Nén chất thải - Kinh nghiệm từ Bồ Đào Nha và Hy Lạp

Kinh nghiệm nén chất thải của Bồ Đào Nha

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/8/2022 | 10:10:31 AM

QLMT - Để nâng cao hiệu quả của việc thu gom rác thải có thể tái chế, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã áp dụng các trạm thu gom nhựa/kim loại với bộ phận nén tích hợp quy mô công cộng hay hộ gia đình, cho phép tự nén các loại rác riêng lẻ và phân loại dễ dàng.

Việc phân loại và nén rác thải trước khi thu gom sẽ giúp giảm số lượng điểm dừng thu gom/vận chuyển, điều này cũng mang đến hiệu quả cao hơn, giảm chi phí, tối ưu hóa tỷ lệ tấn/km vận chuyển và lợi nhuận. 

Chuyên trang Quản lý môi trường giới thiệu mô hình nén chất thải sau phân loại quy mô công cộng tại Bồ Đào Nha và quy mô hộ gia đình tại Hy Lạp (nguồn thông tin từ Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia). 

Bài 1: Kinh nghiệm nén chất thải của Bồ Đào Nha

Tiêu dùng là một phần quan trọng của bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới. Nhu cầu có được các sản phẩm đóng gói sẵn để sử dụng hàng ngày, đặc biệt là thực phẩm và đồ uống, đang gây ra lượng rác thải cao, chủ yếu là bao bì nhựa và kim loại dùng một lần. Một mặt, sự gia tăng rác thải nhựa, từ dịch vụ mua hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà. Mặt khác, bao bì kim loại đựng đồ uống và thực phẩm chế biến sẵn, từ các dịch vụ giao đồ ăn, cũng tăng lên. Điều này đã góp phần rất nhiều vào mức độ ô nhiễm không thể tưởng tượng được. Đại dịch Covid-19 càng làm tình hình này trầm trọng thêm. Với việc tích trữ và sử dụng khẩu trang bảo hộ dùng một lần, lượng chất thải đã tăng lên đáng kể. 

Nếu chúng ta đã từng tự hỏi mình phải làm gì với rất nhiều chất thải được tạo ra hàng ngày, thì bây giờ chúng ta phải đối mặt với một tình huống dẫn đến một câu hỏi mới: chúng ta có thể làm gì để quản lý đúng cách lượng chất thải đang tăng lên theo cấp số nhân và làm thế nào để giảm thiểu các tác động liên quan?

Tất nhiên, chúng ta không thể chỉ ngồi một chỗ và chờ đợi vấn đề tự biến mất. Chất thải rắn đô thị phải được xử lý để tránh các vấn đề môi trường ngày càng trầm trọng và có hại cho hành tinh, góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này, việc giảm thiểu chất thải và tăng tỷ lệ tái sử dụng chất thải là điều cấp bách đối với tất cả các quốc gia. Đây chính là những bước đầu tiên nhằm giảm thải bỏ và cho phép chuyển đổi chất thải thành nguyên liệu thô và thành phẩm mới. Tái chế giúp giảm và hợp lý hóa việc sử dụng năng lượng, nhu cầu về các cơ sở xử lý chất thải lớn và phát thải khí nhà kính. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua nhận thức của người dân về sự cần thiết của các hành vi giảm thiểu và tái chế chất thải. 

Việc tái chế phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân, khi họ hình thành thói quen phân loại rác thải, thay vì vứt chúng vào một thùng chung. Sau đó, rác thải có thể tái chế được thu gom và vận chuyển đến cơ sở xử lý. Tại các cơ sở này, chất thải có thể tái chế được phân loại thêm và khử trùng để cho phép định giá chất thải. Phần rác thải còn lại không có giá trị (thải bỏ) cần được xử lý tại bãi chứa hoặc bãi chôn lấp hoặc đốt. Việc thu gom riêng rác thải bao bì đã được áp dụng phổ biến ở Châu Âu, điều này cũng có tác động đến chi phí quản lý chất thải.

Mô hình quản lý chất thải rắn đô thị

Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia có tỷ lệ tái chế chất thải bao bì thấp nhất châu Âu  (như được thể hiện trong Hình 1). Vì vậy, Bồ Đào nha đã và đang nghiên cứu các chiến lược cho phép gia tăng tỷ lệ này; vừa để hoàn thành các mục tiêu môi trường đã đề ra vừa nhằm góp phần cho sự phát triển bền vững hơn.

Kinh nghiệm nén chất thải của Bồ Đào Nha - Ảnh 1
Hình 1. Tỷ lệ tái chế rác thải bao bì tại Châu Âu
 
Ở các khu vực đô thị, rác thải có thể tái chế thường được thu gom bằng các thùng chứa tại các địa điểm công cộng hoặc gần nhà dân, tùy thuộc vào khu vực địa lý. 

Cyclea (hình 2) là loại thùng chứa công cộng được sử dụng nhiều nhất ở Bồ Đào Nha. Thùng được thiết kế để thẳng đứng với dung tích 1500 lít cho chất thải bao bì nhựa và kim loại (thùng màu vàng) hoặc thủy tinh (thùng màu xanh lá cây), và 2500 lít để chứa giấy (thùng màu xanh lam).

Toàn bộ hệ thống hậu cần để thu gom, lưu trữ và xử lý do hệ thống quản lý đa thành phố hoặc liên thành phố chịu trách nhiệm. Như vậy, tất cả các khoản đầu tư và chi phí của quá trình tái chế đều được tập trung hóa. Mặt khác, chi phí xử lý đã nằm trong chi phí thu gom chất thải. Việc cải tiến trong hoạt động này sẽ liên quan đến việc thay đổi và tối ưu hóa cả quá trình hoặc giảm lượng công việc mỗi tuần.

Kinh nghiệm nén chất thải của Bồ Đào Nha - Ảnh 2
Hình 2. Thùng chứa rác thải Cyclea được sử dụng ở hầu hết các thành phố ở Bồ Đào Nha 
 
Để tối ưu hóa việc thu gom rác thải có thể tái chế, Bồ Đào Nha đã áp dụng một loại máy nén/phân loại chất thải, được thiết kế và phát triển ở quy mô hộ gia đình. Mặc dù cách tiếp cận này có thể giúp giảm đáng kể lượng chất thải tại các bãi rác, nhưng nó có thể sẽ làm tăng chi phí lắp đặt riêng lẻ. Do đó, một thiết bị nén được lắp đặt trong thùng chứa chất thải quy mô công cộng là phương án tối ưu cho cả người thải rác đồng thời giảm chi phí vận chuyển cho người thu gom chất thải. Đây cũng là giải pháp công nghệ với ưu điểm giảm tần suất thu gom, tăng khả năng lưu trữ thùng chứa thông qua việc nén chất thải bao bì nhựa và kim loại tại nguồn, hướng tới mục tiêu được thiết lập trong Kế hoạch chiến lược về chất thải rắn đô thị và Chế độ quản lý chất thải chung của Bồ Đào Nha.

Lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ở Bồ Đào Nha đã giảm từ năm 2010 tới mức tối thiểu vào năm 2013 (do liên quan đến khủng hoảng kinh tế), và sau đó tăng chậm dần đều (do kinh tế phục hồi). Tuy nhiên, sản lượng chất thải có thể tái chế không theo kịp với đà tăng này. Tỷ lệ rác thải có thể tái chế trên mỗi người dân Bồ Đào Nha vẫn thấp hơn mức trung bình của Châu Âu (Hình 3). 

Kinh nghiệm nén chất thải của Bồ Đào Nha - Ảnh 3
Hình 3. Sản xuất và tiêu thụ chất thải rắn đô thị ở lục địa Bồ Đào Nha

Theo số liệu của Báo cáo hiện trạng Môi trường, lượng chất thải rắn đô thị được thu gom ở Bồ Đào Nha trong giai đoạn 2010 đến 2019 là khoảng 5 triệu tấn, tương đương 505 kg/người/năm, tương ứng với sản lượng hàng ngày là 1,38 kg/người vào năm 2018. Trong năm 2019 có một sự thay đổi nhỏ, với mức tăng sản lượng CTRSH lên 511 kg/đầu người/năm, và sản lượng hàng ngày là 1,40 kg/người. Tuy nhiên, chỉ có 11,29% CTRSH phát sinh là nhựa và kim loại có thể tái chế, như được thấy trong Hình 4. Đây dường như là một tín hiệu tốt từ chính sách giảm rác thải của nước này.

Kinh nghiệm nén chất thải của Bồ Đào Nha - Ảnh 4
Hình 4. Thành phần vật lý của chất thải rắn đô thị
 
Tuy vậy, tỷ lệ tái chế giữ ở mức 11% trong 10 năm qua, đi ngược lại với chiến lược của Cộng đồng và quốc gia về CTRSH. Dữ liệu này khiến Bồ Đào Nha khó có thể đạt được các mục tiêu do Liên minh châu Âu đề ra. Nguyên nhân được cho là do việc thu gom vật liệu tái chế trong nước là chưa đủ.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng quản lý chất thải rắn đô thị liên quan đến hoạt động thu gom và vận chuyển trước khi xử lý. Quá trình thu gom có thể phân biệt hai giai đoạn: xử lý tại các thùng chứa (tập trung hoặc tại nơi ở) và thu gom đến các phương tiện vận chuyển, sau đó vận chuyển chất thải đến các đơn vị xử lý. Phần lớn rác thải bao bì có khối lượng nhỏ do tồn tại các khoảng trống lớn chưa được nén chặt. Nhiệm vụ đặt ra tập trung vào các giai đoạn xử lý tiếp theo, cũng như giai đoạn vận chuyển, nhằm đề xuất cải tiến thùng chứa chất thải bao bì, cho phép tách và nén kim loại/nhựa trong một thùng chứa duy nhất, điều này sẽ cho phép giảm khối lượng, tăng khối lượng chất thải vận chuyển, tương ứng là mức năng lượng thấp hơn cho việc vận chuyển, đồng thời giảm nhu cầu về các đơn vị xử lý cơ học/vật lý lớn để phân tách nhựa/kim loại.

Mô hình container tái chế bao bì kim loại và nhựa

Mô hình được đề xuất nhằm tối ưu hóa các chu trình thu gom chọn lọc liên quan đến sự thay đổi của các thùng chứa rác thải bao bì bằng kim loại và nhựa hiện tại. Từ quan điểm tận dụng ưu điểm hiện tại của thùng Cyclea, đề xuất được đưa ra nhằm thay đổi ngăn chứa chất thải, cho phép nén/thu nhỏ kích thước của rác thải kim loại và nhựa, đồng thời tách hai dòng chất thải có thể tái chế này. Sự thay đổi này nhằm mục đích thay thế các kiểu thu gom truyền thống, bằng hệ thống đầm nén thủ công, có khả năng giảm thể tích của các can và chai nhựa, xem Hình 5.

Bộ phận nén, được đặt ở một trong các cạnh của thùng chứa, có chiều cao đầm dao động trong khoảng 100 đến 345 mm, nghĩa là nén các chai nhựa từ 0,33 L đến 2 L và các lon nước giải khát có đường kính tối đa 100 mm. 

Kinh nghiệm nén chất thải của Bồ Đào Nha - Ảnh 5
Hình 5. Thùng chứa Cyclea mới chuyên dụng thu gom nhựa và kim loại
 
Thiết bị này có các bộ phận chuyển động nên cần có các biện pháp bảo vệ để tránh tác động của tay người dùng vào bên trong. Mức độ nén được thể hiện bằng một chỉ báo, liên kết với vị trí cuối cùng của đòn bẩy, cho người sử dụng thấy thể tích cuối cùng của vật được ép. Yêu cầu để vận hành đúng cách là các chai và lon phải mở, do đó chúng phải được tháo nắp trước khi thải bỏ.

Việc lựa chọn vật liệu thải cho vào máy nén thuộc trách nhiệm của người sử dụng. Hướng dẫn sử dụng được dán bên cạnh thùng chứa chất thải, đảm bảo việc phân loại đúng chất thải kim loại và nhựa trong thùng rác. Hình thức nén này không cho phép lấy lại rác thải sau khi thải bỏ. Thiết bị đòi hỏi người vứt rác thải thực hiện phân loại rác nhằm mục đích giảm độ phức tạp của hệ thống và giảm số lượng các cảm biến được sử dụng nhờ đó giảm giá thành toàn bộ hệ thống.

Kinh nghiệm nén chất thải của Bồ Đào Nha - Ảnh 6
Hình 6. Ngăn kéo thu gom rác

Ngăn chứa phân loại

Trong các mô hình thông thường, việc phân tách kim loại và nhựa chỉ có thể được thực hiện trong giai đoạn xử lý chất thải. Trong mô hình mới, việc này được thực hiện tại ngăn của thùng đựng rác thải từ nguồn. Việc làm này đưa trách nhiệm phân loại về phía người dân. Ngăn thu gom chọn lọc để chứa chất thải nhựa hoặc kim loại với công suất thu gom khoảng 220 lít. Mỗi loại chất thải sẽ được đựng trong các thùng chứa được quy định riêng, sau đó cho phép lấy ra bởi một người vận hành chuyên dụng bằng phương pháp kéo ra hoặc bằng cách sử dụng cần trục (Hình 6).

Cần lưu ý rằng các phương pháp tiếp cận tái chế này chuyển bước phân loại các sản phẩm thải sang giai đoạn thải bỏ rác và do đó, nâng cao nhu cầu nhận thức về việc tái chế hiệu quả CTRSH. Quan trọng hơn, hoạt động này đóng góp một lợi ích gián tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái chế, phân loại chất thải đúng cách và đóng gói chất thải, nâng cao khả năng sử dụng các phương tiện vận tải có kích thước nhỏ hơn. Việc giảm khối lượng phương tiện thu gom có thể cho phép dễ dàng tiếp cận các khu vực đô thị bị hạn chế tiếp cận, chẳng hạn như các khu vực di tích, nơi đường phố chật hẹp có thể cản trở việc tiếp cận của các phương tiện thông thường. Trường hợp xe lớn được phép đi lại thì sẽ giảm được chi phí vận chuyển do số lần đi lại từ nơi thu gom đến đơn vị xử lý giảm đi.

Khả năng lưu trữ

Mô hình nhựa/kim loại mới của Cyclea sẽ có thể tích hiệu dụng khoảng 220 L như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, mục tiêu chính của mô hình thu gom này là tối ưu lượng thu gom bằng cách nén chặt rác thải. Ví dụ, một lon 100 × 118 × 0,25 mm được nén chặt sẽ chiếm thể tích ít hơn nhiều. Việc nén chặt nhựa/kim loại làm giảm thể tích sản phẩm, do đó sẽ gia tăng đáng kể lượng lưu trữ được trong cùng một khối lượng. Sự gia tăng này có thể giúp giảm đáng kể số chu kỳ thu gom chất thải, do đó giảm chi phí vận chuyển theo đó giảm lượng phát thải. Mô hình này vừa tác động đến việc vận chuyển đồng thời bỏ bớt được khâu nén rác thải bên trong các cơ sở xử lý CTRSH. Về năng lượng sử dụng, hệ thống mới tiết kiệm năng lượng đầm nén do thiết kế sử dụng cơ học thay cho sử dụng điện ở thiết bị cũ.

Kết luận

Việc sử dụng các thiết bị tái chế nhựa / kim loại và thiết bị nén sẽ tối ưu hóa khả năng chuyên chở của các thùng Cyclea trong các bãi rác tái chế. Cách tiếp cận mới ngoài việc tăng đáng kể lượng chất thải rắn được thu gom còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân, biến họ trở thành tác nhân can thiệp vào quá trình tái chế, thực hiện sàng lọc ngay tại thời điểm vứt rác thải.

Một ưu điểm khác với hoạt động quản lý là giảm được các chu kỳ xử lý rác thải. Ngoài lợi nhuận kinh tế, điều này có thể góp phần vào việc tổ chức lại các tuyến đường lưu thông rác thải cũng như thời gian vận hành quá trình thu gom. 

Trong một xã hội ngày càng "thông minh”, hệ thống có thể ứng dụng triển khai hệ thống thông tin kết nối trực tuyến qua mạng, truyền đi thông tin về số lượng sản phẩm/mức lấp đầy và ước tính ngày có thể hoàn thành, lập kế hoạch thu thập trước, tối ưu hóa việc quản lý các tuyến đường thu gom và tối ưu hóa quy trình.

»Tiếp theo....
Bài 2: Kinh nghiệm nén chất thải của Hy Lạp

CHUYÊN TRANG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

Tags Hy Lạp Bồ Đào Nha kinh nghiệm nén chất thải

Các tin khác

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc quản lý chất thải nói chung và tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTR CNTT) nói riêng trong KCN đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hoạt động tái sử dụng loại chất thải này của các doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Những mô hình, cách làm xuất phát từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người, của cả cộng đồng chung tay hưởng ứng thì môi trường mới trong lành và sạch đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục