Sơn La: Kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/8/2023 | 11:45:35 AM

QLMT - Sơn La đề ra nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ các Khu, Cụm công nghiệp trong việc xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải,..

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 1 KCN Mai Sơn (xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn) đã đi vào hoạt động, quy mô 150ha. Đây là khu công nghiệp tập trung đa ngành, quy mô vừa và nhỏ, định hướng thu hút đầu tư thuộc các lĩnh vực chính về chế biến nông - lâm sản; thực phẩm; dược liệu; thức ăn chăn nuôi; phân bón; sản xuất vật liệu mới; công nghiệp phụ trợ, bao bì; năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics...


KCN Mai Sơn đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất 2.500m3/ngày đêm.

Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, KCN Mai Sơn đã đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước mưa tách riêng với hệ thống thu gom nước thải. Đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất 2.500m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ "Tiền xử lý hóa lý kết hợp với công nghệ xử lý sinh học A-O ứng dụng giá thể vi sinh chuyên dụng MBBR”; đang lắp đặt máy móc, thiết bị, dự kiến đi vào hoạt động vận hành trong năm nay.

Theo Sở TN&MT Sơn La, lượng nước thải sản xuất phát sinh lớn nhất trong KCN Mai Sơn là từ Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La, với khối lượng khoảng 3.750 m3/ngày đêm. Chủ dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng và được UBND tỉnh cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; nước thải phát sinh sau xử lý đa phần được tuần hoàn tái sử dụng.

Nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác chủ yếu là nước thải sinh hoạt, ước tính khoảng 5,7 m3/ngày; được xử lý bằng bể tự hoại trước khi xả thải ra môi trường.

Về chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khoảng 16,7tấn/năm, chủ yếu là chất thải rắn sản xuất tại Nhà máy chế biến nông sản BHL (lượng vỏ lụa sắn, bã sắn, bùn thải…). Lượng chất thải này chỉ phát sinh trong thời gian niên vụ sản xuất của nhà máy là 6 tháng/năm, Công ty đã ký hợp đồng cung ứng cho đơn vị khác làm nguyên liệu. Tại các cơ sở khác, chất thải rắn công nghiệp thông thường đa phần được tái sử dụng. Do đó, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp trong KCN Mai Sơn thải ra môi trường là không đáng kể.

Chất thải rắn sinh hoạt có khối lượng nhỏ, Ban quản lý KCN đã giao Trung tâm dịch vụ tư vấn và hạ tầng kỹ thuật KCN ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La thu gom, vận chuyển, xử lý với tần suất 4 lần/tháng.

Về chất thải nguy hại phát sinh ước tính khoảng 0,42 tấn/năm, chủ yếu là dầu, nhớt thải; giẻ lau dầu mỡ; ắc quy thải... các doanh nghiệp tự thu gom, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý. Ban Quản lý KCN đã hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp phân loại, thu gom, lưu trữ theo đúng quy định, đặc biệt là các quy định đối với khu vực lưu giữ.

Bên cạnh đó, Ban quản lý KCN thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, thu gom chất thải của các đơn vị thi công xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, đảm bảo vận chuyển xử lý đúng quy định về bảo vệ môi trường trong xây dựng.

Cùng với KCN Mai Sơn, trên địa bàn tỉnh có 2 cụm công nghiệp Gia Phù (huyện Phù Yên) và Mộc Châu (huyện Mộc Châu), với 5 dự án đã đi vào hoạt động.

Tại 2 cụm công nghiệp này đều chưa được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn công nghiệp thông thường tập trung. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu chỉ phát sinh nước thải sinh hoạt; chất thải rắn công nghiệp thông thường đã được thu gom, hợp đồng với đơn vị đủ chức năng để xử lý.

Năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Sơn La đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh. Cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Hỗ trợ xử lý các điểm gây bức xúc môi trường ở địa phương, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các Khu, Cụm công nghiệp trong việc xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải, truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT.

Kiểm tra, giám sát các dự án, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trên diện rộng thông qua các Tổ công tác liên ngành, chương trình kiểm tra định kỳ, chế độ giám sát đặc biệt như quan trắc online tự động liên tục và kết nối số liệu trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Xây dựng hồ chỉ thị sinh học để kiểm chứng chất lượng nước thải sau xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, Sở TN&MT đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Bảo vệ môi trường đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp, nhất là hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý nước thải, chất thải.

Kiểm soát chặt các khu, cụm công nghiệp trong việc xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải. Đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các KCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT.

Bên cạnh đó, hiện nay, Sở TN&MT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn chỉ đạo triển khai một số nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, đề nghị Ban quản lý các KCN rà soát, yêu cầu cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa (nếu có) phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành.

Hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục (có camera theo dõi và thiết bị lấy mẫu tự động), kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến Sở TN&MT, chậm nhất là ngày 31/12/2024. Thực hiện quan trắc nước thải định kỳ, tự động, liên tục đối với KCN, công khai kết quả quan trắc theo quy định….

DUY ANH (T/h)

Tags Sơn La xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Mai Sơn xả thải

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục