Phát triển các dự án khu đô thị mới theo hướng XANH, được gọi là các Khu Đô thị Xanh (KĐTX) tại các đô thị Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn, đang dần trở thành một yêu cầu của thời đại, và là xu hướng tất yếu trong tương lai. Nhu cầu tìm kiếm một nơi sống xanh đang dần trở thành một xu hướng mà người dân luôn hướng tới bởi với họ ngôi nhà không chỉ đơn thuần là một nơi để ở mà ở đó sức khỏe và giá trị sống của con người được đặt lên hàng đầu.
Tại Việt Nam, khái niệm về đô thị xanh (ĐTX) và khu đô thị xanh (KĐTX) còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu ĐTX là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái.
Việc nghiên cứu, xây dựng công cụ đánh giá - công nhận Khu Đô thị Xanh tại Việt Nam là cần thiết và sẽ góp phần thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch, Xây dựng, Quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 148/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ06-NQ/TW ngày 24/01/2022; Góp phần thực hiện các định hướng, chiến lược phát triển đô thị Việt Nam, các chương trình, kế hoạch Quốc gia và ngành xây dựng về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; Thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các dự án khu đô thị mới theo hướng xanh, bền vững và có khả năng ứng phó với BĐKH, góp phần thực hiện đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vững thực sự; Tạo ra các môi trường sống có chất lượng đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần cho người dân, tạo ra các cộng đồng dân cư gắn bó, văn minh, có lối sống có trách nhiệm với môi trường và hệ sinh thái.
1. Đề xuất Bộ tiêu chí KĐTX
Trong khuôn khổ nhiệm vụ KHCN "Nghiên cứu hoàn thiện hướng dẫn công cụ đánh giá - công nhận Khu đô thị xanh (KĐTX) tại Việt Nam” do nhóm nghiên cứu của Viện Kiến trúc Quốc gia chủ trì thực hiện trong năm 2021 - 2022, nhóm đã nghiên cứu khảo sát, đánh giá thí điểm tại một số khu đô thị (KĐT) như: Ecopark - Hà Nội, Làng Sen - Long An, Golden Hills - Đà Nẵng; kết hợp nghiên cứu các Bộ tiêu chí của nước ngoài và tham vấn các chuyên gia trong nước, nhóm đã đề xuất xây dựng Bộ tiêu chí KĐTX, làm tiền đề để xây dựng dự thảo thông tư về quản lý đầu tư, xây dựng các khu đô thị mới (KĐTM) theo hướng xanh tại Việt Nam. Nội dung của Bộ tiêu chí được tóm tắt sau đây:
1.1 Giới thiệu chung về Bộ tiêu chí
Bộ tiêu chí KĐTX có kết cấu như sau:
Nhóm điều kiện tiên quyết là những điều kiện bắt buộc phải đạt được, mới thực hiện việc đánh giá xem dự án hoặc KĐT có đạt xanh hay không.
Nội dung bộ tiêu chí được chia thành 6 nhóm bao gồm 30 tiêu chí và 76 hạng mục.
Các tiêu chí được chia thành các hạng mục nhỏ, trong các hạng mục sẽ có thể chia thành các ngưỡng (định lượng) để làm cơ sở cho điểm.
Ví dụ: Tại Nhóm II, tiêu chí 10. Quy hoạch nhóm nhà, Hạng mục 21. Đa dạng loại hình nhà ở để phục vụ đa dạng cộng đồng dân cư và mọi người đều có cơ hội mua/thuê nhà phù hợp với điều kiện của mình. Dự án có hai loại hình nhà ở: 0,5 điểm; ba loại: 1 điểm, bốn loại: 1,5 điểm và năm loại trở lên: 2 điểm. Mỗi loại hình nhà ở cung cấp từ 5 lựa chọn về quy mô diện tích khác nhau trở lên thì được tính 0,5 điểm cho mỗi loại hình nhà ở đó. Như vậy, trong mỗi một hạng mục có thể có các ngưỡng điểm khác nhau.
Bộ tiêu chí KĐTX có thể áp dụng để đánh giá cho các dự án đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư (đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được lập và phê duyệt) và/hoặc có thể áp dụng cho các dự án đã xây dựng, hoàn thiện, đưa vào vận hành khai thác phục vụ đời sống người dân. Nói ngắn gọn, Bộ tiêu chí được dùng để đánh giá cho hai giai đoạn:
+ Giai đoạn chuẩn bị đầu tư (đã có quy hoạch chi tiết được duyệt): điểm tối đa 84 (kể cả điểm thưởng) và 72 (nếu không tính điểm thưởng).
+ Giai đoạn khai thác vận hành (khi 50% dự án đã có thể vận hành, diện tích phần vận hành không nhỏ hơn 20 ha): điểm tối đa 120 điểm (kể cả điểm thưởng) và 114 điểm (nếu không kể điểm thưởng).
Khi áp dụng Bộ tiêu chí KĐTX vào thực tiễn, điều kiện lý tưởng nhất là Bộ tiêu chí được tham khảo và vận dụng ngay từ khâu nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết. Đồ án quy hoạch càng bám sát vào Bộ tiêu chí thì khi đánh giá càng có nhiều cơ hội giành được điểm số cao. Và trên thực tế, công tác quy hoạch quyết định tới 2/3 hiệu quả xanh của các KĐTM. Khi áp dụng Bộ tiêu chí KĐTX để đánh giá và cấp chứng nhận chính thức, đề tài kiến nghị có hai loại chứng chỉ xanh áp dụng cho hai nhóm dự án khác nhau theo giai đoạn như sau:
+ Chứng chỉ "Dự án KĐTX”: được cấp cho các dự án có quy hoạch chi tiết 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Chứng chỉ "KĐTX”: được cấp cho các dự án đã đi vào khai thác, sử dụng được tối thiểu 50% quy mô dự án (bao gồm cả 50% số các công trình dịch vụ công cộng được xây dựng) và không nhỏ hơn 20 ha.
Ghi chú: Số lượng tiêu chí thuộc mỗi nhóm, số hạng mục trong mỗi nhóm và số điểm tối đa mà một dự án có thể đạt được ở giai đoạn quy hoạch và số điểm tối đa mà một dự án có thể đạt được ở giai đoạn khai thác, vận hành.
1.2. Điều kiện tiên quyết
Điều kiện tiên quyết chủ yếu liên quan đến các quy định pháp quy bắt buộc như: phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (nếu có), và tuân thủ các quy chuẩn xây dựng hiện hành. Đối với chủ đề quy hoạch và phát triển KĐTX, các quy chuẩn sau đây là điều kiện tiên quyết:
- QCXDVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng, các mục:
+ Yêu cầu về đơn vị ở (Phần 2.2).
+ Yêu cầu về dịch vụ công cộng (Hạ tầng xã hội) (Phần 2.3).
+ Yêu cầu về Kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị và bố cục các công trình đối với các khu vực phát triển mới (Phần 2.6).
+ Yêu cầu về Không gian và sử dụng đất các khu vực hiện hữu của đô thị (Phần 2.7).
Và các nội dung liên quan khác gồm:
- QCXDVN 07:2016/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- QCXDVN10:2014/BXD về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
1.3. Các nhóm tiêu chí cơ bản
Nhóm I: Vị trí và địa điểm Xanh, gồm 6 tiêu chí lớn. Mục đích của nhóm tiêu chí này là thông qua chọn vị trí dự án mà hạn chế phát triển tràn lan ra các vùng xa đô thị gây lãng phí đất, đặc biệt là đất nông nghiệp và đầu tư hạ tầng; thông qua việc ứng xử với địa điểm để khuyến khích các giải pháp thuận thiên như: tôn trọng địa hình, mặt nước và đa dạng sinh học tại địa điểm.
Nhóm II: Quy hoạch và thiết kế Xanh, gồm 6 tiêu chí lớn. Nhóm này tập trung vào các nỗ lực của công tác quy hoạch và thiết kế theo các nguyên tắc quy hoạch thông minh (smart growth) và phát triển bền vững (sustainable development) để tạo ra các đơn vị ở bền vững. Nhóm này chú trọng mật độ dân cư và mật độ xây dựng hiệu quả, đa dạng chức năng sử dụng đất trong dự án, và quan tâm đến việc bố trí các công trình dịch vụ công cộng, công trình nhà ở sao cho tiếp cận dễ dàng, tiện lợi, hiệu quả và gắn kết với giao thông công cộng.
Nhóm III: Giao thông Xanh, gồm 5 tiêu chí lớn. Nhóm này chú trọng việc quy hoạch các KĐT có thể đi bộ dễ dàng tiện lợi đến các tiện ích và công trình công cộng, có môi trường thuận lợi để đi xe đạp, quy hoạch và để dành quỹ đất cho giao thông công cộng, lưu ý các vấn đề đỗ xe và hạn chế những tác hại của giao thông cơ giới tới môi trường và sinh hoạt của người dân trong KĐT. Đây là nhóm vấn đề cần được quan tâm từ khâu quy hoạch, có tính khả thi cao và cần được ưu tiên thúc đẩy tại Việt Nam.
Nhóm IV: Công trình Xanh, gồm 5 tiêu chí lớn. Nhóm này chú trọng vào nỗ lực xanh hóa ở cấp độ công trình kiến trúc, với các tiêu chí liên quan đến việc bố trí hướng ô đất, hướng công trình có lợi về khí hậu, thông gió, chiếu sáng; liên quan đến số lượng công trình xanh được chứng nhận trong dự án và các giải pháp xanh khác liên quan đến công trình.
Nhóm V: Hạ tầng Xanh, gồm 5 tiêu chí lớn. Nhóm này tập trung vào các giải pháp hạ tầng theo hướng xanh, sinh thái như: cân bằng đào đắp trong chuẩn bị kỹ thuật, thu gom và tái sử dụng nước mưa ở cấp độ toàn dự án và từng công trình, có các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm nước trong toàn dự án, và vấn đề thu gom, phân loại, xử lý rác thải, hướng tới việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng và giảm xả thải ròng ra môi trường.
Nhóm VI: Quản lý, vận hành và các sáng kiến Xanh, gồm 3 tiêu chí lớn. Nhóm này sẽ khuyến khích các giải pháp mới, sáng tạo trong các khâu của dự án, kể cả quản lý, vận hành, giáo dục lối sống Xanh cho cộng đồng và tất cả những sáng kiến và nỗ lực ngoài những tiêu chí đã được nêu ở các nhóm trước.
Bảng 2: Bộ Tiêu chí KĐTX 1 (rút gọn đến các tiêu chí, không thể hiện các hạng mục và các ngưỡng)
1.4. Cách tính điểm và phân hạng
Cách tính điểm:
- Tổng điểm chuẩn: là tổng số điểm tối đa của tất cả các hạng mục mà một dự án giả định (có đặc điểm về vị trí và địa điểm tương tự như dự án đang đánh giá) đạt được (không kể điểm thưởng). Ký hiệu là Đmax. Lưu ý, có những tình huống mà tổng điểm tối đa không phải là 78 và 114, ví dụ: khi dự án không nằm ở những khu vực sườn dốc thì dự án không thuộc nhóm có điểm cho hạng mục 10 (tối đa 1 điểm), tức là điểm tối đa sẽ là 77 và 113.
- Tổng điểm của dự án: là tổng số điểm mà dự án đạt được tại các hạng mục (kể cả điểm thưởng). Ký hiệu là Đproj (trong đó project là tên của project được gán ký hiệu khi đăng ký đánh giá - chứng nhận)
- Kết quả xanh - ký hiệu Kx - của dự án được tính bằng: Kx = Đproj x 100/Đmax (%)
Phân hạng:
Nhiệm vụ đề xuất Chứng chỉ KĐTX có 4 mức:
- Đạt: dự án/KĐT đạt Kx >= 45% so với tổng điểm chuẩn Đmax.
- Hạng Bạc: khi dự án/KĐT đạt giá trị Kx >= 50% so với tổng điểm chuẩn Đmax.
- Hạng Vàng: khi dự án/KĐT đạt giá trị Kx>= 70% so với tổng điểm chuẩn Đmax
- Hạng Bạch kim: khi dự án/KĐT đạt giá trị Kx>= 90% so với tổng điểm chuẩn Đmax.
Làng Sen - Long An. Nguồn ảnh: Internet
Mức phân hạng nói trên căn cứ vào thực tiễn tại Việt Nam do việc tạo ra và biết cách tạo ra các KĐTX là chưa phổ biến, cần khuyến khích và đặt mức yêu cầu vừa phải; và căn cứ vào kết quả đánh giá thí điểm cho 3 dự án là Ecopark (thuộc RD57-2017) đạt 68,57% và Golden Hill đạt 47.16% và Làng Sen đạt 58% (thuộc RD06-21). Cả 3 dự án này so với mặt bằng chung trên thị trường đều là các dự án đáng được ghi nhận vì những nỗ lực tạo ra các KĐT có chất lượng và theo hướng sinh thái.
Golden Hills - Đà Nẵng. Nguồn ảnh: Internet
Nếu theo đề xuất phân hạng thì Golden Hill sẽ đạt xanh, Làng Sen đạt hạng Bạc và Ecopark ngấp nghé đạt Vàng.
2. Đề xuất các ứng dụng của Bộ tiêu chí KĐTX
2.1. Ứng dụng như tài liệu hướng dẫn lập quy hoạch các KĐTX
Bộ tiêu chí KĐTX có tiềm năng ứng dụng rộng rãi cho thị trường Việt Nam. Trước tiên có thể nói rằng Bộ tiêu chí là một Khung hướng dẫn lý tưởng, vừa tổng hợp vừa cụ thể cho các chủ dự án và các đơn vị tư vấn khi nghiên cứu lập quy hoạch và lập dự án đầu tư có thể tham khảo để áp dụng vào dự án của mình.
Việc hiểu Bộ tiêu chí và vận dụng vào quy hoạch sẽ đảm bảo khả năng thành công rất cao của dự án, vì tổng số điểm ở giai đoạn quy hoạch chiếm 84/120 điểm là tổng số điểm khi dự án hoàn thành và đi vào đời sống thực, tức là chiếm đến 65% sự "xanh” của dự án cuối cùng.
Vì vậy, ứng dụng đầu tiên và cũng là ứng dụng đơn giản nhất, mang lại tác động rộng nhất cho thị trường Việt Nam chính là "Tài liệu hướng dẫn” lập quy hoạch các KĐT theo hướng Xanh.
2.2. Ứng dụng như một công cụ đánh giá tính "Xanh” của các dự án, các KĐTM
Bộ tiêu chí được biên soạn thành các nhóm, các tiêu chí, mỗi tiêu chí được chia thành các hạng mục đánh giá, trong các hạng mục có đưa ra các ngưỡng, các mức, hoặc các bước điểm để có thể đánh giá, cho điểm đối với từng hạng mục, và tổng hợp lại sẽ cho tổng điểm đạt được đối với từng dự án hoặc KĐT; nên ứng dụng quan trọng nhất của Bộ tiêu chí là dùng để đánh giá được mức độ XANH của dự án hoặc KĐT.
Việc đánh giá có thể được thực hiện theo 2 hướng:
(1) Tự đánh giá để tham khảo, điều chỉnh, rút kinh nghiệm, phấn đấu: hướng áp dụng này dành cho các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, sử dụng bộ tiêu chí này để tự đánh giá, kiểm tra mức độ đạt được của dự án mình và từ đó có những biện pháp điều chỉnh phương án quy hoạch, hoặc bổ sung các giải pháp nhằm đạt được thêm điểm tại các tiêu chí khác.
Ở giai đoạn khởi đầu của phong trào xanh hóa tại Việt Nam, bộ công cụ sẽ được sử dụng để khuyến khích và thúc đẩy chứ không phải công cụ bắt buộc (mặc dù trong tương lai, việc áp dụng có thể được cân nhắc và đưa lên mức yêu cầu bắt buộc).
Để được coi là XANH thì các dự án, KĐT không cần thiết đạt tất cả các điểm ở tất cả các tiêu chí và hạng mục. Dự án chỉ cần đạt được 45% số điểm chuẩn tối đa là được xem là XANH, đạt >=50% số điểm chuẩn tối đa sẽ đạt hạng BẠC, >=70% số điểm chuẩn tối đa sẽ đạt hạng VÀNG, và >= 90% số điểm chuẩn tối đa sẽ đạt hạng BẠCH KIM. Mức ĐẠT XANH là hoàn toàn không khó đối với các chủ dự án nếu thực hiện các bước quy hoạch bám vào tiêu chí ngay từ đầu. Nhưng hơn cả việc đạt số điểm yêu cầu, việc áp dụng Bộ tiêu chí, đánh giá thử và điều chỉnh sẽ giúp các KĐT của mới sẽ tiệm cận gần hơn với tới các mục tiêu phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam.
(2) Đánh giá chính thức để xem xét công nhận:
Bộ tiêu chí sẽ được cơ quan thẩm định của nhà nước dùng để đánh giá mức độ xanh của dự án, hoặc KĐT mới nếu chủ dự án thực hiện "Đăng ký” đánh giá - công nhận cho dự án của mình với Bộ Xây dựng.
Lời kết
Để từng bước XANH HÓA quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam và áp dụng sâu rộng Bộ công cụ và Tiêu chí đánh giá, công nhận KĐTX tại Việt Nam, cần thiết phải thực hiện các điểm chính sau:
- Tổ chức chương trình phổ biến đào tạo chuyên sâu về Bộ tiêu chí và phổ biến Thông tư tới tất cả các địa phương; đưa nội dung đào tạo về Bộ tiêu chí vào tất cả các chương trình CPD (đào tạo thường xuyên) để cấp chứng chỉ hành nghề cho các đối tượng liên quan trên toàn quốc.
- Thiết lập một cổng giao tiếp điện tử về Bộ công cụ KĐTX, có tất cả các nội dung, tài liệu, quy định được đăng tải, có thể truy cập dễ dàng để tìm hiểu, nghiên cứu. Cổng giao tiếp cũng cần có mục Hỏi - Đáp và có chuyên gia trả lời các thắc mắc của những người quan tâm. Việc đăng ký đánh giá - chứng nhận cũng có thể thực hiện qua cổng giao tiếp này, hồ sơ cũng có thể được tải lên. Như vậy sẽ tinh gọn dần các khâu hành chính của quá trình đánh giá - cấp chứng nhận.
- Có chương trình tôn vinh, vinh danh các dự án, chủ dự án xanh trong các sự kiện lớn của ngành. Tổ chức Tuần lễ Xanh thường niên để tôn vinh, triển lãm các dự án công trình xanh, KĐTX Việt Nam.
- Cần có giải pháp chỉ đạo xuống các địa phương yêu cầu các chủ dự án thực hiện theo Bộ tiêu chí và thực hiện đăng ký đánh giá - chứng nhận KTĐX, vì đây là một trong các tiêu chí của Đô thị Tăng trưởng Xanh mà các địa phương đều phải thực hiện theo Thông tư số 01/2018/BXD. Khuyến khích các địa phương xây dựng các cơ chế ưu đãi riêng cho các dự án thực hiện Xanh.
- Trong tương lai, Bộ Xây dựng cũng cần tiếp tục phát triển Bộ công cụ này theo hai hướng: Hướng 1, định kỳ nâng cấp (review) bộ công cụ, thành các phiên bản 2, 3… cho phù hợp với yêu cầu mới; Hướng 2, phát triển các phiên bản nhánh dành cho các đối tượng nhánh như các KĐT hiện hữu, các dự án tái phát triển, các vùng miền đặc thù... để toàn diện hóa bộ công cụ đánh giá và công nhận KĐTX ở Việt Nam.
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
PGS.TS Phạm Thúy Loan
ThS.KS Lê Ngọc Quyên
Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng)
Theo Tạp chí Xây dựng