Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/1/2021 | 3:09:11 PM

QLMT - Sự phát triển, mở rộng của các khu, cụm công nghiệp, cùng với số lượng ngày càng lớn các doanh nghiệp được thành lập mới đã khiến lượng chất thải trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng. Trước thực tế này, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý đối với chất thải nguy hại công nghiệp.

tai-nguyen-moi-truong/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-xu-ly-chat-thai-nguy-hai-cong-nghiep-1
Nhân viên Công ty TNHH TDS Việt Nam, KCN Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên kiểm tra hệ thống xử lý nước thải.

Trên địa bàn tỉnh, chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, doanh nghiệp sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, các cơ sở thu mua phế liệu, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng... Theo Luật Bảo vệ môi trường, chất thải nguy hại là loại chất thải có ít nhất một trong các yếu tố, như: dễ nổ, dễ cháy, ăn mòn, ôxi hóa, gây nhiễm trùng, có độc tính…

Trên thực tế, lượng chất thải nguy hại thải ra trong quá trình sản xuất chiếm tỷ lệ không cao so với tổng lượng chất thải phát sinh. Tuy nhiên, do tính chất nguy hại của chúng nên việc quản lý, kiểm soát cần được quan tâm thực hiện tốt. Trong những năm qua, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải nguy hại công nghiệp nói riêng… 

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Trong các khu công nghiệp hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải nguy hại đã được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Bình quân mỗi năm, khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trong các khu công nghiệp khoảng 12.000 tấn. Các doanh nghiệp đã hợp đồng với những đơn vị chức năng thực hiện vận chuyển, xử lý định kỳ theo tuần hoặc tháng.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải nguy hại, hằng năm, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đều phối hợp với các đơn vị có liên quan làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có đơn khiếu nại, phản ánh của nhân dân liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý chất thải nguy hại; giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về việc thực hiện quy định pháp luật trong quản lý chất thải nguy hại tại cơ sở. 

Công ty TNHH YKK Việt Nam – doanh nghiệp chuyên sản xuất loại khóa kéo phục vụ ngành may mặc tại KCN Đồng Văn III, thị xã Duy Tiên, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hệ thống tiền xử lý nước thải một cách bài bản, thời gian qua, doanh nghiệp còn là điểm sáng trong việc chấp hành các quy định về xử xý rác thải, chất thải nguy hại. Để thực hiện công tác này, YKK Việt Nam triển khai hiệu quả việc phân loại rác thải ngay tại nguồn. Mỗi loại chất thải (gồm chất thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại) được công ty chứa đựng và lưu giữ trong một thiết bị riêng biệt, phù hợp và có nắp đậy. Các thiết bị, thùng chứa chất thải lại được tập kết trong một khu vực riêng của kho lưu giữ, cách xa khu vực sản xuất, sinh hoạt của công nhân.

Ông Nguyễn Danh Hợp, Trưởng phòng Kế hoạch nhà máy, Công ty TNHH YKK Việt Nam cho biết: Ngay từ khi nhà máy mới được đầu tư xây dựng, YKK Việt Nam đã quy hoạch riêng một khu vực để xây dựng kho chứa rác thải. Đặc biệt, công ty còn đầu tư mua các loại thùng chứa phù hợp, không gây độc tính, ô xi hóa khi tiếp xúc với chất thải nguy hại nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động. Với các loại rác thải sinh hoạt và chất thải nguy hại, công ty thuê riêng đơn vị có chuyên môn tiến hành xử lý, vận chuyển từ 2-3 lần/tuần. Vì vậy, không có tình trạng rác thải vương vãi ra môi trường hay bốc mùi hôi thối. Công nhân lao động theo đó cũng yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp hơn.

Trong quá trình sản xuất, chất thải nguy hại còn nằm trong rác thải sinh hoạt hằng ngày. Do thiếu hiểu biết (hoặc cố ý không phân loại), nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không phân biệt được chính xác đâu là chất thải thông thường, đâu là chất thải nguy hại. Từ đó dẫn đến tình trạng chất thải nguy hại bị xả ra môi trường gây ô nhiễm. Điều này được phản ánh khá rõ nét tại bãi chứa rác thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn. Quan sát kỹ có thể dễ dàng bắt gặp các loại pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, bao bì thuốc bảo vệ thực vật… được vứt lẫn với các loại rác thải sinh hoạt khác. Qua đó cho thấy, công tác phân loại, quản lý chất thải nguy hại của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn còn hạn chế.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng trên 100 tấn/ngày đêm, tập trung phần lớn ở khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, Hà Nam vẫn chưa có nhà máy xử lý chất thải nguy hại tập trung, mà thực hiện dự án xử lý rác thải y tế và rác thải nguy hại công nghiệp trong khu vực xử lý rác thải của nhà máy xử lý rác thải thuộc Công ty cổ phần Môi trường Thanh Thủy (Thanh Liêm). Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu gom, xử lý chất thải nguy hạị, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng đã đề nghị UBND tỉnh bổ sung quy hoạch khu xử lý chất thải nguy hại đối với nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần Môi trường Hà Nam tại xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) với công suất 30-50 tấn/ngày đêm. 

Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, song công tác quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Sự hiểu biết và ý thức của các hộ kinh doanh, sản xuất về những quy định của pháp luật trong quản lý chất thải nguy hại còn rất hạn chế. Công tác quản lý, theo dõi, tổng hợp số lượng chất thải trên địa bàn cũng còn nhiều khó khăn… Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại ở các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp là hết sức cần thiết, đặc biệt là quản lý chặt từ chủ nguồn thải đến người thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý. Đồng thời, cần sớm xây dựng và phát triển các điểm xử lý chất thải nguy hại tập trung, có quy mô lớn và công nghệ hiện đại để giảm dần số cơ sở xử lý quy mô nhỏ, phân tán có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… 


Theo Nguyễn Oanh/ Báo Hà Nam

Tags Hà Nam quản lý xử lý chất thải nguy hại công nghiệp CCN KCN

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục