Đồng Tháp: Kiểm soát môi trường chặt chẽ tại các Khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/5/2023 | 4:03:31 PM

QLMT - Các mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia đồng hành từ người dân giúp môi trường ở Đồng Tháp có bước cải thiện rõ nét, góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp...

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, địa phương, Nhân dân trong công tác BVMT.

Đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân...



Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Đồng Tháp có 55/115 xã đạt tiêu chí môi trường. Ảnh minh họa

Tỉnh Đồng Tháp thường xuyên có chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm tra 467 cơ sở, lập biên bản và ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường 45 cơ sở (không có trường hợp bị xử lý hình sự) với tổng số tiền 1.072.750.000 đồng; giải quyết kịp thời 8 vụ phản ánh, khiếu nại của công dân qua đường dây nóng về ô nhiễm môi trường.

Hoạt động quản lý môi trường tại các Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp được giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Hiện việc đầu tư hạ tầng KCN Sa Đéc tương đối hoàn chỉnh, trong đó có các công trình thu gom nước thải, thoát nước mưa, nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất tổng cộng 8.500m3/ngày đêm; có nhà máy cấp nước riêng cho KCN với công suất 4.500m3/ngày đêm.

Đối với KCN Trần Quốc Toản đầu tư xây dựng cơ bản công trình thu gom nước thải, thoát nước mưa, nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 250m3/ngày đêm (module giai đoạn 1); KCN Sông Hậu đầu tư hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, xây dựng hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 600m3/ngày đêm.

Công tác BVMT trong hoạt động sản xuất nông nghiệp được chú trọng. Ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhiều chương trình, giải pháp BVMT, phương thức, công nghệ và quy trình sản xuất bền vững. Đồng thời tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác để nâng cao thu nhập; thu gom bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau khi sử dụng.

Đồng thời sử dụng các chế phẩm để phân hủy phụ phẩm nông nghiệp ngay trên đồng ruộng nhằm cung cấp nguồn phân hữu cơ cho đất và cây trồng. Từ đó, góp phần hình thành phát triển nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Trong quan trắc và cảnh báo môi trường, tỉnh đã đầu tư và duy trì vận hành Dự án Hệ thống tiếp nhận và tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Đề án quan trắc môi trường tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục để tăng cường công tác quản lý, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh...

Riêng công tác thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM được các địa phương quan tâm thực hiện. Trong đó, huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là phát huy vai trò cộng đồng về BVMT. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 55/115 xã đạt tiêu chí môi trường; có 2 huyện được công nhận huyện NTM và cơ bản đạt chỉ tiêu môi trường.

Từ quá trình thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM xây dựng được nhiều cách làm hay như: mô hình "Chợ nói không với túi nilong”; mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật của Hội Nông dân tỉnh; mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; nhiều hoạt động của các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, thực hiện thu gom, đổi chất thải nhựa nhận quà trong trường học; Tổ tự quản thanh niên BVMT; phụ nữ BVMT...

Minh Anh

Tags Đồng Tháp Kiểm soát môi trường Khu công nghiệp

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục