Ngày 18/9 vừa qua, Tuần lễ công trình xanh 2023 với chủ đề "Phát triển Công trình Xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng: Cơ hội và thách thức” được Bộ Xây dựng chủ trì diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tìm ra hướng giải quyết những thách thức cản trở việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
Tuần lễ công trình xanh 2023 với chủ đề "Phát triển Công trình Xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng - Cơ hội và thách thức”
Theo Bộ Xây dựng, tổng diện tích các thành phố trên thế giới hiện chỉ chiếm 3% bề mặt trái đất nhưng lại chiếm đến 70% tổng lượng khí nhà kính vào khí quyển. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức về cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, biến đổi khí hậu, gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường ở quy mô toàn cầu. Vì thế, việc chú trọng phát triển xanh nói chung và xây dựng công trình xanh nói riêng đang là chủ đề bức thiết của toàn thế giới, kể cả Việt Nam. Để đối phó với những thách thức trên, Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng nhiều hoạt động hội thảo, trao đổi, tư vấn hướng tới hành động thúc đẩy triển khai công trình xanh, nhưng hiện vẫn còn có nhiều rào cản và thách thức trong quá trình triển khai dưới áp lực thời gian.
Theo đó, tại tọa đàm "Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh”, các cơ quan Bộ, ngành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các hiệp hội và đơn vị tư vấn trong lĩnh vực liên quan đến công trình xanh và tiết kiệm năng lượng đã đưa ra nhiều thách thức cần Chính phủ phải thực hiện các hành động quyết liệt hơn. Thứ nhất là hoàn thiện và đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể về triển khai công trình xanh. Thứ hai là đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, đánh giá vật liệu và sản phẩm xây dựng được dán "nhãn xanh”, giúp chủ đầu tư dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận với các sản phẩm phù hợp. Thứ ba là nâng cao nhận thức người dân về lợi ích của công trình xanh trong cộng đồng, đưa ra các chương trình giúp nhận thức lợi ích công trình xanh để người dân sẵn sàng đầu tư, tạo nhu cầu lớn về dự án xanh. Ngoài ra, việc xây dựng và sớm triển khai khung pháp lý và lợi ích cho người mua dự án, cư dân, chủ sở hữu nhà đang đầu tư và sinh sống tại các dự án đạt chứng nhận xanh cũng là việc cần được lưu tâm. Cuối cùng là thống nhất cam kết phải đi liền với những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của tất cả các bên liên quan.
Ông Laurent Bouet – Giám Đốc Phát Triển Hệ Thống Phủ Sàn, Sika Châu Á-Thái Bình Dương và bài chia sẻ
Theo ông Jacobo Perez Polaino – Tổng Giám đốc Sika Việt Nam, cung cấp sản phẩm xanh ra thị trường thôi là chưa đủ, để nhanh chóng đạt mục tiêu đề ra các doanh nghiệp vật liệu xây dựng còn cần phải xanh hóa ngay từ công trình và dây chuyền sản xuất. Tại tọa đàm, Sika đã chia sẻ cách thức phát triển và nâng cấp sản phẩm theo hướng giảm tác động môi trường đồng thời vẫn giữ hoặc nâng cao tính năng sản phẩm. Sika cũng nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia đầu ngành, các cơ quan, viện nghiên cứu vật liệu quốc gia khi chia sẻ các hướng tiếp cận trong nghiên cứu phát triển sản phẩm bằng cách đưa ra các giải pháp sàn công nghiệp bao gồm: Thay thế và giảm hàm lượng xi-măng trong công thức, kéo dài độ bền hệ thống, hạn chế số lần bảo trì hệ thống, và lựa chọn nguyên vật liệu chứa Cacbon nội hàm thấp để sản xuất sản phẩm.
Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam là diễn đàn uy tín do Bộ Xây dựng chủ trì, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và IEC Consulting là đơn vị phối hợp thực hiện. Chương trình Hội thảo bao gồm 1 Phiên Toàn thể và 4 Phiên Hội thảo chuyên đề tập trung bàn luận vào các vấn đề thực tiễn liên quan đến các xu hướng sử dụng vật liệu, thiết bị cho công trình xanh, phát triển các mô hình khu công nghiệp xanh, toà nhà xanh nhằm nâng cao chất lượng sống và làm việc cho người dân, trao đổi về các cơ chế tín dụng xanh, tài chính xanh – bàn đạp để phát triển công trình xanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Theo Tạp chí Kiến trúc