KINH NGHIỆM CỦA INDONESIA: QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ CÁC DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG TỪ CHẤT THẢI

Chiến lược quản lý chất thải rắn ở Indonesia

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/5/2022 | 2:52:09 PM

QLMT - Quản lý chất thải bền vững và vai trò của chất thải đối với các dự án năng lượng là rất quan trọng để thực hiện các chính sách và chiến lược quốc gia, từ đó đóng góp vào tầm nhìn chung của quốc gia về một nền kinh tế - xã hội xanh và bền vững hơn. Việc xây dựng và đưa ra các chính sách quốc gia về quản lý chất thải là bước đầu quan trọng để giảm lượng rác thải phát sinh, đảm bảo tái chế và sử dụng hiệu quả nhất rác thải đô thị tại mỗi quốc gia.

Với việc xây dựng và đưa ra các chính sách quốc gia về quản lý chất thải và chiến lược chống mảnh vụn nhựa, Indonesia đã bắt đầu một hành trình quan trọng để giảm lượng chất thải phát sinh và đảm bảo tái chế và sử dụng hiệu quả chất thải đô thị trên khắp cả nước. Chính quyền trung ương và địa phương, cũng như cộng đồng, đều tuyên bố hỗ trợ hết sức trong việc thực hiện các chính sách quốc gia về chất thải, quản lý chất thải/tài nguyên và chuyển đổi chất thải thành năng lượng hiệu quả hơn ở các cấp địa phương ở Indonesia. Dưới đây Chuyên trang Quản lý môi trường sẽ đăng hai bài báo với nội dung: "Chiến lược quản lý chất thải rắn ở Indonesia” và "Chu kỳ sống của dự án quản lý rác thải”.

BÀI 1: CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Ở INDONESIA

Kinh tế tuần hoàn và chiến lược quản lý chất thải

Việc triển khai các dự án quản lý chất thải sẽ phải là một phần của Quy hoạch tổng thể nền kinh tế tuần hoàn và các Chiến lược Quản lý chất thải.

Một thành phố lý tưởng nên hoạt động giống như một hệ sinh thái, cung cấp các dịch vụ gắn liền với môi trường xung quanh của chúng. Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, việc phát sinh chất thải và các chất có hại được giảm thiểu, tối đa hóa việc tái sử dụng, tái chế hoặc thu hồi chất thải. Tất cả các quá trình này cần được quản lý nhằm tránh thiệt hại cho môi trường và sức khỏe con người. Nền kinh tế tuần hoàn dựa trên các nguyên tắc thiết kế để loại bỏ chất thải và ô nhiễm, giữ cho các sản phẩm và vật liệu tiếp tục được sử dụng, đồng thời tái tạo các hệ thống tự nhiên. Thường có hai chu trình vật liệu: sinh học và kỹ thuật. Chu trình sinh học bao gồm những vật chất có thể luân chuyển vào và ra khỏi sinh quyển một cách an toàn. Chu trình kỹ thuật chứa dòng vật chất không thể quay trở lại sinh quyển một cách thích hợp. So với chu trình kỹ thuật, các cơ hội chuyển đổi theo mô hình tuần hoàn và cơ chế thực hiện điều đó cho đến nay phần lớn vẫn chưa được khám phá trong nền kinh tế theo chu trình sinh học.

Khẩu hiệu quản lý chất thải theo kiểu cổ điển "giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế” (3R) bắt nguồn từ những năm 1970 nhằm nâng cao nhận thức về môi trường trước văn hóa vứt bỏ rác thải. Hiện nay, các phương pháp đánh giá quản lý chất thải đã mở rộng 3R thành hệ thống phân cấp chất thải phù hợp với các chính sách của Chính phủ Indonesia và được quy định trong các Chính sách quản lý chất thải quốc gia (Hình 1). Việc chuẩn bị, xây dựng và thực thi các dự án quản lý chất thải chiến lược cần được dựa trên những nguyên tắc này. 

Chiến lược quản lý chất thải rắn ở Indonesia - Ảnh 1
Hình 1. Hệ thống phân cấp chất thải

Indonesia đã lập kế hoạch quản lý chất thải chiến lược toàn diện thông qua Quy định số 59 Năm 2017 của Tổng thống. Đây là điều kiện tiên quyết và cơ bản để các dự án quản lý chất thải lớn đạt hiệu quả, đồng thời hỗ trợ việc thực hiện các chính sách và chiến lược quốc gia cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Phù hợp với các mục tiêu quốc gia trong Kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia 2020-2024 (RPJMN), Sắc lệnh này tích hợp cả mục tiêu quốc gia và toàn cầu để thực hiện sự phát triển bền vững của Indonesia.

Theo Sắc lệnh số 97 năm 2017 của Tổng thống, Chính sách và Chiến lược quốc gia về Quản lý chất thải hộ gia đình (Jakstranas) đặt mục tiêu đến năm 2025, chất thải ở Indonesia phải được xử lý 100% bằng cách giảm phát sinh chất thải 30% và quản lý chất thải 70%.

Điều quan trọng là chính quyền địa phương, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan quản lý chất thải phải xây dựng các chính sách quản lý chất thải địa phương trong đó phác thảo các mục tiêu và chiến lược quản lý chất thải khu vực (Jakstrada) dưới dạng các quy định của khu vực. Các chính sách quản lý chất thải khu vực này phải phù hợp với các mục tiêu quốc gia và nhắm mục tiêu cụ thể hơn đến các nhu cầu của địa phương, bao gồm:

• Giảm khối lượng chất thải;
• Thúc đẩy vệ sinh công cộng; 
• Sản xuất điện, đồng thời phản ánh các điều kiện của địa phương như cảnh quan rác thải, cơ sở hạ tầng rác thải hiện có, dân số và tăng trưởng kinh tế.

Các chiến lược như vậy cần khách quan và ngắn gọn để tất cả các bên liên quan có thể hiểu và phù hợp với mục đích chiến lược. Một ví dụ về kế hoạch Quản lý chất thải cấp thành phố là "Phát triển Cơ sở hạ tầng chất thải bền vững và khả thi về mặt kinh tế để giải quyết lượng rác thải tăng trong 20 năm của thành phố liên quan đến tăng trưởng kinh tế và dân số”. Khi một chiến lược như vậy được đưa ra, nó có thể được chuyển thành các kế hoạch và sáng kiến phát triển dự án cụ thể, sau đó là triển khai thực hiện.

Phát triển cơ sở hạ tầng chất thải rắn

Việc áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn và hệ thống phân cấp chất thải trong quá trình lập kế hoạch, thiết kế và vận hành một cơ sở xử lý chất thải giúp cải thiện tính bền vững về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Điều này cũng có nghĩa là mọi bước của quy trình quản lý chất thải rắn (phát sinh tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái sử dụng, tái chế và xử lý cuối cùng) là rất quan trọng và cần được tích hợp vào một hệ thống hạ tầng chất thải tổng thể, cần được phát triển để tương ứng với chiến lược và kế hoạch quản lý chất thải và cuối cùng là đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn.

Hình 2 minh họa quy trình của Cơ sở hạ tầng quản lý chất thải. Bằng cách chuyển đổi cơ sở hạ tầng hiện có thành một hệ thống cơ sở hạ tầng quản lý chất thải mới, chất thải có thể trở thành một nguồn lực để tạo ra doanh thu tiềm năng, từ đó hỗ trợ tính bền vững của nền kinh tế chất thải.

Chiến lược quản lý chất thải rắn ở Indonesia - Ảnh 2
Hình 2. Quy trình của cơ sở hạ tầng quản lý chất thải

Việc phát triển các dự án quản lý chất thải được khuyến nghị nằm trong kế hoạch phát triển Cơ sở hạ tầng chất thải. Sự thành công của các dự án đó sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng thượng nguồn và hạ nguồn. Trong một số trường hợp, cơ sở hạ tầng hỗ trợ đòi hỏi đầu tư và chi phí vận hành đáng kể. Thiết kế Cơ sở hạ tầng quản lý chất thải cần được tiếp cận một cách tổng thể. Các khía cạnh kinh tế và tài chính nên được xem xét cẩn trọng với các lựa chọn khác nhau.


CHUYÊN TRANG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

Tags chiến lược quản lý chất thải rắn Indonesia

Các tin khác

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc quản lý chất thải nói chung và tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTR CNTT) nói riêng trong KCN đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hoạt động tái sử dụng loại chất thải này của các doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Những mô hình, cách làm xuất phát từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người, của cả cộng đồng chung tay hưởng ứng thì môi trường mới trong lành và sạch đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục