Phát triển công trình xanh Hà Nội: Xây mới đi đôi với cải tạo đô thị

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2022 | 4:34:18 PM

Hà Nội đang gặp phải những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Vì vậy, phát triển công trình xanh là giải pháp bền vững giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sống. Tuy nhiên, sự quan tâm về công trình xanh vẫn chưa đúng mức.

Những bước đi đầu tiên

Tại Hà Nội, trong những năm gần đây, sự xuất hiện các khu đô thị mới với những chung cư cao tầng hiện đại đã đem đến một hình ảnh về lối sống mới cho cư dân đô thị. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng đã nảy sinh những thách thức đô thị thiếu bền vững, xu hướng kiến trúc bị thương mại hóa, thiếu bản sắc. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm; các hồ, ao bị san lấp, lấn chiếm để lấy đất xây dựng; công viên, vườn hoa, lá phổi xanh của TP bị thu hẹp; nguồn tài nguyên nước đang bị nhiễm bẩn và nguy cơ suy giảm.

Thực tế đáng báo động về ảnh hưởng của đô thị hóa với môi trường sống, cảnh quan và hệ sinh thái đã dẫn đến nhu cầu tìm ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp xây dựng theo hướng phát triển bền vững. Các khái niệm như đô thị sinh thái, kiến trúc thích ứng với khí hậu, kiến trúc sinh thái, công trình xanh… đã xuất hiện và được áp dụng trong thực tiễn. Trong đó phát triển công trình xanh đang trở thành xu hướng không chỉ trong các công trình xây dựng mà cả quy hoạch đô thị.

Đại điện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nếu thời điểm năm 2015, trên địa bàn TP Hà Nội chưa có công trình nào được cấp chứng chỉ công trình xanh, thì trong giai đoạn 2015 - 2020, xu hướng xây dựng các công trình, dự án xanh được quan tâm triển khai. Nhiều chủ đầu tư dự án văn phòng, nhà ở (khu đô thị, chung cư cao tầng, biệt thự...), công trình xã hội (trường học, bệnh viện) phát triển theo xu hướng xanh nhằm bảo đảm sự thân thiện với môi trường, mang lại cảm giác an toàn cho người sử dụng và đạt được nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn này, trên địa bàn TP có 10 công trình xây dựng nghiệm thu được cấp chứng chỉ công trình xanh, cùng với đó có 11 quy hoạch chung đô thị được lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh cho rằng, công trình xây dựng là tế bào các khu đô thị và của đô thị. Đô thị muốn xanh, thông minh, bền vững phải bắt đầu từ từng công trình xây dựng trong đô thị. Xu hướng quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị của Hà Nội xanh, thông minh, bền vững là xu thế chung mà Nhà nước, các địa phương, DN đang hướng tới.

Dưới góc độ chuyên môn, GS.TS Hoàng Mạnh Nguyên - Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới (Đại học Kiến trúc Hà Nội), Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ đô thị xanh chỉ rõ, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, đối với các khu vực đô thị hiện hữu như TP Hà Nội hiện nay, việc phát triển công trình xanh độc lập, đơn lẻ sẽ đi đôi với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị là hướng đi khả thi và phù hợp.


Dự án Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là công trình sử dụng vốn Nhà nước đầu tiên đạt chứng nhận công trình xanh LOTUS. Ảnh: Vũ Lê

Cần sự phối hợp hành động

Mặc dù đã có những kết quả ban đầu nhưng việc hiện thực công trình xanh ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang gặp rất nhiều trở ngại. Theo GS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, thách thức lớn hiện nay là chưa có hệ thống hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy, khuyến khích, bắt buộc các nhà tư vấn, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tuân theo xu hướng thiết kế và xây dựng công trình xanh bền vững, thiếu sự định hướng của Nhà nước cũng như các quy định về luật. Sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn chưa nhiều.

"Việc ứng dụng công nghệ xanh trong các công trình xây dựng hiện nay với chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên việc ứng dụng, triển khai gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những tổ chức, DN đang nỗ lực hướng tới những sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường, không ít hiện tượng mượn mác "xanh” để trục lợi từ chính sách ưu đãi hoặc để tạo ra vẻ ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng mà không thực chất” - GS.TS Hoàng Mạnh Nguyên nhìn nhận.

TP Hà Nội đang hướng tới công trình xanh nhưng những nỗ lực còn riêng lẻ, thiếu sự phối hợp đồng bộ. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng để thúc đẩy công trình xanh phát triển rất cần sự thay đổi tư duy thiết kế của các kiến trúc sư và sự thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội. Để từ đó mọi người đều có trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường sống, tiết kiệm tối đa sử dụng tài nguyên.

Đặc biệt, cần có sự phối hợp hành động giữa các tổ chức liên quan đến việc phát triển công trình xanh như Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội đồng Công trình xanh… để sớm đưa ra một bộ tiêu chí thống nhất đánh giá giúp hướng dẫn thiết kế và định hướng phát triển công trình xanh.

Nhìn từ góc độ chính sách, GS.TS Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, cần sớm xây dựng một cơ chế hỗ trợ và khuyến khích công trình xanh thông qua việc ban hành các hệ thống luật liên quan. Cụ thể là xây dựng cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích phát triển công trình xanh; quan tâm phát triển công trình xanh trong thể loại nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà thương mại được đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Đồng thời hoàn thiện hệ thống định mức, quy chuẩn tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình xanh…

Về giải pháp kỹ thuật, Chủ tịch Câu lạc bộ Mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng Việt Nam (IBPSA - Vietnam), KTS Trần Thành Vũ nêu quan điểm, đối với công trình đủ lớn (từ 2.500m2 trở lên) khi xin phép xây dựng cần có hồ sơ hợp quy tuân thủ các yêu cầu của QCVN 09:2017/BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, ít nhất là ở mức tối thiểu.

Sau đó, công trình nào chứng minh được tiết kiệm năng lượng vượt trội so với mức tối thiểu này thì cho phép nhận một số ưu đãi như cho thêm tầng, thêm mật độ xây dựng hoặc cho vay lãi suất thấp hơn, cấp giấy phép xây dựng ưu tiên, khi vận hành cho phép giảm tiền điện hay VAT trong 5 - 10 năm, có cơ chế thưởng cho những người làm thiết kế... Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhận thức về công trình xanh cần được tuyên truyền trong cộng đồng xã hội để định hướng và thúc đẩy phát triển theo hướng đô thị xanh, kinh tế xanh một xu thế đã được thế giới lựa chọn.
----------------------------
Phát triển công trình xanh tại Việt Nam nói chung, TP Hà Nội nói riêng, bên cạnh việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến rất cần quan tâm đến khía cạnh nhân văn, khai thác tối đa lợi thế của địa phương. Trong mọi hoàn cảnh luôn cần lấy con người là trung tâm, tránh việc sùng bái công nghệ mà bỏ qua những tiềm năng của địa phương, hướng tới sự phát triển hài hòa của môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn. Tôn trọng nguyên tắc khai thác tối đa yếu tố tự nhiên, sử dụng các kỹ thuật xây dựng phù hợp. Có thể cải tiến những kỹ thuật xây dựng dân gian cho phù hợp với thực tiễn, thân thiện với môi trường và xã hội hóa với sự tham gia của cộng đồng.

Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới (Đại học Kiến trúc Hà Nội), GS.TS Hoàng Mạnh Nguyên

Theo KTĐT

Tags công trình xanh Hà Nội cải tạo đô thị đô thị hóa

Các tin khác

Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đến hết quý 2/2024, Việt Nam có 476 công trình xanh với 11,489 triệu m² sàn đạt chứng nhận.

Tuần lễ Công trình xanh năm 2024 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 - 4/10 với chủ đề "Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động thực tiễn".

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, đến cuối quý 2 năm 2024, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển công trình xanh và tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng.

Ngày 10/7, dự án Golden Crown Hai Phong của DOJILAND đã được Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) trao chứng nhận “Công trình Xanh LEED Residential - Silver”, ghi nhận công trình tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục