8 công trình đạt chứng nhận LEED với thiết kế đầy ấn tượng

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/3/2024 | 9:18:53 AM

Những công trình nhận được chứng nhận LEED không chỉ mang đến không gian sống và làm việc hiện đại, mà còn là minh chứng cho tương lai bền vững của ngành kiến trúc.

Ngành xây dựng là một trong những ngành phát triển nhất trong xã hội, để lại dấu ấn đậm nét tới đời sống, môi trường và nền kinh tế,…. Ngành công nghiệp xây dựng có tác động lớn tới môi trường và cộng đồng, in sâu vào từng cá nhân cả về thể chất và tinh thần. Ngành xây dựng ngày càng vươn xa, thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia. Dẫu vậy, ngành kiến trúc vẫn đang âm thầm "hủy hoại” thiên nhiên. Chúng ta – những con người có nhận thức – có trách nhiệm chung tay cứu lấy môi trường. Và với người kiến trúc sư, trách nhiệm đó bắt đầu từ mỗi công trình thiết kế và dựng xây.


55 Hudson Yards của A. Eugene Kohn và Kohn Pedersen Fox Associates

Những công trình xanh và bền vững là điều mà nhiều kiến trúc sư hướng đến, nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường. Những công trình tiết kiệm năng lượng này sẽ được hệ thống LEED (Hệ thống Lãnh đạo về Thiết kế Năng lượng và Môi trường) đánh giá và chứng nhận. LEED là hệ thống tiêu chuẩn công trình xanh uy tín của Hoa Kỳ được phát triển bởi tổ chức U.S Green Building Council và được sử dụng rộng rãi toàn cầu. Dựa trên LEED, dự án được ghi nhận ở nhiều cấp độ phản ánh nỗ lực vì môi trường: Chứng nhận Bạc, Vàng và Bạch Kim. Các tiêu chí đánh giá gồm tiết kiệm điện năng, vật liệu thân thiện, sử dụng nước hiệu quả, chất lượng không khí trong nhà, và giảm phát thải.

Chứng nhận LEED


Chứng chỉ LEED là một trong những chứng chỉ uy tín nhất

Để đạt chứng nhận LEED, công trình xanh buộc phải vượt qua những đánh giá khắt khe dựa trên nhiều tiêu chí bền vững. Công trình phải trải qua quá trình đánh giá và được Viện Chứng nhận Công trình Xanh (GBCI) cấp chứng chỉ, theo tiêu chuẩn của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) – đơn vị phát triển hệ thống LEED. Sau khi thẩm định, công trình đạt chuẩn xanh sẽ được xếp hạng ở bốn mức:

- Chứng Nhận: Để đạt hạng Chứng Nhận từ LEED, công trình cần đạt 40 – 49 điểm.

- Bạc: Để đạt hạng Bạc, công trình cần đạt 50 – 59 điểm.

- Vàng: Để đạt hạng Vàng, công trình cần đạt 60 – 79 điểm.

- Bạch Kim: Để đạt hạng Bạch Kim – một trong những hạng cao nhất – công trình cần đạt trên 80 điểm.

Mục tiêu của hệ thống xếp hạng LEED:


Dưới đây là một số mục tiêu chính mà hệ thống xếp hạng công trình xanh LEED hướng đến:

- Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá.

- Giảm thiểu tác động khí hậu đô thị lên toàn cầu.

- Thúc đẩy nền kinh tế bền vững và xanh hơn.

- Xây dựng những công trình tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

- Phát triển khung/tiêu chuẩn giúp các nhà thiết kế và người dân nâng cao ý thức trách nhiệm về môi trường và phát triển bền vững

- Kiến trúc và thiết kế công trình xanh ngày nay đang tập trung mạnh mẽ vào các khía cạnh thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Dưới đây là 8 công trình kiến trúc đạt chứng nhận LEED tiêu biểu, truyền cảm hứng trên khắp thế giới:

The Crystal


Dự án The Crystal
Địa điểm: Luân Đôn, Vương quốc Anh
Chứng nhận LEED: LEED Platinum
Kiến trúc sư: Kiến trúc sư Wilkinson Eyre

The Crystal, kiệt tác của Wilkinson Eyre Architects, được mệnh danh là cột mốc toàn cầu về kiến trúc đô thị bền vững. Công trình đạt chứng nhận LEED Bạch Kim, hạng mục cao nhất của hệ thống đánh giá công trình xanh. Đây là một trong những cấu trúc bền vững hàng đầu thế giới, hoàn thành và mở cửa đón công chúng vào năm 2012. The Crystal được thiết kế như một trung tâm toàn cầu về tính bền vững đô thị, nơi quy tụ các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà thiết kế, quy hoạch đô thị và những cá nhân tâm huyết trên toàn thế giới.

The Crystal, với thiết kế hình khối pha lê mang tính biểu tượng, được xây dựng với mục tiêu chính là tạo ra một trung tâm nội bộ xuất sắc về tính bền vững. Công trình đa năng này rộng 6.300 mét vuông, bao gồm trung tâm công nghệ & đổi mới, không gian triển lãm và phòng hội nghị. Đạt chứng nhận LEED cao nhất, tòa nhà này được coi là một "tòa nhà điện” tiên phong, trưng bày các ứng dụng công nghệ thông minh. The Crystal được tích hợp các tính năng bền vững thông minh như: sản xuất năng lượng từ năng lượng mặt trời, thu trữ nước mưa, tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên, cảnh quan bền vững,…. Tòa nhà hướng đến việc tạo ra một cấu trúc tương lai bền vững, nhằm truyền cảm hứng cho việc thiết kế các tòa nhà đổi mới và bền vững trong thành phố của chúng ta.

Vancouver Convention Centre


Dự án Vancouver Convention Centre
Địa điểm: Vancouver, Canada
Chứng nhận LEED: LEED V4 Platinum
Kiến trúc sư: LMN Architects, DA Architects and Planners, Musson Cattell Partnership (MCM)

Trung tâm Hội nghị Vancouver, hoàn thành năm 2009, là trung tâm hội nghị đầu tiên trên thế giới đạt chuẩn LEED Bạch Kim về công trình xanh. Thông qua ngôn ngữ kiến trúc, dự án đã khéo léo hòa quyện hệ sinh thái tự nhiên, môi trường đô thị và nét văn hóa địa phương. Tổ hợp công trình ấn tượng này tọa lạc trên nền khu đất công nghiệp cũ ngay cạnh bờ biển trung tâm. Dự án được thiết kế trải dài trên 14 mẫu Anh đất liền và 8 mẫu Anh nhô ra mặt nước.

Công trình là minh chứng về sự kết hợp hoàn hảo giữa các lĩnh vực: kiến trúc, thiết kế đô thị, quy hoạch đô thị và thiết kế nội thất. Nét kiến trúc tạo nên sự gần gũi với cộng đồng, kiến tạo nên một trải nghiệm đô thị ấn tượng. Trung tâm bao gồm không gian hội nghị, khu mua sắm, triển lãm, quảng trường mở, lối đi, đường xe đạp và bãi đỗ. Khu vực ven sông được thiết kế với những không gian công cộng như nhà hàng, cửa hàng, tác phẩm nghệ thuật, cùng cơ sở hạ tầng phục vụ cho các dự án mở rộng ra mặt nước sau này.

Các chiến lược thiết kế thông minh và bền vững đã đưa trung tâm hội nghị này đến với chứng nhận LEED Bạch Kim. Mái nhà xanh tốt là nơi trú ngụ của nhiều loài thực vật và ong, đồng thời đóng vai trò cách nhiệt, điều hòa nhiệt độ và chất lượng không khí. Thiết kế cũng giúp giảm tiêu thụ nước sinh hoạt thông thường, đi kèm với hệ thống xử lý nước thải. Đặc biệt, nguồn nhiệt từ nước biển được sử dụng cho hệ thống máy bơm nhiệt nhằm điều tiết nhiệt độ nội thất.

Olympic House


Dự án Olympic House
Địa điểm: Lausanne, Thụy Sĩ
Chứng nhận LEED: LEED V4 Platinum
Kiến trúc sư: 3XN Architects, Itten + Brechbuhl

Tọa lạc ngay trong một công viên công cộng có ý nghĩa lịch sử tại Thụy Sĩ, Nhà Olympic chính là trụ sở mới của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Công trình nằm trong khuôn viên của một công viên công cộng, nơi có Lâu đài Vidy, một di tích lịch sử từ thế kỷ 18, thường xuyên thu hút đông đảo du khách. Ngôi nhà này được thiết kế bởi hai công ty kiến trúc Đan Mạch và Thụy Sĩ là 3XN Architects và Itten + Brechbuhl. Dự án nhằm mục đích tập hợp 500 nhân viên của IOC, vốn đang làm việc tại bốn địa điểm khác nhau trên khắp Lausanne về dưới một mái nhà chung.

Là một trong những công trình kiến trúc bền vững nhất thế giới, Nhà Olympic đã được vinh danh bởi nhiều chứng chỉ xanh uy tín nhờ thiết kế ưu việt. Kiến trúc độc đáo xoay quanh những giá trị cốt lõi của phong trào Olympic: linh hoạt, minh bạch, vận động, bền vững và hợp tác. Thiết kế của Nhà Olympic khéo léo hòa quyện thiên nhiên và cảnh quan, trở thành một phần liền mạch với không gian công viên rộng lớn. Mặt tiền ấn tượng và giàu tính động của Nhà Olympic lấy cảm hứng từ chuyển động uyển chuyển của một vận động viên. Thiết kế uốn lượn độc đáo đem đến ấn tượng thị giác khác biệt từ nhiều góc nhìn, tượng trưng cho nguồn năng lượng dồi dào của tinh thần thể thao. Ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa nhờ hệ thống kính hai lớp từ sàn đến trần, giúp cách nhiệt tối ưu. Các tiêu chuẩn và tính năng về phát triển bền vững được lồng ghép xuyên suốt quá trình thiết kế và thi công (bao gồm hệ thống cách nhiệt tiên tiến, tấm chắn nắng bên ngoài mặt tiền, thu gọn dấu chân carbon của công trình,…)

One Vanderbilt

Dự án One Vanderbilt
Địa điểm: New York, Mỹ
Chứng nhận LEED: LEED Platinum
Kiến trúc sư: KPF

One Vanderbilt là một trong những tòa tháp văn phòng cao nhất, nổi tiếng với thiết kế bền vững, sử dụng công nghệ xây dựng tiên tiến. Hình dáng thon nhọn đặc trưng của công trình được coi là một biểu tượng tại khu vực trung tâm thương mại, tượng trưng cho sự phát triển mang hơi thở tương lai. Là một tòa nhà xanh đạt chứng nhận LEED Bạch Kim, One Vanderbilt nằm trong top 30 tòa nhà cao nhất thế giới với chiều cao 427 mét (1401 feet).

Hoàn thiện vào năm 2020, tòa tháp văn phòng này đã nhanh chóng khẳng định vị thế như một công trình kiến trúc biểu tượng mang hơi thở tương lai của thành phố New York. Tháp được thiết kế gắn kết liền mạch với không gian công cộng cả bên trong lẫn xung quanh công trình, tích hợp với hệ thống giao thông công cộng của thành phố (nhà ga Grand Central), thể hiện ý đồ kết nối và phục vụ cư dân đô thị. Thiết kế của công trình ưu tiên yếu tố bền vững và tiết kiệm năng lượng nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến. Toàn bộ kết cấu thép của tòa nhà được làm từ 90% nguyên liệu tái chế, góp phần bảo tồn tài nguyên. Ngoài sử dụng vật liệu xanh thông minh và công nghệ tân tiến, các kiến trúc sư cũng áp dụng những giải pháp xanh như hệ thống thu gom nước mưa, ứng dụng vật liệu hữu cơ và lớp kính mặt tiền hiệu năng cao giúp điều hòa nhiệt độ nội thất.

Frick Environmental Centre


Dự án Frick Environmental Centre
Địa điểm: Pittsburgh, Mỹ
Chứng nhận LEED: LEED Platinum
Kiến trúc sư: Bohlin Cywinski Jackson

Trung tâm Môi trường Frick (FEC) là một dự án hợp tác giữa Sở Bảo tồn Công viên Pittsburgh và Chính quyền Thành phố Pittsburgh. Đây là dự án Thách thức Xây dựng cuộc sống đầu tiên trên thế giới, hoàn toàn miễn phí, bền vững và mở cửa cho công chúng, được hoàn thành và khai trương vào năm 2016. Công trình bền vững và hiệu quả này được công nhận là một trung tâm giáo dục về môi trường đẳng cấp thế giới.

Trung tâm Môi trường Frick (FEC) không chỉ là một trung tâm giáo dục môi trường, mà còn là một minh chứng sống về kiến trúc bền vững, chú trọng đến sự hòa hợp với cộng đồng và khu vực lân cận. Tòa nhà tự cung tự cấp này nhằm mục đích tạo ra một ví dụ điển hình về cách kiến trúc và xây dựng có thể hòa nhập với môi trường tự nhiên. Mục tiêu của thiết kế là tạo ra một công trình tiết kiệm năng lượng, sử dụng ít hơn 40% năng lượng và tự sản xuất năng lượng thông qua hệ thống pin mặt trời. Tòa nhà xanh đạt chứng nhận LEED Bạch Kim này là công trình không phát thải ròng (net zero) năng lượng và nước, do đó trở thành một cấu trúc tiết kiệm năng lượng tối ưu. Các chiến lược thiết kế chủ động và thụ động được sử dụng trong quá trình xây dựng trung tâm bền vững này, bao gồm: thu gom và tận dụng nước mưa, giảm thiểu lượng khí thải carbon, sử dụng vật liệu ốp tường có khả năng cách nhiệt cao, sử dụng vật liệu xây dựng có nguồn gốc địa phương, tận dụng hệ thống thông gió tự nhiên,….

Shanghai Tower


Dự án Shanghai Tower
Địa điểm: Thượng Hải, Trung Quốc
Chứng nhận LEED: LEED Platinum
Kiến trúc sư: Gensler

Tháp Thượng Hải, niềm tự hào của Trung Quốc, là công trình cao thứ tư thế giới với 128 tầng. Tòa tháp nằm tại trung tâm của Khu Tài chính Lujiazui, trực thuộc khu Phố Đông mới của thành phố Thượng Hải. Đây cũng là một trong những công trình cao nhất thế giới đạt được chứng chỉ LEED Bạch Kim nhờ vào thiết kế xanh và hiệu quả. Tháp Thượng Hải tích hợp nhiều công nghệ thông minh nhằm tạo nên một tòa nhà bền vững đúng nghĩa.

Tòa tháp đa chức năng bền vững này hội tụ nhiều không gian thú vị, bao gồm trung tâm hội nghị, khu mua sắm, giải trí và văn hóa. Với thiết kế tối ưu để tiết kiệm đến 54% năng lượng tiêu thụ, đây là một công trình mang tính biểu tượng cho kiến trúc xanh. Hình xoắn ốc độc đáo của tòa nhà được kết hợp cùng các công nghệ tiên tiến, hòa quyện những mảng không gian xanh rộng lớn. Hiệu quả trong sử dụng năng lượng đạt được nhờ lớp "vỏ” thứ hai trong suốt bọc quanh công trình, đóng vai trò như một lớp cách nhiệt, giảm nhu cầu làm nóng/làm mát. Các khu vườn và cảnh quan được bố trí khéo léo xung quanh và bên trong tòa tháp ở 9 khu vực khác nhau, chiếm một phần ba diện tích, góp phần tái tạo không khí trong lành. Mặt tiền sử dụng hệ thống tường kính hai lớp giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon. Đáng chú ý hơn cả, tầng trên cùng của tòa nhà được lắp đặt tua-bin gió để tạo ra năng lượng thắp sáng và tiết kiệm điện. Các công nghệ thông minh cũng được sử dụng để theo dõi và quản lý lượng năng lượng tiêu thụ.

Manitoba Hydro


Dự án Manitoba Hydro
Địa điểm: Winnipeg, Canada
Chứng nhận LEED: LEED Platinum
Kiến trúc sư: KPMB Architects

Manitoba Hydro là một tòa tháp văn phòng được thiết kế theo tiêu chuẩn bền vững và hiệu quả, đồng thời là nơi cung cấp năng lượng lớn thứ tư tại Canada. Tòa tháp 22 tầng này được xây dựng với các chiến lược thiết kế và xây dựng tiên tiến, giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể. Thêm vào đó, tòa nhà văn phòng còn đạt được chứng nhận LEED Bạch Kim vì đã tạo nên một "công trình xanh” sống động và bền vững.

So với các công trình khác, tòa nhà văn phòng này có thể giảm đến 70% mức tiêu thụ năng lượng. Một điểm đặc biệt là nhờ có hệ thống tiên tiến, tòa tháp giống như một cơ thể sống, năng động và "thông minh”, tự điều chỉnh theo khí hậu và môi trường xung quanh. Lớp tường kép với kính bao phủ toàn bộ mặt ngoài giúp điều hòa nhiệt độ và cách nhiệt cho tòa nhà. Thiết kế mặt sàn hẹp cùng với những ô kính cao từ sàn đến trần cũng góp phần tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên. Hệ thống tấm chắn nắng bên ngoài giúp điều chỉnh độ chói và lượng nhiệt hấp thụ. Bên cạnh việc tiết kiệm năng lượng, thiết kế cũng đề cao các tiêu chí bền vững khác như giảm tiêu thụ nước, hạn chế chất thải và giảm thiểu khí thải nhà kính.

Taipei 101


Dự án Taipei 101
Địa điểm: Taipei, Đài Loan
Chứng nhận LEED: LEED Platinum (Chứng nhận 3 lần)
Kiến trúc sư: C Y Lee và cộng sự

Taipei 101, trước đây được gọi là Trung tâm Tài chính Thế giới Đài Bắc, từng là một trong những tòa nhà cao nhất thế giới (2004-2009). Hiện nay, đây vẫn là một trong những tòa nhà chọc trời bền vững cao nhất thế giới, tự hào khi nhận chứng nhận LEED Bạch Kim ba lần. Tòa tháp lần đầu tiên đạt được chứng nhận LEED Bạch Kim vào năm 2011, tiếp theo là chứng nhận LEED v4 Bạch Kim vào năm 2016 và gần đây nhất là chứng nhận LEED v4.1 Bạch Kim vào năm 2021.

Taipei 101 từng được vinh danh là "Tòa nhà Xanh cao nhất thế giới” nhờ các phương án thiết kế tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí thải carbon. Tòa tháp gồm 2 phần chính: tháp (dành cho khu văn phòng và trung tâm thương mại) và khu phức hợp thấp tầng. Thiết kế của Taipei 101 không chỉ bền vững với các tính năng thân thiện môi trường mà còn có khả năng chống chịu hiệu quả trước các nguy cơ thiên tai (khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai). Tòa tháp được thiết kế cứng cáp để chống chịu thiên tai nhưng vẫn đủ linh hoạt để chịu đựng động đất. Tính năng tiết kiệm năng lượng là một trong những ưu điểm nổi bật của thiết kế xanh bền vững. Taipei 101 được tích hợp nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường như thu gom nước mưa, hệ thống quản lý nước, lưu trữ năng lượng nhiệt, kính Low-E,…

Theo Hương Giang 
(Biên dịch từ Parametric Architecture)/Kiến Việt

Tags chứng nhận LEED công trình công trình xanh

Các tin khác

Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đến hết quý 2/2024, Việt Nam có 476 công trình xanh với 11,489 triệu m² sàn đạt chứng nhận.

Tuần lễ Công trình xanh năm 2024 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 - 4/10 với chủ đề "Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động thực tiễn".

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, đến cuối quý 2 năm 2024, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển công trình xanh và tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng.

Ngày 10/7, dự án Golden Crown Hai Phong của DOJILAND đã được Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) trao chứng nhận “Công trình Xanh LEED Residential - Silver”, ghi nhận công trình tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục