Các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) TP.HCM từng là hình mẫu tác động tích cực đến các địa phương lân cận trong việc hình thành các cụm liên kết ngành, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo thành các hệ sinh thái công nghiệp gắn với chuỗi đô thị và logistics. Thế nhưng, vai trò ấy đang dần mất và cần những chính sách thúc đẩy.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định sự phát triển các KCX, KCN của TP.HCM là cơ chế quản lý "một cửa - tại chỗ" đã được áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các ban quản lý KCX, KCN, khu kinh tế (KKT) trong cả nước từ đó đến nay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban quản lý các KCX và KCN TP.HCM, hiện chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCX, KCN tại thành phố chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu, chưa thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến với hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa. Ở giai đoạn đầu, để giải quyết lao động thất nghiệp, tiếp cận với công nghệ, nguồn vốn và trình độ quản lý từ nước ngoài nên việc thu hút đầu tư chưa được chọn lọc.
Không chỉ thế, chính sách ưu đãi không hấp dẫn, giá thuê đất cao, hiệu quả sử dụng đất thấp và thiếu quỹ đất lớn khiến các KCX, KCN TP.HCM giảm hấp dẫn. Hiện tỷ suất thu hút đầu tư trung bình trên 1ha đất công nghiệp đạt 6,23 triệu USD, rất thấp so với tiềm năng và lợi thế của thành phố.
Hơn nữa, mô hình phát triển của các KCN cũng chậm đổi mới. Hiện các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của hơn 71% lao động nhập cư từ các tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư và mô hình quản lý theo cơ chế "một cửa - tại chỗ” còn nhiều bất cập.
Nhiều KCN chưa là đòn bẩy để tạo sự chuyển động mạnh mẽ về sản xuất, công nghiệp tập trung, chưa phát triển bền vững. Sau 30 năm phát triển, diện tích các KCX, KCN tại TP.HCM mới chỉ đạt được khoảng 64,37% diện tích đất quy hoạch. Nếu không khắc phục được những bất lợi trên để mở rộng và phát triển các KCX, KCN thì không chỉ khó khăn đối với việc phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ mà còn ảnh hướng đến mục tiêu kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở công nghiệp nằm ngoài các KCN.
-6430-1668049228.jpg
Theo lãnh đạo TP.HCM, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025 là từng bước chuyển đổi các KCX, KCN theo hướng KCN sinh thái, KCN công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Xây dựng các KCN mới theo mô hình chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao, KCN - đô thị - dịch vụ gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1ha từ 6,23 triệu USD lên 15 triệu USD vào năm 2025...
Để làm được điều này, theo ông Hứa Quốc Hưng, cần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, xây dựng tiêu chí sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư vào các KCX, KCN phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của thành phố. Xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình chuyển đổi KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, KCN công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư song song với việc hoàn thiện mô hình cơ chế quản lý "một cửa - tại chỗ", đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành Luật KCX, KCN và KKT để thống nhất chính sách, chủ trương, điều hành.
Lâu nay, TP.HCM vốn là đầu tàu kinh tế cả nước và các KCX, KCN của thành phố cũng đóng vai trò đầu tàu, vì vậy cần giữ vững vai trò quan trọng này. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất thúc đẩy thu hút đầu tư các KCN mới theo hướng phát triển cụm liên kết ngành và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo song song với phát triển các mô hình KCN mới.
Đối với các KCN hiện hữu, cần chuyển đổi theo chiều sâu, KCN sinh thái, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đồng thời chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là nên thành lập KKT phía Nam. Việc này không chỉ tạo động lực phát triển cho riêng TP.HCM mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Cùng đó, cần giữ chân các nhà đầu tư với các dự án hiệu quả hiện có, đồng thời khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư mới với các dự án được ưu tiên lựa chọn. Muốn vậy, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư thuận lợi và các chính sách khuyến khích đầu tư.
"Cần đơn giản tối đa các thủ tục hành chính, hoàn thiện các quy trình đầu tư, danh mục các dự án đầu tư ưu tiên lựa chọn. Cần công bố các chủ trương của thành phố về việc ổn định và phát triển các KCX, KCN hiện có và sớm hoàn thiện bản quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn thành phố đến năm 2040. Từ kinh nghiệm đầu tư thành công KCX Tân Thuận, đề xuất quy hoạch, thiết kế, đầu tư hoàn thiện một KCN mới, kiểu mẫu, hiện đại làm tiền đề cho việc phát triển các KCN mới của thành phố", ông Tựu đề nghị./.
Hồng Nga/doanhnhansaigon.vn