Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có trên 5.000 làng nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động và mang lại giá trị kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, phần lớn làng nghề hiện nay đều nhỏ lẻ, sản xuất tự phát, thủ công nên môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Trước tình trạng đó, nhiều địa phương đã tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất bị ô nhiễm ra khỏi khu vực đông dân cư.
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. (Ảnh minh hoạ)
Xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội, vốn là làng nghề truyền thống sản xuất miến dong, mạch nha. Để đưa các hộ sản xuất từ trong khu dân cư ra nơi tập trung, từ năm 2012, Cụm Công nghiệp Làng nghề Dương Liễu đã đi vào hoạt động với diện tích hơn 12 ha. Rất nhiều kỳ vọng đã được địa phương này đặt ra.
Tương tự, tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, từ hơn 10 năm trở lại đây, khi Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Khai được xây dựng, theo đánh giá của địa phương này, làng nghề tái chế nhựa với hàng trăm doanh nghiệp, hộ sản xuất như được thay đổi bộ mặt của mình.
Cách đó không xa, cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai cũng đang là nơi tập trung toàn bộ 36 hộ tái chế chì, vốn dĩ trước đó, nằm xen lẫn trong khu dân cư.
Tuy nhiện thực tế hiện nay, tiêu chí giải quyết ô nhiễm khi chuyển từ làng nghề nhỏ lẻ lên cụm công nghiệp không đạt được.
Về lý mà nói, theo Quyết định số 105/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế Quản lý Cụm công nghiệp và Nghị định 68/2017 về quản lý phát triển cụm công nghiệp thay thế quyết định 105 đều quy định rõ cụm công nghiệp đi vào hoạt động phải được đầu tư đồng bộ các công trình bảo vệ môi trường như hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Tuy nhiên, thực tế, hiện nay có những cụm công nghiệp lại bỏ quên vấn đề này. Ô nhiễm từ cách này lại chuyển sang cách khác.
Trong 10 năm trở lại đây, kể từ khi lên cụm công nghiệp, làng nghề tái chế nhựa Minh Khai như thay da đổi thịt. Hàng loạt nhà xưởng quy mô lớn mọc lên. Nhưng quy mô nâng lên bao nhiêu, rác thải lại gia tăng bấy nhiêu. Phía sau cụm công nghiệp làng nghề, rác thải giờ chất cao như núi.
Những loại rác thải nhựa không thể tái chế hay không thể tận dụng để bán thành tiền sẽ được đưa vào đây để đốt. Núi chất thải khổng lồ này là một minh chứng rõ ràng nhất cho những hệ lụy về môi trường đang để lại và tồn tại ở ngôi làng tái chế rác thải nhựa lớn nhất miền Bắc này.
Vì khi quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, địa phương lại bỏ quên không bố trí xây dựng khu lưu chứa để xử lý chất thải rắn phát sinh. Nên giờ, rác thải, cứ mạnh ai thì người ấy đổ ra bãi tập kết phía sau làng này. Ngày 5 xe, ngày thì 10 xe, rác công nghiệp trong làng ra, làm đến đâu mang ra đổ đến đấy.
Theo lãnh đạo huyện Văn Lâm, trong núi rác thải này, phần lớn đều là rác thải công nghiệp lẫn trong các container rác mà các cơ sở tái chế nhập khẩu về. Những loại rác thải buộc phải bỏ đi, không thể tái chế được thành tiền. Để giảm bớt chiều cao bãi rác, đốt rác là cách hàng ngày mà địa phương này sử dụng để xử lý.
Ngày đổ, đêm đốt - vòng tròn khép kín ấy khiến môi trường ở khu vực tái chế rác thải nhựa này đang hàng ngày bị hủy hoại. Lãnh đạo UBND thị trấn Như Quỳnh đang phải cần đến sự hỗ trợ của những nhà khoa học để giải quyết hậu quả.
Còn tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nỗi lo về một làng nghề Mẫn Xá tái chế phế liệu nhôm thứ 2 tồn tại ngay trong cụm công nghiệp làng nghề đang hiện hữu từng ngày. Vì cụm công nghiệp Hanaka đang hoạt động đến nay vẫn không có nơi lưu chứa chất thải rắn phát sinh. Dù chưa hoàn thiện về các điều kiện môi trường nhưng hoạt động tái chế phế liệu nhôm đã rầm rộ.
Cụm công nghiệp mới đang vận hành thử nhưng bã thải xỉ nhôm - vốn là chất thải nguy hại, có độc tính sinh học cao, đang đổ trực tiếp ra môi trường với khối lượng hàng chục tấn mỗi ngày lại điều có thật.
Vậy là từ khi lên cụm công nghiệp, đến nay, điểm khác duy nhất với các hộ sản xuất là họ dịch chuyển nhà xưởng ra cạnh khu dân cư. Còn điều quan trọng hơn là khu vực lưu chứa chất thải xỉ nhôm lại không thay đổi, vẫn bủa vây cuộc sống người dân.
Phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường là mục tiêu cũng là điều mà các địa phương luôn cố gắng hướng đến nhưng trong quá trình thực hiện cho thấy vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc nên không thể giải quyết một sớm một chiều. Lý do là bởi hậu quả ô nhiễm để lại từ việc sản xuất tự phát trước đây./.
An Na (T/h)