Dưới lòng cống và hố ga chật hẹp, mùi xú uế và các loại khí độc hại kết hợp với bùn lỏng cùng vô số rác thải khiến môi trường ô nhiễm. Tuy vậy, những người công nhân này vẫn miệt mài với công việc để mang lại sự sạch sẽ, an toàn cho thành phố.
Mỗi khi tổ thoát nước - xử lý nước thải làm việc đều có xe chuyên dùng hỗ trợ - Ảnh: Trần Tuyền
"Người khác tránh né mình lại chui vào”
13 giờ 30 phút, trời nắng như đổ lửa. Dưới ánh mặt trời gay gắt, nền nhiệt độ trên mặt đường nhựa càng tăng cao. Trên đường Đặng Tất, đoạn đối diện sân vận động TP. Đông Hà, anh Nguyễn Lê Cường khéo léo dùng xà beng để cạy nắp hố ga bằng sắt nặng nề.
Khi tấm sắt tròn vừa bật ra khỏi miệng hố, một mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng lên làm tôi choáng váng mặt mày. Bên dưới là bùn đen đặc quánh. Cạnh đó, 2 chiếc xe chuyên dùng đã đợi sẵn, một chiếc cấp nước xả, chiếc còn lại để hút bùn và nước thải. Anh Cường nhanh chóng tháo ống nhựa lớn từ xe chuyên dùng, cầm lấy một đầu nhấn xuống lòng hố ga rồi bật công tắc để hút bùn thải.
Tiếp đó, anh Nguyễn Hồng Hữu dùng vòi nước công suất mạnh xịt xuống lòng hố ga để lớp bùn nhão ra, dễ hút hơn. Khoảng 30 phút sau, khi lớp bùn đen đã được hút lên thùng xe chuyên dùng, đáy hố ga lộ ra vô số gạch đá, rác thải sinh hoạt như túi nilon, hộp nhựa... Số rác thải này ống hút không thể hút lên được. Với sự hỗ trợ của anh Hữu, anh Cường cầm theo cây cuốc nhỏ và xô nhựa tụt xuống hố ga. Trong không gian chật hẹp, anh Cường tìm cách xoay trở để cào lớp gạch đá, rác thải vào xô. Anh tiếp tục vệ sinh lòng hố ga cho đến khi sạch rác mới trèo lên khỏi hố ga nặng mùi.
Trong không gian chật hẹp, anh Cường tìm cách xoay trở để cào lớp gạch đá, rác thải vào xô - Ảnh: Trần Tuyền
Xong công việc, anh Cường cùng đồng nghiệp nhanh chóng tìm bóng mát của hàng cây ven đường để nghỉ lấy sức. Lớp áo mỏng ướt đẫm mồ hôi, dính bết vào tấm lưng của những người công nhân. Uống vội ngụm nước từ chai nhựa mang theo, anh Cường nói: "Nghề này quanh năm làm ngoài trời nên mùa nào cũng vất vả, khổ cực. Mùa mưa rác thải tập trung dưới cống nhiều hơn. Còn mùa nắng thì bụi bặm, ngột ngạt, mồ hôi đầm đìa như anh thấy đó”.
Tôi chợt nghĩ, quả thật nghề nào cũng vất vả nhưng nghề chui cống của Đội Chiếu sáng - Thoát nước thì nằm trong nhóm vất vả, độc hại nhất nhì. Đứng bên cạnh, anh Hữu góp chuyện: "Lần đầu chui cống, ai cũng choáng váng, nhức đầu, vì rác thải, mùi hôi, khí độc. Nhưng sau vài lần chui cống sẽ quen dần. Nghề chui cống này có đặc thù là ở những nơi hôi hám, bẩn thỉu người khác muốn tránh xa thì chúng tôi chui vào. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Mỗi khi mệt nhọc, vất vả, chúng tôi luôn nghĩ đến câu hát đó làm động lực để tiếp tục công việc”.
Buồn, vui chuyện nghề
Đội Chiếu sáng - Thoát nước, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà có gần 30 thành viên. Trong đó, tổ thoát nước - xử lý nước thải có 15 người, đều là nam giới (bởi công việc quá nặng nhọc, độc hại nên phụ nữ không làm nổi). Đội phó Đội Chiếu sáng - Thoát nước Nguyễn Đình Quang Văn cho hay, công việc của tổ thoát nước - xử lý nước thải là duy tu, bảo trì, sửa chữa hệ thống thoát nước; nạo vét, khơi thông các cống rảnh, hố ga, mương thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố. "Nghề thoát nước, xử lý nước thải phải thường xuyên làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại nên công nhân dễ mắc các bệnh về hô hấp, da liễu. Để bảo vệ sức khỏe cho công nhân, công ty đã trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cần thiết như mặt nạ phòng độc, áo quần lội nước, găng tay bảo hộ, mũ bảo hộ, khẩu trang...”, anh Văn nói.
Dưới lòng cống, hố ga tối om, ngoài các loại rác thải sinh hoạt như túi nilon, hộp nhựa, giấy, ống nhựa, còn có các loại rác thải xây dựng như gạch đá, sắt thép, thủy tinh, thi thoảng có cả những ống kim tiêm. Những vật nhọn ẩn chìm dưới tầng bùn thải với vô số chất độc chứa rất nhiều mầm bệnh. Vì vậy, mỗi khi chui xuống cống hay hố ga, các anh phải lần từng bước chân. Không chỉ có mối nguy ở dưới lòng đất, những người công nhân tổ thoát nước - xử lý nước thải còn gặp những cản trở khác trong khi nỗ lực làm sạch đẹp cho phố phường, như sự thiếu ý thức của một số người dân.
"Trên địa bàn thành phố, có nhiều cống, hố ga nằm gần hoặc trước nhà người dân. Mỗi khi chúng tôi làm việc đều có xe chuyên dùng hỗ trợ. Một số gia đình thấy xe chúng tôi đậu gần cổng nhà hoặc đang làm việc là ra quát mắng, nói những lời khó nghe, thậm chí có người còn động tay, động chân, cản trở chúng tôi. Những lúc như vậy, chúng tôi chỉ biết giải thích rồi nhanh chóng hoàn thành công việc của mình để chuyển đến vị trí khác”, anh Hữu kể.
Các thành viên trong tổ thoát nước - xử lý nước thải đều là nam giới với độ tuổi từ 25 - 55. Vì công việc quá vất vả nên nhiều người sau khi xin vào làm được một thời gian ngắn đã vội tìm việc khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bám trụ với nghề và... yêu nghề. Như ông Hoàng Ngọc Thông tính đến nay đã hơn 30 năm trong nghề, là một trong những người lớn tuổi nhất đội. Mặc dù làm nghề vất vả, thu nhập không cao nhưng ông Thông luôn là người nhiệt tình, tận tụy trong công việc. "Nhờ trời cho tôi sức khỏe nên trong 32 năm nay, tôi luôn làm tốt công việc được giao.
Công việc tuy vất vả nhưng làm lâu năm thành quen. Nay ngày nào không được đi vệ sinh cống rãnh lại cảm thấy thiếu”, ông Thông nói. Điều làm ông Thông vui và hạnh phúc là các con của ông đều chăm ngoan học giỏi. Người con lớn của ông vừa tốt nghiệp đại học ngành kế toán, con út hiện đang học THPT.
Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước
Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà Lê Văn Phúc cho hay, Đội Chiếu sáng - Thoát nước có 2 tổ, gồm tổ chiếu sáng và tổ thoát nước - xử lý nước thải. Trước đây, công ty quản lý và phụ trách duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố. Song, từ năm 2017 đến nay, khi Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp - Khuyến công và Dịch vụ công ích Đông Hà được thành lập thì hệ thống thoát nước do đơn vị này phụ trách tổ chức vận hành, duy trì. "Hiện nay, thành phố đặt hàng, ký hợp đồng với công ty thông qua Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp - Khuyến công và Dịch vụ công ích Đông Hà để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố”, ông Phúc nói.
Anh Cường dùng ống nhựa lớn từ xe chuyên dùng để hút bùn thải - Ảnh: Trần Tuyền
Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp - Khuyến công và Dịch vụ công ích Đông Hà Phạm Xuân Hưng cho biết, hằng năm đơn vị sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà, Phòng Quản lý đô thị và đại diện các phường tổ chức kiểm tra thực tế khối lượng duy trì, sửa chữa hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố, thường là mỗi năm 2 đợt, chưa kể các đợt đột xuất từ kiến nghị, đề xuất của các địa phương hoặc phản ánh của người dân. Sau đó, đơn vị lập dự toán trình lên UBND thành phố phê duyệt rồi mới tiến hành đặt hàng Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thoát nước. Kinh phí mỗi năm cho hoạt động này khoảng 1 tỉ đồng.
"Ngoài nguyên nhân chủ quan là một số nơi có hệ thống cống tiết diện chưa đủ lớn để thoát nước thì có lý do khách quan do một số gia đình, hộ kinh doanh thiếu ý thức thường xuyên xả rác bừa bãi ra môi trường. Nhiều trường hợp xả rác thẳng xuống hệ thống cống rảnh gây tắc hệ thống thoát nước thải. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng phối hợp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, không xả rác bừa bãi ra môi trường”, ông Hưng nói thêm.
Theo Báo Quảng Trị