Tăng cường thanh tra việc chấp hành bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp Quảng Ninh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/10/2022 | 10:38:23 AM

QLMT - Ngay từ đầu năm, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các dự án sản xuất kinh doanh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường

Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng hướng, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong các Cụm công nghiệp (CCN) đang được các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư thực hiện triệt để, đồng bộ.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Ninh: Với quan điểm nâng cao tính chủ động trong ứng phó, giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, Sở TN&MT đã tăng cường công tác kiểm soát, phòng ngừa đối với những đơn vị có nguồn xả thải lớn, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Ngay từ đầu năm, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, quy hoạch và đầu tư tại các dự án sản xuất kinh doanh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Sông Khoai của Công ty CP đô thị Amata Hạ Long (xã Sông Khoai, TX Quảng Yên), sau khi kiểm tra thực tế tại hiện trường và đối chiếu với hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, Đoàn kiểm tra ghi nhận Công ty CP đô thị Amata Hạ Long trong quá trình thực hiện giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Dự án KCN Sông Khoai - giai đoạn 1 với diện tích 123ha đã cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định. Cụ thể, như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ TN&MT phê duyệt; lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường được Bộ TN&MT thẩm định; bố trí các kho lưu giữ chất thải nguy hại. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua kiểm tra cũng cho thấy, trong quá trình triển khai hoạt động, Công ty vẫn còn một số tồn tại. 

Ông Nguyễn Thành Long, Kỹ sư nước và môi trường Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long cho biết: Có nhiều quy định mới về môi trường, Công ty vẫn chưa nắm bắt kịp thời, do vậy ngay sau khi có sự hướng dẫn của đoàn kiểm tra, chỉ trong vòng 2 ngày, Công ty khắc phục xong những tồn tại như: Thu dọn chất thải công nghiệp thông thường đưa đi xử lý theo quy định; xây dựng gờ chắn chống tràn chất nguy hại ra môi trường; tăng cường phun nước, công nhân quét dọn tại tuyến đường ra vào dự án.

Tăng cường thanh tra việc chấp hành bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp Quảng Ninh
Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Sông Khoai.

Để đảm bảo công tác môi trường, hiện nay, các CCN đã thực hiện đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Đồng thời, tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng các quy định trong quá trình kinh doanh, sản xuất. Điển hình, như tại CCN Hà Khánh (TP Hạ Long), chủ đầu tư đã dành trên 180 tỷ đồng đầu tư hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung của CCN theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bao gồm: Cổng, tường rào, nhà bảo vệ, nhà điều hành, đường giao thông nội bộ, cấp điện, cấp nước, vỉa hè, cây xanh, thoát nước, trạm xử lý nước thải (công suất 800m3/ngày đêm), đảm bảo phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp. Đến nay, CCN Hà Khánh đã có 136 nhà đầu tư thứ cấp thực hiện thuê đất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt 99% diện tích. Nhiều doanh nghiệp di dời vào CCN này đều bày tỏ sự hài lòng và quyết tâm gắn bó lâu dài để phát triển.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn kinh tế Hạ Long (chủ đầu tư CCN Hà Khánh), cho biết: Việc triển khai xây dựng và hỗ trợ di dời đối với các cơ sở tiểu thủ công nghiệp vào các CCN là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh phát triển như hiện nay. Qua đó, giúp giảm thiểu ô nhiễm do các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ra và đảm bảo môi trường trong khu dân cư, đô thị. Với vai trò là chủ đầu tư, đơn vị luôn quan tâm và đầu tư hạ tầng để xây dựng các khu, trạm xử lý nước thải đồng bộ, có hệ thống giám sát, xử lý tập trung và đảm bảo thu gom vệ sinh môi trường với tất cả các chất thải rắn trong CCN.

Tại mỗi phân xưởng, nhà máy sản xuất đều bố trí các tổ thu gom, vận chuyển đến địa điểm tập kết riêng biệt, cách xa khu sản xuất, định kỳ hàng tháng phối hợp với đơn vị được ký hợp đồng chuyển đi xử lý theo đúng quy định; đồng thời, hàng năm đều tổ chức kiểm tra lại các hệ thống xử lý nước thải đảm bảo hoạt động tốt và có các phương án, hình thức khắc phục sự cố kịp thời, không rò rỉ ra môi trường. Từ đó, tiến tới hình thành được một nền công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường và hình thành tư duy mới trong định hướng phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc kiểm tra theo kế hoạch, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở TN&MT cũng đã chủ trì tổ chức 8 cuộc kiểm tra, làm việc đối với các đơn vị theo chỉ đạo của tỉnh, kiến nghị của người dân cũng như phản ánh của cơ quan báo chí đối với các đơn vị, tổ chức gây ô nhiễm môi trường hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường. Điển hình là tháng 1/2022, sau khi nhận được nội dung kiến nghị của người dân về tiếng ồn, độ bụi liên quan đến hoạt động sản xuất đá tại xã Dân Chủ (TP Hạ Long) của Công ty TNHH Hưng Thịnh, Sở TN&MT đã phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị chuyên môn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Hưng Thịnh. Qua kiểm tra cho thấy, Công ty đã trang bị hệ thống phun sương dập bụi tại tuyến đường vận chuyển từ khai trường ra QL279; trang bị hệ thống phun nước tại các đầu máng băng tải; quây lưới đen xung quanh khu vực nghiền đá để giảm bụi. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, các hệ thống này đã giảm tác dụng dẫn đến phát tán bụi ra môi trường xung quanh. Trước thực trạng này, Sở đã yêu cầu công ty khẩn trương triển khai ngay các giải pháp để khắc phục tồn tại, tổ chức giám sát rung chấn trong quá trình nổ mìn. Đến cuối tháng 3/2022, Công ty TNHH Hưng Thịnh đã khắc phục những tồn tại trên và kết quả quan trắc rung chấn trong giới hạn cho phép.

Song song với công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cơ sở, Sở TN&MT cũng thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh, đôn đốc các đơn vị khắc phục sự cố thiết bị tại các trạm quan trắc môi trường tự động. Đồng thời, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của  Bộ TN&MT, UBND tỉnh về công tác thu gom, đấu nối, xả thải của các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thu gom, xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19; bảo vệ, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí trên và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm soát môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, lấy mẫu đột xuất; giám sát các đơn vị khai thác khoáng sản trong công tác cải tạo phục hồi môi trường.

Phòng ngừa ô nhiễm môi trường

Theo thống kê của Phòng Quản lý Công nghiệp Sở Công Thương, đến nay, tỷ lệ các CCN có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt 80%. Cụ thể, CCN Hà Khánh, TP Hạ Long, đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 800m3/ngày, đêm; CCN Nam Sơn, huyện Ba Chẽ đã hoàn thành có hệ thống xử lý nước thải công suất 2.000m3/ngày đêm. CCN Hoành Bồ, TP Hạ Long, đã đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải công suất 950m3/ngày đêm. CCN Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, có hệ thống xử lý nước thải công suất 950m3/ngày đêm. Riêng CCN Kim Sen, TX Đông Triều hiện chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung do CCN Kim Sen bao gồm các dự án độc lập được nhóm lại thành CCN. Vì vậy, khó khăn trong việc quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải tập trung và đầu tư xây dựng CCN.

Thời gian tới, bên cạnh việc quản lý, theo dõi, vận hành hiệu quả các hệ thống xử lý nước thải trong các CCN, các sở, ngành, địa phương liên quan sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và triển khai chương trình sản xuất xanh, sạch tại các cơ sở sản xuất trong CCN bằng chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường theo định hướng chung của tỉnh.

Đồng thời, thường xuyên phối hợp với chủ đầu tư các CCN tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải khi đi vào hoạt động, kiên quyết không để xảy ra trình trạng các CCN đi vào hoạt động mà chưa đầu tư đầy đủ, đồng bộ hệ thống xử lý nước thải cũng như xây dựng phương án ứng phó, xử lý sự cố môi trường theo quy định./.

Sơn Hà (T/h)

Tags Quảng Ninh thanh tra cụm công nghiệp ô nhiễm môi trường

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục