Hiệu quả đầu tư vào các khu công nghiệp sau 30 năm đổi mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/12/2020 | 5:09:59 PM

QLMT - Sau hơn 30 năm đổi mới, các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) Việt Nam đã phát triển, thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm và tăng nguồn thu ngân sách; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; góp phần thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác phát triển...

Thực trạng

Những khởi sắc rõ nét phát triển kinh tế - xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước đều có dấu ấn đậm nét của các KCN, KKT. Đến nay, Việt Nam tiếp tục là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước. Khởi xướng từ công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế năm 1986, các mô hình KCN, KKT được hình thành và phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại nhiều địa phương. Trong khoảng 5 năm đầu phát triển (1992-1997), cả nước có khoảng 40 KCN, sau khi Nghị định 36/CP ban hành ngày 24/4/1997 của Chính phủ về Quy chế KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, đã xuất hiện "phong trào” làm KCN ở các tỉnh, thành phố. Sau hơn 30 năm đổi mới các KCN, KKT vẫn được coi là mô hình ưu việt nhất trong thu hút đầu tư, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến tháng 6 năm 2020 cả nước có 336 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97,8 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt gần 66 nghìn ha; trong đó có 261 KCN đã đi vào hoạt động (chiếm 77,6%).

Lũy kế từ năm 1992-2018, về thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, tổng số dự án vốn ĐTNN có khoảng 8.000 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 145 tỷ USD. Đối với các dự án đầu tư trong nước (ĐTTN) vào các KCN, KKT lũy kế cả nước thu hút được khoảng 7.500 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 970 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2019, các KCN, KKT thu hút được khoảng 934 dự án ĐTNN với số vốn đăng ký mới đạt khoảng 14,9 tỷ USD (tăng 79,5% so với năm 2018); 814 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đạt 355,2 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2019, những dự án quy mô vốn đầu tư lớn từ 250 triệu USD trở lên có thể kể đến như: Dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD lên 2,5 tỷ USD tại KCN Tràng Duệ, Hải Phòng; Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD) tại KCN Phước Đông, Tây Ninh; Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD) tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh; Dự án Nhà máy sản xuất màn hình LCD-Qisda Việt Nam (tổng vốn đầu tư 260 triệu USD) tại KCN Đồng Văn IV, tỉnh Hà Nam.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng vốn đầu tư đăng ký vào KCN, KKT đạt khoảng 2.700 - 3.200 nghìn tỷ đồng và 280 - 330 tỷ USD; Tổng vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đạt khoảng 1.500 - 2.000 nghìn tỷ đồng và 240 - 290 tỷ USD; Giải quyết việc làm cho 05 - 06 triệu lao động vào năm 2025 và 07 - 08 triệu lao động vào năm 2030; Tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư các dự án trên 01 ha đất công nghiệp của KCN, KKT thêm khoảng 8 - 10% vào năm 2025 và 15 - 18% vào năm 2030; 40% đến 50% địa phương có KCN xây dựng và bước đầu thực hiện kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái; 08% đến 10% địa phương có KCN định hướng xây dựng thí điểm KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư; Tỷ lệ KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 93 - 95% vào năm 2025 và từ 97 - 100% vào năm 2030; Phấn đấu đáp ứng từ 40 - 50% nhu cầu nhà ở của người lao động trong KCN.

Trong 6 tháng năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, số dự án và số vốn đăng ký mới tăng thêm vào KCN, KKT thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2020, cả nước đã thu hút được khoảng 335 dự án ĐTNN (giảm 1,5% so cùng kỳ năm 2019), với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6 tỷ USD (giảm 31,1%) và thu hút 282 dự án đầu tư trong nước (giảm 15,6%) với số vốn đăng ký mới và tăng thêm khoảng 62,7 nghìn tỷ đồng (giảm 24,4%).

Song song với việc xây dựng và phát triển mô hình KCN, KKT, hệ thống chính sách phát triển KCN cũng từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho việc vận hành các KCN. Với cơ chế ủy quyền, các Bộ, ngành đã tạo điều kiện cho các Ban quản lý KCN phát huy tốt cơ chế quản lý một cửa, tại chỗ, thực hiện các giám sát về chuyên môn đảm bảo các vướng mắc của doanh nghiệp được giải quyết nhanh và đúng pháp luật. Bên cạnh đó, những chính sách ưu đãi về đầu tư, những thuận lợi về cơ sở hạ tầng hệ thống đã tạo điều kiện thuận lợi cho các KCN trở thành nam châm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu phát triển KCN, KKT thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế như: Mô hình KCN, KKT mới chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa chú trọng nâng cao hiệu quả và đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT; khả năng thu hút đầu tư của một số KCN còn thấp; hàm lượng công nghệ trong các KCN chưa cao; phát triển KCN, KKT chưa đảm bảo bền vững trên ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường; có thời gian, các địa phương dành nhiều ưu tiên cho việc lấp đầy các KCN mà chưa chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ; chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia vào các KCN chưa được xây dựng đồng bộ, thống nhất với định hướng thu hút các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư ưu tiên gắn với lợi thế và tiềm năng phát triển; công tác giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong KCN, KKT chưa có cải thiện nhiều và chậm được khắc phục.

Giải pháp 

Việt Nam đang trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các yếu tố đầu vào như: Lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào không còn là thế mạnh của Việt Nam, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần quy hoạch KCN mới, xây dựng mô hình phù hợp mục tiêu thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính bền vững. KCN phải tổ chức bài bản, quản trị thông minh về môi trường sạch, phát huy tất cả không gian. Để các KCN, KKT phát triển đáp ứng với yêu cầu trong bối cảnh mới, các chuyên gia đã đưa ra 3 gợi ý về phát triển KCN cho Việt Nam đó là thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cấp các KCN và đổi mới quản lý Nhà nước. Theo đó, hướng trọng tâm vào đổi mới mô hình tăng trưởng lấy khoa học, công nghệ, nhân lực chất lượng cao làm cơ bản; khai thác tối đa lợi thế để xây dựng hoàn chỉnh ngành công nghiệp; giảm dần các ngành công nghiệp không phải là thế mạnh của từng địa phương, chiếm dụng nhiều đất, gây ô nhiễm môi trường...; các KCN nâng cấp theo định hướng chuyên biệt, sinh thái theo hướng xã hội hóa từ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến quảng bá, xúc tiến đầu tư để lựa chọn dự án theo định hướng mới về cơ cấu ngành, lĩnh vực trong KCN.


Thủ tướng đồng ý bổ sung 2 khu công nghiệp hơn 1.300ha tại Bắc Giang vào quy hoạch tổng thể Việt Nam đến năm 2020. Ảnh TL

Để đón làn sóng đầu tư mới, phát triển KCN bền vững theo chiều sâu, đạt hiệu quả cao về kinh tế và thân thiện môi trường, Bộ KH&ĐT đã yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo tiến độ dự án có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng tại các KCN, KKT. Đồng thời, việc thu hút đầu tư cũng được lưu ý phải phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và có chọn lọc. Bộ cũng đề nghị các địa phương sớm triển khai rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các KCN đã lập. Chỉ đầu tư KCN ở những địa bàn có đủ điều kiện, lợi thế thấy rõ; hạn chế đến mức thấp nhất việc thành lập mới các KCN để tập trung thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; hướng tới xây dựng thành các KCN chuyên ngành, giảm bớt KCN tổng hợp. Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu Ban Quản lý giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để sớm đưa KCN vào hoạt động, phục vụ cho hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN.

1. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính thuận lợi cho các nhà đầu tư.

2.Bộ KH&ĐT phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN; kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường; chăm lo đời sống vật chất cho người lao động và đặc biệt hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển KCN.

3. Tập trung cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào KCN. Theo đó, tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thâm dụng vốn, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam.
4. Đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT; khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân và hình thức đối tác công - tư trong xây dựng, phát triển KCN, KKT. Xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung xúc tiến đầu tư theo vùng để tăng cường hiệu quả, tránh chồng chéo. Thực hiện đầu tư có trọng điểm, tập trung ưu tiên một số đối tác lớn, quan trọng và những ngành nghề, lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam.

5. Thực hiện liên kết phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung; đầu tư nâng cấp và hoàn thiện các cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ trực tiếp cho các KCN. Nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật về môi trường cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.


Tùng Anh


Tags khu công nghiệp khu kinh tế

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục