựa tốn rất nhiều thời gian để phân hủy, quá trình phân hủy có thể mất từ 500 năm đến 1.000 năm. Khi phân hủy, chất thải điện tử sẽ giải phóng các kim loại nặng độc hại dễ ngấm vào môi trường tự nhiên, ảnh hưởng đến cây cối trong khu vực, từ đó xâm nhập vào nguồn cung cấp thực phẩm cả thực vật lẫn động vật.
Về sức khỏe, các độc tố này có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh ở trẻ em và khiến người lớn mắc nhiều biến chứng về sức khỏe khi sử dụng nước, thực phẩm, hít thở không khí ô nhiễm. Trong đó, các bệnh dễ gặp nhất là bệnh ngoài da, tổn thương mắt, não, thận, gan... thậm chí ung thư, tử vong.
Rác thải điện tử đang gây ra nhiều mối lo ngại cho sức khỏe cũng như môi trường. Ảnh minh họa
Để đối phó với tình trạng này và bảo vệ sức khỏe con người cũng như môi trường xung quanh, Tiêu chuẩn QC080000 đã được ra đời. QC080000 được ban hành để hạn chế tình trạng các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất sử dụng các chất độc hại HSPM gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường xunh quanh.
Tiêu chuẩn QC08000 tên đầy đủ là IECQ QC080000, hay còn gọi là Hệ thống quản lý Quá trình phát sinh chất độc hại (HSPM - Hazardous Substance Process Management) do Hệ thống đánh giá chất lượng linh kiện điện tử của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế - IECQ (The IEC Quality Assessment System for Electronic Components) quản lý và phát triển.
QC08000 là tiêu chuẩn quốc tế được thành lập dựa trên hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, nhằm đưa ra các yêu cầu cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử và công nghệ phụ trợ, giúp các tổ chức giảm thiểu và loại bỏ các chất độc hại nhằm bảo vệ môi trường.
Thông qua tiêu chuẩn này, nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ có ý thức giảm thiểu, loại bỏ việc sản xuất các chất độc hại hơn. Tiêu chuẩn QC080000 áp dụng cho các tổ chức, nhà kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử và công nghệ phụ trợ. Các doanh nghiệp khi đạt chứng nhận tiêu chuẩn cần thực hiện nghiêm chỉnh việc quản lý các chất độc hại từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm hoàn chỉnh.
Đạt chứng nhận Tiêu chuẩn QC080000 còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng cung cấp cho khách hàng một cách ổn định các sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế hoặc loại trừ các chất độc hại trong thiết bị điện, điện tử (ROHS) và thiết bị điện, điện tử thải bỏ (WEEE).
Doanh nghiệp đạt chứng nhận Tiêu chuẩn QC080000 là minh chứng cho thấy doanh nghiệp đã tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Mang lại sự an tâm cho người lao động và người sử dụng sản phẩm vì được cấp chứng chỉ QC080000. Áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất độc hại giúp doanh nghiệp vận hành hệ thống sản xuất một cách tối ưu, tăng lợi thế cạnh tranh "xanh” trên thị trường.
Đặc biệt với các doanh nghiệp/điện tử có nhu cầu xuất khẩu hàng sang châu Âu hoặc xuất sang Trung Quốc để lắp ráp đều cần chứng nhận Tiêu chuẩn QC080000. Với thị trường châu Âu, hàng hóa xuất khẩu bắt buộc phải có chứng nhận QC080000 để kiểm soát hàm lượng các chất độc hại ROHS, ROSH 2, ROSH 3.
Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) (tiếng Anh:International Electrotechnical Commission) được thành lập năm 1906. Mục tiêu của IEC là thúc đẩy sự hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực điện - điện tử và các vấn đề có liên quan như: chứng nhận sự phù hợp tiêu chuẩn điện và hỗ trợ cho thông hiểu quốc tế.
IEC có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều tổ chức tiêu chuẩn hoá và chuyên môn quốc tế như: ISO, Liên đoàn Viễn thông quốc tế - ITU; Ban Tiêu chuẩn hoá kỹ thuật điện châu Âu - CENELEC. Đặc biệt, giữa IEC và ISO đã thiết lập một thoả thuận về phạm vi hoạt động của mỗi tổ chức. Theo thoả thuận này, phạm vi hoạt động của IEC bao gồm tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực điện - điện tử. ISO và IEC đã phối hợp thành lập một ban kỹ thuật hỗn hợp về công nghệ thông tin được đặt trong cơ cấu các cơ quan kỹ thuật của ISO (ISO/IEC/JTC1).
Bộ tiêu chuẩn điện kỹ thuật (chuẩn hoá quốc tế IEC) bao gồm trên 6.500 tiêu chuẩn về thiết kế, lắp đặt hệ thống điện. Những tiêu chuẩn của IEC được sắp xếp theo dãy số từ 6000 đến 79999. Ví dụ: IEC 60432.
Bộ tiêu chuẩn cũ của IEC đưa ra trước năm 1997 được đánh số lại bằng cách cộng số cũ với 6000. Ví dụ tiêu chuẩn cũ số IEC 237 đặt lại là IEC 60237.
Các tiêu chuẩn điện kỹ thuật của Việt Nam hiện nay phù hợp với IEC có: Hệ thống lắp đặt điện của các tòa nhà: TCVN 7447:2004 (hoàn toàn tương đương với Electrical installations of buildings: IEC 60364:2001); Dây trần sợi tròn xoắn thành các lớp đồng tâm: TCVN 6483:1999 (tương ứng với IEC 61089 hoặc IEC 1089) (thay thế các tiêu chuẩn TCVN 5064:1994); Phương pháp thử với vật liệu cách điện và vỏ bọc: TCVN 6614:2000 (tương ứng với IEC 60811 hoặc IEC 811).
Theo An Dương/VietQ