An ninh nguồn nước - Nỗi lo thế kỷ

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/8/2023 | 10:56:17 AM

QLMT - Mặc dù chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, tuy nhiên trong những năm gần đây tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn.

Nước trên trái đất và nhu cầu của con người

Cho đến nay, trong Thái dương hệ của chúng ta ngoài trái đất, không có hành tinh nào tồn tại sự sống. Ảnh vệ tinh, chụp trái đất có một màu xanh đặc biệt mà tất cả các hành tinh khác không có, đó chính là màu xanh của nước, màu của sự sống. 


 
Nếu trái đất, chỉ cần gần mặt trời khoảng 5% sẽ trở thành một hành tinh của sa mạc cát đá và tro buị như sao Kim, nhưng nếu quỹ đạo xa mặt trời hơn trái dất khoảng 3% cũng sẽ biến thành một hành tinh lạnh lẽo, băng giá như sao Hỏa. Điều kỳ diệu của tạo hóa chỉ đến với quỹ đạo của trái đất đó là Nước - khởi đầu của tất cả sự sống trên trái đất.




Nguồn sống ấy, theo tính toán của các nhà khoa học, tổng lượng nước trên trái đất có khoảng 1,4 tỷ km3, và tồn tại ở ba trạng thái khí, thể rắn (băng, tuyết) và thể lỏng. Tuy vậy, chỉ có 0,02% nước ngọt được dùng cho sinh hoạt còn lại là nước biển, nước đóng băng và nước ngầm không khai thác được. Một đặc điểm khác là lượng nước phân bố không đều giữa các vùng, các quốc gia nên nhiều nơi vẫn thiếu nước. Nơi thì lũ lụt, nhưng nơi lại thiếu nước nghiêm trọng.

Không có nước thì không có sự sống, nhưng con người vẫn lãng phí nước vì họ thường chỉ nghĩ đến giá trị của nó về mặt tiền tệ, mà không tính đến giá trị thật sự của nước, trong đời sống.

Hội Tài nguyên Nước Quốc tế đưa ra chỉ tiêu mỗi người, mỗi năm phải có được trên 4000m3 cho sản xuất và sinh hoạt, mới bảo đảm cuộc sống. Nhưng cũng không mấy ai thật sự quan tâm trong bối cảnh nhu cầu nước đang gia tăng và tình trạng trái Đất ấm lên đang kéo theo nguy cơ thiếu hụt nước sạch. 

Nhìn những thống kê trong Báo cáo phát triển của LHQ mới thấy được nguy cơ thiếu nước đang hiện hữu.



- Từ nay đến năm 2050, hơn 50% dân số toàn cầu được dự đoán sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước, do nhu cầu vượt nguồn tài nguyên nước sẵn có.

- Hơn 2 tỷ người đang sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nguồn nước, và ước tính có 4 tỷ người đang sống ở những nơi bị khan hiếm nước trầm trọng trong ít nhất là một tháng mỗi năm.

-  Cứ 5 trẻ em trên toàn thế giới thì có 1 trẻ em không có đủ nước để giải quyết những nhu cầu hàng ngày, và trẻ em ở hơn 80 quốc gia đang sống ở những nơi có nguy cơ cao về nước, có nghĩa là phụ thuộc vào nước bề mặt, mà các nguồn nước chưa được xử lý hay phải mất hơn 30 phút mới tiếp cận được nguồn nước.

- Đông và Nam châu Phi có tỷ lệ trẻ em sống ở những nơi như vậy cao nhất, trong đó 58% gặp khó khăn trong việc tiếp cận đủ nước mỗi ngày.
 
- Lượng nước sạch được sử dụng trên toàn cầu đã tăng gấp sáu lần trong 100 năm qua và đang tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 1%/năm kể từ những năm 1980.

- Nông nghiệp chiếm gần 70% nguồn nước sạch trên toàn cầu, chủ yếu để phục vụ hoạt động tưới tiêu, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Tỷ lệ này có thể lên đến 95% ở nhiều nước đang phát triển.

- Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các hình thái mưa, giảm lượng nước sẵn có , và làm trầm trọng hơn thiệt hại mà lũ lụt và hạn hán gây ra trên toàn thế giới.

- Sự tan băng đang gây ra nhiều hậu quả hơn, như lũ quét, nước biển dâng, đồng thời có nguy cơ làm giảm nguồn nước cho hàng trăm triệu người trong tương lai.…



Nạn khan hiếm nước và hạn hán dự báo sẽ gây thiệt hại với quy mô tương đương đại dịch COVID-19 với các rủi ro đang tăng nhanh do sự ấm lên của Trái đất. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến trước khi công bố báo cáo (2022), Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về giảm rủi ro thiên tai Mami Mizutori nêu rõ: "Hạn hán đang sắp trở thành đại dịch tiếp theo và không có vaccine chữa trị".

Báo cáo nêu rõ, hạn hán đã gây thiệt hại kinh tế ít nhất 124 tỷ USD và ảnh hưởng tới hơn 1,5 tỉ người trên toàn thế giới từ năm 1998 đến năm 2017. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng, con số này vẫn có thể là đánh giá thấp hơn so với thực tế.

Báo cáo cho biết, tình trạng Trái đất ấm lên hiện nay làm cho các trận hạn hán ở nên dữ dội hơn ở khu vực Nam Âu và Tây Phi. Trong khi đó, bà Mizutori cho rằng, số nạn nhân của tình trạng hạn hán dự kiến sẽ tăng mạnh nếu các nước trên thế giới không nhanh chóng có hành động ứng phó.



Tái nguyên nước của Việt Nam cùng với những thách thức trong những năm tới

Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn nhất ở Đông Nam Á, Thái Bình Dương và rủi ro thiên tai đang gia tăng. Mặc dù chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, tuy nhiên trong những năm gần đây tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn.

Về nguồn nước, Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 697 sông, suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên tỉnh, 173 sông, suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên quốc gia và 38 hồ, đầm phá liên tỉnh. Tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 830-840 tỷ m3, tuy nhiên phân phối không đều theo không gian và thời gian. Theo không gian tập trung chủ yếu (khoảng 60%) ở lưu vực sông Cửu Long, hơn 16% ở lưu vực sông Hồng - Thái Bình, hơn 4% ở lưu vực sông Đồng Nai, còn lại ở các lưu vực sông khác; theo thời gian tập trung chủ yếu từ 70% đến 80% trong mùa mưa, lượng còn lại phân bố vào 7 đến 9 tháng của mùa khô. Phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam đều là các sông xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn. 

Việt Nam cũng có tiềm năng khá lớn về nguồn nước dưới đất, nhưng tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên, tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất trên toàn lãnh thổ ước tính khoảng 91 tỷ m3/năm (nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm, nước mặn khoảng 22 tỷ m3/năm).

Tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 8.610 m3/người/năm. Tuy nhiên, nếu chỉ xét nguồn nước nội sinh thì tổng lượng nước bình quân trên đầu người chỉ đạt 3.280 m3/người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm.

Tổng lượng nước khai thác, sử dụng hằng năm khoảng 81 tỷ m3 (xấp xỉ 10% tổng lượng dòng chảy năm), tập trung chủ yếu vào 7-9 tháng mùa khô. Trong đó, trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm) và cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thuỷ sản và sinh hoạt.

Theo tính toán trong Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, đến năm 2030 tổng lượng nước dự báo đạt 948,4 tỷ m3, tăng khoảng 2% so với hiện tại. Trong đó, mùa cạn khoảng 289 tỷ m3, giảm 2,1%; mùa lũ 659 tỷ m3, tăng 2,4%.

Nhu cầu sử dụng nước toàn quốc năm 2030 dự kiến là 122,5 tỷ m3, cao hơn so với hiện tại hơn 4,6 tỷ m3. Ở mùa cạn, nhu cầu dự báo sẽ là 80,5 tỷ m3, tăng gần 3 tỷ m3 so với hiện tại; mùa lũ là 41,97 tỷ m3, tăng hơn 2 tỷ m3.


Thượng nguồn sông Đáy cạn kiệt và ô nhiễm nặng do sản xuất nông nghiệp và làng nghề

Từ số liệu trên có thể thấy nguồn nước không phải là vấn đề chính trong quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Vấn đề là sẽ xuất hiện trạng thái mùa lũ đã dài thì ngày càng nhiều nước trong khi mùa cạn đã thiếu nước sẽ lại càng thiếu hơn. Dự báo này đã được chứng minh từ thực tiễn 10 đến 20 năm qua khi thời tiết ngày càng cực đoan, hạn hán gay gắt, lũ lụt nghiêm trọng, lũ quét, sạt lở đất làm thay đổi dòng chảy xuất hiện ngày càng nhiều.

Do vậy, nguồn nước không phải là vấn đề quá lớn mà thách thức ở đây là phân bổ, điều tiết dòng chảy làm sao để đảm bảo sự cân bằng, giữ được nước mùa lũ để sử dụng khi hạn hán, xả nước khi có nguy cơ mất an toàn. Đây là bài toán khó, đòi hỏi chúng ta phải có phương án dự phòng trong điều hòa các hồ chứa.

Bên cạnh việc chủ động trong điều tiết, phân bổ nguồn nước thì chống ô nhiễm nguồn nước cũng vô cùng quan trọng, bởi thực trạng ô nhiễm nước ở Việt Nam đáng báo động. Chúng ta có đầy đủ các nguy cơ từ việc tăng dân số, ô nhiễm từ rác thải nước thải,ô nhiễm do quá trình sản xuát công nghiệp, nông nghiêp, ô nhiễm do quá trình đô thị hóa nhanh và cả những tác động từ điều kiện tự nhiên như bão, lũ…đều làm cho quá trình ô nhiễm tăng nhanh không những đe doa cho ngành sản xuất nước sạch mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và tác động đến mọi mặt của đời sống.

Trong cả hai lĩnh vực điều tiết, phân bổ và chống ô nhiễm nguồn nước  ở cả tầm vĩ mô và vi mô đều cần được sự quan tâm từ nhà nước và nhân dân. Quá trình điều hành và thực thi, còn có một số vấn đề chồng chéo giữa các bộ ngành trong quản lý nguồn nước, công trình khai thác, sử dụng lãng phí nước; nguồn lực đầu  tư trong công tác quản lý tài nguyên nước còn nhiều bất cập hy vọng rằng Luật Tài nguyên nước đang trong quá trình sửa đổi và hoàn thiện sẽ khắc phục những yếu kém này cùng với các biện pháp tuyên truyền, vận động nâng cao dân trí trong việc bảo vệ Tài nguyên nước đảm bảo an ninh nguồn nước đạt được những tiến bộ trong những thập kỷ tới.

HƯNG TRẦN

Tài liệu tham khảo:
-Bộ phim " Thế giới/đang khát”
-Các báo cáo về tài nguyên nước từ trong và ngoài nước

Tags nguồn nước an ninh nguồn nước ngập úng hạn hán ô nhiễm nguồn nước

Các tin khác

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc quản lý chất thải nói chung và tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTR CNTT) nói riêng trong KCN đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hoạt động tái sử dụng loại chất thải này của các doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Những mô hình, cách làm xuất phát từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người, của cả cộng đồng chung tay hưởng ứng thì môi trường mới trong lành và sạch đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục