Bên cạnh những công trình cao tầng đô thị là bãi chứa chất thải rắn xây dựng. Ảnh: Đỗ Hà/Hà Nội mới
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 8,5 - 8,7% mỗi năm. Hoạt động thi công các công trình xây dựng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, vận chuyển nguyên vật liệu, phế thải xây dựng... diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là các đô thị lớn.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành xây dựng đi kèm những thách thức và sức ép lên môi trường. Xem Báo cáo sơ kết của Bộ Xây dựng tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023, chúng ta có thể thấy rằng tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng đã tăng 4,74% trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Tỉ lệ đô thị hóa toàn quốc đang gia tăng và đạt 42%, trong khi tỉ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Tính đến tháng 6/2023, toàn quốc đã có 898 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 45 đô thị loại III và 94 đô thị loại IV. Điều này đang tạo ra một áp lực lớn lên các hệ thống môi trường và cơ sở hạ tầng.
Diện tích sàn xây dựng nhà ở theo vùng. Nguồn: Tổng hợp từ các Niêm giám Thống kê năm 2015 - 2020
Một trong những vấn đề đáng quan tâm là tác động của ngành sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống. Sản xuất xi-măng được xem là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường cao nhất, đặc biệt là từ quá trình nung, nghiền xi-măng. Lưu lượng khí thải từ sản xuất xi-măng là một vấn đề cần quan tâm. Theo ước tính, 10 cơ sở sản xuất xi-măng lớn trên cả nước có lưu lượng khí thải lên đến 10,8 triệu m3/h. Điều này yêu cầu các biện pháp kiểm soát và giám sát đặc biệt theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, lĩnh vực khai thác, chế biến đá và sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm bụi chứa silic, gây rủi ro cho sức khỏe của người lao động và cư dân. Bệnh bụi phổi-silic nghề nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam, và cần có biện pháp quản lý hiệu quả để giảm thiểu tác động này.
Bệnh bụi phổi-silic nghề nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất trong 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm hiện nay ở nước ta. Tính đến cuối năm 2016, tổng số bệnh nghề nghiệp mắc phải của Việt Nam là 28.659 trường hợp thì có khoảng 21.800 ca nhiễm bệnh bụi phổi-silic, chiếm tới 76,29%. Riêng năm 2015, đã phát hiện 1.369 ca nghi mắc bệnh BP-Si. Giai đoạn 2011-2015, tỉ lệ bệnh BP-Si được khám phát hiện chiếm 75% trong tổng số bệnh nghề nghiệp được phát hiện của cả nước (Nguồn: Cục Quản lý môi trường y tế, báo cáo các năm 2015, 2016).
Lĩnh vực khai thác, chế biến đá và sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm bụi chứa silic. Ảnh: ITN
Sử dụng các loại vật liệu xây dựng truyền thống, như gạch đất sét nung và than làm nhiên liệu đốt, đang gây ra hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Hiện nay, đa phần các công trình xây dựng vẫn sử dụng các loại vật liệu xây dựng truyền thống, đặc biệt là gạch đất sét nung với sự gia tăng mạnh về số lượng tiêu thụ. Theo tính toán, cứ 1 tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất được khai thác ở độ sâu khoảng 2m, tương đương với 75 ha đất nông nghiệp. Điều này đặt ra câu hỏi về việc cần thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, như gạch bê tông khí, thạch cao, kính xây dựng, và các vật liệu tái chế.
Đối với các hoạt động như vận chuyển nguyên vật liệu, đổ chất thải xây dựng, mặc dù đã có quy định về bảo vệ môi trương, nhưng việc thực hiện vẫn còn bất cập. Vật liệu xây dựng bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm bụi rất trầm trọng, ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh.
Chất thải rắn xây dựng thải ra với số lượng lớn, trên diện tích rộng, nếu không được xử lý, về lâu dài sẽ làm thay đổi tính chất thổ nhưỡng, đất đai, nguy cơ ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của thực vật, đồng thời gây ảnh hưởng xấu tới sinh thái cảnh quan. Đơn cử như ở thành phố Hà Nội, theo kết quả khảo sát, khối lượng tiếp nhận, xử lý tái chế chất thải rắn xây dựng của Hà Nội đạt 1.350 tấn/ngày trong khi kết quả tính toán cho thấy thực tế lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh ước tính 4.186 tấn/ngđ năm 2021 và dự báo đạt 9431 tấn/ngđ vào năm 2025. Chất thải rắn xây dựng phát sinh sau khi phá dỡ, cải tạo một phần được thu gom vận chuyển đến các bãi chôn lấp theo quy định và một phần không nhỏ bị đổ trộm, đổ không đúng nơi quy định gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Mặc dù thành phố đã quy hoạch khoảng 10 khu chôn lấp chất thải rắn xây dựng, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng công trình xây dựng ngày càng nhiều, chắc chắn lượng chất thải sẽ còn gia tăng mạnh trong những năm tới.
Trước những áp lực từ việc sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống, hiện nay ngành xây dựng đã nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa vào sử dụng nhiều loại VLXD thân thiện với môi trường, thông qua quy trình chưng áp mà không phải nung bằng nhiên liệu đốt, như: Gạch bê tông khí, thạch cao, kính xây dựng, vật liệu xây dựng làm từ hợp chất panel…
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, để giảm thiểu tác động lên môi trường, cần sử dụng các loại vật liệu dễ tái chế như tre, gỗ, vải sơn, thạch cao, tro bay công nghiệp, và tấm MDF. Tuy nhiên, cần tạo những chính sách và sự nhận thức từ cộng đồng để thúc đẩy việc sử dụng loại vật liệu này.
Trong khi chúng ta tăng trưởng phát triển ngành xây dựng, việc quản lý tốt môi trường lại càng trở nên càng quan trọng. Cần có sự hợp tác từ cả Chính phủ, ngành công nghiệp và cộng đồng để đảm bảo rằng sự phát triển không gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người.
LÂM HÀ