Những “đô thị xanh” trong lòng Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/2/2021 | 9:27:02 AM

QLMT - Hà Nội đang trong quá trình vươn mình, kiến tạo mạnh mẽ, kéo theo xu thế hình thành nên các khu đô thị thông minh, xanh và đáng sống đã và đang trở thành hướng phát triển tất yếu. Vấn đề đặt ra hiện nay là, việc phát triển các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng cần được kiểm soát. Nói cách khác, thời điểm này rất cần đặt ra các tiêu chí trong phát triển khu đô thị mới về “xanh”, “thông minh”, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.…

nhung-do-thi-xanh-trong-long-ha-noi-1
Hà Nội đang nỗ lực phát triển theo hướng đô thị xanh. Ảnh: Giang Nam

Xanh hóa để chống bê tông hóa

Thời gian qua, chất lượng không khí tại Hà Nội luôn có chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng kém và xấu, gây hại đến sức khỏe con người. Để giải bài toán ô nhiễm không khí, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp giải quyết tổng thể trong đó phát triển không gian xanh trong đô thị là tất yếu. Tuy nhiên, hiện mục tiêu này khó thực hiện bởi hiện nay mật độ dân số đô thị ngày một tăng, điều này kéo theo diện tích đất dành cho vườn và cây xanh công cộng càng hạn chế.

Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, Chuyên gia dự án thành phố Sống Tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ, hiện nay trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người, thậm chí người dân sinh sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30cm2/người. Đáng ngại là, khi so sánh về không gian xanh của Hà Nội với các thành phố trên thế giới hoặc tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị thì đều quá thấp.

Quanh câu chuyện này không khó để thấy, ngoài quận Hoàng Mai có diện tích công viên Yên Sở lớn, 4 quận nội thành cũ đều có chỉ tiêu diện tích cây xanh trên đầu người thấp. Điều này càng thấy rõ ở các quận, huyện đang có mức đô thị hóa nhanh như Đống Đa, Thanh Xuân, Gia Lâm.

Được biết, công tác phát triển đô thị, chủ yếu là các khu đô thị mới được triển khai từ những năm 1990. Đến nay, Hà Nội đã có hàng loạt khu đô thị mới hiện đại, văn minh ra đời. Tuy nhiên, chỉ có một số khu đô thị bảo đảm đồng bộ hạ tầng, còn lại khá nhiều chủ đầu tư chỉ tập trung vào xây nhà để bán.

Ở những khu này, chủ đầu tư chỉ tập trung vào làm các công trình, trong đó có nhà ở để kinh doanh lấy lãi, còn việc xây dựng các hạ tầng xã hội thì ít được chú trọng. Ngoài ra, vấn đề kết nối các hạ tầng kỹ thuật như: Giao thông, điện, nước, đường thoát thải… với các khu vực xung quanh chưa tạo nên sự đồng bộ.

Bên cạnh đó, nhiều dự án khu đô thị mới với thiết kế hiện đại được triển khai, nhưng lại thiếu những khoảng không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên. Tại nhiều nơi, người dân Thủ đô phải sống trong những căn hộ, nhà ở cứng nhắc, thiếu sự đầu tư thiết kế không gian sống bền vững. Có thể lấy ví dụ ở khu đô thị Linh Đàm. Khu đô thị mới này từng được xem là một trong những "điểm sáng” đầu tư bài bản, công nhận là đô thị kiểu mẫu.

Tuy nhiên, dân số nơi đây tăng nhanh, trong khi không xây dựng thêm được công viên cây xanh, hệ thống công viên cũ không đáp ứng được nhu cầu… điều này khiến khu đô thị kiểu mẫu dần trở nên quá tải. Hệ lụy nhãn tiền là tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực tăng, không gian công cộng cho người dân hạn chế, diện tích không gian xanh ít ỏi… khiến chất lượng sống của dân cư khu đô thị bị kéo giảm.

Đó là những mặt trái, tuy nhiên không thể phủ nhận thời gian qua Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn, phát triển không gian xanh để người dân thụ hưởng. Trong những quy hoạch phát triển, yếu tố không gian xanh, không gian công cộng cũng được chú trọng. Cụ thể, từ năm 2014 Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù.

Ngoài ra, ít năm gần đây không ít các khu đô thị mới "xanh”, "sinh thái” có tỷ lệ diện tích cây xanh, mặt nước lớn so với tổng diện tích đất khu đô thị ngày càng nở rộ, hình thành nên một xu thế được người dân đô thị quan tâm. Có thể kể đến khu đô thị xanh Ecopark có quy mô lớn nhất miền Bắc với diện tích phát triển lên tới 499,9 ha, trong đó có hơn 110 ha cây xanh, hồ nước; khu đô thị Park City với khoảng 65% diện tích hạng mục xây dựng dành cho thảm thực vật, cảnh quan không gian xanh và tiện ích; Khu đô thị Quốc tế Nam Thăng Long – Ciputra Hà Nội với 50,8 ha cây xanh và 26,1 ha hồ nước…

Điểm chung từ những khu đô thị xanh giữa lòng Hà Nội là các khu nhà ở được quy hoạch xen kẽ với khu công viên cây xanh, các hồ nước tạo cảnh quan đẹp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc hiện đại và hệ thống cây xanh sinh thái với mật độ cao, đa dạng. Tựa như những resort thu nhỏ, các khu đô thị này được bao phủ bởi những không gian xanh mướt mát giúp con người như hòa mình với thiên nhiên, từ đó tạo nên cảm giác dễ chịu, thư thái, không gian thoáng đãng.


nhung-do-thi-xanh-trong-long-ha-noi-2
Tỷ lệ diện tích cây xanh trồng trong các khu đô thị cao sẽ thu hút sự quan tâm của người dân nhiều hơn, tính thanh khoản của các dự án cũng cao hơn. Ảnh: Giang Nam

Hướng tới vì một Hà Nội xanh

Bàn về tiềm năng của những khu đô thị đi theo hướng xanh hóa, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho thấy, năm 2020 những sản phẩm bất động sản trong các khu đô thị thông minh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với các dự án thông thường.

Không những vậy, những dự án có quy hoạch bài bản, đảm bảo hiện thực hoá được những bản vẽ đẹp thành những khu đô thị có sức sống, vì con người thì luôn có sức cạnh tranh cao và có giá bán cao vượt trội. Ngược lại, các sản phẩm nhỏ lẻ dần vắng bóng và không còn sức hút như dự án lớn được ứng dụng giải pháp thông minh.

Nhiều tiềm năng song đến nay để hiện thực hóa những yếu tố xanh hóa trong các khu đô thị dường như vẫn gặp không ít rào cản. Dễ thấy, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước hoặc khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái… tuy nhiên, ít ai hiểu, đó là yếu tố đúng song chưa đủ.

Nói cách khác, để một đô thị chuẩn xanh phải đáp ứng được 7 tiêu chí: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Là một doanh nghiệp kiến tạo nên khu đô thị xanh đáng sống mang tên Ecopark, ông Nguyễn Công Hồng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark, chia sẻ bản thân doanh nghiệp phải luôn đề cao triết lý gắn con người gần với môi trường. Và để làm được điều này thì hãy phát triển cây xanh.

Dẫn chứng từ Ecopark, ông Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh, khi triển khai trong thực tế, Ecopark đưa ra nguyên tắc diện tích cây xanh mặt nước phải đảm bảo trên 22% và cây phải là cây trưởng thành, có 3 tầng cây: Thảm cỏ, bụi hoa và cây xanh. Nếu làm tốt việc này, và thực tế Ecopark đã chứng minh, nó sẽ tạo ra cảnh quan đô thị hấp dẫn. Ngoài ra, diện tích cây xanh thảm cỏ lớn sẽ tăng độ thẩm thấu nước mặt, giảm áp lực tiêu thoát nước.

Đó là cái lợi nhìn thấy ngay được. "Khi có một không gian thiên nhiên tốt, công viên cộng đồng tốt thì sẽ không chỉ thu hút được khách vãng lai mà còn tạo ra được môi trường sống khác biệt mà chính cư dân tại Ecopark cũng thấy yêu nơi mình sống” - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark bày tỏ quan điểm.

Ngoài khái niệm về đô thị xanh, hiện có không ít nhà đầu tư muốn phát triển về lĩnh vực này nhưng vướng mắc ở chính sách. Do vậy, để nâng "chuẩn xanh” trong các khu đô thị mới, bên cạnh nỗ lực của nhà đầu tư thì còn cần hỗ trợ bệ đỡ chính sách. Ví dụ, khi nhà đầu tư được giao dự án thì phải khuyến khích áp dụng những chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu thiết kế uy tín, phải khuyến khích bằng cơ chế, ít nhất là chấp nhận suất đầu tư cho chủ đầu tư hoặc là phải có cơ chế giao đất…

Chỉ ra những khó khăn cụ thể, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, xây dựng đô thị thông minh và đáng sống ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Tuy nhiên, từ nhận thức đến phương pháp và quá trình thực hiện có rất nhiều trở ngại, nhất là từ hai phía: Nhà quản lý và các doanh nghiệp bất động sản. "Chúng ta loay hoay trong việc bắt đầu từ đâu và bắt đầu bằng cách như thế nào. Chúng ta cũng gặp phải khó khăn trong việc xác định tiêu chí và đo lường hiệu quả của dự án” - ông Đỗ Viết Chiến chia sẻ.

Trở lại xu hướng sống xanh mà người dân đô thị đang hướng tới, rõ ràng bản thân người dân cũng ý thức rõ được tầm quan trọng của xanh hóa đô thị. Không nói đâu xa, hiện nay, việc đầu tư vào những công trình xanh, những chung cư xanh, thân thiện với môi trường dù biết tốn nhiều chi phí, đắt hơn công trình thường.

Tuy nhiên, những công trình xanh này thường giúp các nhà đầu tư thu hồi được nguồn lợi lớn hơn nhiều so với thông thường. Bởi vậy, bên cạnh khắc phục những yếu kém về chuyên môn trong công tác thiết kế đô thị thì còn cần thêm các chính sách quản lý mạnh mẽ để phát triển theo thiết kế đô thị đúng hướng.

Ở góc nhìn này, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội, cho rằng, Hà Nội đang đứng ở một giai đoạn phát triển mới. Phát triển về chất chứ không phải theo số lượng. Bởi vậy, không có lý do gì chúng ta không quan tâm nhiều hơn đến phát triển không gian công cộng, để chứng minh rằng chúng ta dù không phải thành phố giàu nhất nhưng là thành phố vì con người nhiều nhất.

"Việc phân bổ không gian xanh, không gian công cộng ở Hà Nội không đồng đều. Đất đai trong đô thị không có nơi đâu rẻ, kể cả những thành phố nghèo nhất. Để chất lượng sống của người dân đô thị được nâng cao thì bản thân cộng đồng dân cư cũng cần có trách nhiệm với môi trường sống xung quanh mình, tích cực tham gia vào hoạt động xã hội chung.

Thay vì khẩu hiệu, chỉ tiêu, con số… mỗi ngày chúng ta thấy thêm được một sân chơi nhỏ, thêm được cây xanh, thêm được một nơi cho con trẻ đi lại, vui đùa an toàn thì chúng ta sẽ thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Đây cũng thể hiện sự phát triển phẩm chất của Hà Nội, là phẩm chất về phát triển con người, vì con người và quan tâm đến mọi người” - Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nêu quan điểm.

Một đô thị xanh đúng nghĩa cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí xanh, trong đó có những mảng xanh, không gian xanh. Hà Nội là thành phố vì hòa bình. Đây là một niềm tự hào. Bởi vậy, trong kiến trúc quy hoạch cần phải nỗ lực để gìn giữ. Tin tưởng rằng, bằng sự nỗ lực, Hà Nội sẽ tạo ra thành phố xanh theo cách của riêng mình. Đó là một đại đô thị sinh thái có sự hài hòa giữa màu xanh cây lá với không gian mặt nước theo quy hoạch có tầm nhìn lâu dài.

Đó là những không gian xanh đô thị thể hiện chiều sâu văn hóa cũng như lối sống gần thiên nhiên. Và đó còn là nền công nghiệp xanh, giao thông xanh… Để đạt được những điều này chắc hẳn còn cần nhiều thời gian, công sức và cả tâm sức, thậm chí cần phải trân trọng và biết lắng nghe từng đề xuất, ý kiến của mỗi người dân.

 
Theo Báo  Lao động Thủ đô

Tags Hà Nội đô thị xanh khu đô thị thông minh KĐT

Các tin khác

Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đến hết quý 2/2024, Việt Nam có 476 công trình xanh với 11,489 triệu m² sàn đạt chứng nhận.

Tuần lễ Công trình xanh năm 2024 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 - 4/10 với chủ đề "Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động thực tiễn".

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, đến cuối quý 2 năm 2024, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển công trình xanh và tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng.

Ngày 10/7, dự án Golden Crown Hai Phong của DOJILAND đã được Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) trao chứng nhận “Công trình Xanh LEED Residential - Silver”, ghi nhận công trình tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục