Quá trình đô thị hóa ở TP.HCM đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển chung về mặt kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực, quá trình này cũng đang gây ra những sức ép không nhỏ đối với môi trường TP và sức khỏe cộng đồng.
Sức ép không nhỏ về môi trường của TP.HCM
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM giữ vai trò gắn kết, nối liền giao thương miền Đông – Tây Nam Bộ, tạo động lực quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực. Song song đó, hệ sinh thái, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, hệ thống kênh ngòi cùng khí hậu ôn hòa góp phần tạo thành một vùng đất TP.HCM có những thuận lợi cơ bản. Trải qua quá trình phát triển hơn 320 năm, TP đang cố gắng hoàn thiện để từng bước trở nên xanh, sạch, đẹp hơn. Tuy nhiên, đứng trước những thách thức về phát triển kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn là điều đáng bàn tới.
Theo thống kê, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, lượng rác thải sinh hoạt đã tăng từ 7.000 tấn/ngày lên gần 10.000 tấn/ngày. Riêng rác thải xây dựng tăng từ 500 tấn/ngày lên 1.500 tấn/ngày…
Lượng rác thải ở TP.HCM không ngừng tăng lên qua mỗi năm. Công nhân kéo bạt che phủ bãi rác nhằm giảm thiểu phát tán mùi hôi ra cộng đồng
Nói về nguyên nhân khiến tình trạng chất thải gia tăng, các chuyên gia cho rằng vì TP.HCM có dân số đông đúc với hơn 10 triệu người sinh sống. Chưa kể mỗi năm hàng trăm ngàn người di cư từ các tỉnh thành, quốc gia khác đến nơi này làm việc. Ngoài ra, TP.HCM có hàng chục ngàn doanh nghiệp mọc thêm mỗi năm. Theo đó, năm 2019, tổng lượng chất thải công nghiệp phát sinh dự ước đã hơn 4.000 tấn/ngày và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
Một vấn nữa còn tồn tại là nhiều doanh nghiệp xử lý chất thải còn lạc hậu. Theo đó, hầu hết các cơ sở tái chế, xử lý chất thải công nghiệp thường tập trung chủ yếu vào kinh doanh phế liệu, có quy mô vừa và nhỏ. Việc mở rộng quy mô xử lý chất thải nguy hại gặp khó khăn về đất và tài chính.
Thắt chặt việc quản lý nguồn thải, chất thải
Với lượng chất thải phát sinh tăng nhanh, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nguồn thải và thu được những kết quả bước đầu như: 100% chất thải rắn thông thường, chất thải rắn công nghiệp nguy hại, chất thải y tế được thu gom, lưu giữ và xử lý an toàn; 100% các khu công nghiệp (KCN) được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và vận hành đảm bảo các quy chuẩn môi trường Việt Nam…
Hiện TP.HCM đã tập trung và thống nhất những giải pháp xây dựng kế hoạch quản lý ô nhiễm công nghiệp và giải pháp thực hiện, trong đó tăng cường năng lực hoạt động của cơ quan quản lý về môi trường; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp; tăng cường trang thiết bị và cơ sở vật chất, sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp. Đối với các KCN, cần hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải, tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại; thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp...
Đầu tư hệ thống xử lý nước thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường
TP.HCM cũng khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch; xây dựng và phát triển các dự án theo cơ chế sạch; xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường; lồng ghép bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. TP tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại; triển khai các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường công nghiệp; tăng cường công tác thanh, kiểm tra; tăng cường công tác điều tra cơ bản phục vụ chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp; rà soát các ngành công nghiệp không được phép hoạt động trong khu dân cư để từng bước di dời, đổi mới công nghệ.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường ngành công thương giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu đến năm 2025, 70%-90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp... đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% các doanh nghiệp ngành công thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Với những nỗ lực trên, chúng ta kỳ vọng bức tranh môi trường của TP.HCM ngày càng xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn. (Tổng hợp)
Theo Ni Na/Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh