Thành phố Xanh

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/6/2021 | 2:43:57 PM

Giới kiến trúc và giới đầu tư bất động sản thường hay tranh luận về “Công trình xanh” và “Kiến trúc xanh”. Một số người cho rằng, kiến trúc xanh khác với công trình xanh. Còn số đông thì thấy nó cũng tương đồng, na ná nhau, kiểu như không giống anh em sinh đôi, thì cũng là anh em ruột! Nếu có khác thì chỉ là ở cách đánh giá.

Bởi nói gì thì nói, một công trình xanh (dựa vào khoa học công nghệ) hay kiến trúc xanh (dựa vào giải pháp kiến trúc qua sáng tạo của KTS) chỉ được công nhận là "Xanh” khi tác động của nó đối với môi trường tự nhiên và sức khỏe của con người phải ở mức thấp nhất, và khi sự tác động ấy đến độ bằng 0 thì công trình xanh (hay kiến trúc xanh) đó được gọi là "bền vững”.

Có rất nhiều bộ tiêu chí được áp dụng để đánh giá công trình xanh, như LEED của Mỹ, Grenn Star của Australia, BCA Grenn Mark của Singapore… hay LOTUS do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (thành viên của Hội đồng Công trình xanh thế giới World GBC) đề xuất đang được áp dụng ở nước ta.


Hàng cây xanh rợp bóng mát trên đường Thanh Niên (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Minh

Khoảng hơn mười năm trở lại đây, xu hướng phát triển công trình xanh, kiến trúc xanh được Nhà nước và các hội nghề nghiệp (mà Hội KTS Việt Nam là tiên phong) cổ vũ, khuyến khích. Rất nhiều KTS trẻ đã được tôn vinh trên diễn đàn kiến trúc thế giới bằng các tác phẩm kiến trúc xanh, mà tiêu biểu là KTS Võ Trọng Nghĩa. Trong lĩnh vực BĐS, nhiều nhà đầu tư lớn cũng đã và đang thành công với những sản phẩm chung cư, khu đô thị mới đáp ứng một phần các tiêu chí của công trình xanh. Đây là điều rất đáng mừng và đáng khích lệ. Thế nhưng, các tiêu chí đánh giá công trình xanh hay kiến trúc xanh không phải là bắt buộc (như quy chuẩn, quy định của Nhà nước), mà đó chỉ là khuyến cáo, là đòi hỏi của xã hội trước đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm của KTS, của người xây dựng và các nhà đầu tư (?!).

Khái niệm "Công trình xanh” hay "Kiến trúc xanh” đã trở nên quen thuộc trong hoạt động xây dựng - kiến trúc, nhưng với xã hội, với đại đa số dân chúng, khái niệm trên nghe có vẻ cao siêu, xa vời. Thế nhưng, ở vùng nông thôn người dân từ bao đời nay vẫn "hồn nhiên” tự xây cất lấy chỗ ở của mình rất "Xanh” theo kinh nghiệm truyền thống cha ông "Lấy vợ đàn bà/ Làm nhà hướng Nam”. Cái thủa sơ khai, chả biết gì đến đèn điện, quạt máy… người Việt mình đã biết dựng nhà bằng những vật liệu sẵn có từ ngoài ruộng cho đến vườn nhà. Mà nông thôn đồng bằng Bắc Bộ là ví dụ điển hình. Nhà ở của nông dân được dựng lên trong một khuôn viên có vườn cây, ao cá. Nhà làm ba gian hai chái, vách đất, mái lợp rạ, hay lá gồi, đặt theo hướng nam để đón gió mát về mùa hè, tránh gió lạnh vào mùa đông. Trước nhà có sân rộng để phơi thóc, sinh hoạt gia đình, tiếp đến là hàng cau cao vút, thân thẳng tắp với hương hoa cau dìu dịu và vườn cây, ao thả cá (nếu có). Phía sau nhà thường được trồng chuối vừa cho quả ăn vừa có tác dụng che nắng gắt về mùa hè, ngăn gió lạnh về mùa đông. Bao bọc chung quanh nhà là bờ rào bằng cây xanh, như hàng dâm bụt nở hoa đỏ rực, hay kín dậu mồng tơi. Nhiều làng ở vùng bán sơn địa Sơn Tây do có nguồn đá quý, gọi là đá ong, có màu nâu đỏ, xốp lỗ chỗ như tổ ong, nằm dưới mặt đất, khi khai thác thì đá mềm, nhưng đưa lên bờ thì cứng, và theo thời gian độ cứng càng cao, nên được người dân lấy để xây dựng nhà cửa, tường rào, cổng nhà, cổng làng, các công trình tôn giáo tín ngưỡng như chùa miếu… tạo nên một quần thể kiến trúc nông thôn rất đặc sắc, một không gian sống rất hài hòa, thân thiện với thiên nhiên, với cảnh quan đồng quê, với con người và với cộng đồng làng xã. Kiến trúc làng đã trở thành một phần của kho tàng văn hóa dân tộc, là di sản của nền kiến trúc Việt Nam. Nhưng ngày nay, trước cơn lốc đô thị hóa, hiện đại hóa và đòi hỏi của tăng trưởng kinh tế, cấu trúc làng truyền thống đã và đang bị phá vỡ để thay vào đó là một cấu trúc mới "Phố trong làng” và được sắp đặt theo quy hoạch mới với những kiến trúc phi nông thôn xa lạ. Đây là điều rất đáng tiếc!

Khu đô thị xanh Phú Mỹ Hưng
Khu đô thị xanh Phú Mỹ Hưng (TP.HCM). Ảnh: MH

Các đô thị của chúng ta thì cũng đang đối mặt với những bất cập trong quá trình phát triển. Trong khi chính quyền đô thị đang cố gắng với rất nhiều chủ trương, giải pháp và quyết tâm chính trị để sớm đưa đô thị trở thành đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị 4.0, thì kịch bản cho đô thị xanh vẫn còn nhiều bất cập.

Một đường phố thưa thớt bóng cây, lúc nào cũng tắc nghẽn giao thông, đầy bụi, khí thải và tiếng ồn bởi tiếng động cơ, tiếng còi xe rú rít thì sao gọi là xanh được.

Những ngôi nhà phố với mặt tiền bưng kín bởi biển quảng cáo xanh đỏ, hay ban công, lô gia được bảo vệ bởi "những chuồng cọp” thì sao gọi là ngôi nhà xanh.

Những tòa nhà chung cư cao ba bốn chục tầng bằng bê tông và kính đứng san sát nhau trên dọc các trục đại lộ gây ra hiệu ứng bê tông, hiệu ứng nhà kính, ngày ngày thải vô vàn khí CO2 vào bầu trời thì sao gọi là chung cư xanh.

Các dòng sông trong thành phố đã và đang chết, trở thành những cống hở chứa nước thải và rác thải, cùng các hồ nước đang bị ô nhiễm nặng nề đe dọa sự tồn vong của các loài thủy sinh thì thành phố sao gọi là xanh.

Thành phố không thể "Xanh”, khi mà người dân vẫn vô tư xả rác xuống đường, nơi công cộng. Khi mà văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông không được coi trọng, thì việc xén vỉa hè, dải phân cách, chặt cây xanh để mở rộng đường nhằm giảm ùn tắc chỉ là biện pháp tức thời.

Có rất nhiều, rất nhiều vấn đề phải giải quyết để xây dựng một thành phố xanh. Dẫu biết rằng, khái niệm "xanh” không phải chỉ nói về cây xanh, mà theo như Osman Attmann "Xanh là khái niệm biểu tượng, bao gồm các thuật ngữ bền vững, sinh thái và hiệu quả”, hay như Ken Yeang thì "Kiến trúc xanh hoặc kiến trúc bền vững đơn thuần chỉ là những thuật ngữ khác nhau về vấn đề thiết kế với thiên nhiên, thiết kế với môi trường”. Nhưng cây xanh, mặt nước, không gian xanh, không gian công cộng bao giờ cũng là những yếu tố để tạo ra một đô thị xanh.

Thành phố sẽ không thể "xanh” khi mà giá trị của không gian công cộng, vườn hoa, công viên không bằng giá trị của các dự án bất động sản?!

Còn bây giờ, khi mà câu chuyện về đô thị xanh còn chưa biết đến khi nào mới có hồi kết, thì mỗi một gia đình chúng ta trong đô thị hãy tự làm xanh hóa ngôi nhà của mình để môi trường sống được trong lành hơn, để con người gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn.

Nếu được như vậy, là chúng ta đang góp phần vào xây dựng thành phố xanh của mình.

KS Phạm Thanh Tùng
Nguồn: Báo TN&MT

Tags Công trình xanh Kiến trúc xanh Xây dựng Kiến trúc Khu đô thị xanh

Các tin khác

Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đến hết quý 2/2024, Việt Nam có 476 công trình xanh với 11,489 triệu m² sàn đạt chứng nhận.

Tuần lễ Công trình xanh năm 2024 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 - 4/10 với chủ đề "Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động thực tiễn".

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, đến cuối quý 2 năm 2024, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển công trình xanh và tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng.

Ngày 10/7, dự án Golden Crown Hai Phong của DOJILAND đã được Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) trao chứng nhận “Công trình Xanh LEED Residential - Silver”, ghi nhận công trình tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục