Biết tôi đang đứng chụp ảnh một số người đi ngược chiều tại điểm nút giao thông Ô Chợ Dừa, một người đàn ông đi ngang qua nói gay gắt: Chụp làm cái gì, lại đưa lên báo à, người ta tranh thủ tạt ngang đầu giờ sáng có làm sao đâu, rách việc. Thế đấy, thay vì hoạt động tác nghiệp của phóng viên được ủng hộ nay lại bị trách cứ. Tại ngã tư Văn Miếu, Cát Linh – Tôn Đức Thắng, và ngã tư Cát Linh – Trịnh Hoài Đức, An Trạch chúng tôi đã ghi lại nhiều hình ảnh xe đi ngược chiều. Sự tuỳ tiện tạt ngang, rẽ trái, phải, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, sẵn sàng sửng cồ gây chuyện nếu ai nhắc nhở của một số người tham gia giao thông làm số đông người chứng kiến không muốn nhắc nhở vì sợ liên luỵ là đều dễ nhận thấy mỗi khi chúng ta tham gia giao thông ở Hà Nội.
Tại ngã tư Văn Miếu, Cát Linh – Tôn Đức Thắng thỉnh thoảng chúng tôi thấy công an đứng sẵn ở đó để chờ phạt những người đi ngược chiều từ phía Hàng Bột vào phố Văn Miếu. Mỗi khi nhìn thấy công an đứng đó chẳng ai vi phạm, nhưng khi không có bóng dáng công an mọi người lại vô tư đi ngược chiều. Phía đường Cát Linh cho dù có cảnh sát giao thông đứng ở đó người đi xe máy vẫn bình thản đi một chiều.
Từ thí dụ nói trên chúng tôi thấy có ba giải pháp để giảm đáng kể tình trạng điều khiển phương tiện giao thông nói chung và đi xe máy ngược chiều nói riêng: Thứ nhất cần tăng mức phạt đủ sức răn đe; thứ hai, thực hiện kiên trì, gắn trách nhiệm với chính quyển cơ sở; thứ ba cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin
Thứ nhất cần tăng mức phạt đủ sức răn đe.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, lỗi đi ngược chiều được xác định khi người điều khiển xe có hành vi đi ngược chiều trên đường một chiều và đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều". Cụ thể, mức phạt với từng loại phương tiện như sau: Đối với xe máy đi ngược chiều, theo Điều 6 Nghị định này sẽ bị phạt từ 300 đến 400 nghìn đồng. Nếu vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì còn bị tước Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Thực tế cho thấy mức phạt này chưa đủ sức răn đe người cố tình đi ngược chiều, cần tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần so với quy định nói trên.
Thứ hai thực hiện kiên trì việc tuyên truyền văn hoá giao thông, gắn trách nhiệm với chính quyển cơ sở.
Tuyên truyền và giáo dục văn hoá giao thông là nhiệm vụ chung không của riêng ai. Từ gia đình đến nhà trường, từ công sở đến đường phố, từ cá nhân đến cộng đồng. Chính quyền phải cầm cân nẩy mực quản lý vững vàng, liên tục. Mặt trận Tổ quốc và các thành viên phải là lực lượng phổ biến. Cơ quan thông tấn, báo chí phải là lực lượng xung kích. Thành phố chỉ đạo việc tuyên truyền văn hoá giao thông trong nhiều năm, đã thu được kết quả bước đầu, nay cần tiếp tục thực hiện tuyên truyền bền bỉ, kiên trì. Đã đến lúc chính quyền thành phố cần ra quy định địa bàn quận nào, phường nào để xảy ra "điểm đen” vi phạm luật giao thông, đi ngược chiều trong nhiều tháng, nhiều năm thì lãnh đạo các đơn vị đó liên đới chịu trách nhiệm.
Thứ ba kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Quay trở lại nút giao thông Văn Miếu, Cát Linh – Tôn Đức Thắng. Nếu lực lượng chức năng quyết tâm ngăn chặn tình trạng đi ngược chiều ở đây thì theo chúng tôi không cần phải cử người đứng tại ngã tư để bắt người đi ngược chiều như hiện nay bởi làm như vậy người có ý định đi ngược chiều quan sát thấy có bóng dáng cảnh sát là họ đi thẳng không rẽ vào phố Văn Miếu, chẳng dại gì vi phạm.
Có rất nhiều giải pháp để làm dứt điểm tình trạng này. Thí dụ một giải pháp đã được thực hiện rất hiệu quả, người điều khiển ô - tô đi trên phố Nguyễn Thái Học về hướng Cửa Nam, nếu vi phạm giao thông trên các ngã tư như vượt đè đỏ, chèn vạch, lấn làn khi đi đến Cửa Nam đều bị cảnh sát giao thông đề nghị dừng lại và bắt nộp phạt với bằng chứng là bức ảnh do camera ở các ngã tư đã ghi lại hình ảnh xe ô - tô vi phạm (hình ảnh ô – tô vi phạm được Camera ghi lại rồi chuyển về thiết bị di động cầm tay của cảnh sát). Với chứng cứ thuyết phục đó người điều khiển xe ô – tô đều nhận lỗi của mình và chấp hành nộp phạt.
Tại nút giao thông Văn Miếu, Cát Linh – Tôn Đức Thắng khi chưa lắp Camera theo dõi ta có thể ghi hình bằng điện thoại di động (hình thức giấu kín), ghi lại tất cả các trường hợp đi một chiều, để cho người vi phạm đi quá đến giữa phố hoặc hết phố mới ra mời người đó vào phạt. Nếu họ thắc mắc sẽ cho xem lại hình vừa ghi lại. Phạt vài lần là người vi phạm sẽ nhớ và không tái phạm. Vấn đề là lực lượng chức năng ở đây có quyết tâm làm hay không?
Xử phạt kiên quyết, ứng dụng công nghệ thông tin là giả pháp hiệu quả đối với những "điểm đen” vi phạm luật lệ giao thông cũng như đi ngược chiều.
Đừng vì đi vội một phút để chậm một đời; chấp hành luật lệ giao thông, nhường nhau khi tham gia giao thông là nét đẹp văn hoá của người Hà Nội.
HÀ VY