Sớm có giải pháp cho vấn đề môi trường ở làng nghề đá Đông Hưng

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/7/2021 | 10:35:12 AM

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa phải sống chung với ô nhiễm bụi bặm, nước thải, tiếng ồn... từ hoạt động khai thác chế biến đá diễn ra tại làng nghề đá Đông Hưng (Cụm công nghiệp núi Vức).

Thị sát ô nhiễm

Không khó để chúng tôi hỏi thăm đường về làng nghề đá Đông Hưng (Cụm công nghiệp Vức), bởi lâu nay nơi đây đã "nổi tiếng” về vấn đề ô nhiễm môi trường. Tình trạng ô nhiễm diễn ra ngay từ con đường chính chạy qua các thôn 7, thôn Dân, thôn Nam Hưng, thôn Quang, thôn Thắng Sơn thuộc xã Đông Hưng... với sự xuất hiện của hàng loạt các ổ voi, ổ gà liên tiếp, cộng với hàng đoàn các xe vận tải "siêu khủng” lưu thông rầm rầm quẩn bụi mù trời.

Trao đổi nhanh với một người dân đang đi đường, đáp lại chúng tôi là tiếng thở dài ngao ngán: "Con đường dẫn vào Cụm công nghiệp này xuống cấp trầm trọng. Về mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi bay mù mịt... Các anh coi, ngày nào xe tải trọng lớn chở đá khối siêu tải trọng chạy qua nườm nượp, thử hỏi đường nào chịu nổi. Nhà tôi cũng như nhiều nhà khác ở nơi đây, phải thường xuyên tưới nước dập bụi, thậm chí nhiều hộ phải đóng kín cửa để tránh bụi”.

Những ngày làng nghề đá Đông Hưng hoạt động cao điểm, quốc lộ 47 bụi tung mù trời
Những ngày làng nghề đá Đông Hưng hoạt động cao điểm, quốc lộ 47 bụi tung mù trời

Dọc tuyến, cứ đi được một đoạn chừng vài ba trăm mét, là sự xuất hiện của hàng loạt các cơ sở xẻ đá, chế tác đá. Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân sống trong khu vực này lên tiếng: "Đâu chỉ bụi bặm ô nhiễm mà đến cái lỗ tai cũng không yên vì tiếng ồn từ máy móc hoạt động. Thương cho lũ trẻ đang tuổi ăn học, cơ thể phát triển mà phải sống chung với tình cảnh này”.

Một thực tại trước mắt là do làng nghề quy hoạch thiếu tập trung, nhiều hộ làm nghề nhỏ lẻ hoạt động đan xen trong các khu dân cư của xã Đông Hưng. Trong quá trình hoạt động, các loại đá phế phẩm được tập kết tràn lan ra lòng, lề đường. Nhiều cơ sở hoạt động chỉ được che chắn tạm bợ, nên quá trình xẻ, mài đá đã gây ra ô nhiễm tiếng ồn lớn, bụi bay mù mịt...

Chạy dọc quốc lộ 47 (trước đây là QL 45) bụi bay mù mịt khi mỗi chiếc xe tải trọng lớn chở đá tảng rầm rầm phóng qua. Nhiều hộ dân ở hai bên quốc lộ 47 và địa bàn xã Đông Hưng hàng ngày phải khốn khổ vì bụi đá do các hộ tham gia sản xuất chế tác đá gây ra.

Hơn nữa, qua quan sát chúng tôi thấy đa số các cơ sở chế biến đá đều không có hệ thống xử lý nước thải. Phía sau xưởng sản xuất chỉ đào hố thủ công, mùa mưa thì nước thải chảy lênh láng, nắng ráo thì thì lớp bột này khô và bay lên bụi mù, phát tán ra khu vực xung quanh, gây ô nhiễm.

Bà Lê Thị Thương, 56 tuổi nhà ở thôn Trầng (làng Vức), xã Đông Hưng cho biết: Bụi bặm lắm! Cảnh bụi này chúng tôi phải gánh chịu hàng chục năm nay rồi. Nhà tôi bơm nước xịt ra mặt đường thường xuyên, nhưng chỉ được thời gian ngắn bụi lại quẩn lên, không khí ngột ngạt vô cùng…

Đá thải đổ bừa bãi ra đồng ruộng ảnh hưởng đến diện tích canh tác nông nghiệp
Nhiều hộ kinh doanh chế tác đá hoạt động manh mún trong khu dân cư đã gây ra hệ lụy môi trường

Khi đi thực tế qua một số khu vực khác như ở thôn 7, thôn Dân, thôn Nam Hưng, thôn Quang, thôn Thắng Sơn.., nhiều hộ dân cũng chung cảnh ngộ bụi bặm trắng vườn do bụi đá từ các nhà xưởng và do hoạt động vận chuyển đá của xe tải qua lại gây ra. Ngoài ra, việc xả thải nước có chứa bột đá từ quá trình cắt xẻ còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp ở các tuyến kênh. Còn ở quanh khu vực núi Vức, đá thải được chất cao như núi, nằm ngổn ngang.

Một số người dân còn cho biết: Trước kia các con đường dẫn vào núi Vức đều được trải nhựa nhưng từ khi Cụm công nghiệp núi Vức hình thành, ngoài chuyện ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra thì tình trạng xe quá tải hoạt động rầm rộ ngày đêm, khiến mặt đường hư hỏng nặng.

Thực tế tình hình sản xuất tại nơi đây chúng tôi thấy, do làng nghề quy hoạch thiếu tập trung, nên vẫn còn nhiều hộ làm nghề nhỏ lẻ hoạt động đan xen trong các khu dân cư trong làng. Đơn cử như ở thôn 7 và thôn Trầng xã Đông Hưng, chúng tôi chứng kiến nhiều loại đá phế phẩm được vứt bề bộn ra lề đường. Trong làng, những hộ dân làm nghề đã thường tận dụng khoảng sân trước nhà hoặc khoảng đất bên cạnh để làm nơi chế tác đá. Do che chắn tạm bợ, thiếu bài bản nên mỗi lần xẻ đá, mài đá đều khiến khói bụi bay mù mịt, tiếng ồn nghe rõ từ cách đó vài trăm mét.

"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về việc di chuyển các hộ kinh doanh đá ra khỏi khu dân cư vào Cụm công nghiệp Vức, bởi người làm người không, sản xuất lộn xộn, xen kẽ khi phát sinh ô nhiễm bụi bặm, tiếng ồn khiến rất nhiều người phải "chịu trận” oan” – ông Nguyễn Văn Tuấn, nhà ở thôn 7 xã Đông Hưng bức xúc cho biết.

Do hàng ngày tiếng ồn, bụi đá bay mờ mịt, nhiều người dân nơi đây phải đối phó bằng cách đóng cửa cả ngày để cách âm, tránh bụi.

Hệ quả của vỡ quy hoạch?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa cho biết: Từ những năm 90, nghề sản xuất đá đã diễn ra ồ ạt tại địa phương. Khi đó địa phương đã được cấp trên trình UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập Cụm công nghiệp Vức. Và từ đó đến nay, do kinh phí hạn hẹp nên địa phương triển khai theo phương án vừa đầu tư, vừa giải phòng mặt bằng để hình thành cụm công nghiệp và hệ lụy là bị vỡ quy hoạch. Địa phương đang chờ phương án giải quyết từ cấp trên….

Ông Thuận xác nhận, tình trạng bụi đá, tiếng ồn gây ô nhiễm tại địa phương mà người dân phản ánh là có. Cấp trên đã nhiều lần về làm việc với địa phương về vấn đề này vẫn đang tích cực tìm giải pháp tháo gỡ. Hướng giải quyết trước mắt đang đề nghị cấp trên tạo điều kiện để Công ty Môi trường đô thị Thanh Hóa hỗ trợ tưới nước quốc lộ 47 để giảm thiểu ô nhiễm, bụi bặm. Và về lâu dài, muốn giải quyết triệt để bất cập này phải chuyển được toàn bộ các hộ dân kinh doanh sản xuất đá nhỏ lẻ đan xen khu dân cư vào Khu công nghiệp Vức theo quy hoạch.

Đá thải đổ bừa bãi ra đồng ruộng ảnh hưởng đến diện tích canh tác nông nghiệp
Đá thải đổ bừa bãi ra đồng ruộng ảnh hưởng đến diện tích canh tác nông nghiệp

Theo số liệu của UBND xã Đông Hưng, hiện toàn xã có tổng số 34 doanh nghiệp, công ty chế tác kinh doanh đá và chủ yếu là các sản phẩm đá lát và đá bó vỉa, được phân bố chủ yếu dọc theo quốc lộ 47 và đan xen trong các khu dân cư. Do bị ảnh hưởng đến môi trường sống, những hộ dân không tham gia làm nghề đá cũng đã có ý kiến phản ánh lên người dân về tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các lãnh đạo địa phương, giải quyết được vấn đề này là cả một lộ trình gian nan nên không thể thực hiện ngay trong ‘một sớm một chiều’.

"Hiện nay, đối với số doanh nghiệp tự nguyện chuyển vào Cụm công nghiệp Vức và cả các cơ sở đang hoạt động nhỏ lẻ, chúng tôi đã triển khai thường xuyên công tác kiểm tra môi trường để hạn chế bớt tình trạng ô nhiễm môi trường do nghề đá gây ra... Ngoài ra, tại địa phương hiện nay tồn tại một vướng mắc không nhỏ nữa là có không ít hộ kinh doanh đá nhỏ lẻ không muốn vào thuê đất trong Cụm công nghiệp để mở nhà xưởng. Chính quyền các cấp vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tuy nhiên kết quả chưa như mong muốn” – Phó Chủ tịch xã Đông Hưng Nguyễn Văn Thuận phân trần thêm.

Tìm hiểu thêm chúng tôi còn được biết, từ các vướng mắc trên còn khiến cho xã Đông Hưng xuất hiện rào cản lớn trong việc hoàn thành tiêu chí môi trường để cán đích xã nông thôn mới. Về việc một số hộ dân làm đá nhỏ lẻ không chịu vào Cụm công nghiệp Vức đã khiến cho môi trường sống của người dân không đảm bảo. Xã Đông Hưng đã kiên quyết tạm dừng một cơ sở gây ô nhiễm ở thôn 7, và thời gian tới sẽ kiến nghị cấp trên có các phương án kiên quyết hơn để di chuyển toàn bộ các hộ kinh doanh đá tập chung hết về Cụm công nghiệp Vức.

Từ các vấn đề đã trình bày, nhằm tránh việc bức xúc kéo dài của người dân không được giải quyết dứt điểm, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc, có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về quy hoạch làng nghề ở xã Đông Hưng, đặc biệt là việc tạo điều kiện điều chỉnh qui hoạch, giúp nhân dân yên tâm kinh doanh. Việc này vừa góp phần đảm bảo môi trường sống cho người dân, vừa hỗ trợ tích cực cho địa phương sớm về đích nông thôn mới theo chủ trương lớn của Nhà nước.

------------------------------------------------------
Cụm công nghiệp núi Vức thuộc địa bàn hai xã Đông Hưng và Đông Vinh – TP.Thanh Hóa, riêng địa bàn xã Đông Hưng có 3 doanh nghiệp khai thác đá và 27 doanh nghiệp, cơ sở chế biến đá xẻ. Từ năm 2005, UBND huyện Đông Sơn đã phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp núi Vức (nay thuộc TP.Thanh Hóa). Thời điểm đó, với chính sách vận động, kêu gọi các doanh nghiệp vào Cụm công nghiệp núi Vức hoạt động, có những doanh nghiệp lớn vào đầu tư, tuy nhiên cũng không ít doanh nghiệp tự phát mọc ngoài quy hoạch, nằm lẫn cả trong khu dân cư. Việc quy hoạch Cụm công nghiệp núi Vức đến nay gần như bị phá vỡ, nhiều doanh nghiệp mọc lên tự phát như nấm sau mưa, thậm chí có những cơ sở hoạt động nhiều năm nhưng chưa được thuê đất, hoạt động manh mún, nhỏ lẻ đã phát sinh hệ lụy môi trường như làm đường giao thông xuống cấp, nước thải, tiếng ồn, bụi, và đá phế thải…

Theo Trần Chiến/ Tạp chí Công nghiệp môi trường

Tags làng nghề đá Đông Hưng môi trường làng nghề ô nhiễm môi trường bụi đá Cụm công nghiệp núi Vức bụi bặm nước thải tiếng ồn

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục