Cần giải pháp căn cơ, lâu dài bảo vệ môi trường cụm công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/11/2022 | 2:36:57 PM

Công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang tồn tại nhiều vấn đề từ cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đến các vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện cần được nhận diện đầy đủ để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Thiếu quy hoạch hạ tầng bảo vệ môi trường

Theo phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) đến năm 2025, có xét đến năm 2035, toàn tỉnh Quảng Nam có 93 CCN. Tính đến tháng 10.2022, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập 59 CCN với tổng diện tích 1.678,58ha. Đến nay, đã có 53 CCN quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 1.467,90ha (trong đó diện tích đất công nghiệp 1.071,43ha).

Cần ưu tiên đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp
Cần ưu tiên đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp. 

Điều đáng quan tâm là hạ tầng kỹ thuật của các CCN chưa được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ nên việc kêu gọi đầu tư vào các CCN vẫn còn rất hạn chế. Tình trạng chung là các CCN có quy mô nhỏ, có cụm chỉ có 1 hoặc 2 doanh nghiệp, thiếu quy hoạch hạ tầng bảo vệ môi trường (BVMT) nên hầu hết chưa được đầu tư hạ tầng xử lý nước thải; con số 4/59 CCN có xây dựng khu xử lý nước thải tập trung là minh chứng rất cụ thể. Điều này đồng nghĩa với việc quản lý, kiểm soát xả thải tại các nhà máy không triệt để, còn tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, đặc biệt vào mùa mưa. Việc thiếu quy hoạch hạ tầng BVMT cũng là khó khăn khi nhu cầu đầu tư hạ tầng bảo đảm yêu cầu BVMT trở nên cấp thiết và khó có thể thực hiện đầy đủ các công đoạn đấu nối - thu gom - xử lý - xả ra nguồn tiếp nhận theo quy trình xử lý chất thải CCN.

Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đã được HĐND tỉnh Quảng Nam quyết định tại Nghị quyết 34/2021/NQ-HĐND ngày 29.9.2021. Trong năm 2022, UBND tỉnh đã bố trí 15 tỷ đồng để các địa phương đầu tư hoàn thiện hạ tầng CCN, trong đó có hạ tầng BVMT theo chương trình hỗ trợ của Nghị quyết 34. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế hỗ trợ nêu trên đã bộc lộ không ít vướng mắc như: (i) mức phân bổ kinh phí còn thấp so với kế hoạch 15/50 tỷ đồng; (ii) mức hỗ trợ còn thấp so với kinh phí đầu tư, nhất là khi đầu tư hạ tầng xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại; (iii) khi đầu tư khớp nối hạ tầng các CCN trên cùng địa bàn thì vướng quy định, vì chỉ hỗ trợ 1 chủ đầu tư/1 CCN; (iv) cơ chế khuyến khích tập trung cho khu vực miền núi trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng CCN ở khu vực đồng bằng khá lớn.

Ngày càng cấp bách hơn

Nghị định số 68/2018/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm UBND cấp huyện trong đầu tư hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN, trong đó có hạ tầng kỹ thuật về BVMT. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn thì công tác BVMT khó có thể được quan tâm đúng nghĩa.

Việc đầu tư hạ tầng BVMT càng cấp bách hơn khi theo quy định Điều 52 Luật BVMT 2020, CCN đang hoạt động phải hoàn thành công trình hạ tầng BVMT trước ngày 1.1.2023. Đây sẽ là một thách thức rất lớn trong điều kiện nguồn lực đầu tư của địa phương còn hạn chế và cơ chế, chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư hạ tầng CCN nói chung và hạ tầng BVMT nói riêng chưa đủ mạnh.

Môi trường ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, quá trình phát triển kinh tế sẽ tạo áp lực lên môi trường ngày càng lớn. Do vậy, để tạo chuyển biến căn bản trong công tác BVMT ở CCN, thực hiện đúng yêu cầu, lộ trình quy định Luật BVMT, thiết nghĩ công tác quy hoạch đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu, BVMT cần phải được chú trọng hơn; mục tiêu BVMT phải được thể hiện ngay trong quy hoạch, kế hoạch, thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời thống nhất giữa quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch. Các địa phương cần rà soát lại các CCN đã thành lập để có phương án quy hoạch đầu tư hoàn thiện hạ tầng CCN, ưu tiên đầu tư hạ tầng BVMT.

Đối với tỉnh, HĐND tỉnh cần chỉ đạo UBND tỉnh rà soát, đánh giá, tổng hợp các vướng mắc, bất cập sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 34/2021/NQ-HĐND để sửa đổi, bổ sung có chính sách đủ mạnh khuyến khích xã hội hóa, thu hút đầu tư hạ tầng CCN, nhất là hạ tầng BVMT; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện môi trường. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý nước thải tại các CCN để bảo đảm yêu cầu môi trường về lâu dài. Định kỳ, HĐND tỉnh xem xét báo cáo công tác BVMT theo thẩm quyền quy định để kịp thời đề ra các chủ trương, biện pháp, chính sách về BVMT; đồng thời, chỉ đạo UBND tỉnh kịp thời trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định các vấn đề có liên quan theo quy định Luật BVMT 2020.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cần kịp thời tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực hiện cơ chế chuyển giao doanh nghiệp quản lý phần hạ tầng CCN do ngân sách đã đầu tư.

Theo Thanh Thanh/daibieunhandan.vn

Tags quy hoạch hạ tầng bảo vệ môi trường môi trường cụm công nghiệp Quảng Nam

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục