Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem, đơn vị chuyên sản xuất phân bón, sau hơn 10 năm hoạt động, mặc dù công suất chưa bao giờ đạt mức tối đa, thậm chí có thời gian dài tạm ngừng sản xuất, nhưng đơn vị này đã liên tục để xảy ra các lỗi về BVMT, bị ngành chức năng xử phạt. Điển hình là năm 2015, Công ty bị phạt 400 triệu đồng do để xảy ra sự cố làm bục gioăng cao su trong quá trình bơm vận chuyển NH3 vào bồn chứa gây rò rỉ ra môi trường. Năm 2016, Công ty cũng bị phạt 260 triệu đồng do hành vi xả thải nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH. Mới đây nhất, UBND tỉnh Lào Cai xử phạt DAP số 2 - Vinachem 350 triệu đồng do gây ra sự cố môi trường trong quá trình hoạt động dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamonphotphats làm khoảng 700ha cây trồng của hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng thiệt hại trên 10 tỷ đồng.
Bảo vệ môi trường KCN Tằng Loỏng là bài toán khó đối với cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai
Đáng chú ý, không chỉ riêng DAP số 2 mà nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Tằng Loỏng cũng đã để xảy ra sự cố, vi phạm các quy định của pháp luật về BVMT. Không ít vi phạm liên quan đến sự cố hóa chất, gây hậu quả khá nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân sinh sống quanh khu vực.
Trước đó, ngày 25/3/2017, nước từ con mương dẫn từ KCN có Nhà máy gang thép Việt Trung chảy ồ ạt vào khu ruộng, làm một số diện tích lúa, ngô của bà con thôn 5, xã Xuân Giao, Bảo Thắng bị ngập và vùi lấp. Theo các hộ dân sống gần con mương này, đây không phải lần đầu tiên nguồn nước chảy từ nhà máy ra môi trường có hiện tượng này.
KCN Tằng Loỏng có tổng diện tích 1.100ha, đến nay, có 33 dự án đăng kí tham gia và có 25 dự án sản xuất hóa chất, phân bón, luyện kim đang hoạt động. Theo ngành chức năng, bất cập lớn nhất là khó khăn về nguồn vốn nên cơ sở hạ tầng phục vụ cho BVMT tại khu vực này chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Trong khi đó, mỗi ngày, môi trường tại đây chịu sự cộng hưởng từ 3 nguồn thải chính gồm: khí thải, chất thải rắn và nước thải từ hoạt động sản xuất của các nhà máy.
Theo ước tính, mỗi năm KCN Tằng Loỏng thải ra môi trường gần 6 triệu tấn chất thải rắn. Đối với lượng khí thải, theo quan trắc, các nhà máy thải ra môi trường khoảng 1,7 triệu m3/h. Bên cạnh đó là ô nhiễm về khói bụi, tiếng ồn do sản xuất cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sản xuất của người dân.
Giải pháp nào để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Tằng Loỏng? Đây thực sự là thách thức trong mục tiêu phát triển bền vững đối với tỉnh Lào Cai.
Sự cố 700ha cây trồng bị táp lá do rò rỉ hóa chất của DAP số 2 ra môi trường tại KCN Tằng Loỏng vừa xảy ra tháng 5/2022.
Để giải quyết bài toán đau đầu cho môi trường KCN Tằng Loỏng, tháng 6/2020, tỉnh Lào Cai đã triển khai "Đề án Bảo vệ môi trường KCN Tằng Loỏng” với các hạng mục trong kế hoạch gồm: Thu gom xử lý nước thải; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải để quản lý nguồn xả thải; xử lý chất thải rắn tại KCN Tằng Loỏng và nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường.
Về việc thu gom nước bề mặt của KCN, sẽ có 2 phương án thu gom theo tuyến kênh kín và thu gom theo tuyến kênh hở. Tất cả nước thải bề mặt sẽ tập trung vào nhà máy xử lý nước thải để xử lý trước khi thải ra môi trường. Hiện, KCN Tằng Loỏng đang được đầu tư để thu gom nước mặt gồm một hồ điều hòa 4000m3 và một hồ phòng ngừa ứng phó sự cố 6000m3 và các trạm bơm để tuần hoàn nước về trạm hiện có của KCN.
Đối với việc kiểm soát khí thải, hiện tại đã có 1 trạm quan trắc khí thải tự động đang hoạt động ổn định và Sở TN&MT Lào Cai quản lý. Đối với chất thải rắn, sẽ được chia làm 2 loại: Xỉ của các nhà máy sản xuất phốt pho và chất thải gyps của các nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản sẽ theo phương án chuyển giao cho các đơn vị làm xi măng, gạch không nung và làm thạch cao.
Theo ông Lưu Đức Cường - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Lào Cai, Lào Cai triển khai Đề án Bảo vệ môi trường KCN Tằng Loỏng nhằm đảm bảo môi trường tại KCN được xử lý triệt để từ nguồn nước thải, khí thải và chất thải rắn ra môi trường. Có như vậy, môi trường KCN sẽ được đảm bảo, cuộc sống người dân sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo Báo TN&MT