Ảnh minh họa
Thực trạng, thách thức về CTRSH tại Việt Nam
Gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt: Do sự tăng trưởng dân số và phát triển của các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, lượng rác thải ngày càng tăng, gây áp lực lớn cho hệ thống quản lý và xử lý rác thải hiện tại;
Thiếu hạ tầng xử lý rác thải: Hạ tầng thu gom và xử lý rác thải tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Các bãi rác thường bị quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu xử lý. Đồng thời, các công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến chưa được triển khai rộng rãi;
Ô nhiễm môi trường: Việc xử lý và quản lý rác thải chưa triệt để gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng;
Quản lý và giám sát: Quản lý và giám sát rác thải vẫn còn hạn chế tại một số địa phương. Việc thực hiện phân loại rác thải chưa đi vào ý thức người dân;
Tái chế và tái sử dụng: Ý thức về tái chế và tái sử dụng chất thải, phân loại của cộng đồng còn chưa cao, hệ thống tái chế, tái sử dụng chưa được phát triển tập trung, hiện đại.
Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề rác thải và đã đưa ra các giải pháp để giải quyết. Đây là một quá trình đòi hỏi sự đồng lòng và hợp tác của toàn xã hội để cùng nhau xây dựng một hệ thống quản lý và xử lý rác thải hiệu quả và bền vững.
Các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay
Hiện nay, các dự án xử lý CTRSH tại Việt Nam đang áp dụng các công nghệ chôn lấp, công nghệ đốt rác không thu hồi nhiệt, công nghệ phân loại và ủ phân compost, công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng (bao gồm quá trình đốt rác hoặc sinh khối, để tạo ra điện, nhiên liệu sinh học hoặc nhiệt cho các mục đích sử dụng khác) và một số công nghệ khác như tạo viên nén năng lượng RDF, khí hóa, nhiệt hóa khác.
Phương pháp chôn lấp rác vẫn là phương pháp chính để xử lý rác thải sinh hoạt ở nhiều khu vực, tiếp theo là công nghệ đốt không thu hồi nhiệt. Các công nghệ hiện đại như điện rác mới chỉ có 01 dự án chính thức đưa vào vận hành tại Cần Thơ (công suất 400 tấn/ngày đêm) và một số dự án điện rác khác đang thực hiện (trong đó có nhà máy điện rác tại Hà Nội - công suất 4000 tấn/ngày đêm mới đưa vào vận hành một phần).
Việt Nam đang dần chuyển dịch sang sử dụng các công nghệ khác như tái chế, phân hủy sinh học, chuyển đổi thành năng lượng và giảm thiểu lượng rác chôn lấp. Các công nghệ này đang được triển khai và mở rộng trong một số thành phố lớn và khu vực tại Việt Nam, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm tác động tiêu cực lên môi trường từ việc chôn lấp rác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được vượt qua để đạt được một hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả và bền vững. Một số công nghệ đang được áp dụng tại Việt Nam:
Công nghệ chôn lấp rác (landfill) là một phương pháp truyền thống để xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc đánh giá xem công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
Quản lý và thiết kế đúng cách: Việc quản lý và thiết kế các bãi chôn lấp rác đúng cách là rất quan trọng. Điều này bao gồm việc xây dựng lớp phủ chống thấm để ngăn chất thải xả vào môi trường, quản lý nước thải từ bãi chôn lấp, kiểm soát khí thải và chất lỏng từ quá trình phân hủy rác thải.
Quản lý mùi hôi và khí thải: Bãi chôn lấp rác có thể gây ra mùi hôi và khí thải không mong muốn. Việc áp dụng các biện pháp để quản lý mùi hôi và kiểm soát khí thải là cần thiết để đảm bảo không gây phiền hà cho cộng đồng xung quanh.
Quản lý nước ngầm và môi trường: Một vấn đề tiềm ẩn của công nghệ chôn lấp rác là ô nhiễm nước ngầm và môi trường xung quanh. Rác thải phân hủy tạo ra chất thải lỏng có thể tràn ra nước ngầm và gây ô nhiễm môi trường. Quản lý nước ngầm từ bãi chôn lấp và việc giám sát môi trường xung quanh là cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực.
Không gian đất và tài nguyên: Công nghệ chôn lấp rác yêu cầu diện tích đất lớn để xây dựng bãi chôn lấp. Điều này có thể gây sự cạnh tranh với việc sử dụng đất cho mục đích khác, nhưng cần thiết để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải. Ngoài ra, công nghệ chôn lấp không tận dụng được tài nguyên từ rác thải.
Mặc dù công nghệ chôn lấp rác có nhược điểm như ô nhiễm môi trường, sử dụng diện tích đất lớn và không tận dụng được tài nguyên, nhưng nó vẫn được sử dụng phổ biến. Tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018) đã quy định việc hạn chế áp dụng công nghệ chôn lấp và dần loại bỏ phương pháp này trong xử lý CTRSH theo lộ trình.
Công nghệ đốt rác (incineration) là một trong những công nghệ phổ biến trong xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc đánh giá xem công nghệ này có tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
Tiêu chuẩn và quản lý: Việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường và quản lý hiệu quả trong việc vận hành nhà máy đốt rác là rất quan trọng. Nếu không thực hiện đúng tiêu chuẩn và quản lý không tốt, quá trình đốt rác có thể gây ra ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.
Hiệu suất nhiệt: Quá trình đốt rác tạo ra nhiệt và năng lượng, có thể được sử dụng để sản xuất điện, nhiệt hoặc khí. Điều quan trọng là đảm bảo hiệu suất nhiệt tối đa để tận dụng mức độ năng lượng cao từ quá trình đốt rác.
Xử lý khí thải: Quá trình đốt rác tạo ra khí thải, và việc xử lý khí thải để loại bỏ chất ô nhiễm là quan trọng. Hệ thống xử lý khí thải phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt để giảm thiểu tác động ô nhiễm đến không khí và môi trường.
Phân loại rác thải: Trước khi đốt, rác thải cần được phân loại và loại bỏ các thành phần gây hại, như chất ô nhiễm nguy hại, kim loại nặng, và chất dễ cháy. Quá trình phân loại rác thải đúng cách là quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả của quá trình đốt rác.
Công nghệ đốt rác có những ưu điểm như giảm khối lượng chất thải, sản xuất năng lượng, và tiêu hủy chất thải nguy hại. Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm như tạo ra khí thải và tro bay, yêu cầu quản lý nghiêm ngặt và chi phí đầu tư cao. Đánh giá về công nghệ đốt rác cần được thực hiện tổng thể, bao gồm các yếu tố môi trường, kinh tế, xã hội, và sự đảm bảo an toàn và hiệu quả của quá trình xử lý rác thải.
Công nghệ điện rác (Waste-to-Energy, WtE) là một phương pháp xử lý chất thải bằng cách chuyển đổi rác thành năng lượng điện hoặc nhiệt. Công nghệ này có một số ưu điểm như:
Chuyển đổi chất thải thành năng lượng: Công nghệ điện rác cho phép tận dụng chất thải và chuyển đổi chúng thành nguồn năng lượng tái tạo. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không tái tạo và giảm lượng chất thải.
Giảm khí thải và ô nhiễm: Quá trình đốt cháy rác trong công nghệ điện rác giúp giảm thiểu khả năng phát thải khí methane, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, các hệ thống xử lý khí thải hiện đại cũng giúp giảm thiểu khí thải và ô nhiễm môi trường so với các phương pháp xử lý truyền thống.
Tiết kiệm không gian: Công nghệ điện rác giúp giảm thiểu sự sử dụng đất để lưu trữ chất thải. Thay vì phải xây dựng các khu đất lớn, công nghệ này tận dụng chất thải và tạo ra năng lượng từ chúng.
Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ này cần lưu ý các vấn đề như, công nghệ điện rác đòi hỏi sự quản lý và kiểm soát chất thải chặt chẽ. Việc đảm bảo chỉ cháy những loại rác thải phù hợp và không chứa chất gây ô nhiễm là điều kiện cần thiết. Nếu không được quản lý tốt, quá trình đốt cháy rác có thể tạo ra các chất thải khí độc hại và chất thải tro bay độc hại. Ảnh hưởng về sức khỏe, quá trình đốt cháy rác có thể tạo ra các chất gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Mặc dù các hệ thống xử lý hiện đại đã cải thiện nhiều trong việc giảm thiểu các chất gây ô nhiễm, nhưng vẫn cần tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và quản lý chặt chẽ.
Một điểm tranh cãi về công nghệ điện rác là việc có thể ảnh hưởng đến ưu tiên tái chế. Đôi khi, việc chuyển đổi chất thải thành năng lượng có thể giảm động lực tái chế và khai thác tài nguyên. Công nghệ điện rác yêu cầu nguồn rác đủ với nhiệt trị đủ để duy trì hoạt động hiệu quả. Nếu nguồn rác không đủ, hoặc xu hướng giảm lượng rác thải, nhiệt trị thấp, công nghệ này có thể gặp khó khăn trong việc duy trì vận hành và hoạt động kinh tế.
Xu thế trong công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Xu thế hiện nay trong xử lý CTRSH là tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ chất thải nhằm tối ưu hóa quá trình tái chế, giảm thiểu sự lãng phí và bảo vệ môi trường. Một số xu hướng công nghệ phổ biến hiện nay như:
Tách rác tự động: Các công nghệ như hệ thống phân loại rác tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học để nhận biết và phân loại rác tự động, giúp tăng cường hiệu suất và độ chính xác của quá trình phân loại rác và giảm sự phụ thuộc vào lao động.
Tái chế thông minh: Công nghệ ngày càng phát triển để tăng cường quá trình tái chế. Ví dụ, công nghệ như robot hủy rác tự động có thể tách và phân loại các vật liệu tái chế từ rác thải, giúp tăng cường hiệu suất và giảm sự lãng phí.
Xử lý rác thải hữu cơ: Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ, bao gồm việc sử dụng hệ thống phân hủy sinh học hoặc vi sinh vật học, ngày càng phát triển. Các quy trình này giúp phân hủy rác thải hữu cơ một cách nhanh chóng và hiệu quả, tạo ra các sản phẩm phân bón hữu cơ hoặc năng lượng tái tạo.
Năng lượng tái tạo: Công nghệ tái chế và chuyển đổi rác thải thành năng lượng đang phát triển. Ví dụ, quá trình chuyển đổi chất thải thành năng lượng, bao gồm cháy rác hoặc sinh khối, được sử dụng để tạo ra điện, nhiên liệu sinh học hoặc nhiệt cho các mục đích sử dụng khác.
Công nghệ theo dõi và quản lý: Các hệ thống giám sát và quản lý thông minh dựa trên công nghệ IoT (Internet of Things) và AI được sử dụng để theo dõi quá trình xử lý rác thải, quản lý lưu lượng và tối ưu hóa hoạt động. Điều này giúp cải thiện hiệu suất và tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, cần lưu ý công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt không chỉ tập trung vào một phương pháp duy nhất, mà thường kết hợp nhiều phương pháp và công nghệ khác nhau để đạt được hiệu quả tốt nhất và bảo vệ môi trường một cách toàn diện.
Một số khó khăn trong việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam
Về Chính sách, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cho lò đốt CTR: hiện đang có một số điểm chưa thống nhất giữa quy định trong QCVN và quy định của một số nước cho lò đốt CTR. Do đó, có một số công nghệ đốt rác phát điện được phép áp dụng tại châu Âu nhưng một số chỉ tiêu kỹ thuật vận hành lò đốt không phù hợp với quy định của QCVN; hiện chưa có QCVN về công nghệ lò khí hóa, lò đốt tầng sôi cho xử lý CTR. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và sớm ban hành Quy chuẩn mới cho lò đốt rác thay thế các Quy chuẩn trước đây.
Về giá mua điện cho các dự án điện rác, mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt CTR trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện tại, có rất nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: Khí hóa phát điện; đốt phát điện; lên men tạo khí biogas phát điện,… nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.
Về giá xử lý CTR, hiện tại chưa có hướng dẫn về tính giá xử lý CTR áp dụng cho công nghệ điện rác; Các tỉnh áp dụng mức giá khác nhau và có những vấn đề liên quán đến tiến độ thanh toán cho các dự án xử lý rác thải, chưa có quy định về tiến độ thanh toán chi phí xử lý rác thải, làm ảnh hưởng đến việc thúc đẩy xã hội hóa xử lý CTRSH.
Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho việc nghiên cứu KH&CN hiện nay chưa khuyến khích được các doanh nghiệp/cơ sở xử lý CTR trong nước tham gia, góp vốn với Nhà nước để thực hiện thí điểm xử lý CTR. (Nguồn lực hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn, thời gian xử lý các thủ tục chưa kịp thời…).
Ngoài ra, nhiệt trị CTRSH tại Việt Nam ở mức thấp hơn so với các nước phát triển và các nước trong khu vực, độ ẩm cao gây khó khăn trong quá trình đốt, nhiệt hóa nếu không được giảm ẩm. Một số nơi, có hiện tượng CTRSH lẫn rác thải xây dựng gây khó khăn cho việc xử lý. Các đặc điểm này dẫn đến việc các nhà đầu tư phải cân nhắc đến tính hiệu quả của dự án.
Tác nhân mùi là trực tiếp ảnh hưởng đến dân cư sống gần nơi tập kết xử lý CTRSH, là tác nhân trực tiếp đầu tiên gây bức xúc cho nhân dân. Hiện tại, có rất ít nhà máy có hệ thống bể thu gom và xử lý mùi kín hiện đại được áp dụng. Các khu chôn lấp quá tải gây ảnh hưởng lớn đến môi trường trong đó đặc biệt là phát tán mùi ra xung quanh.
Việc kiểm tra chất lượng khí thải, nước thải tại các nhà máy xử lý CTR đang đặt ra vấn đề hết sức cấp bách hiện nay. Do chưa hoàn thiện toàn bộ hệ thống quan trắc trực tuyến nên việc kiểm soát chất lượng khí thải, nước thải hết sức khó khăn.
Đôi lời khuyến nghị
Về chính sách, cần chỉnh sửa, bổ sung QCVN cho lò đốt CTR thay thế các Quy chuẩn trước đây để phù hợp với thực tế.
Về giá mua điện cho các dự án điện rác: Bổ sung, chỉnh sửa Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ;
Về giá và tiến độ thánh toán, hiện tại chưa có hướng dẫn về tính giá xử lý CTR áp dụng cho công nghệ điện rác, cần bổ sung các quy định liên quan đến việc thanh toán chi phí xử lý CTRSH kịp thời, nhắm thúc đẩy hoạt động đầu tư, xã hội hóa vào linh vực này.
Về mặt quản lý nhà nước, các Bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với Việt Nam; ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH gắn liền với các dự án đầu tư và nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn; cần bổ sung đầy đủ chính sách về đơn giá xử lý rác/ mua điện từ dự án điện rác cho từng loại hình công nghệ khác nhau, cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ/giảm lãi suất.
Về công nghệ: Trong việc xử lý rác thải, không có một công nghệ nào duy nhất được coi là tối ưu nhất. Sự lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình địa phương, loại rác thải, quy mô xử lý, nguồn lực kinh tế và môi trường. Một sự kết hợp và tối ưu các công nghệ khác nhau cũng có thể được áp dụng tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi địa phương. Quan trọng nhất là lựa chọn và áp dụng các công nghệ phù hợp, đảm bảo tính bền vững và tạo ra hiệu quả tốt nhất trong việc xử lý rác thải.Việc xử lý rác thải và cần được tiếp cận một cách bài bản và hiệu quả để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Dưới đây là một số khuyến nghị cho công nghệ xử lý rác thải tại Việt Nam:
Đầu tư vào hệ thống xử lý rác thải hiện đại: Việt Nam nên đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải hiện đại như nhà máy tái chế, nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng, xử lý rác bằng phương pháp sinh học, và các công nghệ tái chế tiên tiến khác. Điều này sẽ giúp giảm lượng rác thải đến bãi rác và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Một số công nghệ phổ biến và tiềm năng trong việc xử lý rác thải:
Tái chế và tái sử dụng: Công nghệ tái chế và tái sử dụng giúp tận dụng lại các tài nguyên từ rác thải, như nhựa, giấy, kim loại và thủy tinh. Qua quá trình tái chế và tái sử dụng, lượng chất thải đến bãi rác có thể được giảm đi đáng kể.
Chuyển hóa nhiệt: Công nghệ chuyển hóa nhiệt bao gồm đốt rác, chuyển hóa rác thành nhiên liệu, hoặc chuyển hóa rác thành sản phẩm khác như gas hóa. Quá trình chuyển hóa này có thể tạo ra nhiệt và năng lượng, đồng thời giảm thiểu khối lượng chất thải và tiêu hủy chất thải nguy hại.
Xử lý sinh học: Công nghệ này sử dụng vi khuẩn và vi sinh vật để phân hủy chất thải hữu cơ. Ví dụ như xử lý qua quá trình phân hủy anaerobic (không khí) hoặc phân hủy aerobic (có khí) như công nghệ xử lý bằng biogas hoặc xử lý bằng lọc sinh học.
Xử lý khí thải và nước thải: Đối với các nhà máy xử lý rác thải hoặc nhà máy chế biến rác, công nghệ xử lý khí thải và nước thải là rất quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Công nghệ này bao gồm việc áp dụng hệ thống xử lý khí thải và xử lý nước thải để loại bỏ chất ô nhiễm và đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
Tái chế và phân loại rác thải: Việt Nam cần đẩy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn và khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế. Điều này giúp giảm lượng rác thải đi vào bãi rác và tận dụng tối đa tài nguyên có được từ rác thải; đồng thời, cần xây dựng hệ thống hạ tầng tái chế hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào hoạt động tái chế.
Khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý rác thải sáng tạo: Chính phủ và các tổ chức có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý rác thải sáng tạo. Cần khuyến khích sự đổi mới và đầu tư vào các dự án nghiên cứu về công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, gồm cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of Things) và các công nghệ thông tin khác để giải quyết vấn đề này một cách thông minh và hiệu quả.
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt cần được thực hiện chặt chẽ và liên tục. Đảm bảo rằng các bãi rác tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Cần thiết lập hệ thống giám sát và kiểm soát chất lượng môi trường để đảm bảo sự tuân thủ và thực hiện hiệu quả các quy định và chính sách liên quan.
Cần đẩy mảnh hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia đã thành công trong việc xử lý rác thải. Điều này có thể giúp Việt Nam áp dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến từ các quốc gia khác, đồng thời cũng tạo điều kiện để hợp tác và trao đổi thông tin với các đối tác quốc tế. Qua việc đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải, nâng cao ý thức cộng đồng và tìm kiếm hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm lượng rác thải và bảo vệ môi trường.
Chính phủ và các tổ chức cần tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền về ý thức xử lý rác thải đúng cách. Người dân cần được hướng dẫn về cách phân loại rác thải, sử dụng túi tái sử dụng, và cách giảm lượng rác thải sinh ra trong cuộc sống hàng ngày.
Việc áp dụng công nghệ xử lý CTRSH ngoài công nghệ chôn lấp là rất cấp thiết. Vấn đề đặt ra là các nhà máy xử lý CTRSH khi đưa vào sử dụng cần đảm bảo luôn luôn được vận hành đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Việc ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH cần được xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện đặc trưng của từng vùng miền, địa phương Việt Nam, theo xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ rác thải. CTRSH Việt Nam có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt,… do đó công nghệ xử lý CTR phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành đầu tư phù hợp.
Mặt khác, để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cần phát triển các công nghệ xử lý CTR mới, thân thiện môi trường và giảm thải khí nhà kính. Xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường nói chung hay công tác quản lý chất thải rắn nói riêng là việc làm cần thiết và phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay. Việc thành công trong việc quản lý rác thải yêu cầu sự phối hợp giữa chính phủ, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, cộng đồng và công dân. Sự quyết tâm và hợp tác của cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ là rất quan trọng để giải quyết bài toán xử lý rác thải tại Việt Nam.
ThS. ĐINH NAM VINH
Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ
Theo Tạp chí TN&MT