Hầu hết các đô thị Việt Nam hiện này đều đang phải đối mặt với một thực trạng lãng phí nguồn lực đất đai khi nhiều quỹ đất đã được giao cho các dự án đô thị lớn, nhưng không được triển khai thực hiện đúng thời hạn vì nhiều lý do khác nhau. Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng mà ngay cả ở các đô thị loại hai, loại ba và thấp hơn, nơi cũng có tốc độ tăng trưởng đô thị mạnh mẽ, các dự án mọc lên ngày càng nhiều và hiện tượng đất đô thị nằm chờ dự án triển khai vẫn còn khá phổ biến. Ngoài ra, một số khu vực hoặc công trình nằm ngay bên trong các khu đô thị đã được xây dựng, thậm chí là các công trình lịch sử, cũng rơi vào tình trạng bị lãng phí do các dự án có liên quan chậm triển khai thực hiện.
Trong bài viết này, tác giả không cố gắng giải thích hay thảo luận về nguyên nhân của việc một số dự án bị thu hồi hoặc dừng thực hiện mà chỉ muốn chia sẻ một kinh nghiệm đã trở thành một công cụ quản lý đô thị ở Pháp trong hơn 10 năm qua, đặc biệt ở Vùng Île-de-France, đó là phương pháp quy hoạch cho giai đoạn QHGĐQĐ. Khái niệm này dường như chưa tồn tại ở Việt Nam và có thể trở thành một giải pháp phù hợp để quản lý tạm thời một số khu đất lớn đang chờ triển khai các dự án đô thị hoá. Đây vừa là một vấn đề kinh tế và phát triển đô thị, vừa là một vấn đề xã hội tùy thuộc vào các chương trình và loại hình phát triển được thực hiện trong các giai đoạn quá độ của một dự án đô thị.
Bài viết trình bày những lợi thế và thách thức của loại hình QHGĐQĐ, một cách làm được duy trì từ nhiều năm qua tại Vùng Île-de-France sau một thời gian thực hiện như các dự án thí điểm đơn lẻ. Những kinh nghiệm này có thể trở thành một giải pháp phù hợp cho các đô thị ở Việt Nam. Quả thực QHGĐQĐ hoàn toàn có thể mang đến những tiện ích cho một công trình hoặc khu đất chưa được đưa vào sử dụng.
Quy hoạch giai đoạn quá độ tại Île-de-France
Trong hơn 10 năm qua, QHGĐQĐ tại Vùng Île-de-France đã quy tụ được nhiều ý tưởng và sáng kiến nhằm tạo nên sức sống tạm thời cho nhiều địa điểm là những khu đất hoặc công trình chưa được đưa vào khai thác. Tuy cách làm này chưa thực sự phổ biến đối với tất cả các trường hợp dự án bị bỏ hoang, song vẫn cho thấy đây là một công cụ quan trọng để phát huy giá trị tại nhiều khu vực và là đòn bẩy cho các dự án đô thị sáng tạo hơn.
Những khu đất bị bỏ hoang trước đây tại Vùng Île-de-France thường bị đánh giá một cách tiêu cực, nhất là trong bối cảnh thủ đô nước Pháp luôn phải chịu nhiều áp lực lớn về quỹ đất cho phát triển. Vì vậy, việc áp dụng QHGĐQĐ không chỉ tạo nên sự thay đổi về hình ảnh và các giá trị cho các dự án mà còn tạo ra sự thay đổi trong các cách thức phát triển đô thị (ngày càng có nhiều chủ thể tham gia và các dự án cũng được chuyển từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác). Bên cạnh đó, do các dự án đô thị thường phải triển khai thực hiện trong thời gian dài nên QHGĐQĐ đã góp phần khai thác được tối ưu quỹ đất trong các giai đoạn chờ triển khai dự án chính thức. Cuối cùng, việc thiếu các không gian kinh doanh hoặc nhà ở giá cả phải chăng tại Vùng Île-de-France cũng đặt ra vấn đề về thẩm quyền can thiệp của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu của những đối tượng có nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường bất động sản căng thẳng.
QHGĐQĐ có thể đạt được nhiều mục đích khác nhau: (1) cung cấp những không gian hợp lý cho các nhu cầu xã hội chưa được đáp ứng trong một thời gian nhất định; (2) tạo ra "những địa điểm liên tiếp” hỗ trợ xây dựng các mối quan hệ xã hội và phát triển địa phương theo như định nghĩa của Văn phòng tư vấn kiến trúc Encore Joyeux (http://encoreheureux.org ); (3) thử nghiệm và định hình trước các mục đích sử dụng có thể hướng tới của dự án bất động sản hoặc đô thị được quy hoạch. Nếu hai mục tiêu đầu tiên dường như đạt được thường xuyên hơn, thì mục tiêu thứ ba gặp nhiều trở ngại hơn trong quá trình thực hiện: ngoài việc một số nhà đầu tư không sẵn sàng tính đến các yếu tố phát sinh từ công năng và không gian thì bản thân các chủ đầu tư dự án hoặc nhà quản lý đôi khi cũng thể hiện sự hoài nghi về hiệu quả của cách tiếp cận này.
Trên thực tế, QHGĐQĐ cũng chỉ là một khái niệm mang tính tương đối trong vô số các thuật ngữ và định nghĩa được sử dụng để nói về loại hình này. Việc sử dụng khái niệm « quá độ » hay « tạm thời » đều chỉ nhằm thể hiện điều kiện cho các dự án này được phép thực hiện hoặc tồn tại một cách tạm thời trong một thời gian nhất định và không nhất thiết phải được xác định trước, nhưng không nhằm mục đích ảnh hưởng đến một dự án đô thị trong tương lai. Nói cách khác, thuật ngữ « tạm thời » cũng nhấn mạnh đến khái niệm « quá độ ».
Bản chất của một dự án QHGĐQĐ thường bao gồm các yếu tố sau:
Phù hợp với bối cảnh có sẵn và phản ánh nhu cầu của địa phương, của cộng đồng và người dân thuộc mọi đối tượng;
Là một phần của chiến lược phát triển và cho phép các chủ thể phối hợp tốt với nhau;
Định hình trước cho các dự án đô thị chính thức trong tương lai về mục đích sử dụng và xác định nhu cầu;
Thể hiện tính liên ngành khi thể hiện được các công năng thường mang tính hỗn hợp;
Không có tính chất của một dự án cố định và cũng không được xác định mục tiêu từ trước nên luôn có sự đa dạng trong cách tiếp cận cũng như đối tượng tham gia;
Có thể phát huy trong những giai đoạn "ngủ đông” của dự án chính thức.
Một mô hình nhanh chóng được áp dụng rộng rãi
QHGĐQĐ bắt đầu được áp dụng rộng rãi tại Pháp kể từ năm 2016 nhờ tạo ra nhiều dự án điển hình, nhiều ấn phẩm chuyên môn cũng như các sự kiện và hoạt động đào tạo. Ngay khi chính quyền Vùng Ile-de-France bắt đầu kêu gọi sự đóng góp ý tưởng của cộng đồng vào năm 2016, rất nhiều chủ thể trong xã hội đã tích cực tham gia và tạo thành một phong trào sôi động. Theo nghiên cứu của cơ quan hợp tác cộng đồng Le Sens de la Ville (https://lesensdelaville.com), QHGĐQĐ góp phần tạo nên nhiều giải pháp cho các dự án phát triển đô thị, trong đó có sự tham gia của rất nhiều nhà quy hoạch trẻ. Tuy nhiên, cần thận trọng trong việc chuẩn hóa một cách làm tốt vốn chỉ nhằm mục đích khai thác các địa điểm trong một giai đoạn quá độ.
Tính từ năm 2012 đến nay đã có 227 dự án QHGĐQĐ đã được thực hiện tại Vùng Île- de-France. Sau một thời kỳ khởi đầu chậm chạp trong những năm 2000, xu hướng này đã thực sự nổi lên từ năm 2012 với mật độ triển khai từ 5 đến 10 dự án mỗi năm trong suốt giai đoạn 2012 - 2016. Tiếp đến giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm có tới 30 đến 40 dự án xuất hiện trước khi dịch Covid-19 bùng nổ. Nhưng ngay cả trong thời kỳ đại dịch, năm 2020 vẫn ghi nhận có tới 20 dự án được thực hiện thành công tại Vùng Île-de-France.
Có sự chênh lệch khá lớn về sự phân bố các dự án QHGĐQĐ giữa các khu vực nội đô và ngoại ô hoặc thậm chí ở khu vực nông thôn. Sự phân bố của 227 dự án tại Vùng Île-de-France kể từ năm 2012 cho thấy rõ ưu thế của Paris (thu hút 30% số dự án) vốn là khu nội đô lịch sử. Một trong những lý do khiến khu vực ngoại ô cũng hấp dẫn các dự án này là do tình trạng khan hiếm quỹ đất trong nội thành Paris. Kể từ năm 2019 đến nay, các vùng ngoại ô còn thu hút nhiều dự án QHGĐQĐ hơn (22%) so với giai đoạn 2012 – 2016 (11%). Có một thực tế khá thú vị là cách làm này đã được rất nhiều thành phố lớn khác của Pháp học theo Vùng Île-de-France để áp dụng như Grenoble, Lyon, Marseille, Bordeaux, Strasbourg, Amiens…
Ưu thế vượt trội của các dự án văn hóa và phát triển địa phương
Bảo tàng Sauvage (https://museesauvage.com) là một dự án thuộc loại QHGĐQĐ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019 tại một toà nhà bảo tàng cũ ở thành phố Argenteuil, cách trung tâm Paris 18 km. Đây là một tổ hợp cung cấp các xưởng sáng tác nghệ thuật, văn phòng, quán cà phê kết hợp và các xưởng thủ công, thậm chí có cả tiệm sửa xe đạp. Các hoạt động văn hoá được lên kế hoạch theo hình thức xen kẽ giữa các sự kiện, buổi hòa nhạc, hội thảo, chiếu phim và lễ hội.
Hiệp hội CO42 (https://www.co-42.org ) đã đầu tư vào một gara và nhà xưởng cũ trên Đại lộ Victor-Hugo ở Clichy, cách trung tâm Paris chưa đầy 10 km. Mục tiêu của dự án là tạo dựng, sau đó phân phối và quảng bá các dự án văn hóa và nghệ thuật đa ngành và liên ngành ở Pháp cũng như ở nước ngoài. Hiệp hội cũng tổ chức một lễ hội nghệ thuật, các xưởng sáng tạo cho các trường học, doanh nghiệp và bố trí khu lưu trú cho các nghệ sĩ.
Igor là một dự án do tổ chức Plateau Urbain (https://www.plateau-urbain.com/igor ) đứng ra thực hiện tại một toà nhà văn phòng của ngân hàng BNP liền kề với khu Chapelle Charbon thuộc quận 18 của Paris. Toà nhà này hiện tiếp nhận hơn 60 đơn vị thuê mặt bằng hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau (dịch vụ, nghề thủ công, văn hóa, tương trợ xã hội…) với giá thuê rất hợp lý.
Có một điều thú vị là việc sử dụng ở các địa điểm nằm ở vùng ngoại ô có những đặc điểm khác với trung tâm của đô thị. Trong khi các dự án ở trung tâm Paris mang tính văn hóa hơn hoặc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thì ở vùng ngoại ô lại có nhiều dự án về nông nghiệp, đa dạng sinh học và trồng vườn theo quy mô gia đình. Bên cạnh đó cũng có một số dự án liên quan nhiều hơn đến nông nghiệp nội đô, phát huy tính cộng đồng cho các không gian công cộng hoặc tăng cường đa dạng sinh học.
Nhiều dự án QHGĐQĐ có sự kết hợp giữa nhiều chức năng khác nhau và chuyển đổi dần theo thời gian cũng như theo bản chất của chúng (các hoạt động kinh tế và văn hóa, cho thuê văn phòng, không gian gặp gỡ, quán cà phê, v.v…). Điều này được đúc kết qua nhận định của bà Charlotte Girerd, Giám đốc Sáng tạo của SNCF Immo : "Các địa điểm mang tính đơn chức năng không phù hợp với tính đa dạng về nhu cầu của con người.” Sự kết hợp nhiều công năng có thể gợi mở những ý tưởng về cách thức khai thác hiệu quả các công trình nhà văn hoá hay các địa điểm cho thuê văn phòng.
Sự kết hợp nhiều công năng là kết quả của những nỗ lực về tổ chức, lên chương trình và duy trì hoạt động một cách liên tục chứ không chỉ đơn giản là sự sắp xếp các không gian được dự kiến cho mục đích này hay mục đích khác. Thành công của các tổ hợp không gian Yes We Camp dựa trên sự đa dạng về mục đích sử dụng và hoạt động, thiết kế không gian và mô hình kinh tế nhất quán, nhưng cũng dựa trên khả năng liên tục thu hút được đông người.
Phần lớn là các dự án phi lợi nhuận
Phần lớn các dự án được triển khai thực hiện nhờ những đơn vị là các hiệp hội phi lợi nhuận. Họ đầu tư khoảng một nửa số dự án trong giai đoạn 2012 - 2022. Kể từ năm 2017, các nhà phát triển bất động sản bắt đầu tham gia nhiều hơn vào loại hình này, nhưng cũng chỉ tăng từ mức 2% (giai đoạn 2012 - 2017) lên 7% (giai đoạn 2017 - 2022). Tỷ lệ tham gia của chính quyền địa phương cũng tăng từ 8,6% (năm 2012) lên 13,8% (giai đoạn 2017 - 2022).
Các đơn vị phát triển dự án QHGĐQĐ ngày càng tham gia nhiều hơn vào khâu quản lý và cả đào tạo, từ đó có xu hướng chuyên nghiệp hóa hơn hoặc giúp cho các cán bộ thuộc cơ quan công quyền làm tốt hơn vai trò phụ trách loại dự án này thông qua đào tạo. Ngoài ra còn có các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, chẳng hạn như trường hợp của La Preuve par 7 (https:// lapreuvepar7.fr ) sẵn sàng hỗ trợ cho những người muốn thiết lập một dự án QHGĐQĐ.
Việc đầu tư vào các dự án QHGĐQĐ cũng đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro tài chính khá lớn bởi nhiều yếu tố không chắc chắn về tình trạng kỹ thuật của địa điểm đầu tư, thời hạn và khả năng thành công của quá trình khai thác. Bên cạnh đó còn phải cân nhắc về các khoản đầu tư thường cũng khá nhiều để đảm bảo các tiêu chí an toàn khai thác và tiếp cận thuận lợi về mặt giao thông.
QHGĐQĐ mang lại nhiều giải pháp về cách làm quy hoạch đô thị vốn đang mất dần lối tư duy năng động. Mô hình này có triển vọng tạo nên "một luồng gió mới thực sự giúp cho các nhà quy hoạch có được sự kết nối tốt hơn với địa điểm quy hoạch”. Ngay cả trong trường hợp dự án QHGĐQĐ không phải lúc nào cũng có liên quan đến dự án đô thị lâu dài thì ít nhất các nhà quy hoạch cũng đã có điều kiện để nghiên cứu các giá trị tích cực của địa điểm, tạo được sức sống nhất định và khai thác được các tiềm năng thông thường sẽ bị "đóng băng” trong thời gian chờ thực hiện các nghiên cứu quy hoạch đối với dự án trong tương lai.
Mô hình QHGĐQĐ đặt ra một câu hỏi thú vị: Ai là người tạo dựng nên đô thị? Chuyên gia người Pháp Charlotte Girerd đã chia sẻ: "Có thể câu trả lời không chỉ đến từ các chuyên gia. Cuối cùng, những người đã tìm lại được sinh khí cho một số địa điểm của chúng tôi lại là những người chẳng liên quan gì đến lĩnh vực bất động sản. Nếu ai đó nói rằng bất động sản là lĩnh vực tạo nên những nơi chốn trong đô thị, vậy thì ai là người nhận diện được những nơi chốn đó? Đương nhiên không chỉ là các kiến trúc sư hay nhà đầu tư mà còn là những người sẽ gắn bó với những địa điểm đó.”
Xét về mặt loại hình không gian đô thị nơi triển khai thực hiện các dự án QHGĐQĐ, có một thực tế thú vị là gần một nửa số dự án này được hình thành tại những khu vực ban đầu chỉ là các phân khu chức năng (30% số dự án nằm trong các khu dân cư và 19% trong các khu thương mại – dịch vụ hoạt động, từ đó giúp cho các phân khu này trở nên sôi động hơn và bước đầu hình thành các không gian đô thị hỗn hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng vẫn có hơn 22% số dự án được triển khai trong các không gian hỗn hợp (khu dân cư kết hợp thương mại - dịch vụ) và 21% ngay trong trung tâm đô thị (có cấu trúc không gian hỗn hợp).
Không có gì đáng ngạc nhiên khi gần 62% trong số 227 dự án tại Vùng Île-de-France được triển khai trong các khu vực dự án đô thị, đặc biệt là các dự án cải tạo đô thị cũ, hoặc trong các khu vực có cấu trúc đô thị phân tán đang có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, vẫn có 32% số dự án nằm ngoài các khu vực phát triển đô thị. Điều đó cho thấy các dự án QHGĐQĐ cũng đáp ứng được các nhu cầu xã hội còn thiếu hụt và giúp cho đời sống địa phương trở nên sôi động hơn, bất kể đó là khu vực nào.
Các mô hình kinh tế cần được tăng cường
Hơn một nửa số dự án QHGĐQĐ (51,1%) tại Vùng Île-de-France được tài trợ bởi các nguồn quỹ hỗn hợp, 26,7% chỉ sử dụng ngân sách của chính quyền và 21,7% là các nguồn quỹ tư nhân. Yes We Camp (https://yeswecamp.org ) nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đa dạng về nguồn lực để duy trì sự độc lập cũng như nhu cầu hỗ trợ của chính quyền. Tổ chức này thường đầu tư vào những địa điểm được phát triển theo mô hình vườn ươm khởi nghiệp mà "trong một thời gian nhất định sẽ vận hành theo chế độ bắt buộc để có được các nguồn hỗ trợ, sau đó tạo nên một dự án lâu dài hơn, có thể thông qua hình thức mua lại toàn bộ khu đất đang thực hiện dự án”.
Đối với một địa điểm trong tình trạng tốt sẽ cho phép nhà đầu tư có thể khấu hao được mọi chi phí chỉ trong khoảng thời gian từ hai đến ba năm, nhưng với một địa điểm trong tình trạng xuống cấp nhiều, cần đầu tư cải tạo thì trong một thời gian ngắn sẽ chỉ có thể cung cấp các hoạt động theo kiểu quán bar hay nhà hàng. Đến nay, QHGĐQĐ cần sự linh hoạt hơn về quy định pháp lý để tiếp tục thu hút được nhiều chủ thể khác nhau cùng tham gia, kể cả những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng đã kiểm chứng được hiệu quả của mô hình này. Một trong những yếu tố quan trọng là kiểm soát tốt thời hạn cấp phép khai thác tạm thời để đảm bảo phù hợp với thời gian của các dự án lâu dài về sau. QHGĐQĐ thực sự đòi hỏi sự sáng tạo và tính linh hoạt trong việc áp dụng các quy định hiện hành.
Trên thực tế, QHGĐQĐ tại Pháp là một cách làm thực tiễn vẫn đang tiếp tục được đổi mới. Nhiều chủ đề mới đang xuất hiện trong các dự án này liên quan đến lĩnh vực bảo tồn di sản và khôi phục lại sức sống cho những công trình lịch sử. Trong suốt 10 năm qua, cách tiếp cận này đã mang đến những giá trị gia tăng trong lĩnh vực quy hoạch theo hướng sáng tạo và chống lãng phí tài nguyên: tái sử dụng, an toàn, cải tạo chỉnh trang những gì hiện có (cả về mặt kiến trúc và xã hội), thử nghiệm những giới hạn quy hoạch để tránh sai lầm về sau… Nói một cách ngắn gọn, đây là một hình thức quy hoạch đô thị song hành với quá trình chuyển đổi, một dạng R&D (nghiên cứu và phát triển) ở quy mô nhỏ, một thử nghiệm nguyên mẫu cho phát triển đô thị.
Triển vọng áp dụng cho các đô thị tại Việt Nam
Tuy khái niệm QHGĐQĐ chưa phổ biến ở Việt Nam, song một số thử nghiệm về chuyển đổi công năng đã từng được thực hiện, đặc biệt là với trường hợp khu Zone 9 ở Hà Nội – địa điểm quy tụ các hoạt động văn hóa tại một khu đất công nghiệp bị bỏ hoang tạm thời sau khi thỏa thuận được với chủ sở hữu của địa điểm này. Nhờ có các thủ tục dễ dàng thành lập doanh nghiệp hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, cũng có những cơ sở kinh doanh nhà hàng hoặc quán cà phê được bố trí với các kết cấu mang tính tạm thời tại những địa điểm hoặc thậm chí là những công trình chưa được khai thác theo công năng chính thức (như trường hợp quán bar Café Thủ Đô ở Hà Nội).
Việc UNESCO công nhận Hà Nội thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo và sự quan tâm của chính quyền thành phố đối với chủ đề này và ngành công nghiệp văn hóa có thể là một phương tiện để phát triển "những thể nghiệm mới” và mô hình QHGĐQĐ. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trương phát triển thành phố thông minh Thủ Đức với các quy định cụ thể cũng có thể là cơ hội cho loại hình QHGĐQĐ này.
Xét trên bình diện rộng hơn, các nỗ lực đổi mới đô thị tại các khu trung tâm hiện có của các đô thị khác như Hải Phòng, Quy Nhơn, Huế, v.v… cũng sẽ tạo ra khung thời gian dài để thực hiện các dự án phức tạp. Vì vậy, QHGĐQĐ có thể là một giải pháp tạm thời để khai thác những địa điểm cần "tái tạo không gian đô thị” đòi hỏi ít vốn đầu tư và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Các ví dụ tại Vùng Île-de-France cũng cho thấy những địa điểm nằm trong nội đô khi trở thành những không gian tự do, được kiểm soát và phân luồng, đều được người dân địa phương đánh giá cao. Trong khi đó, các đô thị Việt Nam nói chung, các đô thị lớn nói riêng hiện nay thiếu không gian công cộng, văn hóa, sân chơi thể thao. Việc sử dụng đất chờ dự án, trong một thời gian dài hoặc thậm chí trong một thời gian tương đối ngắn vài tháng, có thể được khai thác để bù đắp khoảng trống này. Các mô hình khai thác sân bóng mini hiện nay thường đòi hỏi rất ít kinh phí đầu tư và trang thiết bị. Với những địa điểm dành cho sáng tạo nghệ thuật đôi khi cũng không cần đầu tư quá nhiều về cơ sở hạ tầng.
Nói tóm lại, QHGĐQĐ không chỉ là một công cụ giúp truyền đạt các giá trị do dự án mang lại mà còn tạo ra sự giao lưu với cộng đồng cư dân trong tương lai. Thật vậy, việc xây dựng "nền văn hóa chung” tiến bộ, có tính đặc thù của từng địa điểm có thể được thực hiện nhanh chóng hơn, từ đó tạo được sự hòa nhập của dự án mới vào môi trường xung quanh và củng cố sự gắn kết giữa các cư dân tương lai. QHGĐQĐ rất cần được sự quan tâm của cả các chuyên gia Việt Nam và các cấp chính quyền địa phương cũng như các cơ quan, ban ngành có liên quan. Khái niệm này cũng sẽ là một phương tiện đối thoại xã hội và văn hóa hiệu quả với dân cư thuộc mọi thế hệ.
Emmanuel CERISE
Giám đốc PRX-Vietnam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dựa trên tài liệu tham khảo Viện quy hoạch phát triển đô thị Vùng Paris (IPR)
2. Bản tin số 952 (Cécile Diguet)
3. https://www.institutparisregion.fr/nos-travaux/publications/lurbanisme-transitoire-une- pratique-qui-se-perennise/
4. Sổ tay thực hành số 9, "Quy hoạch cho giai đoạn quá độ” (Cécile Diguet và Alexandra Cocquière)
5. https://www.institutparisregion.fr/nos-travaux/publications/lurbanisme-transitoire-1/
Nguồn: Tham luận tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022