Thiết kế bền vững: Giải pháp kiến tạo tương lai cho công trình xây dựng

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/3/2024 | 10:13:59 AM

Thiết kế công trình bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang là xu hướng kiến trúc chủ đạo hướng đến tăng trưởng xanh toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hiện nay có rất nhiều cách kiến tạo tương lai bền vững cho công trình xây dựng tại Việt Nam, từ các thiết bị như tấm pin mặt trời, đến các giải pháp thiết kế hoàn toàn mới, giúp tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng.


Công trình được xây dựng bằng việc giữ nguyên kết cấu và tái sử dụng vật liệu mặt tiền.

Nhu cầu nhà ở gia tăng đã tạo nên áp lực đối với môi trường sống của con người chính là lúc các kiến trúc sư (KTS) kiến tạo ra các công trình thiết thực mang nhiều ý nghĩa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đầu tiên là việc cải tiến và tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu thay vì việc tạo ra các sản phẩm chỉ có hình thức đẹp hay tiện lợi. Hay nói cách khác, các KTS cần mạnh dạn bước những bước đi xa hơn việc thẩm mỹ đơn thuần.

Nạn ô nhiễm môi trường đã và đang gióng hồi chuông cảnh báo với toàn xã hội loài người, và thiết kế bền vững chính là một trong những giải pháp hữu hiệu trong ứng phó với nó.

Chia sẻ về điều này KTS Phạm Trung – Trưởng nhóm thiết kế chính của STD Design Conlultant cho biết: "Trong một vài công trình, không hài lòng với các mảng xanh bên ngoài, chúng tôi tạo ra những khu vườn bên trong nhà nơi mà có thể ngắm nhìn từ phòng ngủ, tạo ra ích lợi thực sự cho môi trường sống của chúng ta. Thiết nghĩ, chúng ta cần chú trọng nhiều hơn đến công tác giáo dục các sinh viên ngành kiến trúc, hướng họ nâng cao trách nhiệm đối với thiết kế bền vững. Bên cạnh đó, đã đến lúc các KTS tập trung suy nghĩ nên làm cái mà xã hội cần thay vì mình muốn làm gì theo phong cách, sở thích cá nhân. Vì khi xem xét 1 công trình thiết kế xanh, không hẳn nằm ở việc công trình đó dùng vật liệu tái chế hay vật liệu gì mà cần xem xét tính hữu dụng của công trình đó đối với đời sống xã hội, liệu nó có xứng đáng để được xây dựng hay không”.

Khi đã biết được sự cần thiết xây dựng công trình đó, người KTS phải xem xét toàn bộ chu kỳ tồn tại của công trình, rằng có đảm bảo cho nó có sức sống dài hạn hay chúng sẽ bị phá hủy và tạo ra cả tấn rác thải.

Cụ thể như địa điểm tổ chức tiệc cưới tiết kiệm dành cho công nhân, người có thu nhập thấp thì yêu cầu đầu tư tài chính tối thiểu. Vì vậy, khi nhận công trình, các KTS đã nảy ra ý tưởng và tư vấn cho chủ nhà hàng tiệc cưới ở Bình Thạnh, TP.HCM nâng cấp tòa nhà thay vì phá bỏ và xây dựng lại. Tất cả các chi tiết kết cấu của tòa nhà đều được giữ nguyên, ổn định trước khi mặt tiền tòa nhà được bọc lại từ vật liệu composite đã được sử dụng trước đó. Cải tạo lại công trình giúp chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí nhất là chi phí đầu tư xây dựng, chi phí nguyên vật liệu và thời gian.


Tính bản địa của cảnh quan, góc chiếu của ánh sáng mặt trời, hướng đi của gió tự nhiên từ công trình nằm giữa những căn nhà cổ miền Bắc.

Trong đó nguyên tắc thiết kế, cần hiểu rằng các công trình kiến trúc không thể tồn tại tách biệt với các yếu tố khác như cảnh quan xung quanh, chủ nhân và chức năng của chúng. Cấu trúc bền vững nên được đặt đúng vị trí thích hợp. Ông Trung chia sẻ: "Do đó, chúng tôi thường thiết kế các công trình bằng cách phản ứng với môi trường nơi chúng tồn tại, với tính bản địa của cảnh quan, góc chiếu của ánh sáng mặt trời, hướng đi của gió tự nhiên từ công trình nằm giữa những căn nhà cổ ở Quốc Oai, Hà Nội”.

Công trình 3 tầng với 3 thế hệ sinh sống, được áp dụng khéo léo phong cách đương đại. Thiết kế phù hợp trong việc tạo nên sự tương phản kiến trúc đương đại của ngôi nhà với nét cổ xưa cảnh quan lân cận. Ngôi nhà có một phần mặt hướng Tây chịu nắng nóng được xây "kín cổng cao tường”. Nhóm thiết kế đã xử lý khéo léo với 3 cửa sổ bên hông nhà nhô ra ở hướng ngược lại. Qua đó, cửa sổ đã được che chắn đi phần nắng gắt nhưng vẫn tối ưu được ánh sáng và gió tự nhiên. Gió mát sẽ đi vào thông qua hệ thống cửa sổ được lắp tại tất cả các phòng. Mặt tiền hướng Nam được ưu tiên lắp đặt tấm kính lớn, mang đến một không gian mở, lấy ánh sáng một cách tối đa khi cần thiết. Ngoài ra, ngoại thất của căn nhà còn được kết hợp từ nhiều vật liệu khác như đá ong xám địa phương, đây là loại đá có đặc tính dẻo dai và hấp thu nhiệt độ kém và tỏa nhiệt nhanh, đem lại không gian mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Đối với ngôi nhà nằm chơ vơ giữa những mái nhà tôn hoen gỉ bên cạnh, nằm tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Công trình thu hút sự chú ý của người đi đường bởi vẻ đẹp của hình khối khúc triết và đơn giản đến táo bạo với hệ thống lam trượt bằng gỗ giá tỵ có chức năng đóng – mở tối đa để che mưa che nắng mà không hạn chế tầm nhìn nhưng cũng đồng thời giúp thông gió; kết hợp với trồng xen kẽ cây xanh ngoài ban công để lọc bớt ánh nắng và giảm nhiệt trung gian cho ngôi nhà.


Kiến trúc sư cùng làm việc với các công nhân để tái sử dụng vật liệu công trình cũ.

Áp dụng chiếu sáng và thông gió tự nhiên vào các công trình giúp giảm thiểu điện năng dùng cho thiết bị chiếu sáng nhân tạo và điều hòa nhiệt độ, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu được lượng khí thải carbon và mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến chất lượng môi trường sống bền vững dài lâu.

Bên cạnh đó, một việc quan trọng nữa nên đặc biệt chú ý trong quá trình thiết kế đó là yếu tố địa phương. Các KTS nên ưu tiên sử dụng nhân công và vật liệu tại chỗ nhằm giảm bớt các tác động xây dựng, đưa công trình hòa hợp hơn với cộng đồng và liên kết xã hội xung quanh.

Và tất nhiên, chúng ta không thể nào quên được yếu tố tự nhiên. Từ góc độ vi mô đến vĩ mô, các công trình đang khuyến khích các KTS bắt đầu phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tái tạo lại tính bền vững trong ngành Xây dựng. Với động lực thúc đẩy và nguồn cảm hứng từ tự nhiên, chúng ta hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn, hài hòa với thiên nhiên trên mảnh đất Việt Nam tươi đẹp. Nó cũng chính là kim chỉ nam cho các KTS có quan tâm đến môi trường rằng: Đây chính là con đường và lựa chọn đúng đắn mà các KTS chuyên nghiệp nên quyết tâm đi đến cùng.

Theo Thanh Huyền/Báo Xây dựng

Tags thiết kế bền vững kiến tạo tương lai công trình xây dựng tăng trưởng xanh công trình bền vững

Các tin khác

Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đến hết quý 2/2024, Việt Nam có 476 công trình xanh với 11,489 triệu m² sàn đạt chứng nhận.

Tuần lễ Công trình xanh năm 2024 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 - 4/10 với chủ đề "Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động thực tiễn".

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, đến cuối quý 2 năm 2024, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển công trình xanh và tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng.

Ngày 10/7, dự án Golden Crown Hai Phong của DOJILAND đã được Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) trao chứng nhận “Công trình Xanh LEED Residential - Silver”, ghi nhận công trình tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục