Còn nhiều bất cập trong công tác quản lý thu gom và xử lý nước thải các Khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/7/2022 | 2:25:46 PM

QLMT - Cần tập trung nâng cao hiệu quả quả lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường, giải quyết đối với các nguồn thải công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải; tiến hành triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.


Ảnh minh họa. TL

Từ nhiều năm trước, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã có những nghiên cứu, đánh giá về tình trạng xử lý nước thải tại Việt Nam trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do quá trình công nghiệp hóa và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, với những kiến nghị về các giải pháp nhân rộng cho Chính phủ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của lĩnh vực này. Đến nay, hoạt động quản lý và xử lý nước thải dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập khi cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Việc xây dựng các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp để thu hút đầu tư trong và ngoài nước của nhiều tỉnh, thành phố trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước và nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng mặt trái của nó là những tác động xấu đến môi trường sống khi nhiều doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ lạc hậu, không có ý thức tuân thủ pháp luật về môi trường. Thực trạng đó đòi hỏi những giải pháp mạnh mẽ từ cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Chẳng hạn như các khu công nghiệp ở Thanh Hóa. Khu kinh tế Nghi Sơn hiện nay chưa được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý thoát nước thải tập trung theo Quy hoạch chung điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; mới chỉ có 02 trạm xử lý nước thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện đầu tư gồm: Trạm xử lý nước thải cho xã đảo Nghi Sơn với công suất 1.000 m3/ngày.đêm và Trạm xử lý nước thải cho Khu đô thị động lực với 01 modun công suất 600 m3/ngày.đêm. Hiện nay nước thải của các hộ dân được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại sau đó đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của khu vực; đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các dự án sử dụng vốn khác được nhà đầu tư thực hiện thi công xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung trong dự án, sau khi nước thải được xử lý đạt quy chuẩn được đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của khu vực.

Đối với hệ thống thoát nước mưa trong khu vực KKT Nghi Sơn đang được đầu tư, hoàn thiện theo các dự án đầu tư hạ tầng sử dụng nguồn vốn ngân sách; tuy nhiên, hiện nay do hệ thống thoát nước mưa chưa được xây dựng đồng bộ theo quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn nên nhiều lúc vẫn xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ trên các tuyến đường đã được đầu tư xây dựng.

Tại các Khu công nghiệp (KCN) khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản được nhà nước hoặc nhà đầu tư thứ cấp xây dựng hệ thống xử lý nước thải, cụ thể:

Khu công nghiệp Lễ Môn: Hệ thống xử lý nước thải và trạm xử lý nước thải tập trung công suất 1.300m3/ng.đêm đã được đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sử dụng.

Khu công nghiệp Hoàng Long (giai đoạn 1): Đa số các dự án đầu tư thứ cấp đã được nhà đầu tư xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải, nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn được đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của khu vực.

Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc ga: Trạm xử lý nước thải tập trung công suất 1.000m3/ngày.đêm đang đầu tư dở dang; tuy nhiên, công trình này đang tạm dừng đầu tư, chưa hoàn thiện để đánh giá lại hiệu quả đầu tư theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 14/TB-UBND ngày 21/01/2019; hiện nay các dự án và các cơ sở kinh doanh tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải trước khi đấu nối với hệ thống thoát nước chung của dự án.

Khu công nghiệp Bỉm Sơn: Các trạm xử lý nước thải tập trung đang được các nhà đầu tư hạ tầng triển khai thi công hoàn thiện theo các nội dung đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bao gồm: Trạm xử lý nước thải với 01 modun công suất 6.000 m3/ngày.đêm tại Bắc Khu A; Trạm xử lý nước thải tập trung công suất 1.500 m3/ngày.đêm tại Nam Khu A và Trạm xử lý nước thải tập trung công suất 490 m3/ngày.đêm tại Khu B - KCN Bỉm Sơn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều Khu, CCN của Việt Nam vẫn chưa có trạm quan trắc tự động nên việc quản lý chất lượng nước thải vẫn hạn chế. Ở nhiều nơi, nước thải công nghiệp vẫn là nguồn gây ô nhiễm chính tại các dòng sông. Việc tuân thủ các quy định của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức, việc vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn mang tính đối phó và chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý môi trường ở cấp độ quản lý nhà nước và quản trị môi trường của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức thực hiện còn yếu kém, nhất là cấp địa phương, cơ sở, kể cả cấp độ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và quản trị môi trường ở các khu kinh tế, KCN, làng nghề và doanh nghiệp. Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời.

Trong thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán về hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải các KCN như tại KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc; KCN Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình; kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các KCN tỉnh Bắc Ninh; công tác quản lý môi trường các KCN tỉnh Hậu Giang... Các cuộc kiểm toán đã chỉ ra hàng loạt những bất cập, yếu kém trong hoạt động quản lý và xử lý nước thải, gây tác động xấu đến môi trường.

Theo một chuyên gia Kiểm toán về môi trường thuộc Kiểm toán nhà nước,  một trong những kẽ hở hiện nay là hệ thống văn bản pháp lý chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường về quy định liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường khi cấp giấy phép đầu tư.

Một điểm khác là hiện nay chưa có quy định quản lý và hướng dẫn thống nhất về vị trí xây dựng hồ điều hòa tại các dự án xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Do đó, việc triển khai xây dựng hồ điều hòa và lắp đặt trạm quan trắc tự động chưa thống nhất giữa các KCN. Việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động sau hồ điều hòa có dung tích lớn có thể dẫn đến việc nước thải sau khi xử lý có thể được pha loãng, đặc biệt là khi trời mưa to trong thời gian dài, khi đó kết quả quan trắc nước thải có thể không phản ánh chính xác kết quả chất lượng nước thải sau khi xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đối với công tác đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, kiểm toán nhà nước cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN hiện còn khó tiếp cận các nguồn vốn thích hợp để đầu tư xây mới và mở rộng các khu xử lý nước thải tập trung. Trên thực tế, nếu chỉ trông chờ vào nguồn thu phí thu gom, xử lý nước thải từ các nhà đầu tư, thì chủ đầu tư hạ tầng các KCN khó có thể bù đắp được các chi phí cho việc xây dựng và vận hành hệ thống cống thu gom, trạm bơm, trạm xử lý nước thải của KCN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN gặp rủi ro càng cao khi trạm xử lý nước thải phải được xây dựng và hoàn thành trước thời điểm kêu gọi các nhà đầu tư xem xét đầu tư vào KCN.

Việc xây dựng các KCN, CCN để thu hút đầu tư trong và ngoài nước của nhiều tỉnh, thành phố trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước và nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng mặt trái của nó là những tác động xấu đến môi trường sống khi nhiều doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ lạc hậu, không có ý thức tuân thủ pháp luật về môi trường. Thực trạng đó đòi hỏi những giải pháp mạnh mẽ từ cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân./.

Khánh Hà

Tags bất cập xử lý nước thải nguồn thải công nghiệp

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục